Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
04:18 (GMT +7)

Lặng lẽ, vô tư làm nông nghiệp sạch

VNTN - Cần mẫn đem sản phẩm đến với người tiêu dùng như những con ong mật chăm chỉ, nhiều khi đứng trước sự hoài nghi về chất lượng, cạnh tranh giá cả…, song giấc mơ, nhiệt huyết làm thực phẩm sạch của một bộ phận người trẻ đang mở ra hướng đi triển vọng.

Tin vào “giá trị thật, cái nhìn thật”

“Order” 1 kg rau bí, 1 kg rau má, số tiền phải trả là 50 nghìn đồng. Thời điểm đó rau bí ngoài chợ chỉ có giá 8 - 10 nghìn đồng/kg, rau má khoảng… 15 - 20 nghìn đồng. Nhiều khách hàng đã không khỏi “ngớ” ra khi biết số tiền họ phải trả. Họ chấp nhận giá “chát” hơn nhiều giá chợ để nhận về thứ mà trong thâm tâm nghĩ là sạch. Chị Nguyễn Thị Nga (tổ 22, phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên) là một “nhà sản xuất” khá đặc biệt, sẵn sàng không bán cho những ai nghi hoặc về sản phẩm của chị. Chị tự tin rằng, khi làm nên giá trị thật không sớm thì muộn sẽ có cái nhìn thật.

Đầu tư nhà lưới giúp rau sạch của chị Nga sinh trưởng thuận lợi hơn.

Làm nông nghiệp thời nay phải có kiến thức, có khoa học kỹ thuật tiến bộ. Từng tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, nhưng cơ duyên lại gắn Nga với giống và cây trồng. Chị theo học thêm ở trường Đại học Nông Lâm, bỏ hẳn ước vọng đứng trên bục giảng để làm bạn với đất với nước và những hạt mầm. Khởi nghiệp chỉ khoảng 10 triệu đồng, Nga đầu tư gieo các giống cà chua bi, bí ngòi, hoa dạ yến thảo… lên cây đem bán cho người dân. Có thời gian chị bán và lắp đặt các giàn, giá trồng rau sạch cho các hộ gia đình công chức, viên chức, hộ kinh doanh… Có nhiều người hào hứng gieo mà không được, thèm ăn rau sạch nên gợi ý chị Nga làm, họ sẽ tiêu thụ. Hành trình trồng rau an toàn của chị bắt đầu đơn giản như thế.

Trồng rau, hoa theo mùa trên diện tích 1000m2 của gia đình, lượng rau thu được chỉ bán cho người quen. Khách hàng lấy rau dự trữ cho cả tuần, chỉ vài, ba chục người mà các sản phẩm rau, củ quả thu đến đâu hết ráo đến đó. Nhận thấy nhu cầu rau sạch tăng cao, năm 2015 Nga quyết tâm bỏ việc làm thuê ở trang trại nông nghiệp sạch Hồng Hưng (Hóa Thượng, Đồng Hỷ), về nhà thuê đất của người dân, với ý nghĩ, sinh ra từ làng thì sẽ từ làng mà đi lên; người nông dân hoàn toàn có thể tự chủ, thoải mái tự quyết cho giá trị mình làm ra.

Nói chuyện tiêu chuẩn sạch, Nga giải thích: “Đừng nghĩ rằng sạch là tuyệt đối không dùng phân bón, thuốc trừ sâu bệnh… Phải hiểu rằng, sạch chính là ở việc người trồng lựa chọn loại phân gì, trừ sâu bệnh bằng hỗn hợp gì?..., và thời gian cách ly ở mức nào để đảm bảo hóa chất kia là vô hại”.

Chị Nga dùng phân bón hữu cơ, được trộn từ mùn cưa, tro, trấu với chế phẩm vi sinh trichoderma ủ trong 9 tháng. Phân này vừa có giá trị dinh dưỡng cao, vừa chứa nấm đối kháng Trichoderma giúp cây trồng kháng lại mầm bệnh. Hoặc dùng phân chuồng (gà, trâu, lợn) ủ mục. Lượng phân chuồng được chị mua từ các trang trại gà, các gia đình chăn nuôi trong khu vực lên đến 15 tấn/năm. Những loại rau ăn lá và hoa, món “bổ dưỡng” cho cây không phải là đạm hóa học mà dịch phân để tưới được chế từ cá ươn, lòng ruột cá, hoặc ốc bưu vàng ủ với chế phẩm vi sinh; tạo ra một dạng phân hữu cơ rất dễ phân hủy. Đối phó với sâu, rệp, bọ trĩ… thì phun nhiều lần bằng nước xà phòng pha loãng, sau mấy lần tưới nước sạch là rau đã an toàn…

Trồng rau nhiều và có nguồn thu nhập khá ổn định từ khoảng tháng 2 - 3 cho đến tháng 9 - 10 hàng năm. Nắm bắt công nghệ thông tin, chị Nga dùng trang facebook cá nhân để quảng bá sản phẩm. Không quản ngại chạy xe máy năm, ba cây số chỉ để giao một cân rau, mấy quả dưa chuột…; mạnh dạn tiếp thị cho các cửa hàng thực phẩm sạch, các quầy rau ở chợ trung tâm thành phố… Cả năm liền kiên trì, người nọ giới thiệu người kia, chị đã khiến khách hàng mua bằng niềm tin về sự tử tế của người sản xuất. Đến nay, bình quân mỗi ngày chị Nga ship khoảng 30 đơn hàng. Có người chỉ lấy 1 - 2 kg cho tới những gia đình biết “chất” lấy 5 - 7 kg các loại. Lượng rau chị Nga bán buôn và đi giao cao điểm lên đến 1,5 tạ/ngày. Bán hàng qua mạng lợi thế nhiều song rủi ro cũng không ít. Nếu thuê người đi giao hàng, bảo quản không tốt sẽ hỏng. Gặp khách hàng am hiểu về nông nghiệp, họ thắc mắc, tò mò về sản phẩm thì không trả lời được. Vì thế chị Nga tự mình giao hàng, vất vả nhưng biết được khách hàng mong muốn những gì, chia sẻ với họ về cách mình làm sản phẩm an toàn thế nào. Chính vì cách “sống thật không trật với lòng” mà sau 3 năm, chị đã có tới 300 - 400 khách hàng quen “bỏ mối” và ổn định nhiều khách buôn ở chợ.

Thăm khu nhà lưới trồng bắp cải chuẩn bị vào vụ, không chịu tiết lộ thu nhập ra sao, Nga chỉ cười vui vẻ: “Am hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc nên tiết kiệm chi phí, thu nhập đảm bảo cuộc sống cho cả nhà. Làm nông dân nắng mưa tất tả, nhưng đất không phụ người chăm chỉ bao giờ. Diện tích nhà lưới trồng bắp cải này đầu tư cơ sở vật chất và các tiện ích khoảng hơn trăm triệu, làm nông nghiệp sạch giờ cũng… nhàn”.

***

Cuối tuần thư thả, nhóm bạn rủ nhau tìm đến hồ câu thư giãn Nông Lâm nướng gà, câu cá và… ăn rau sạch. Từ cổng trường Đại học Nông Lâm, đi gần 2km gặp một lối rẽ đường đất gồ ghề, đi thêm 500 mét thấy thấp thoáng căn nhà cũ lọt thỏm giữa những hàng cây keo, lim, nghiến và cỏ xanh. Cảm nhận bầu không khí trong lành thoáng đãng, từ xa đã nghe tiếng kêu đòi ăn của đàn gà làm bừng vẻ đồng quê mộc mạc. Chủ nhân của căn nhà và những chú gà sao “lắm lời” này là vợ chồng anh Nguyễn Công Hoan (30 tuổi). Anh Hoan bảo, giống gà này kêu thì “ác” lắm. Mình nuôi gối 2 - 3 tháng/lứa, mỗi lứa trên dưới 200 con. Khoảng 2 tháng đầu vẫn phải nuôi bằng cám đấy, sau đó thì ngưng chuyển sang chăn bằng ngô, thóc, cỏ…, tới 6 - 7 tháng, đạt từ 1,7 - 2kg thì mới xuất bán với giá 150 nghìn đồng/kg, và không khi nào bị rớt giá.

Anh Hoan thảnh thơi bên những chú gà sao “lắm lời”.

Mô hình VAC “nhỏ và sạch” mới được anh thực hiện khoảng 3 năm nay. Nhà trường cho thuê đất thời hạn 10 năm với giá rất hữu nghị, đổi lại người thuê phải làm ra sản phẩm, giúp sinh viên có môi trường trải nghiệm, thực tập. Là cựu sinh viên và đã có 5 năm công tác ở Viện Nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp trường Đại Học Nông Lâm, nên anh Hoan có kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi chắc tay. Dành một khoảng nhỏ trong tổng diện gần 4ha để trồng cỏ sả làm thức ăn cho gà và cá, khoảng 3 sào đất vườn trồng chẳng thiếu loại rau nào, được đầu tư hệ thống tưới tự động, anh đang thử nghiệm trồng các loại rau gia vị. Ao cá hơn 1000 m2 không xây bờ kè để mặc cỏ dại mọc, chỉ có khoảng nghìn cá giống các loại trắm, chép, mè… được thả, chăn tự nhiên mỗi năm thu một lứa, con to nhất chỉ khoảng 3kg. Tất cả sản phẩm có được Hoan bán cho khách quen, là các cán bộ, công nhân viên chức trong trường và người dân quanh vùng, ổn định hơn 100 người. Chưa kể những khách thường xuyên đặt hàng online; có người ở Hà Nội mỗi tuần Hoan đóng thùng xốp rau, gà, cá (làm sẵn) gửi xe xuống. Tính bình quân mỗi ngày anh bán ra 30 - 40 kg rau sạch.

Trồng rau hữu cơ, nuôi gà thả rông tốn nhiều thời gian hơn, song anh Hoan chẳng mấy bận tâm chuyện lãi lờ. Tin sản phẩm làm ra “chấp” tất các khách hàng khó tính nhất, Hoan tạo điều kiện cho khách tham quan mô hình; mua hàng ăn xong, cảm thấy tốt mới phải trả tiền. Anh giải thích: Cần và tìm khách hàng nhưng không tìm bằng mọi giá. Tôi không phải lúc nào cũng có thể đi chứng minh sản phẩm của mình tốt. Vô tư cho họ được kiểm nghiệm, người mua tinh tế bằng cách nào đó sẽ tìm đến mình. Quy mô không lớn nhưng làm thật ăn thật, 3 năm nay, chuyện đầu ra cho sản phẩm chưa hề là việc khó với tôi.

Nhờ nguồn nhân công là sinh viên khá dồi dào, những ngày cuối tuần tranh thủ làm đất, gieo giống, chăm bón…, vừa giúp các em có thu nhập vừa trải nghiệm thực tế, mọi thứ anh Hoan làm cứ túc tắc vậy thôi. Ngoài khoản lương gần 8 triệu đồng làm việc cho công ty TNHH Thái Việt, thì khoản thu 4-5 triệu/tháng từ gà, 150 - 200 nghìn đồng/ngày sản phẩm rau đủ giúp cuộc sống gia đình không vướng lo kinh tế. Nhìn nhóm khách háo hức thả cần câu, ướp gà, nhóm lửa, anh Hoan bật mí rằng, đang tính toán để đầu tư cải tạo, trồng thêm các giống hoa để mở dịch vụ du lịch sinh thái.

Khát vọng người trẻ làm nông nghiệp

Sinh sống ở vùng nông nghiệp, chứng kiến việc bà con dựa vào phân vô cơ, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật... để chăm sóc hoa màu, ước mong làm nông nghiệp sạch cứ nung nấu trong lòng Vũ Văn Cường (xóm 9, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương), hiện là sinh viên năm 5 Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên). 23 tuổi nhưng suy nghĩ của Cường không hề non nớt chút nào. Ngay từ khi học năm nhất, Cường định hướng vừa học, vừa nghiên cứu, đi làm thêm để tích lũy vốn, kiến thức và kinh nghiệm hiện thực giấc mơ của mình. Cường khởi nghiệp bằng việc góp vốn đầu tư trồng rau sạch trong nhà lưới cùng bạn bè tại xã Sơn Cẩm (Phú Lương). Mô hình 3000m2 hiện đang cung ứng cho trên gần 50 hộ dân trong vùng.

Cường tự tin sẽ tìm kiếm được thị trường tiêu thụ dưa lưới rộng mở

Không dừng lại ở đó, nhờ vốn tích lũy sau nhiều năm làm thêm và được gia đình hỗ trợ một phần, tháng 2/2018 Cường mạnh dạn đầu tư trên 150 triệu đồng xây dựng mô hình trồng dưa lưới Nhật Bản. “Quy mô chưa lớn nhưng tương lai thì sẽ không dừng lại” - Cường tỏ vẻ lạc quan khi đưa chúng tôi thăm khu nhà vòm 200 m2 trồng 500 gốc dưa sắp được thu hái. Cường bảo: trọng lượng bình quân mỗi quả khoảng 1 - 1,2kg; em đã ký được hợp đồng đầu ra cho sản phẩm với hai siêu thị ở Thái Nguyên và Hà Nội. Trên diện tích này mỗi vụ sẽ có thu trên dưới 600kg, với giá bán buôn tại chỗ là 42.000 đồng/kg, doanh thu khoảng 25 triệu đồng, trừ các chi phí thì còn lãi 18 triệu đồng/vụ. Em dự định sẽ đầu tư nâng diện tích lên gấp 3 lần.

Diện tích trồng dưa ở tiểu khu Lê Hồng Phong, thị trấn Đu (Phú Lương), cách nhà chừng 12km, khâu chăm sóc chủ yếu là thao tác trên điện thoại thông minh nên không tốn nhiều thời gian và không ảnh hưởng đến việc học. Với thiết kế theo hệ thống nhà màng, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật tiên tiến như: Sử dụng hệ thống bón phân, tưới nước tự động, gieo trồng trên giá thể, bán thủy canh, kiểm soát dinh dưỡng, nhiệt độ… Điều khiến chúng tôi bất ngờ là toàn bộ phần mềm quản lý trên điện thoại đều do Cường thiết kế, chế tạo ra. Để có thể tự tin tung sản phẩm ra thị trường, trước đó Cường đã đầu tư gần 100 triệu để trồng thử nghiệm 120 gốc. Giống dưa mà Cường chọn là Taki ruột cam - loại dưa nổi tiếng tại Nhật; quả giòn, ngọt, thơm. Mô hình trồng bán thủy canh, giá thể trồng cây gồm xơ dừa, phân hữu cơ; dùng dung dịch dinh dưỡng nhưng cân bằng, đảm bảo thời gian cách ly. Cường gửi mẫu sản phẩm xuống Hà Nội để kiểm nghiệm, rồi mang sản phẩm biếu tặng người thân quen để nghe phản hồi. Mày mò thu thập kiến thức trên internet, Cường tìm đến những người có chuyên môn để học hỏi; chọn trồng dưa lưới vì đây là loại quả mới. “Cái gì mới cũng sẽ tạo sự tò mò, có cả sự hoài nghi. Nhưng rõ ràng cái mới luôn được tiếp nhận. Sắp tới em sẽ thử nghiệm trồng thêm dâu tây và cà chua bi nữa. Em nghĩ, muốn thành công trong khởi nghiệp thì phải có ý tưởng hay, độc, lạ, nghiên cứu kĩ và quyết tâm làm bằng được” - Ý nghĩ của Cường có vẻ già trước tuổi nhưng lại đáng cổ vũ. Em mong sẽ có nhiều người trẻ đam mê nông nghiệp, cùng nhau chung tay vì một nền nông nghiệp sạch, bền vững.

***

Thành quả của những cá nhân kể trên còn khiêm tốn, nhưng nó minh chứng rằng, không cứ trẻ là phải ồn ào, mà sự lặng lẽ, vô tư định vị giá trị mình làm ra bằng cái tâm vì một đời sống an lành, là điều đáng để trân trọng!.

Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước