Thứ tư, ngày 01 tháng 05 năm 2024
21:40 (GMT +7)

Một số di tích văn hóa quý ở Tiên Hội

Vừa qua, khảo sát các di tích lịch sử văn hoá ở xã Tiên Hội, huyện Đại Từ, chúng tôi đã phát hiện được một số hiện vật, di vật quý gắn với những di tích ở địa phương. Qua nghiên cứu cho thấy, vùng đất xã Tiên Hội đã được nhân dân dưới xuôi lên khai phá, lập làng từ đầu thế kỷ XVIII, tạo nên làng xóm trù phú, ngày nay thuộc xã Tiên Hội. Sau đây chúng tôi giới thiệu những hiện vật, di vật đã được khảo cứu.

1. Đình Yên Bình

Đình Yên Bình nay thuộc xóm Đại Quyết, là một trong những ngôi đình cũng như bao ngôi đình khác được nhân dân xây dựng để thờ thành hoàng làng. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, ngôi đình Yên Bình cổ đã không còn. Hơn 200 năm sau, vào năm 2016, nhân dân địa phương đã công đức quyên góp tiền của phục dựng lại đình. Ngôi đình có diện tích gần 100 m2, với 3 gian làm bằng vật liệu bê tông cốt thép để cho bà con nhân dân nơi đây sinh hoạt văn hóa tinh thần. Dù ngôi đình cổ không còn nhưng tại đình mới hiện còn lưu giữ một số hiện vật quý như: sắc phong, bia đá.

Sắc phong của đình được cất giữ trong chiếc ống quyển sơn son đỏ đang thờ tại đình. Trải qua thời gian, có lúc sắc phong được đem về nhà thầy cúng cất giữ, khi lại đem lưu giữ tại đình nên 4 sắc phong hiện nay không còn nguyên vẹn, dần tự vụn nát.

Đình Yên Bình được nhân dân xã hội hóa trùng tu tôn tạo năm 2016

Sắc thứ nhất chỉ còn một số mảnh, niên hiệu Tự Đức năm thứ 33, nội dung cho biết: sắc phong cho xã Phú Nông, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên theo trước mà thờ phụng Cao Sơn tôn thần, Giản Linh tôn thần (Thủy thần), các vị được phong là Thượng đẳng thần.

Sắc thứ 2 cũng chỉ còn là mảnh vụn ghép lại, niên hiệu Đồng Khánh năm thứ 2, lại phong cho hai vị Cao Sơn và Giản Linh là Thượng đẳng thần.

Sắc thứ 3 cũng chỉ còn là mảnh vụn ghép lại, niên hiệu Duy Tân năm thứ 3, lại phong cho hai vị Cao Sơn và Giản Linh là Thượng đẳng thần.

Sắc thứ 4 cũng chỉ còn là mảnh vụn ghép lại, niên hiệu Khải Định năm thứ 9, lại phong cho hai vị Cao Sơn tôn thần và Giản Linh tôn thần là Thượng đẳng thần. Đối chiếu với bản thần tích thần sắc do Lý trưởng làng Phú Nông kê khai ngày 30/7/1938 lưu tại địa phương thì hoàn toàn trùng khớp.

Bia đá cổ lập năm Gia Long thứ 5 (1806) ghi việc công đức của đình Yên Bình

Bia đá có tên Hậu thần bi ký, hiện đang đặt tại Nhà bia (Nhà bia do gia đình ông Phạm Văn Các ở Hà Nội công đức năm 2021). Bia đá xanh cổ có kích thước 85 x 45cm, khắc chữ 2 mặt, bên phải bia bị sứt, chữ khắc trên bia bị mờ mòn, nhiều chữ không luận được. Mặt trước (mặt chính), trán bia được khuôn thành 6 ô, 2 ô ngoài tạo hình hoa cúc, 4 ô trong khắc nổi 4 chữ Hán nhan đề văn bia. Dưới lòng bia khắc kín bài ký cả hai mặt bia. Toàn bộ văn bia có khoảng từ 400 chữ Hán Nôm, niên đại Gia Long năm thứ 5 (1806). Văn bia bị mờ tên người soạn không ghi tên người khắc bia. Nội dung văn bia ghi lại: Xưa làng Yên Bình, xã Phú Nông, huyện Đại Từ, phủ Phú Bình, xứ Thái Nguyên có bà tên là Trần Thị Ngân, hiệu Từ Ái, người làng, đã đòi lại được mảnh đất của tổ tiên để công đức vào đình cho làng. Quan viên, hương lão đồng dân trên dưới lại nhất trí lập bia đá khắc ghi công đức để biểu dương bà Trần Thị Ngân, lưu truyền vạn đại.

Qua nghiên cứu cho thấy các hiện vật trên đều có giá trị nhất định giúp người đời sau hiểu thêm về lịch sử, vị trí của công trình văn hóa tín ngưỡng trong tâm thức của nhân dân địa phương gắn với sinh hoạt cồng đồng làng xã xưa kia.

Ngoài ra đình còn lưu giữ được hai bát hương sành cổ có niên đại cuối thời nhà Lê (thế kỷ XVIII). Hai bát hương đều được nghệ nhân dân gian thể hiện những hoa văn đường nét nghệ thuật tạo hình tinh vi, sắc sảo, đạt trình độ nghệ thuật tạo tác gốm sứ cổ. Qua nghiên cứu về phong cách nghệ thuật tạo tác cũng như chất liệu của 2 bát hương cổ đình Yên Bình, so sánh với các bát hương cùng thời trong các di tích trên địa bàn tỉnh, chúng tôi cho rằng đây cũng là sản phẩm của các lò gốm Thổ Hà, Phù Lãng thuộc xứ Kinh Bắc xưa đã chế tác ra.

Các hiện vật cổ ở đình Yên Bình đều rất đáng quí, có giá trị tìm hiểu về quá khứ thăng trầm của ngôi đình. Mặc dù qua sự biến thiên khắc nghiệt của thời gian và biến động của các thời kỳ lịch sử nhưng những hiện vật cổ của đình Yên Bình vẫn được nhân dân gìn giữ như những báu vật, làm cơ sở căn cứ đề nghị các cơ quan hữu quan xem xét nghiên cứu trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của dân tộc.

2. Đình, chùa Trung Na

Từ xưa, thôn Trung Na thờ chung vị thần Cao Sơn tôn thần, Giản Linh tôn thần (Thủy thần) với làng Yên Bình cùng xã. Làng Trung Na xưa kia có đình, chùa nằm trong một quần thể: đình trước, chùa sau. Đình Trung Na xưa không còn, hiện đình mới đã được xây dựng khang trang. Trong kháng chiến đều phải tiêu thổ nên hiện nay chỉ còn một số hiện vật, cảnh quan. Điều đặc biệt, đình, chùa Trung Na được bố trí xây dựng ở đầu làng thuộc vị trí đỉnh đồi cao ráo. Chính diện đình hướng Đông Nam có cánh đồng rộng với cảnh quan cây đa, bến nước, sân đình. Hai cây đa trước cửa đình cổ thụ có khoảng trên 100 năm tuổi sum suê toả bóng mát tạo nên một cảnh trí thâm nghiêm, một bức tranh đặc trưng của làng quê nông thôn Việt Nam.

Một số di vật cổ được tạo tác bằng đá của đình, chùa Trung Na

Đình Trung Na xưa kia có kiến trúc chữ “Đinh”, tiền tế 3 gian, 2 chái, 4 đao cong vút, hậu cung hai gian... Đình được làm bằng gỗ nghiến, cột đình có chu vi tới 45cm. Chân cột được kê bằng đá được đẽo gọt cầu kỳ, chân kê cột đình vẫn còn 6 chiếc. Ngoài ra đình còn 2 bia đá, 1 bát hương đá cổ và tài liệu về thần tích, thần sắc. Xưa đình có 3 sắc phong do triều đình nhà Nguyễn ban tặng, nay không còn.

Đình hiện nay được thu nhỏ xây dựng trên nền cũ. Ngôi đình như một hậu cung lớn kiến trúc theo kiểu chiều dọc, có hai gian với 2 cột xây gạch trát vữa, vì kèo kiểu kèo kìm. Mặt trước đình mở ba cửa, hiên đình được thiết kế theo kiểu vảy hiên, có 4 cột đỡ mái xây bằng gạch trát vữa. Ba cửa vào đình hình chữ nhật có kích thước bằng nhau. Mái đình được thiết kế đơn giản theo kiểu xà ngang trên đặt rui mè, bằng gỗ thường và lợp ngói vuông.

Chùa xưa nằm sau đình, ở vị trí cao hơn đình (đỉnh đồi) phù hợp với quan niệm của người xưa - ngôi vị của Phật bao giờ cũng ngôi vị thứ nhất trong các đấng linh thiêng. Hiện chùa chỉ còn nền. Trải qua quá trình lịch sử vị trí chùa xưa, nhân dân đã làm sân lát gạch, và cũng là nơi sinh hoạt văn hoá tinh thần. Phía bên trái sân gạch có cây đa. Tại phía bên trái ngôi đình hiện nay, nhân dân dựng tạm một ngôi nhà thờ Phật, nhà khung sắt, mái bắn tôn có 3 gian rộng trong đó có đặt các ban thờ Phật. Tháng 12/2021, nhân dân đã khai quật cạnh gốc cây đa trong khu vực sân chùa và đã tìm được thêm 3 hiện vật quý là một phần của tấm bia đá, 2 chiếc đế bia đá.

Xin nêu nội dung và giá trị các hiện vật tại khu di tích như sau:

Bia đá 1, kích thước cao 68cm, rộng 47cm, bia khắc cả 2 mặt, bia không kê chân đế, trán bia khắc Lưỡng long chầu mặt trời, rồng và có nhiều đao mác theo phong cách nghệ thuật thời nhà Nguyễn. Bia Vô đề, đáng tiếc niên đại của bia cũng bị mờ không luận được. Dựa vào phong cách nghệ thuật tạo tác, chữ khắc còn lại trên tấm bia cho phép ước đoán bia được lập vào đầu thời nhà Nguyễn cách ngày nay gần 100 năm. Theo cụ Nguyễn Văn Thụ sinh năm 1933, gần 90 tuổi người địa phương cho biết: Đây là tấm bia ghi lại công đức của cụ Lý Bá Kèng người huyện Phổ Yên, gia đình cụ khá giả đã công đức vào đình 3 sào ruộng nên được lập bia đá cho gửi giỗ tại đình.

Bia đá đình, chùa Trung Na (niên đại thế kỷ XX)

Bia đá 2, chỉ còn lại một phần (khoảng ¼ của tấm bia) và chuôi bia để cắm vào đế bia. Bia làm bằng đá xanh, chữ mờ không đọc được. Cũng theo lời cụ Nguyễn Văn Thụ thì nội dung tấm bia này ghi công đức của cụ Tự Phúc Mại người địa phương đã công đức cho làng 4 sào ruộng ở xứ đồng Giang. Bia đá được lập vào cuối thời nhà Nguyễn thế kỷ XX.

Đặc biệt ở tại khu đình, chùa vật liệu đá mài nhẵn tự nhiên được sử dụng khá nhiều, như chân kê, đá tảng kê bậc thềm cỡ rất lớn, đó là những di vật tiêu biểu chiếm ưu thế còn lại ở đình, chùa Trung Na. Đình, chùa Trung Na là nơi sinh hoạt văn hoá tinh thần của 3 xóm Bãi Cải, Trung Na và Phố Dầu, xã Tiên Hội.

Qua nghiên cứu các di vật ở quần thể đình Yên Bình và đình, chùa Trung Na cho thấy, đây là dấu tích của các công trình văn hóa cổ đã tồn tại lâu đời ở địa phương. Thông qua các tài liệu như sắc phong, bia đá, thần tích cho biết các ngôi đình ở nơi đây đều thờ thần Cao Sơn Quý Minh (Dương Tự Minh) người đã có công với dân, với nước được nhân dân duy trì thờ cúng, công đức tu bổ, tôn tạo.

Các hiện vật nói trên không chỉ có giá trị nghiên cứu, tìm hiểu về một quần thể di tích đình, chùa cổ ở địa phương mà còn phục vụ cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về quá khứ, lịch sử, văn hoá của Đại Từ - một vùng quê miền núi giàu truyền thống lịch sử văn hoá của Thái Nguyên.

Nguyễn Đình Hưng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy