Thứ sáu, ngày 15 tháng 11 năm 2024
06:07 (GMT +7)

Một số tác phẩm của tác giả Nguyễn Đắc Thế

Chuyện ít kể về Nhà thơ Hà Đức Toàn 

VNTN - Nhiều người biết ông không phải vì ông đã có hơn 20 năm trong ngành Giáo dục, trong đó có 19 năm đứng trên bục giảng mà người ta còn biết ông vì ông là nhà thơ tâm huyết với Thái Nguyên, với sự nghiệp văn học nghệ thuật Thái Nguyên, các tác phẩm của ông chủ yếu viết về Thái Nguyên, về mảnh đất, con người, những sự kiện lịch sử quê hương. Là nhà văn tuy chưa thực sự nổi tiếng trên văn đàn, nhưng ông luôn được mọi người biết và quí mến bởi cái chất Cát Nê - Đại Từ quê hương ông. Ông sống giản dị và cởi mở, không cao ngạo, lập dị (cái thường gặp ở nhiều văn nghệ sỹ) nên những người đã quen biết ông hay những người mới gặp lần đầu, dù là văn nhân, bạn đọc hay các vị chức sắc trong làng, ngoài tỉnh đều thấy dễ gần. Ông là một trong số ít người được văn nghệ sỹ bầu làm Chủ tịch Hội liền hai khoá mà lại là hai khoá khai thiên lập địa của văn nghệ Thái Nguyên và sau đó ông còn tham gia Ban Chấp hành Hội 2 khoá nữa, mãi tận Đại hội vừa rồi, do sức khoẻ yếu ông mới được nghỉ.

Mặc dù sống với ông nhiều năm, nhưng đến tận bây giờ, khi hoàn chỉnh hồ sơ trình Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho ông (với thành tích liên tục hơn 10 năm làm Chủ tịch Hội) tôi mới phần nào hiểu được quá trình "vượt khó" của ông.

Sinh ra tại một làng nhỏ dưới chân ngọn núi Tam Đảo. Đang học dở cấp III phải bỏ học kiếm sống bằng nghề rừng rú, bè mảng, sau đó học sơ cấp Sư phạm Việt Bắc. Học xong ông được điều đi dạy học tại huyện vùng cao Bắc Sơn-Lạng Sơn, một thời gian sau học tại chức Sư phạm cấp II rồi học Đại học Sư phạm I Hà Nội, sau đó về viết sách giáo khoa tại Khu tự trị Việt Bắc. Giải thể Khu, ông được về dạy tại trường Cao đẳng Sư phạm Việt Bắc, đến năm 1981 chuyển về Đại Từ làm Thường vụ Huyện uỷ, phó chủ tịch UBND huyện. Tưởng rằng, sau nhiều năm lận đận, nay được về gần vợ, gần con, đườg công danh của ông bắt đầu "phát", nào ngờ ông lại mắc phải "chứng" làm thơ, cái “chứng bệnh” đã âm ỉ trong ông nhiều năm, nay được dịp bùng phát giữa lúc giới văn thơ của tỉnh lại rất cần một "thủ lĩnh" như ông.

Thế là, tại Đại hội lần thứ nhất, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, ông được bầu làm Chủ tịch Hội. Hôm về nhậm chức, xe U oát của Huyện uỷ đưa xuống tận khu tập thể Sở Văn hoá Thông tin. Hành trang của ông Tr­­ưởng Ban Tuyên giáo huyện uỷ, nguyên Phó chủ tịch huyện ngoài đồ dùng cá nhân còn lủng củng cả xoong nồi bát đĩa... Những ngày đầu ở Hội, ông hơi bị ngỡ ngàng. Vốn quen với cuộc sống khá đầy đủ và quyền uy của một ông quan huyện, nay mang tiếng là về tỉnh, làm thủ trưởng một đơn vị cấp ngành, nói thì nghe oai vậy chứ đâu được như thế. Cơ quan thì bé tẹo tèo teo, nhà không có, xe thì không, người thì lèo tèo dăm bảy mống, trông ai cũng ngu nga ngu ngơ.  Đã thế đi đâu cũng phải giải thích (mất cả nửa nhiệm kỳ) về chức năng, nhiệm vụ và cả sự có mặt của Hội Văn nghệ trong hệ thống các cơ quan ban ngành của tỉnh. Kinh phí thì quá eo hẹp, động đến cái gì cũng thiếu, cái gì cũng không có chế độ (cho đến bây giờ vẫn vậy) tất nhiên vẫn phải vận dụng mà làm, làm cật lực ấy chứ, thế mà đi đến đâu người ta cũng bảo là Hội văn nghệ các bác (thậm chí có người còn bảo là Đội văn nghệ) vui vẻ là chính chứ có việc gì mà làm. Thôi thì làm sao che được miệng thiên hạ, kệ họ chấp làm gì, mình làm cốt là ở cái tâm ấy chứ, văn nghệ mà có tâm thì làm không hết việc, theo ông, người đứng đầu cơ quan văn nghệ của tỉnh cái tâm có tốt, có sáng thì mới thu phục hay nói đúng hơn là mới tập hợp, đoàn kết được lực lượng, khi đã tập hợp và đoàn kết được lực lượng rồi thì mọi việc sau đó cứ gọi là nhẹ như lông hồng.

Nhiều lúc rượu ngà ngà ông thường nói vui với bạn bè: "Làm văn nghệ là phải chịu được nhục", đấy là ông nói về những ngày đầu mới thành lập, về những lần vất vả, lăn lộn với công việc. Tính ông là vậy, vui vẻ, hài hước, nhưng cũng phải thừa nhận rằng làm chủ tịch hội như ông không phải ai cũng làm được, bởi ông không nề hà bất cứ việc gì? từ việc quan hệ, nhờ vả, kể cả đi bán báo, thậm chí là bốc vác... Chỉ riêng cái việc ông lăn lộn đi bán báo và đi thu tiền tại các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Định Hoá mà kể ra cũng đáng phải kính nể. Nói chung việc gì có lợi cho Hội hay giúp đỡ được anh em ông đều xắn tay vào làm, mà còn rất hào hứng là đằng khác. Còn nhớ, lần tổ chức triển lãm cá nhân của hoạ sỹ Đỗ Tố và hoạ sỹ Dương Thị Nội tại 16 Ngô Quyền Hà Nội, hôm chở tranh xuống trưng bày, đường cấm, xe ô tô không vào Nhà Triển lãm được, thế là phải dỡ tranh xuống, trong khi lái xe đi tìm chỗ đỗ, ông và nữ hoạ sỹ phải khuân hết đống tranh lên tầng 3 nhà triển lãm, trong đó có bức nặng đến 20 kg chỉ mình ông vác lên. Xong việc mồ hôi nhễ nhại, đầu tóc bơ phờ, ông cắm cúi đi tìm xe trong cái nắng trưa gay gắt của Hà Nội. Vừa đi được một đoạn, ông nghe tiếng hò reo sau lưng: "Ông điên chúng mày ơi". Quay lại thấy một lũ trẻ đang chạy theo sau. "Không phải ông điên đâu, Chủ tịch Hội Văn nghệ đấy", ông cười nói vui với bọn trẻ và đi tiếp. Đã thế về đến nhà ông còn khoe với mọi người làm chúng tôi không nín nổi cười.

Riêng cái việc "đi xin" của ông cũng rất ngoạn mục và đầy tính nhân văn.   (Trước tiên xin lỗi bác Toàn, theo tôi, đi xin thì cứ nói là đi xin làm sao cứ phải nói là đi quan hệ, mà có phải đi xin cho mình đâu, mới lại có phải ai  đi xin cũng được đâu). Chả là văn nghệ sỹ thường phải đi thực tế sáng tác, đặc biệt Thái Nguyên là điểm đến rất lý tưởng của văn nghệ sỹ trong Nam, ngoài Bắc, mà đoàn nào ra đoàn ấy "đông dã man" luôn. Tôi nhớ, một lần nhận điện có đoàn văn nghệ sỹ Hà Nội gồm 70 người lên thăm khu ATK Định Hoá, đoàn có nhã ý đến thăm Hội. Tôi liền báo cáo với ông. "Gay nhỉ? Sao mà đông thế, mất mẹ nó tiền nhuận bút 2 số tạp chí". Như chợt nhớ ra điều gì? Ông bảo: "Ông bảo thằng Khút chuẩn bị xe đưa tôi sang gặp ông Thái nhờ thành phố tiếp giúp" (lúc bấy giờ ông Thái là Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên) khoảng nửa giờ sau đã thấy ông trở về, vừa vào tới cửa ông đã tươi cười bảo: "Được rồi, ông điện ngay về Hà Nội bảo họ cho con số chính xác xong báo cho Văn phòng Uỷ ban thành phố để họ chuẩn bị, may quá!". Tôi nghĩ bố này mà làm cầu thủ bóng đá chắc giỏi lắm !

Dạo đó, nhà văn Vi Hồng (nguyên Phó Chủ tịch Hội khoá I) mới được cơ quan thanh lý nhà tập thể, khu nhà đã cũ nát, muốn dỡ ra sửa sang lại nhưng không có tiền. Biết chuyện, ông bảo: "Việc này phải sang gặp ông Ngô Hai đề nghị tỉnh giúp mới được". Thế là ông tức tốc làm công văn "lao" sang Tỉnh uỷ, một loáng sau đã thấy ông về, tay chìa tờ công văn, ông khoe: - May quá, vừa thấy mình vào tới cửa, ông Ngô Hai đã bảo: "Ông Toàn văn nghệ có việc gì đấy, nói nhanh để tôi còn phải đi Hà Nội bây giờ đây". Tôi liền đưa công văn và trình bày. Nghe xong ông ấy ký liền, một triệu đấy, tối nay phải sang gặp ông Mai Phúc Toàn mới có tiền, Tỉnh uỷ chỉ quyết chủ trương thôi. Tối hôm đó, ông cùng lái xe đến nhà Chủ tịch Toàn, thật không may Chủ tịch chưa về chỉ có vợ ông ở nhà. Ông bảo lái xe: - Chắc còn lâu ông Toàn mới về, ông về trước đi xong việc tôi khác đi bộ về. Thế là ông lên xích đu ngồi xem ti vi chờ đợi, xem được một lúc thì ông ngủ thiếp đi lúc nào không biết, mãi đến khi có tiếng gọi ông mới choàng tỉnh dậy. "Tôi đã về được một lúc rồi, nhưng thấy ông ngủ ngon quá không nỡ gọi dậy, thế nào, có việc gì mà nhà thơ phải vất vả đêm hôm khuya khoắt thế này". Ông vội lấy ra tờ công văn đưa Chủ tịch xem và trình bày. "Cứ tưởng văn nghệ các ông chậm chạp ai ngờ trước khi sang đây ông đã gặp Bí thư, tưởng xin cho ông chứ trợ cấp cho nhà văn Vi Hồng thì tỉnh ủng hộ liền". Khi ông ra khỏi nhà Chủ tịch, đường phố đã vắng tanh, tầm này chắc phải hơn 11 giờ, ông tự nhủ, muộn thì muộn cũng phải gọi điện báo ngay cho Vi Hồng để ông ấy mừng. Sau cái vụ xin trợ cấp cho nhà văn Vi Hồng, ông còn xin tỉnh trợ cấp cho một vài văn nghệ sỹ nữa. Khi nhắc lại chuyện này ông cười bảo: "Đúng là cái cơ chế xin cho nhiều khi cũng được việc ra phết".

Rồi chuyện ông "xếp hàng" ở cửa phòng chủ tịch Mai Phúc Toàn để xin chế độ chi tiền ăn, nghỉ cho Trại sáng tác văn học nghệ thuật của Hội... và còn nhiều cuộc "đi xin" không kém phần ngoạn mục khác nữa, song nói ra chắc nhiều người lại bảo: Tưởng cái gì chứ toàn chuyện xin xỏ có gì oanh liệt lắm mà kể ra đây? Xin thưa: cuộc đời này vốn đã lắm chuyện vui buồn, với văn nghệ lại càng không phải là ít, một nhiệm kỳ 5 năm đã khối chuyện, đằng này những mười năm đằng đẵng. Theo tôi, cái việc quan hệ thời nào cũng quan trọng cả, chả thế mà có một nhà gì đó ở bên Mỹ nói rằng: "Người giàu có là người sở hữu nhiều mối quan hệ nhất". Chắc là ông ta nói đúng.

Sau hơn mười năm cống hiến cho sự nghiệp văn học nghệ thuật, cũng từng ấy năm trải qua bao chuyện vui buồn, nay nghĩ lại, những việc ông làm cho Hội đâu phải là ít, thế mà có người lại bảo: "Nếu không có Hội thì bây giờ ông đang cuốc ruộng dưới chân Tam Đảo". Tôi đem chuyện kể. Ông nhảy dựng lên: "Cuốc ruộng là thế nào, bét ra tao cũng phải ở thị trấn Đại Từ". Giọng trầm buồn, ông tiếp: "ở đời có duyên mới được làm việc với nhau, thế mà nhiều người không biết trân trọng, gìn giữ, thế rồi, ông kể cho tôi nghe câu chuyện làm ông buồn đến mấy năm trời. Ngày mới về Hội, ông nghĩ đơn giản, cây nhà lá vườn, sẵn của nhà làm ra, làm sao phải đi mua ở ngoài, vừa đắt, cân lại thiếu,  thế là mỗi lần về thăm nhà sẵn có con "cào cào" nó cõng, ông lại mang xuống 1 bao tải chè để cơ quan vừa uống vừa tiếp khách, chẳng biết có đủ cân không vì không ai cân lại làm gì nhưng đúng là giá có rẻ hơn giá thị trường. Vài năm trời kẽo kẹt đèo chè cho cơ quan thế mà có người lại bảo là ông cho cơ quan uống nước tắm ngựa. Nhìn cái đầu ông lúc lắc tôi biết ông bực lắm.

 Nay ông đã nghỉ hưu, trải qua hai lần tai biến mạch máu não, việc nói năng, đi lại của ông không còn được như xưa, đặc biệt không sáng tác được nữa, được cái ông vẫn năng tới thăm Hội, vẫn quan tâm đến công việc của Hội. Có lần, ông tâm sự: "Bây giờ cái đầu bị đ..ơ...đơ rồi, ẩm IC rồi không viết được nữa, thỉnh thoảng đến chơi với các ông cho vui thôi". Nghe giọng nói chậm rãi, đứt đoạn, nhìn bước chân lập bập của ông, tôi giật mình nhận ra rằng, ngày ông về Hội cũng bằng tuổi tôi bây giờ, cái tuổi tri thiên mệnh, vậy mà đã hơn 20 năm...

Vừa rồi ông đã xuất bản Tuyển tập và được bạn thơ Lưu Thị Bạch Liễu tài trợ buổi ra mắt công bố sách với sự có mặt của đông đủ bạn bè và người thân, thấy ông mãn nguyện lắm. Thế là ước nguyện của ông đã được thực hiện, những đứa con tinh thần của ông đã hoà cùng dòng chảy không ngừng của văn học cả nước, như một nhà văn từng viết:" Tác phẩm của ông không gây những tiếng vang lớn, không làm cho người ta choáng váng bằng sự xộc thẳng, mà nó đi vào lòng độc giả bằng bước chân bình dị, chân chất nhưng giàu nhịp điệu... chất vàng ròng ánh lên trong trong mỗi trang viết của Hà Đức Toàn là cái cảm giác cuộc đời này rất đáng sống, bởi lòng tốt còn hiện diện ở nhiều nơi...". Còn chúng tôi, những người yêu quí ông vẫn gọi đùa ông là nhà hành khất vĩ đại. Nghe xong ông chỉ cười, vẫn cái cười thoải mái như ngày nào. 

9/ 2008

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy