Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
02:18 (GMT +7)

Miền trăng non rơm rớm

VNTN - Trải dọc ngay bên bờ sông Cầu, đối diện trung tâm thành phố Thái Nguyên, xã Linh Sơn như một bức tranh quê nền nã. Miền đất này không chỉ ghi dấu những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm, mà còn lưu giữ râm ran bao huyền tích. Nét văn hóa của 6 dân tộc anh em từ các làn điệu lượn, sli, soọng cô bay lên làm say lòng bất cứ ai đặt chân đến. Bên con đường quốc lộ 17 chạy dọc theo chiều dài của xã, các doanh trại quân đội, cơ quan, trường học, khu dân cư lấp lóa màu sơn mới ẩn hiện trong màu xanh của cây trái, làm cho miền đất hoang sơ khi xưa phảng phất nét thị thành.

Có thể nói tạo hóa đã ban tặng con người nơi đây cảnh sắc thiên nhiên thật kỳ vĩ. Phần lớn diện tích phía đông bắc xã là núi rừng trùng điệp thế rồng chầu hổ phục, cánh đồng rộng bên cạnh thi thoảng điểm xuyết vài ba quả đồi thấp. Dòng sông Mo Linh uốn lượn hợp lưu với sông Cầu tạo nên một bến Oánh thơ mộng. Làng xóm ngự hướng địa linh, lưng tựa vào núi, mặt dõi về sông. Dường như trải lòng cùng tình sông thế núi, bao đời nay những người sống hoặc đặt chân đến đã gửi lại muôn sau một Linh Sơn đầy hoài cảm.

Đi từ thành phố Thái Nguyên qua cầu treo bến Oánh, cầu phao Ngọc Lâm, hoặc từ quốc lộ 1B sang xã Linh Sơn, sẽ gặp xóm Núi Hột. Đây là xóm nằm kề bên ngọn núi, người xưa gọi là Núi Thiêng (Linh Sơn). Có lẽ vì núi đứng một mình nên mọi người gọi theo cách dân dã và lấy luôn làm tên của xóm. Bên Núi Thiêng, giữa đỉnh cao chót vót có một ang nước nhỏ có tên là Giếng Trời. Tích còn truyền lại: Thuở ấy vi hành, Ngọc Hoàng ngự lãm trên núi này ngắm giang sơn người Việt. Trước khi về trời, ngài vung tay, tạo nên chiếc giếng khơi ăm ắp làn nước trong mát. Đó chính là mảnh gương cho Ngài nhìn thấu muôn sự cõi phàm trần. Cổ nhân từng khuyến nhủ: Những ai có đủ dũng khí vượt qua hiểm trở lên được Giếng Trời, soi mình trong bóng nước sẽ có thêm sức mạnh diệt trừ mọi tà ác...

 

Bên quốc lộ 17, cách Giếng Trời vài đường cung tên, “Cánh đồng trận” mênh mông khấp khểnh nối nhau như đủ loại khiên, áo giáp vương vãi. Sử sách chép lại: Mấy trăm năm trước, quân Tống ồ ạt xâm lược nước ta. Vua tôi nhà Lý kéo về đây dựa vào thế đồi núi dựng phòng tuyến chặn bước quân thù. Đại bản doanh chỉ huy đặt tại hang bên sườn núi Núi Thiêng. Cánh đồng này diễn ra nhiều trận đánh ác liệt buộc chúng phải lui binh, xác giặc được thu gom chất thành đống.

Cách cánh đồng trận không xa, một khu đất rộng với chiếc ao đá mang tên Ao Than. Đây là nơi khi giặc thua trận, những tên bị thương được quân ta đưa về chăm sóc, chữa lành vết thương trước khi thả về nước, chúng ngày đêm than khóc… Vùng đất này vẫn còn nhiều dấu tích kho vũ khí, quân lương, bến tắm voi bên sông Cầu. Tuy nhiên trong các trận đánh, rất nhiều tướng lĩnh và binh lính của ta đã tử trận dưới gươm đao quân Tống. Những linh hồn binh sỹ tử trận lang thang. Nguyên phi Ỷ Lan trong một lần kinh lý tới đây đã cảm động ban chiếu lập đền thờ. Tấm bia đá khắc những vần thơ trác tuyệt của bà còn hiện hữu bên ngoài hang.

Nếu như xóm Núi Hột kề dưới chân dãy đồi núi, thì xóm Bến Đò lại nằm lọt giữa cánh đồng xen nhiều quả đồi thấp nhấp nhô. Tên xóm gắn liền với bến nước có những con đò thuở xưa chuyên chở người và hàng hóa từ tỉnh lỵ sang. Gần nơi các con đò neo đậu có một ngôi miếu cổ nổi tiếng linh thiêng mang tên miếu ông Nghè. Tương truyền rằng: Ngày ấy một chàng trai nghèo thi đỗ ông nghè và được triều đình cử về phủ làm quan, ông sinh sống cùng gia đình tại xóm Làng Phan. Với bản tính cương trực thẳng thắn, ông nghiêm khắc chỉ mặt bọn quan lại trong địa hạt tham ô, nhũng nhiễu ức hiếp dân lành. Chính vì vậy, ông bị bọn chúng liên kết đầy ải, vu oan giáng họa, tước bỏ mọi quyền bính và cho người quản thúc đề phòng ông về bẩm báo triều đình. Quá phẫn uất, ông niệm chú và đóng cây cọc lim xuống giếng làng làm bùa yểm chặn long mạch phát lộc cho phủ rồi nhảy xuống sông Cầu tự vẫn. Người thuyền chài đi đánh cá đêm phát hiện, đưa xác ông lên bờ. Bà con chưa kịp khâm liệm để chôn cất thì hôm sau, thi thể ông đã hóa thành một đống đất, không còn lại hình hài. Người dân chỉ biết dựng lên ngôi miếu thờ và không biết chuyện gì xảy ra. Không lâu sau, bọn quan lại thối nát bị phế truất, một ông quan thanh liêm đã lập đàn giải bùa yểm và tới thắp hương cho ông tại chính ngôi miếu đó.

Ở phía đông của xã là xóm Thanh Chử, cư dân phần lớn là bà con người dân tộc Sán Dìu. Phía trên xóm là lạch nước khe Cửa Làng (sau này được ngăn lại thành hồ) chảy trườn qua các sườn dốc tưới mát cho cánh đồng rộng gần trăm ha. Cạnh khe Cửa Làng là ngọn núi đất cao mang tên Bàn Cờ, trên đỉnh có phiến đá lớn vuông vắn. Huyền tích truyền lại: Ngày xưa, ba ông Tiên vẫn xuống đó chơi cờ và bàn chuyện thế sự cõi nhân gian. Thời vua tôi nhà Lý lập phòng tuyến chặn giặc, đài quan sát của quân ta được đặt tại đây. Các Tiên ông cũng có mặt và dùng phép thuật hỗ trợ nhà vua dụng binh, đánh tan kẻ thù xâm lược.

Các bậc cao niên kể, trước đây quanh ngọn núi Bàn Cờ và hồ Pu Soóng, Bi Gù lau lách bạt ngàn. Mùa hanh heo, những bông lau già trắng muốt, không ngả màu rêu đá như các miền rừng khác, người dân hái bông lau về làm đệm, hoặc gối. Bông lau được cắt bỏ phần cuống, xếp chặt trong lần vải may sẵn. Mùa đông tấm đệm tỏa hơi ấm xua đi giá rét hun hút lùa qua vách liếp. Các hình nộm bông lau và rơm được vua tôi nhà Lý sử dụng trong trận địa nghi binh bên sông Cầu, đoạt về ta nhiều mũi tên giặc Tống.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Linh Sơn là nơi đóng quân của nhiều cơ quan, đơn vị quân đội và thanh niên xung phong. Thời kỳ Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, khi cảng Hải Phòng và nhiều cảng biển cửa sông bị ngư lôi địch phong tỏa, quốc lộ 16A (nay là quốc lộ 17) là một trong hai tuyến giao thông huyết mạch vận chuyển hàng viện trợ của các nước bạn chi viện cho chiến trường miền Nam. Linh Sơn bị máy bay Mỹ ném bom đánh phá dữ dội làm hàng trăm chiến sỹ quân đội, thanh niên xung phong (TNXP) và dân thường bị thiệt mạng.

Đặc biệt, Linh Sơn cũng là nơi đóng quân của Đại đội 915, thuộc Đội 91 TNXP Bắc Thái. Đại đội phần lớn là nữ người dân tộc thiểu số, tuổi đời mới 17 - 18. Dưới bom đạn kẻ thù, những người trẻ ấy với tinh thần “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, bất chấp gian khổ hiểm nguy thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông. Con đường có thể đứt gãy dưới mưa bom, nhưng chỉ chốc lát lại được nối liền bằng máu và mồ hôi đổ xuống. Đêm Noel 24/12/1972, chưa đầy 6 tháng sau ngày thành lập, 60 cán bộ đội viên của đại đội đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại ga Lưu Xá, chỉ 7 người bị trọng thương và may mắn sống sót.

Bên gốc thị cổ thụ hàng trăm năm tuổi nằm giữa xóm Làng Phan, một số bà con vẫn kể câu chuyện về một cây thị khác cách đó vài trăm mét, cây thị của một thế hệ những người trẻ quên mình dâng hiến tuổi xuân cho Tổ quốc. Ngày 13/9/1972, một tiểu đội nữ thanh niên xung phong trúng bom khi đang làm nhiệm vụ trên đoạn đường bên hồ Bi Gù. 1 nữ đội viên hy sinh và 8 nữ đội viên khác bị thương. Không rõ ai đó vô tình thả hạt hay chim chóc tha về, năm sau nơi chị ngã xuống mọc lên một cây thị. Cây lớn nhanh và đơm hoa kết trái. Mùa quả chín, từng trái thị lúc lỉu màu trăng tỏa hương thơm nức. Ngày giỗ chị, bà con vẫn tới thắp hương dưới gốc cây này.

Những dịp về công tác tại Linh Sơn, tôi còn được nghe nhiều câu chuyện về tinh thần chiến đấu và hy sinh anh dũng của bộ đội ta dưới bom đạn ác liệt của máy bay Mỹ. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, cùng đồng đội năm xưa đóng quân tại đây kể: Trong trận bom máy bay Mỹ ném xuống Linh Sơn hàng chục cán bộ chiến sỹ hy sinh. Một chiến sỹ đơn vị ông bị thương vào bụng, ruột đứt nhiều đoạn văng ra ngoài. Trong vòng tay đồng đội, anh chỉ nói được mấy câu rồi tắt thở: “Mình không sống được đâu… Mới mua cho mẹ cái áo, các cậu gửi hộ… Túi mình còn hai hào, các cậu lấy một hào đóng cho mình đoàn phí…!” Câu chuyện người đồng đội dành tiền mua áo cho mẹ, và trước khi nhắm mắt nhờ bạn đóng đoàn phí cho tổ chức Đoàn, luôn làm những người còn sống nhói lòng...!

Khi thiết kế xây dựng Mỏ sắt Tiến Bộ, những người có trách nhiệm đã quan tâm gìn giữ những địa điểm di tích mang sắc màu huyền thoại. Đêm động thổ xây dựng nhà máy, tôi nghỉ lại với những người mở mỏ và vô tình được chứng kiến cảnh thiên nhiên kỳ thú. Đêm ấy, rừng núi ngập tràn trăng, trong mỏng mảnh hơi sương, ánh trăng làm cảnh vật lung linh huyền ảo. Trăng đang đẹp đột nhiên trời đổ mưa, mưa trộn trăng lấp lóa như muôn sợi tơ mảnh. Thoáng chốc mưa tạnh, màu trăng ướt rượt. Rặng bông lau bên hồ Bi Gù ngời lên trắng lạnh, sắc trắng lạ lẫm vô thường… Hiện tượng “mưa trăng” chẳng hề mang yếu tố tâm linh và không hiếm gặp, giống như tiết trời “vừa mưa vừa nắng”. Dẫu vậy, nhiều người vẫn cho rằng đó là điềm lành báo hiệu miền đất này sẽ “lấp lánh thăng hoa”.

Nhiều lần sau đêm hát soọng cô hoặc liên hoan văn nghệ, tôi và người bạn thường tản bộ theo lối nhỏ dọc hồ Bi Gù, cánh đồng trận. Mùa trăng, những dãy đồi mơ màng uốn lượn, ngọn núi thiêng sừng sững khảm khắc vào trời như bức cổ thạch. Dưới vòm cây, trăng như những hạt vàng lấp lánh lọt qua kẽ lá rắc lên cỏ. Làn hương như từ trăng theo gió lan nhẹ.

Không ai biết lớp người xưa đã đổ bao nhiêu máu để làm lên lịch sử, nhưng còn mãi đến muôn đời mọi cống hiến hy sinh đã hóa thành bất tử. Tiếng gươm khua, ngựa hý cùng bước quân rầm rập trong đạn lửa từ miền xa thẳm bất chợt ùa về… Với tôi miền đất này ánh trăng bao giờ cũng tươi non và hình như rơm rớm.

Ký. Phan Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước