Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
20:11 (GMT +7)

Minh bạch để tránh “nhiễu”, “loạn” thông tin

Giao tiếp, thông tin là nhu cầu của con người. Nguyên lý Công tác tư tưởng chỉ ra rằng trong tư tưởng của đối tượng tiếp nhận thông tin luôn ở trạng thái rỗng, vì vậy nếu không chịu sự chi phối của chủ thể này thì đối tượng chắc chắn sẽ tìm đến và tự nguyện chịu sự chi phối của chủ thể khác. Cũng vậy, nếu chủ thể này không chi phối, ắt chủ thể khác sẽ tìm tới để chi phối, tác động. Vì lẽ ấy, những thông tin mà dư luận quan tâm nhiều, nếu các cơ quan truyền thông của Nhà nước không kịp thời cung cấp, người dân sẽ tìm đến các luồng thông tin khác. Trong tình hình hiện nay, đó là các thông tin trên mạng xã hội.

Tranh biếm hoạ của Nguyễn Trần Bạch Liên (hình có tính chất minh hoạ)
Tranh biếm hoạ của Nguyễn Trần Bạch Liên (hình có tính chất minh hoạ)

Trong thần thoại Hy Lạp, có câu chuyện vua Midas có đôi tai lừa. Cho dù nhà vua luôn che đậy đôi tai đó và ra lệnh bất cứ ai biết bí mật này nếu nói ra sẽ bị xử tử. Nhưng cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Cuối cùng tất cả mọi người đều biết vua Miadas có đôi tai lừa. Không những mọi người chỉ biết vua có đôi tai lừa, mà họ còn tìm hiểu và biết được là vì sao vua có đôi tai ấy…

Hiện nay, trong nhiều vấn đề, thông tin của các cơ quan truyền thông Nhà nước đi chậm hơn, và trong nhiều trường hợp bị thua chính trên môi trường điện tử (thông tin qua Internet). Rất nhiều thông tin trên mạng là xuyên tạc, vu khống, bịa đặt, nhưng lại có hàng triệu người đang hàng ngày, hàng giờ tin vào các thông tin đó. Đây là trách nhiệm nặng nề đặt ra cho những cơ quan chỉ đạo, quản lý thông tin và cơ quan báo chí.

Nhìn ở một góc độ khác, với hàng trăm, hàng nghìn vấn đề bị xuyên tạc, vu khống trên các trang mạng xã hội mỗi ngày, thì dù cho các cơ quan chỉ đạo, quản lý thông tin và cơ quan báo chí của Nhà nước có “ba đầu sáu tay” cũng không thể nào giải thích hết được. Vả lại, việc công bố hay chưa, hoặc không công bố một vấn đề gì đó còn phải tính đến cả những ảnh hưởng của việc công bố này đối với công tác điều tra, xét xử, cao hơn nữa là tới an ninh quốc gia. Điểu đó hoàn toàn hợp lý, đúng quy định và là những lý do chính đáng của việc chậm thông tin.

Những thông tin lan truyền trên các trang mạng xã hội đưa ra trước đó nếu sai so với thông tin chính thống được các cơ quan Nhà nước công bố thì hiển nhiên thông tin chính thống đã giành phần thắng. Nhưng trong thực tế có những thông tin mà khi các cơ quan Nhà nước công bố sau đó lại đúng như những gì “cư dân mạng” đã lan truyền, thì khi đó, mạng xã hội được “ghi điểm”. Đây chính là nguyên nhân khiến không ít người vẫn thích xem/ đọc mạng xã hội để “hóng”.

Chẳng hạn, một thông tin trên mạng xã hội về ông giám đốc của ngân hàng này, ngân hàng kia bị bắt, lập tức người dân ùn ùn xếp hàng đi rút tiền gửi trong ngân hàng. Chuyện này đã không ít lần xảy ra. Người dân gửi tiền vào ngân hàng không chỉ để lấy lãi phục vụ cuộc sống, mà ở khía cạnh kinh doanh, họ cũng phải quay vòng số tiền gốc đó. Nghĩa là vừa phải vừa phải đảm bảo sinh lời (lãi suất cao hơn chỉ số lạm phát), vừa phải bảo đảm an toàn tiền gửi. Nếu cùng một lúc hàng trăm, hàng ngàn người xếp hàng rút tiền thì chắc chắn ngân hàng sẽ không đủ tiền mặt để chi trả, khi đó người ta lại càng tin vào tin đồn, gây nên dư luận bất an, thậm chí mất ổn định xã hội. Trước sự việc ấy, các cơ quan có trách nhiệm đã xử lý “khủng hoảng truyền thông” bằng cách để ông giám đốc ngân hàng ấy xuất hiện trước công chúng, vậy là tin đồn lập tức bị dập tắt.

Cũng vậy, một sự việc mới diễn ra gần đây trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đó là các thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội cho rằng “Đà Lạt có biến”. Ngay lập tức Công an Đà Lạt, Công an tỉnh Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng v.v. đã ngay lập tức lên tiếng và tin đồn thất thiệt đã không còn tác dụng.

Xem thế đủ thấy rằng minh bạch thông tin, nhanh chóng lên tiếng phản bác trước các thông tin xuyên tạc, thông tin không đúng sự thật là cách làm tốt nhất để xử lý khủng hoảng truyền thông, ổn định tình hình.

Và, có lẽ việc nên làm đối với những vấn đề mà xã hội quan tâm, những vấn đề đang gây ồn ào dư luận, đó là: Các cơ quan có trách nhiệm cần có các hình thức để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời (chủ động cống bố/ đăng tải những thông tin chính thống, thậm chí là thông tin ban đầu trên website hoặc báo chí; phát hành văn bản, thông cáo báo chí, họp báo…).

Minh bạch thông tin cũng là một cách để tránh “nhiễu”, “loạn” thông tin. Những cách làm nêu trên có thể coi là một trong những cách thức tốt để ngăn ngừa, hạn chế những thông tin xấu, thông tin xuyên tạc, độc hại, gây hoang mang trong dân chúng; qua đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và ổn định xã hội.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy