Tản mạn về tên gọi bốn mùa
Giữa cái nóng oi bức của mùa hè Bắc Bộ, người ta dễ thèm cảm giác mát mẻ của mùa thu, sự ấm áp kèm theo gió đông của mùa xuân, hoặc thậm chí có người còn mong muốn cái giá lạnh của một buổi chiều đông nào đó. Quy luật của tự nhiên là vậy, hết xuân, đến hè, sang thu và cuối cùng là vào đông. Quy luật đó thuộc nguyên lý của “dịch”, tức đạo của tự nhiên. Trong bài viết này, tác giả sẽ mạn đàm về tên gọi “tứ quý” (4 mùa) cũng như thuộc tính ngũ hành của các mùa này.
1.Mùa xuân - hành mộc
Một năm bắt đầu bằng mùa xuân, điều đó mọi người đều biết, tuy nhiên ý nghĩa của chữ “xuân” là cụ thể như thế nào, có lẽ cũng nên bàn qua một chút. Chữ “xuân” có gốc Hán, được cấu tạo theo phép hội ý trong lục thư. Trong giáp cốt văn (chữ trên mai rùa và xương thú), chữ “xuân” có dạng萅 thuộc bộ thảo đầu 艹 kết hợp với chữ đồn 屯 ở giữa và cuối cùng là bộ nhật 日. Vì là chữ hội ý nên khi chiết tự có thể căn cứ vào từng bộ phận của chữ để giải nghĩa. Thảo biểu thị cây cỏ, đồn là sự quần tụ, và nhật tượng trưng cho mặt trời. Như vậy, chữ “xuân” có thể được lý giải là mầm cây cỏ đâm xuyên qua mặt đất, dưới ánh nắng mặt trời cùng sinh trưởng, quần tụ lại và phát triển. Từ đó, mùa xuân được coi là mùa sinh trưởng của vạn vật, cây cối. Ngoài ra, chữ đồn xuất hiện với tư cách là một bộ phận trong chữ “xuân” còn có chức năng thanh phù, tức khiến cho chữ này đọc âm “xuân” chứ không phải bất kỳ một âm đọc nào khác. Về sau chữ “xuân” được viết thành 春, và thuộc bộ nhật 日.
Trong ngũ hành, mùa xuân thuộc hành mộc, đứng ở phương đông. Mộc biểu thị cho sự ôn hòa, những người thuộc hành mộc có thiên hướng nhân ái, tính tình hòa nhã, được mọi người yêu thương.
2.Mùa hạ - hành hỏa
Có lẽ rất khó để xác định được từ khi nào mùa thứ hai trong năm lại được gọi là mùa “hạ”. Theo một số sử liệu, chữ “hạ” từng xuất hiện trong sách Thượng thư, nguyên văn câu đó như sau: “nhật nguyệt chi hành, tắc hữu đông hữu hạ”, nghĩa là mặt trời (ngày), mặt trăng (tháng) chuyển động ắt có đông, có hạ. Như vậy rõ ràng, chữ “hạ” ở đây đã được dùng để biểu thị một mùa trong năm, tức là nó là kết quả sự vận động của thời gian (ngày tháng) thông qua các sự vật trong đại tự nhiên mặt trời và mặt trăng.
Mặt khác, căn cứ vào tự dạng của chữ “hạ” trên giáp cốt văn có thể nhận thấy đây là hình vẽ của một con côn trùng, cụ thể theo các học giả Trung Quốc là La Chấn Ngọc, Vương Quốc Duy, Diệp Ngọc Sâm nhận định thì đây là hình vẽ của con ve, hoặc cũng có thể con dế hoặc con châu chấu, phía trên là tượng của mặt trời. Căn cứ vào đặc điểm tự nhiên, những con vật này đều sinh trưởng và phát triển rất mạnh vào mùa hạ. Mùa xuân vừa qua đi cũng là lúc thực vật sinh trưởng và phát triển đến mức cao nhất, và thành quả là chúng sẽ kết trái. Có lẽ vì những lý do đó mà mùa thứ hai trong năm được gọi là mùa hạ, ở Việt Nam vẫn quen gọi là mùa hè. Về sau, tự hình Hán của chữ “hạ” được viết thành 夏, thuộc bộ tuy. Mùa này thuộc hành hỏa trong ngũ hành, tính tính nhiệt, biểu thị phương vị Nam.
Chữ “hạ” trên giáp cốt văn biểu thị con côn trùng
Trên đây chỉ lý giải chữ “hạ” với vai trò ý nghĩa chỉ một mùa trong năm, không lý giải những nét nghĩa khác của chữ này.
3.Mùa thu - hành kim
Trong một năm, có lẽ mùa thu là mùa để lại cho con người ta nhiều cảm xúc nhất. Vậy, từ đâu mùa thứ ba trong năm lại được gọi là mùa “thu”?. Đầu tiên, xét đến phương diện ngữ âm, vì là một từ gốc Hán cho nên khi giải tìm hiểu cần truy nguyên gốc Trung Quốc của nó. Bốn mùa trong một năm đại biểu cho bốn loại thời tiết, người Trung Quốc cổ xưa thường nói: xuân ấm, hạ nắng, thu khô, đông lạnh. Như vậy đặc trưng của thời tiết mùa thu là khô hanh. Xét trên phương diện ngữ âm, chữ “thu” 秋 có âm đọc là “qiū”, ngữ âm cổ đọc giống với chữ “táo” 燥 (zào) có nghĩa là khô. Tuy nhiên, cách giải thích này chỉ phù hợp với ngữ âm của người Trung Quốc.
Đối với người Việt Nam, giải thích một chữ Hán bằng hình ảnh sẽ dễ tiếp nhận hơn nhiều. Chữ “thu” xuất hiện sớm nhất được tìm thấy trên bốc từ (lời bói toán) thời nhà Ân ở Trung Quốc. Dạng chữ giáp cốt của “thu” gồm hai phần, phần trên vẽ con côn trùng (con dế), phần dưới vẽ đốm lửa. Đây là một chữ thuộc phép hội ý trong lục thư. Chữ này vốn mang nghĩa là chỉ hoa màu đã chín, đã thu hoạch được. Người xưa phát hiện ra rằng dế thường kêu vào mùa thu nên đã mượn hình ảnh con vật này để chỉ mùa thu, kết hợp đốm lửa bên dưới vốn chỉ hành động quen thuộc của cư dân nông nghiệp, khi thu hoạch hoa màu, lúa gạo xong, gặp thời tiết hanh khô họ sẽ đốt những phần bỏ đi của cây hoa màu như thân, gốc, cành cây... trên đồng ruộng. Điều này vừa bổ sung được dưỡng chất cho đất vừa giúp tiêu diệt được những côn trùng có hại cho mùa sau. Vì vậy sau này, chữ “thu” được cách điệu thành sự kết hợp của bộ hỏa 火 chỉ lửa và chữ hòa 禾 chỉ ngũ cốc, hoa màu. Trong ngũ hành, mùa thu thuộc hành kim, tính mát.
Chữ giáp cốt “thu” gồm con dế và đốm lửa
4.Mùa đông - hành thủy
Mùa đông là mùa cuối cùng trong năm, đại diện cho mùa đông là sự giá lạnh. Vì lẽ đó đã từng có sự giải thích về tên gọi mùa đông như sau: vì thời tiết lạnh nên nước đóng băng lại, tức là “đống” 凍 (nước đóng băng), chữ “đống” phát âm gần giống với “đông” 冬, nên gọi mùa này là mùa “đông” (1). Cách lý giải dựa trên phương diện ngữ âm này thiếu căn cứ và thiếu sức thuyết phục. Để giải thích một chữ Hán, tốt nhất vẫn nên căn cứ vào tự dạng từ thuở sơ khai của nó.
Chữ Hán, đặc biệt là những chữ Hán cổ có hiện tượng giả tá hoặc thông tá, tức có thể dùng chữ này để biểu thị ý nghĩa của chữ kia. Chữ “đông” 冬 trên giáp cốt văn được vẽ bằng sợi dây có thắt nút ở hai đầu, biểu thị cho sự kết thúc, điểm cuối, đây cũng là văn tự sơ khai của chữ “chung” 終 có nghĩa là cuối cùng, kết thúc. Về mặt ngữ âm “đông” và “chung” có nét tương cận, đọc gần giống nhau, theo bính âm Bắc Kinh. Về mặt ý nghĩa, mùa đông là mùa cuối cùng trong một năm, là kết thúc một vòng tuần hoàn thời tiết của một năm, do đó chữ “đông” được dùng để chỉ mùa cuối cùng trong năm. Như vậy, từ hình vẽ sợi dây có hai nút thắt ở hai đầu trên giáp cốt văn đến biểu thị mùa cuối cùng trong năm là một quá trình diễn biến của chữ Hán tương đối hợp lý và thuyết phục.
Mùa đông đại diện cho hành thủy, thuộc âm. Do đó, mùa đông thường mang cho con người cảm giác buồn, cộng với khí hậu lạnh lẽo càng khiến cho nhân sinh dễ dàng nảy sinh cảm thán.
Trên đây là cách lý giải tên gọi bốn mùa trong năm, vì tên gọi bốn mùa đều là những từ gốc Hán, đọc theo âm Hán Việt cho nên để truy nguyên ý nghĩa nhất thiết phải căn cứ vào tự hình, tự dạng sơ khai của nó (giáp cốt văn) mới có thể có cách lý giải thỏa đáng nhất.
--------------
(1) Đây là cách giải thích dựa trên phương diện ngữ âm của người Trung Quốc.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...