Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
16:14 (GMT +7)

Đôi điều về “Tam tài”

 

1.“Tam tài” là gì?

“Tam tài” không đơn giản là một khái niệm mà là một phạm trù cơ bản của triết học cổ đại phương Đông. “Tam tài” được xây dựng trên nguyên lý số lẻ, từ đó phát sinh thành ngũ hành, căn nguyên của mọi sự biến hóa trong tự nhiên. Về sau, “Tam tài” được xem là một thuật ngữ của tính danh học, học thuyết kế thừa triết học cổ đại Trung Quốc, lấy nhân vật làm mục tiêu, lấy thể cách làm đối tượng.

Đôi điều về “Tam tài”
“Tam tài” bao gồm ba yếu tố: Thiên, Địa, Nhân

Hai chữ “Tam tài” xuất hiện sớm nhất trong sách Kinh Dịch, phần Thuyết quái như sau: “thị dĩ lập thiên chi đạo viết âm dữ dương, lập địa chi đạo viết nhu dữ cương, lập nhân chi đạo viết nhân dữ nghĩa. Kiêm tam tài nhi lưỡng chi, cố Dịch lục họa nhi thành quái” (Tạm dịch: cho nên đạo lập thiên gọi là âm và dương, đạo lập địa gọi là nhu và cương, đạo lập nhân gọi là nhân và nghĩa). Đồng thời có đủ tam tài thì hai quẻ chồng lên nhau, cho nên Kinh Dịch mới có 6 nét vẽ (6 hào) tạo thành một quẻ).

2.“Tài” có phải là “phép”?

Muốn trả lời được câu hỏi này, cần căn cứ vào nội hàm ý nghĩa của chữ tài 才. Trong Hán ngữ đại từ điển của Trung Quốc, chữ tài才 có 8 nét nghĩa cơ bản, trong đó đáng chú ý là nét nghĩa thứ 5. Sách này giải thích như sau: “Tài, thông nghĩa với chữ “tài vật”. Nghĩa thứ nhất là bản tính, tư chất; nghĩa thứ hai là tài liệu ” (才,通“材”。(1)本性,資質;(2)材料). Hiện tượng thông tá hoặc giả tá là hiện tượng tương đối phổ biến trong Hán ngữ, đặc biệt là Hán ngữ cổ do đó việc thông tá ở đây là điều dễ hiểu. Như vậy, “tài” trong “Tam tài” phải được hiểu là tài vật. “Tam tài”, hiểu một cách đơn giản nhất là tài vật ở ba cõi trời (Thiên), đất (Địa) và người (Nhân).

Một điều đặc biệt nữa là trong tất cả các nét nghĩa của chữ tài, Hán ngữ đại từ điển không có nét nghĩa nào là “phép”. Vậy “tài” không thể là “phép” như nhiều người lầm tưởng, và “Tam tài” được hiểu một cách đơn giản là ba yếu tố cơ bản trong vũ trụ tạo nên các mối quan hệ biến hóa của vạn vật.

“Tam tài” bao gồm ba yếu tố: Thiên, Địa, Nhân

3.Nội hàm cơ bản của “Tam tài”

Như trên đã nói, “Tam tài” bao gồm ba yếu tố: Thiên, Địa, Nhân. Do đó, nội hàm ý nghĩa của “Tam tài” cũng là nội hàm ý nghĩa của ba yếu tố này, và mối quan hệ giữa chúng.

Đầu tiên, Thiên có thể được hiểu là Trời. Trời có tính siêu việt, là tinh thần tối thượng, đại diện cho tính dương. Trong Kinh Dịch, Trời được biểu thị bằng quẻ Càn (Kiền). Ngoài ra, Trời còn có tính vạn năng. Tính cách vạn năng thể hiện khắp muôn nơi muôn vật, hoặc hiển nhiên hoặc tiềm ẩn, cho nên con người, trong một lúc nào đó, theo nghĩa dự phóng, đã mặc cho các hiện tượng tự nhiên, nhu mưa gió sấm sét, biển sông, thảo mộc những hình ảnh mang nặng tính chất thần linh. Đặc biệt, Trời mang tính chất trường cửu, tồn tại vĩnh viễn trong tư duy của con người.

Địa, vốn được hiểu là Đất. Đất có các đặc điểm cơ bản như tượng trưng cho tính âm; có tính cách nhu thuận, trong Kinh Dịch, Đất là quẻ Khôn; tượng trưng cho vật chất hữu hình; có tính cách phối hợp nhuần nhuyễn với Trời (Thiên). Địa luôn tồn tại kết hợp hài hòa với Thiên. Đó là biểu hiện của sự kết hợp giữa thể chất và tinh thần. Thiếu một trong hai yếu tố trên thì không có sự tồn tại của sự vật.

Nhân, vẫn được xem là Người. Đây là yếu tố quan trọng vì là giao điểm của Thiên và Địa. Con người nhờ sức mạnh của Trời, thuận theo mệnh Trời mà làm vua trên mặt đất. Con người sinh ra là một thực thể có sự hài hòa giữa hai yếu tố âm - dương. Vì thế con người đã sẵn có lưỡng tính tương đối, không thể độc hành một chiều, mà luôn song hành đắp đổi theo nhịp uyển chuyển của âm dương: vừa nhu vừa cương, lại vừa tĩnh vừa động. Đây cũng là tính cách nửa hữu hình nửa siêu hình, nửa vật chất nửa tinh thần, vừa lý trí vừa tình cảm của con người. Do đó yếu tố Nhân là yếu tố quan trọng, to lớn trong việc điều hòa Trời và Đất.

Như vậy, có thể tóm lược nội hàm ý nghĩa của “Tam tài” bằng mấy chữ trong thiên Tế nghĩa, sách Lễ Ký như sau: “Trời sinh, đất dưỡng, người vĩ đại” (Thiên chi sở sinh, địa chi sở dưỡng, vô nhân vi đại).

1 đã tặng

0

0

0

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy