Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
17:11 (GMT +7)

Một giọt máu đào

1. Theo Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học), máu được định nghĩa ở nghĩa gốc là “chất lỏng màu đỏ chảy trong các mạch của người và động vật, có vai trò quan trọng nhiều mặt đối với sự sống của cơ thể”. Thực ra có thể khẳng định rằng, máu là thứ chất lỏng quan trọng bậc nhất đối với mọi cơ thể sống, bởi mất máu đến một mức độ nào đó cũng có nghĩa là sự sống cũng chấm dứt. Từ vai trò quan trọng đặc biệt ấy, máu trong tiếng Việt tiếp tục được phái sinh thêm các ý nghĩa khác để chỉ những phạm trù thuộc tinh thần.

xxxxhhhh
Hình minh họa, nguồn: Internet

Ý nghĩa tiếp theo của máu được Từ điển tiếng Việt ghi nhận, đó là sự thể hiện cái quý nhất - tính mạng của con người. Bởi máu cũng chính là tính mạng, nên trong tiếng Việt mới có những cách diễn đạt như: nợ máu, mở con đường máu, đổ máu ngoài chiến trường... Sự ham mê quá mức một thứ gì đó mang đặc trưng tâm lý cá nhân cũng có thể diễn tả bằng máu, chẳng hạn: máu rượu, máu cờ bạc, máu dê, máu làm ăn, máu tham… Ở khu vực ngữ nghĩa thứ ba này, máu mang hàm ý chê bai, phê phán là chính.

Trong thành ngữ tục ngữ của người Việt, máu còn ẩn dụ cho cả sự độc ác, tàn nhẫn, vu oan tội lỗi cho người khác như trong câu “ngậm máu phun người”, máu có thể ẩn dụ cho sự trả giá như trong câu “lời nói đọi máu”. Dĩ nhiên, vẫn trong kho tàng dân gian, máu còn có thể biểu trưng cho những ý nghĩa tích cực bởi tính giá trị của máu luôn là điều được thừa nhận. Vì thế, ta mới có những câu như “máu chảy ruột mềm” hay “một giọt máu đào hơn ao nước lã” để chỉ tình cảm máu mủ ruột thịt, cùng chung cội nguồn huyết thống giữa hai người trở lên với nhau.

Trong văn hóa của người phương Đông, máu còn gắn với sự thiêng liêng qua hành động cắt máu ăn thề để thể hiện tình cảm gắn bó, cùng hướng đến một quyết tâm chung nào đó. Mở đầu tiểu thuyết lịch sử Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung (bản dịch Phan Kế Bính), ta gặp hình ảnh ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi cùng cắt máu ăn thề tại vườn đào, quyết tâm giết giặc cứu nước. Trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XV, hội thề Lũng Nhai là một sự kiện nổi tiếng, gắn với việc Lê Lợi cùng 18 tướng lĩnh cắt máu ăn thề nguyện cùng sống chết với nhau, quyết tâm đánh đuổi giặc Minh.

2. Trong thi ca Việt Nam từ xưa đến nay, máu đi vào nhiều tác phẩm với các biểu hiện phong phú, sống động, gợi nên nhiều tầng ý nghĩa. Đầu tiên, máu có thể là những trực tả theo nghĩa đen, đó thực sự là những đổ máu bởi bom đạn, bởi chiến tranh. Những giọt máu đổ xuống gắn với những cá nhân cụ thể. Đó có thể là một người con gái Việt Nam như trong bài hát của Trịnh Công Sơn, đó có thể là một chú bé liên lạc mang tên Lượm như trong bài thơ của Tố Hữu: Người con gái một hôm qua làng/ Đi trong đêm, đêm vang ầm tiếng súng/ Người con gái chợt ôm tim mình/ Trên da thơm vết máu loang dần (Người con gái Việt Nam da vàng), Bỗng lòe chớp đỏ/ Thôi rồi Lượm ơi/Chú đồng chí nhỏ/ Một dòng máu tươi (Lượm). Những giọt máu đổ xuống gắn với bao buồn thương, xót xa, đau đớn vì phải chia lìa mãi mãi với những kiếp người.

Vẫn là máu trong chiến tranh, nhưng có khi lại là những biểu hiện đầy kiêu hùng, dũng cảm, đồng nghĩa với sự vượt lên muôn ngàn chông gai khó khăn. Chiến tranh càng khốc liệt thì càng hun đúc cho sự quả cảm của con người, để rồi chói ngời rực rỡ: Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu), Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa (Đất nước – Nguyễn Đình Thi).

Tả về những cây xà nu bị bom đạn Mỹ chặt đứt, những giọt nhựa ứa ra từ thân cây được nhà văn Nguyên Ngọc ví như những cục máu, mãnh liệt và bi tráng: “Ở chỗ vết thương nhựa ứa ra, tràn trề, ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn” (Rừng xà nu). Cũng trong thi ca thời chiến, có cả những giọt máu lặng lẽ, trầm buồn như trong câu lục bát nổi tiếng của thi sĩ Hoàng Cầm, có sự hiện diện ở đó tới bốn cái chết: cái chết của lá, cái chết của người, cái chết của ngày và cái chết của năm: Lá đa lác đác trước lều/ Vài ba vết máu loang chiều mùa đông (Bên kia sông Đuống).

Khi giọt máu xuất hiện, trong nhiều trường hợp, nỗi đau tinh thần là thứ được đẩy lên tới đỉnh điểm chứ không phải là đau đớn thể xác. Chính đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã từng nhiều lần tả về máu theo cách như vậy: Một cung gió thảm mưa sầu/ Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay,/ Thẫn thờ lúc tỉnh lúc mê/ Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao. Trong thơ Việt những thời kỳ sau, nhiều nhà thơ vẫn sử dụng máu như những ẩn dụ, đó có thể là nỗi đau đớn âm thầm như trong thơ Hồng Thanh Quang: Ta yêu em đến mức chẳng còn ghen/ Chỉ lặng lẽ đau đớn điều đã mất/ Như giọt máu âm thầm rơi vào đất; đó cũng có thể là những nghiệt ngã cay đắng của cuộc đời như trong thơ Đồng Đức Bốn: Khi cuộc đời còn lắm bão nhiều giông/ Còn người tốt ít hơn kẻ xấu/ Trên đất rắn chân đi còn bật máu/ Em bỏ chồng về ở với tôi không. Hoàng tử thơ tình Xuân Diệu cũng đưa cả giọt máu vào trong những diễn tả về nỗi nhớ người yêu: Nhớ em như một vết thương/ Trong lòng như vỡ mảnh gương trong lòng/ Tay cầm cốc thủy tinh trong/ Trong tay bóp nát máu ròng ròng sa.

3. Nhìn lại lịch sử thi ca Việt Nam hiện đại, hai thi sĩ có nhiều dụng công hơn cả khi xây dựng những hình tượng thơ với máu, đưa máu thành những biểu tượng, phải kể đến Hàn Mặc Tử (1912 - 1940) và Thanh Tùng (1935 - 2017). Trong thơ Hàn Mặc Tử, máu gắn với nỗi đau đớn tuyệt vọng của một con người lâm trọng bệnh và cô đơn tột cùng, đang ngày ngày nhìn mình giã từ cuộc sống một cách héo mòn, không cách nào cưỡng lại. Máu khi ấy là những bi kịch khủng khiếp, thi sĩ từ nội tâm ra đến ngoại cảnh đều nhìn thấy máu đổ, máu trào, cũng có nghĩa là sự sống mỗi ngày mỗi giờ một tàn phai. Máu ứa ra từ lòng mình và máu phủ hết vào ngoại vật: Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy/ Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra (Say trăng), Một bài thơ cháy tan trong nắng dọi/ Một lời run hoi hóp giữa không trung/ Cả niềm yêu, ý nhớ, cả một vùng/ Hóa thành vũng máu đào trong ác lặn (Trường tương tư). Thi sĩ nhìn mặt trời, mặt trời biến thành máu; nhìn bông phượng, bông phượng thành máu, từng con chữ viết ra cũng thành máu nốt: Bao giờ mặt nhật tan thành máu…/ Sao bông phượng nở như màu huyết (Những giọt lệ), Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt/ Như mê man chết điếng cả làn da (Rướm máu).

Còn với thi sĩ Thanh Tùng,  trong tuyển tập thơ gồm 142 bài của ông có tới 22 bài nhắc đến máu, tổng số lần xuất hiện của tín hiệu này lên tới 31 lần. Bắt đầu từ thi phẩm nổi tiếng Thời hoa đỏ, máu là những nồng nàn, mãnh liệt, tiếc nuối, xót xa: Cái mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ; máu trong các bài thơ khác cho ta thêm nhiều biểu hiện riêng biệt và phong phú. Máu có khi là một sự thương tổn trong tâm hồn: Anh đang trôi đi nhợt nhạt/ Vết thương ấy nặng nề đến nỗi/ Máu thấm vào tất cả xung quanh (Giã từ). Máu có khi là sự thất vọng, bải hoải, rã rời: Ôi tới lúc sợi tơ cuối cùng không giữ nổi/ Và máu kia chết tím cả trời xanh (Thu tàn). Máu có khi là niềm tự hào, trân trọng, thiêng liêng: Chỉ tiếng nói mẹ cho tôi vẫn giữ trong mình như máu chảy (Ở sân bay Thái Lan). Máu là nội lực, là niềm tin: Máu ta hát lên bộn bề cung bậc/ Trong bài ca mới nhất của muôn đời (Miền yêu), Máu tôi còn đủ đỏ/ Để phương trời nơi ấy cháy thành thơ (Hải Phòng lúc ra đi). Máu trong tình yêu là những bi kịch, đớn đau, đôi khi bàng hoàng thảng thốt đến kinh dị, ngỡ ngàng: Những mùa thu ướt máu vẫn đi về (Thất tình), Tôi vẫn của một thời sầu muộn/ Vầng trán xanh đẫm máu những chiêm bao (Con đường em xưa).

4. Đất nước Việt Nam đã trải qua bao cuộc chiến tranh vệ quốc. Máu của cha ông hy sinh đã đổ xuống lẫm liệt và bi tráng trên mảnh đất này để cho chúng ta có được ngày hôm nay: Sẽ còn in như dao khắc lòng tôi/ Dáng đồng đội ngã trong giờ chiến đấu/ Ngực áp sát cột biên cương đỏ máu/ Mà môi cười tha thiết Việt Nam ơi (Tôi không thể nào mang về cho em – Hoàng Nhuận Cầm). Và trách nhiệm của những thế hệ hôm nay cũng như mai sau, như liệt sĩ Vũ Xuân đã viết trong cuốn nhật ký của mình, là hãy làm sao “đừng để hoen ố máu của những người đi trước”

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy