Một phận đời tự hồi sinh
VNTN - Chị Hoàng Thị Mỷ là một phụ nữ bị lây nhiễm căn bệnh HIV từ chồng. Sau cơn chấn động tinh thần, chị đứng dậy, tự hồi sinh cuộc đời mình và trở thành điểm tựa tinh thần cho nhiều người cùng cảnh ngộ. Câu chuyện về chị gợi cho nhiều người nhớ đến câu nói bất hủ của nhà tâm lý học người Mỹ, ông U. Giêm - xơ: “Đừng sợ cuộc sống. Bạn hãy tin rằng đời là đáng sống, và bản thân niềm vui này sẽ giúp bạn biến điều đó thành hiện thực”.
Chị khóc rống lên như đứa trẻ bị đòn. Tiếng khóc của chị làm bà con chòm xóm ngơ ngác, sợ sệt. Đến ngày thứ ba, tiếng khóc của chị ri rỉ như tiếng con mèo ốm. Ngoài đường, có tiếng người hỏi: - Sao nó khóc ghê thế. Một người đáp: - Cả nhà nó sắp chết hết vì căn bệnh “ếch nhái” rồi.
Đó là một ngày của năm 2002, cái tin chồng bị lây nhiễm HIV do người bạn thân mách nhỏ đã như cái tát trời giáng vào cuộc đời chị - Năm ấy, Giàng Thị Mỷ 22 tuổi. Mỷ ngồi ôm chặt hai đầu gối, khóc. Khóc chán Mỷ lại nghĩ: Từ bé tới giờ chẳng đi đâu ra khỏi cái làng quê nhỏ bé thuộc huyện Đồng Hỷ, thế mà lại phải mang căn bệnh chết người này.
Ngoài làm ruộng, chị Mỷ mở thêm cửa hàng cung cấp phân bón cho bà con nông dân trong vùng
Chị hoảng loạn, lo sợ, không may cả hai vợ chồng cùng chết thì hai con còn nhỏ sẽ sống như thế nào. Tiếng khóc hờn của chị đầy ấm ức, ai oán, động lòng cảm thương, nhiều bà con lân cận đến nhà động viên, chia sẻ, nhưng ai cũng sợ bị lây nhiễm HIV.
Chị Mỷ sinh năm 1980. Học hết THCS thì ở nhà cấy lúa, trồng màu đỡ đần bố mẹ. Mỷ đẹp. Nhiều người bảo thế, Mỷ cũng biết như thế. Thấy ở làng nhiều cô gái tần tảo việc ruộng, bãi, da cháy nhẻm, nhưng với Mỷ thì khác, nắng mưa càng làm da dẻ chị tươi hồng, mịn như người suốt ngày ngồi trong bóng mát. Đẹp đấy, song các cụ bảo: “Hồng nhan bạc mệnh”. Nghe thế, Mỷ chỉ cười cho qua chuyện.
Chị cũng không ngờ “lời nguyền” ấy lại vận vào cuộc đời mình. Nghiệt ngã, đau đớn, tủi hổ.
Năm 18 tuổi, chị lên xe hoa. Trai trong vùng nhìn theo nuối tiếc như mất của. Chồng chị tên Tùng, người cùng xóm, họ biết nhau từ tấm bé, nên chẳng hò hẹn yêu đương gì. Một hôm trời tối như đổ mực, Tùng gọi chị ra đầu ngõ, bối rối, bảo: Anh muốn cưới em làm vợ.
Chị bẽn lẽn, hỏi lại: Thật à, nhưng em còn bé.
Bảy hôm sau, bố mẹ Tùng mang lễ sang dạm ngõ. Hai họ tay bắt, mặt mừng. Chị cúi đầu, biết: Ván đã đóng thuyền.
Về nhà chồng, chị sống an phận. Song giấc mơ rất đỗi đời thường của chị không thành hiện thực. Năm chị sinh đứa con thứ 2 được 3 tháng, chồng bỏ nhà chạy theo tiếng gọi ái tình của một người đàn bà lẳng lơ ngoài phố huyện. Chị cắn răng, nín nhịn, không dám nói một lời. Chị nghĩ, mình là đàn bà.
Chồng phản bội, nhưng mọi người trong gia đình, dòng họ bên chồng nhất mực yêu thương, bù đắp cho chị. Thương con dâu, mẹ chồng động viên:
- Đàn ông trăng gió, ghẹo nguyệt, chơi hoa, chán thì lại về với cái nồi cũ con ạ.
- Thưa vâng! - Chị cúi đầu nói lí nhí như đứa trẻ mắc lỗi.
Sau hơn năm bỏ nhà đi, anh về, tiều tụy, thân xác ốm o. Cái vóc dáng cao lớn khỏe khoắn của anh đã bị người đàn bà phố huyện hút hết. Anh khóc:
- Anh là thằng đàn ông đốn mạt. Mẹ con em có thể đuổi anh ra khỏi nhà.
- Đây là nhà anh. Anh đi, anh về là tùy lương tâm. Nhưng anh cần biết trong ngôi nhà này có hai đứa trẻ gọi anh là bố.
Anh nằm bẹp trong nhà vì khổ tâm. Không phải, anh đang bị ốm rất nặng.
Chị giận lắm, không nói gì. Chị thở dài - lúc bỏ nhà đi theo người đàn bà khác, trông anh phong độ biết nhường nào. Vậy mà ngày trở về bên vợ con, anh suy sụp hẳn cả thể xác, tinh thần.
Dù sao đó cũng là chồng mình, là bố của những đứa trẻ gọi chị là mẹ. Chị nhẫn nhịn đưa chồng đi chữa bệnh. Viện tỉnh không khỏi thì viện Trung ương. Thuốc tây chữa không khỏi thì thuốc nam. Các bác sĩ lắc đầu: Bệnh HIV của anh thế giới chưa tìm được thuốc chữa.
Đưa chồng về nhà chăm sóc, chị mong một ngày nào đó điều kỳ diệu đến với mình. Rồi như một sắp đặt của số phận. Anh khỏe khoắn trở lại, cùng vợ làm lụng nuôi con. Chị thầm cảm ơn giời phật đã cho gia đình chị hạnh phúc, đầm ấm như ngày nào.
Nhưng không, đó là những ngày tháng đem đến cho chị nỗi bất hạnh lớn hơn. Vi rút HIV đã từ chồng sang cơ thể chị qua những lần ái ân hạnh phúc.
Chị bị đi ngoài cả tuần, uống thuốc không khỏi, người tọp đi, chân tay rời đã. Chị chết lặng khi nghĩ mình đã bị lây nhiễm HIV.
Nhục nhã, ê chề, chị nhờ người thân đưa về Trung tâm phòng chống HIV/AIDS của tỉnh làm xét nghiệm. Trong lúc chờ đợi kết quả, chị căng thẳng, đầu óc muốn nổ tung. Chị ngất xỉu khi được cán bộ y tế hỏi: - Chị đi khách lâu chưa?
Sau ít ngày tĩnh dưỡng, chị hoàn hồn, lấy hết can đảm để về Trung tâm lấy giấy kết luận xét nghiệm. Nhìn cái dấu cộng màu đỏ và dòng chữ: Dương tính với HIV, chị tím tái mặt mày, hàm cứng lại không nói được. Chị bải hoải đi dưới trời đầy mưa. Chị choáng váng khi nhìn thấy bức tranh đen đúa, có hình bộ xương người vác lưỡi hái tử thần treo bên đường.
Chị kể: Lúc đó tôi chỉ mong có một tai nạn giao thông đến với mình. Vì bị mắc căn bệnh này, là đồng nghĩa với lĩnh án tử rồi. Sống khổ lắm, bị bà con chòm xóm kỳ thị, xa lánh, thậm chí không dám đứng gần nói chuyện.
Chị bước chân về căn nhà lạnh lẽo đầy mùi ẩm mốc, nhìn chồng ốm, con chưa có cơm ăn. Lòng chị quặn lại vì giận chồng, nhưng thương con, chị bỏ qua tất cả, không một lời truy hỏi chồng căn nguyên vì đâu nên nỗi.
Sau cú sốc đau đớn ấy, chị bừng tỉnh nhận ra một gánh nặng cuộc đời đặt lên vai. Đó là căn bệnh của mình, của chồng cần có tiền mua thuốc và các con cần được ăn, học như bạn bè cùng trang lứa.
Chị đứng dậy, bước qua bao lời dèm pha của người đời để vượt lên nỗi đau của căn bệnh HIV. Chị tất tưởi lo việc đồng áng, lo việc trong nhà để giữ hơi ấm hạnh phúc. Thấy vợ chồng chị chí thú làm ăn, người anh ruột bên chồng rủ vào Đắc Lắc buôn bán, làm rẫy. Sẵn có tâm trạng rời bỏ làng đi một nơi thật xa, nên vợ chồng chị khăn gói lên đường, tìm một nơi dung thân, làm lại cuộc đời.
Đó là năm 2003, vợ chồng chị gạt nước mắt giao đứa con lớn cho ông bà nội nuôi giúp và bế theo đứa con nhỏ lên tàu vào miền Nam. Đến vùng đất mới, vợ chồng chị chẳng nề nan việc gì, như dãy có cà phê, mót điều, mót sắn. Vì con còn nhỏ không có tiền gửi nhà trẻ, chị đem theo con lên nương, lúc treo cành cây, khi dải tấm ni lông (áo mưa) ra đất cho con nằm, mẹ làm. Lắm hôm về chỗ trọ, tắm cho con, thấy mình mẩy con bé đỏ tấy vì bị kiến đốt, chị ôm con vào lòng khóc tức tưởi, bảo: Con ơi, tha lỗi cho mẹ.
Khi có lưng vốn, vợ chồng chị đưa nhau về một miệt rừng xa trung tâm thị trấn, mua đất phát rẫy, trồng cà phê, với mong muốn có thêm chút tiền ổn định cuộc sống, và để chữa căn bệnh HIV. Bền bỉ lam lũ, sau 5 năm làm lụng, vợ chồng chị đã mua được gần 10 công đất (1 công đất tương đương với 1.000m2). Nhưng chưa kịp trồng cà phê thì chồng, vợ thay nhau ốm, đành bán hết đất đai trở về Bắc. Chị kể: Mấy ngày tàu xe, lo lắm, chồng tôi cứ rên rẩm rồi nằm lịm trên ghế. Tôi lấy chăn đắp cho chồng, nghĩ: Giả như chồng có chết, cũng không dám kêu, vì sợ nhà xe đuổi xuống ngang đường.
Chị luôn hy vọng vào một phép nhiệm màu xuất hiện có thể cứu được chồng khỏi lưỡi hái tử thần. Dù nhiều lần bệnh viện trả về, bảo chị chuẩn bị lo hậu sự. Nhưng về đến nhà được ít hôm, nhìn chồng đau đớn, chị lại quáng quàng, còn nước, còn tát. Nhà hết tiền, chị về bên ngoại vay tạm, rồi nhờ người đưa chồng đi bệnh viện. Nhưng mọi cố gắng của chị đều trở nên vô nghĩa. Năm 2008, chồng chị bỏ đi về thế giới bên kia, để lại cho chị hai con nhỏ cùng điều tiếng thị phi. Chị bảo: Các con là điểm tựa tinh thần để tôi vượt lên tất cả để sống làm người có ích.
Hằng ngày ngoài việc đồng áng, chị hăng hái tham gia các hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS. Cũng nhờ tham gia hoạt động này, chị hiểu biết hơn về căn bệnh thế kỷ chị mang. Chị sống lạc quan, uống thuốc ARV đều đặn, đúng giờ nên khỏe khoắn, đẹp lại.
Giống như cây trên rừng, sau khi bị đốn ngã, nhựa tứa đầy thân gốc, đợi một ngày vết thương liền sẹo, lại nảy mầm tươi tốt - chị là một người đáng kính như thế.
Không chỉ hồi sinh, mà chị đã dũng cảm sống bằng việc tỏa sáng chính mình. Năm 2010, chị tham gia Liên hoan “Dấu cộng duyên dáng” dành cho phụ nữ đang sống với HIV ở các tỉnh phía Bắc. Liên hoan do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) và mạng lưới Vì Ngày mai tươi sáng (BFN+, mạng lưới của người có HIV ở các tỉnh phía Bắc) tổ chức, chị lọt vào top 10 dấu cộng duyên dáng.
Trong suốt thời gian tham dự cuộc thi nhan sắc, có một người đàn ông luôn ở bên cạnh, động viên, khuyến khích chị vượt lên. Và sau Lễ đăng quang, người đàn ông ấy trở thành chồng chị. Chị tự hào: Dù lần lấy chồng này không tay bưng cơi trầu, đầu đội lễ cưới, cũng cả không đăng ký kết hôn, song chị được gia đình bên chồng tôn trọng.
Khi buồn, chị Mỷ ngồi viết nhật ký
Năm 2011, Câu lạc bộ “Vòng tay nhân ái” được thành lập, chị là thành viên nòng cốt. Chị chia sẻ: Tôi đã từng đau đớn đến tột cùng vì căn bệnh HIV, nên tôi thấu hiểu nỗi đau của những người cùng cảnh. Vì thế tôi luôn gần gũi, giúp đỡ, động viên những người có HIV vượt lên mặc cảm, sống có ích cho mình và xã hội.
Nhiều người đang chìm đắm trong dằn vặt, đau đớn vì căn bệnh HIV, chị cùng các thành viên trong Câu lạc bộ đến động viên, giúp họ mau nguôi ngoai, có lại trạng thái tâm lý ổn định để không có suy nghĩ trả thù đời. Bằng hành động hồn nhiên, trong sáng, đầy ắp tình người của chị và các thành viên Câu lạc bộ, nhiều tâm hồn đổ vỡ dần lành lại; những trái tim tan nát đau thương được hàn gắn, liền sẹo, đăng ký tham gia sinh hoạt với Câu lạc bộ.
Đúng với tên gọi “Vòng tay nhân ái”, hơn 80 thành viên, hơn 80 thân phận tủi hổ, cùng cực đã đến với nhau, nương tựa vào nhau, chia sẻ với nhau những nỗi niềm tâm sự, để cùng khơi thông bế tắc, vươn tới một cuộc sống đẹp mà rất đỗi bình dị. Ngoài làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vòng tay nhân ái”, chị tham gia làm công tác tư vấn truyền thông về HIV tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh từ gần 10 năm nay.
Chị dừng lời, đưa mắt nhìn ra khoảng sân đầy mưa. Tôi cũng nhìn theo từng giọt mưa bong bóng, thấy đang hiện bao nỗi đau sâu thẳm của những người đàn bà mang trong cơ thể căn bệnh HIV. Tôi thầm nghĩ: Có lẽ sau khi phải trải qua đau đắng đến tột cùng, thì có một sự hồi sinh mãnh liệt, như ngọn lửa bùng lên, cháy bền bỉ hơn trong cuộc sống - chị Mỷ là một người như thế.
(Vì hai con đã lớn, chị đề nghị được thay tên mình trong bài viết. Chị hy vọng câu chuyện đời mình sẽ góp phần giúp chị em bị lây nhiễm căn bệnh HIV vượt qua tự ti, để tự tin hơn trong cuộc sống).
Bút ký của Phạm Ngọc Chuẩn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...