Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:38 (GMT +7)

Một số ví dụ về sự sáng tạo thành ngữ Hán Việt

VNTN - Không thể phủ nhận trong quá trình tiếp xúc và giao lưu ngôn ngữ giữa người Hán và người Việt, tiếng Việt đã có sự tiếp thu cũng như ảnh hưởng từ tiếng Hán. Cụ thể là trong hệ thống tiếng Việt có đến 80% từ Hán Việt. Tuy nhiên bằng tư duy sáng tạo và cách vận dụng linh hoạt trong ngôn ngữ, người Việt luôn biết cách tạo ra những sản phẩm ngôn ngữ độc đáo riêng khác với người Trung Quốc.

Trong tiếng Việt hiện nay có rất nhiều thành ngữ tưởng chừng như được vay mượn dập khuôn từ ngôn ngữ Hán nhưng thực chất nó là sản phẩm sáng tạo của cha ông ta dựa trên cơ sở Hán tự. Tức là từ cơ sở là những văn tự Hán, người Việt tạo ra những thành ngữ mang dấu ấn của dân tộc mình, và chúng ta gọi đó là thành ngữ Hán Việt. Một số thành ngữ đó về cơ bản có cùng nội dung ý nghĩa với những thành ngữ trong tiếng Hán nhưng có đôi chút khác biệt trong thành phần cấu tạo.

Chẳng hạn, để biểu thị ý nghĩa bề ngoài nói lời ngọt ngào, bên trong nham hiểm. Người Việt có câu Khẩu Phật tâm xà. Nếu phân tích các chữ trong câu thành ngữ này, có thể thấy cả 4 chữ đều là chữ Hán: khẩu 口 (miệng); Phật 佛(Phật, đại diện cho những điều lương thiện); tâm 心(trong lòng); 蛇 (con rắn, đại diện cho điều độc ác). Tuy nhiên khi tra cứu các từ điển thành ngữ của người Trung Quốc thì hoàn toàn không thấy sự xuất hiện thành ngữ này, thậm chí khi đọc theo bính âm từng chữ thì người Trung Quốc nghe vẫn không hiểu. Trong khi đó, để biểu thị ý nghĩa như đã nêu trên, người Trung Quốc dùng một số thành ngữ như: Phật khẩu xà tâm, Khẩu mật phúc kiếm.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Trung Quốc thành ngữ đại từ điển giải thích mục Phật khẩu xà tâm như sau: trên miệng thì nói những lời dễ nghe, nhưng tâm địa thì độc ác. Từ điển này cũng giải thích mục thành ngữ Khẩu mật phúc kiếm như sau: miệng (khẩu 口) nói lời ngon ngọt (mật 蜜¨) nhưng trong lòng (phúc 腹 ) độc ác (kiếm 劍). Về cơ bản người Trung Quốc ưa dùng hơn cả là thành ngữ Khẩu mật phúc kiếm với nghĩa đen là ngoài miệng thì nói lời mật ngọt, nhưng trong bụng lại chứa đầy dao kiếm, và biểu thị nghĩa hàm ẩn như đã nêu ở trên. Ngoài ra, thành ngữ Khẩu mật phúc kiếm còn liên quan đến điển cố về Tể tướng Lý Lâm Phủ của Đường Huyền Tông là người có tài nghệ, giỏi thư pháp và vẽ tranh, nhưng cũng là người có tác phong bất chính, phẩm đức không tốt. Ông luôn đố kị với những ai có tài và tìm cách ám hại họ. Khi người khác tìm đến ông ta để cầu sự giúp đỡ ông đều rất vui vẻ nhận lời, tuyệt đối không chối từ. Nhưng sau khi họ đi, ông không những không giúp đỡ họ mà ngược lại còn nghĩ ra phương kế để phá hoại. Ông làm quan trong triều được 19 năm, toàn dùng những thủ đoạn gian trá để đối đãi với người khác. Mọi người dần dần biết được bản chất của ông ta nên gọi ông là “Miệng có mật, bụng có kiếm” (khẩu hữu mật, phúc hữu kiếm 口有蜜腹有劍).

Như vậy có thể thấy, để biểu thị sự đối lập giữa lời nói bên ngoài và suy nghĩ bên trong, người Việt, từ cơ sở Hán tự, đã sáng tạo ra thành ngữ Hán Việt Khẩu Phật tâm xà. Thậm chí để ý tứ này được diễn giải dễ hiểu hơn, cha ông ta sáng tạo ra thành ngữ dân dã gần gũi hơn: Miệng nam mô bụng một bồ dao găm. Bên cạnh đó, đại thi hào Nguyễn Du còn vận dụng thành ngữ này vào miêu tả Hoạn Thư: “Bề ngoài thơn thớt nói cười/ Mà trong nham hiểm giết người không dao”.

Từ việc khảo sát và phân tích ví dụ trên có thể thấy đây là hiện tượng khác biệt trong việc sử dụng bộ phận cấu tạo nên thành ngữ giữa ngôn ngữ của hai dân tộc. Cùng một nguồn “nguyên liệu” (chữ Hán) nhưng trong các ngôn ngữ khác nhau lại được cấu thành những “sản phẩm” có hình thức khác nhau mặc dù vẫn biểu thị cùng một ý nghĩa.

Sự khác biệt trong các bộ phận cấu tạo nên thành ngữ còn có thể thấy khi đối chiếu một số thành ngữ Hán và thành ngữ Hán Việt khác như: Nhất cử lưỡng đắc (Hán) = Nhất cử lưỡng tiện (Hán - Việt); An phận thủ kỉ (Hán) = An phận thủ thường (Hán - Việt); Thượng lộ bình an (Hán) = Nhất lộ bình an (Hán - Việt); Cửu tử nhất sinh (Hán) = Thập tử nhất sinh (Hán - Việt)...

Tuy vậy, sự khu biệt giữa những thành ngữ Hán và thành ngữ Hán Việt nêu trên không phải là tuyệt đối. Tức, trong một số trường hợp, người Trung Quốc vẫn sử dụng những thành ngữ Hán Việt tuy nhiên những thành ngữ đó chỉ được dùng một cách hiếm hoi.

Như Châu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy