Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
05:24 (GMT +7)

Lính Tiểu đoàn

Ký. Vũ Kim Khoa

1.Một ngôi sao phát nổ trên dải ngân hà, ấy là nó báo hiệu sự kết thúc của một vì tinh tú trong vũ trụ bao la. Mỗi tiểu đoàn chiếm một vị trí thật nhỏ trong cả binh đoàn và còn nhỏ hơn nếu nhìn ở góc độ toàn quân. Tiểu đoàn đặc công 401 của tỉnh đội Đăk Lăk xưa đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình, nhưng âm hưởng mà Tiểu đoàn để lại vẫn sắc nhọn như tiếng nổ rách màn đêm của những quả bộc phá tự tạo bằng hợp chất C4 trong lòng công sự địch. Để rồi cả một buổi tối cách đây vài năm, ngồi trong cái quán café sang trọng trên đường Y Ngông, thành phố Buôn Ma Thuột, tôi được nghe một người lính, say sưa nói vanh vách về những chiến tích của Tiểu đoàn đặc công 401, về những tên tuổi như Nguyễn Văn Bảo (người Thái Nguyên), Phan Công Thí, Nguyễn Văn Xích, Dương Văn Thấu… Lời kể của một người lính ngoài Tiểu đoàn, nói về Tiểu đoàn 401 bộ đội đặc công Đăk Lăk, tuy dựa trên những dữ kiện có thật, nhưng vẫn có gì đó khiến tôi bối rối, bởi giọng kể chuyện của anh đậm những tình tiết nhấn nhá mang sắc màu kiếm hiệp…

Nay tình cờ, nhờ có chút tọc tạch về quay kamera, chụp ảnh nên tôi được Ban liên lạc của Tiểu đoàn đặc công 401 nằm ở miền bắc mướn đi theo để ghi lại những hình ảnh của một chuyến về thăm chiến trường xưa, nhân kỉ niệm 50 năm thành lập Tiểu đoàn.

Chiếc xe ca ba mươi chỗ ngồi đã nhiều lần dừng trên đường để đón những ông già tuổi gần bảy mươi đến tám nhăm, hành trang của họ ngoài quân phục gắn huân huy chương, có người còn mang cả gậy chống để giữ thăng bằng cho những đôi chân xiêu vẹo vì thương tật. Rồi phải thăm hỏi, giới thiệu thì họ mới nhận ra nhau đó chính là “thằng” H, “thằng” T…, ai nghĩ “chúng nó” đã đội lốt trong cái vóc dáng xập xệ như thế(?). Xe càng vào sâu, thì không khí trong đoàn ngày càng được hâm nóng lên. Những ông lão “lẩm cẩm” và bảo thủ, xức đậm dầu gió trong xe bật điều hòa và nói oang oang do nghễnh ngãng; giờ đã lột xác cười rôm rả như những chàng trai tuổi mới đôi mươi. Nhìn tấm băng rôn dán trên đầu xe: “Hội cựu chiến binh Tiểu đoàn 401 đặc công anh hùng đi tìm đồng đội”, tôi hỏi một cựu binh: Chuyến đi này thực chất các anh tìm mộ liệt sĩ bị thất lạc, hay đi dự mít tinh kỉ niệm? Và tôi đã lặng người khi nhận được câu trả lời: “Không hẳn thế! Chúng tớ đi tìm những thằng đã chết và cả những thằng còn sống nữa!”.

Hơn hai chục người trên xe, quy tụ từ mười bảy tỉnh thành của miền bắc, họ tứ tán và có người biệt tin nhau sau những chuyến chuyển thương binh ra hậu cứ, đặc biệt từ ngày tiểu đoàn bị giải thể, người này thì ra quân, người kia được điều về đơn vị khác… Hơn bốn mươi năm trời, thời gian đã xóa đi vẻ lanh lợi trên những gương mặt điển trai của họ. Mọi cặp mắt đều đã đến thời lề mề để ăn nhịp với đôi bàn chân đi cứ như xoa trên mặt đường nhựa. Họ đã háo hức xin đăng kí với Ban liên lạc mong được đi chuyến này. Đó đâu chỉ là sự thôi thúc bản năng của những người già cả thích câu nói: “ngày xưa…”, nó như điểm nút để họ có thể giải tỏa nỗi bứt rứt bấy lâu. Ấy là những khi họ chợt thức trong đêm, vì vừa mơ thấy hình ảnh của người đồng đội đã vác mình ra khỏi tầm pháo; nước mắt cứ âm thầm lăn, đầy vơi tựa chính bát cơm mà họ từng san sẻ cho nhau, thứ cơm lổn nhổn độn toàn sắn và đỗ xanh chỉ điểm lơ thơ vài ba hạt gạo... Lâu quá rồi chẳng nhận được tin, nặng lòng ơn nghĩa rồi sực nhớ là mình vẫn chưa kịp nói lời cảm tạ! Có người trong bữa ăn chiều chợt đặt đũa xuống mâm vì nghẹn, bởi chương trình thời sự trên truyền hình đã nhắc đến một địa danh như Cư Mgar, Đăk Lăk hoặc Cơ Rông Pắc… Những âm thanh chỉ địa danh, có âm hưởng vỗ vào màng tai như đá rơi, nứa nổ. Nhưng với họ, là đầy vơi những kỉ niệm ân tình, là nơi người bạn thân, người anh em trong chiến hào, hay thậm chí một phần xương thịt của chính họ vẫn đang lưu lại đó.

Ngồi trong chiếc xe ca lăn đều trên đường Quốc lộ 1, sang đường 24, vượt đèo Lò Xo trên đường Hồ Chí Minh rồi đến Gia Rai, thời gian đi và nghỉ chưa hết hai ngày đường. Vậy mà cũng khoảng cách ấy, khi trẻ họ đã phải hành quân qua rừng mất gần bốn tháng, luồn lách dưới gầm pháo đài bay B52. Cuối mùa mưa, ngọn nguồn dòng sông Vu Gia uốn lượn thỉnh thoảng lại song hành một đoạn với con đường, nước đang cạn trơ phơi những khối đá lớn lổn nhổn dưới đáy dòng, như mách bảo về độ dốc ngược của địa hình từ phía đông sang phía tây đất nước.

Những khuôn mặt hun đúc bởi trải nghiệm của thời gian, những tấm thân đang ủ đầy bệnh tật và cả dị vật của bom, mìn. Giờ họ đang trút bỏ phận làm ông để tếu táo xưng tao, mày với nhau, vẫn như cái thủa còn mặc quần xà lỏn, bôi trát bùn hóa trang để chui rào kẽm gai vào căn cứ địch. Họ hiểu cá tính, những thói quen và cả mùi mồ hôi của nhau. Rồi những chuyện nhỏ chứa bao cung bậc cảm xúc cứ ùa về. Nào là: cậu T có đôi bàn chân to tới mức không đôi dép cao su nào vừa; giữa đêm lạnh nhét con đom đóm vào nõ điếu để nhử cơn thèm thuốc lào của bạn. Rồi ngậm ngùi khi nhắc đến chuyện chuyển đồng đội bị thương ra ngoài trận địa, thấy “nó” nhoe nhoét máu trên lồng ngực cứ nghĩ bạn bị thương ở đấy vội vàng băng kín phần ngực, mà chẳng biết rằng đồng đội của mình bị thương ở đầu nên máu chảy loang tụ xuống đó… Còn anh lính Hoàng Văn Mộc người dân tộc Tày ở Bắc Cạn thì nói thật thà: Đi luồn rừng chẳng sợ biệt kích, chỉ sợ hội đồng hương chê hèn tẩy chay và sợ nhất cọp, vì những lời rì rầm đồn đại dưới tán lá rừng, cọp đã vồ những người mang họ Hoàng? Những kỉ niệm thời chiến tranh, khi như mủ cao su, lúc lại như dải pháo sáng cứ dính bết và lập lòe bập bùng vỗ vào thành vỏ não người lính… Họ tranh nhau kể ra những điều chính đồng đội của mình là một phần của sự kiện và vì nó quá khắc nghiệt nên thành sâu sắc, khiến người kể, người nghe vẫn cứ thấy ngồn ngộn tươi mới, mặc dù chuyện đã xảy ra trước đó những gần nửa thế kỷ.

2. Buổi mít tinh kỉ niệm 50 năm thành lập Tiểu đoàn đặc công 401 ở huyện Cư Mgar diễn ra long trọng. Những người một thời gắn bó với tiểu đoàn nay sống ở “Cao nguyên Trung phần” đến khá đông, trong số đó có cả những người làm du kích, giao liên và những y, bác sĩ ở trạm cấp cứu trong hậu cứ, nhiều thế hệ lãnh đạo là bí thư; chủ tịch tỉnh Đăk Lăk cũng tới dự. Câu chuyện giữa họ cứ liên miên tràn qua cả bữa liên hoan. Tất cả họ giờ đều đã về già, bạn bè thời ấy không ít người bị “rơi rụng” bởi thế đã không thể có mặt. Trăm người, trăm hoàn cảnh thật khác nhau, nên có biết bao nhiêu điều muốn san sẻ; mỗi người hiện diện ở đây đều gắn đến những kỉ niệm vui buồn một thời của họ. Những tiếng cụng ly trong bữa liên hoan chỉ có tác dụng như một nốt nhạc để khơi mào cho cả giai điệu kế tiếp.

Một Tiểu đoàn tồn tại chỉ 8 năm, biên chế hồi mới thành lập gồm Đại đội đặc công 308 địa phương tỉnh Đăk lăk; Đại đội đặc công 309 của Bộ tư lệnh đặc công bổ xung vào; Đại đội đặc công 310 của Tiểu đoàn đặc công 407 Quân khu 5; thành lập thêm Đại đội 306 hỏa lực của Tiểu đoàn. Và ngày 20 tháng 11 năm 1967 tại căn cứ kháng khiến, Tiểu đoàn chính thức được thành lập. Đêm mồng bốn tháng một năm sáu tám, Tiểu đoàn thắng lớn khi tấn công vào sân bay địch tại thị xã Buôn Ma Thuột và nhà tên tỉnh trưởng. Từ đó Tiểu đoàn lấy ngày 4 tháng 01 là ngày truyền thống và phiên hiệu: “Tiểu đoàn đặc công 401 Đăk Lăk” ra đời. Tháng 7 năm 1969 tiểu đoàn được Mặt trận Tây Nguyên bổ sung thêm một đại đội đặc công mang số hiệu 307.

Theo bản báo cáo của ông Nguyễn Văn Xích nguyên Tiểu đoàn trưởng đã nêu trong buổi lễ kỉ niệm 50 năm: Trong thời gian 8 năm, đơn vị đã chiến đấu 128 trận, tiêu diệt 2603 tên địch, trong đó có 85 tên Mỹ… Và sau khi thống kê về những trận đánh cụ thể, cùng tác dụng của những chiến công đó với cục diện toàn chiến trường miền nam, ông không quên ghi nhận: Trải trên khắp các mặt trận trong địa bàn tỉnh Đăk Lăk có hơn ba trăm chiến sĩ của Tiểu đoàn đã hy sinh! Nếu tính cả con số những người bị thương không còn sức chiến đấu nữa trong suốt tám năm ròng thì sẽ là bao nhiêu? Tính nhẩm, cộng dồn thì đơn vị đã ít nhất phải hai lần bổ sung 100% lực lượng. Đành rằng chiến thắng nào cũng kèm theo mất mát. Nhưng chiến công của Tiểu đoàn đã giành được luôn phải trả giá khốc liệt bởi đối phương khi đó đang ở thời kì sung mãn, được trang bị tốt và cũng rất thiện chiến. Từ lời kể của ông Dương Văn Thấu, người đã tham gia trực tiếp 84 trận đánh cùng Tiểu đoàn, thì ông cho rằng đánh bọn Mĩ và lính Nam Hàn là khó nhất; chúng luôn được bảo vệ tốt, tử thủ và ranh mãnh… Hỏi những cựu binh già cảm nhận cá nhân về “sức nóng” của chiến trường thời kì ấy, thì gần như ai cũng đã xác định: Mình rồi cũng sẽ nằm lại ở miền đất cao nguyên này. Nhiều cựu binh đã không ngần ngại nói về giai đoạn khó khăn nhất của Tiểu đoàn ở giai đoạn sau Tết Mậu Thân và những ngày Hồ Chủ tịch qua đời. Khi mà đối phương cấp tập dồn sức mạnh lên cao nguyên nhằm để dồn dân, lập ấp - tách nguồn tiếp tế cho bộ đội và tạo thêm những cứ điểm chốt chặn… Tiểu đoàn có lúc phải hành quân lánh về vùng biên giới giáp ranh, củng cố và bổ sung lực lượng. Đơn vị thậm chí phải chia ra từng khoảnh rừng để thu nhặt hạt gắm ăn đắp điếm qua ngày mà vẫn cứ tìm cách duy trì chiến đấu, khiến đối phương luôn bị động, nơm nớp lo đối phó.

Ông Nguyễn Văn Xích khẳng định ngay giữa buổi mít tinh: Chuyến đi của những cựu binh Tiểu đoàn đặc công 401 anh hùng ở miền bắc trở về với đồng đội và chiến trường xưa, nhân kỉ niệm 50 năm ngày thành lập Tiểu đoàn là chuyến đi đầu tiên và cũng sẽ là chuyến đi cuối cùng. Trong những ngày đoàn lưu lại ở Đăk Lăk, ông luôn hòa đồng cùng những chiến sĩ của mình để tới những địa danh từng ghi lại chiến tích xưa… Tới thắp hương ở những nghĩa trang liệt sĩ mà tại đó có những bia mộ chỉ ghi vỏn vẹn: “Liệt sĩ không tên”… Ông quả quyết: Họ chính là một trong số hơn ba trăm những đồng đội và chiến sĩ của mình đã hy sinh! Nhìn ông luôn cười trong vòng những cựu quân nhân của Tiểu đoàn, tôi không thể tin rằng đó chính là vị Tiểu đoàn trưởng dám đưa đội tinh nhuệ của mình tấn công vào tất cả các loại mục tiêu, đương đầu với mọi kẻ địch: Từ lính bảo an, lính Mỹ, lính đánh thuê Á, Phi; sân bay nằm sâu trong vùng địch và sau này là Fulro hay Pol Pot… Hẳn ông đang rất phấn chấn, khi thời gian lướt đi đã gần nửa thế kỉ, mà vẫn nhận được nguyên vẹn những ánh mắt đầy tin tưởng cùng sự kính trọng của đồng đội và chiến sĩ của mình. Niềm mơ ước họ hẹn được gặp lại nhau trong thời bình xưa kia nay đã thành hiện thực. Và để ghi nhận những chiến tích của Tiểu đoàn đặc công 401 Đăk lăk, ngày 27 tháng 4 năm 2012, Chủ tịch Nước đã phong tặng danh hiệu: “Đơn vị anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” (Theo Quyết định số 544/QĐ-CTN). Đương nhiên, ông và đồng đội của mình có quyền tự hào là những cá nhân trong một tập thể anh hùng.

Nhìn những “binh trạm” là các Huyện đội, Tỉnh đội, nơi họ đã tá túc qua từng chặng đường suốt từ bắc vào nam, xem cách ứng xử của từng nơi đó với các Cựu chiến binh của Tiểu đoàn đặc công 401 Đăk Lăk anh hùng…, nó như một mạch ngầm ấm áp chảy âm ỉ sâu trong truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Anh tài xế trẻ rà nhẹ phanh trên một đoạn đường có vòng cua gấp. Những cựu binh già của Tiểu đoàn đặc công 401 từ Đăk Lăk trở về bắc dường như đã mệt sau gần một tuần vui gặp gỡ, giờ họ đang gà gật trên xe ngào ngạt hương vị café của bạn bè và các đơn vị gửi tặng; dù còn nỗi băn khoăn, hùi hụi tiếc những cánh rừng bạt ngàn ngày xưa từng che mắt máy bay do thám của kẻ thù nay đã không còn nữa, nhưng khi thấy lớp chủ nhân mới chuyên cần canh tác trên những vạt đất có ba tầng cây: tiêu - cà phê - nghệ xen kín… Thì chẳng ai bảo ai, họ đều như đã thấy thỏa mãn khi trao gửi niềm tin vào thế hệ trẻ hôm nay. Buôn Ma Thuột nhuộm óng ả sắc nắng vàng và sẽ còn luôn chập chờn trong những giấc mơ của họ…

Thái Nguyên ngày 6 tháng 12 năm 2017

¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước