Lãng đãng Tết quê xưa
VNTN - Nửa đêm, ông bác cả trưởng họ gọi điện ngập ngừng bày tỏ: Ông đã tuổi cao sức yếu, tết này muốn gặp mặt con cháu rối già… Vâng lời ông, ngày áp Tết tôi hăm hở về quê. Mới đôi năm, cảnh vật bên con đường ven huyện lỵ vừa mở rộng đã đổi khác làm tôi ngỡ ngàng. Nhìn dãy nhà tầng mới xây mọc lên san sát, không thấy cây long não già bên ngã rẽ, tôi dừng xe hỏi cô bé bán hàng tạp hóa. Nhìn tôi, cô cười thật tươi: “Anh về quê ăn Tết ạ? Làng mình đây anh, chặt hết cây nhìn cũng lạ. Em con bố Mai, cháu bác Khơi…”. Chết thật, người trong họ mạc, nếu cô bé không giới thiệu tôi cũng chịu. Ngày tôi đi cô bé chưa đẻ, những lần về làng sang nhà, cô mải làm cơm dưới bếp hoặc chơi đùa với đám trẻ hàng xóm. Tôi nhấp chén trà cô bé pha ngậy mùi vị chè Thái Nguyên thứ thiệt, lòng xôn xao cồn lên bao ký ức. Theo thứ tự dòng tộc tôi phải gọi cô bé bằng chị, nhưng đang vui nên phiên phiến, cứ anh em cho mặn ngọt, chả sao. Dãy phố này trước lưa thưa vài quán lá, cây cối trùm kín ao chuôm, giờ chả khác khu đô thị mới. Người làng mua đất xây nhà, mở cửa hiệu sản xuất nhỏ và kinh doanh, nên phố vẫn là một phần của làng.
Tôi được ăn Tết cuối tại quê vào năm học lớp bảy và sau đó theo bố mẹ lên thành phố. Hồi ấy đất nước mới được thống nhất, cuộc sống của đa số bà con nông dân còn gặp nhiều khó khăn, song lòng người hết sức phấn chấn. Những năm sau này vì nhiều lẽ, tôi chỉ thi thoảng đáo về thăm các cụ trước hoặc sau Tết. Quê tôi là một làng cổ thuần nông. Dù chiến tranh tao loạn triền miên, bìa làng còn sừng sững mấy lô cốt của quân đội Pháp, làng vẫn giữ được nét rêu phong cổ kính với cây đa, giếng nước, sân đình. Con đường làng lát gạch xoãi nghiêng mòn vẹt óng lên đỏ như son. Bà tôi kể ngày trước con gái đi lấy chồng là trai làng khác, để được rước dâu họ nhà trai phải cung tiến cho làng trăm viên gạch lát đường. Chỉ trăm viên thôi nhưng đời này qua đời khác, hầu hết các lối ngõ đều đã được lát. Con gái làng đẹp nức tiếng thiên hạ, nên gạch mang đến cũng là loại gạch Bát Tràng nung qua lửa nhiều lần nên đanh chắc, chả kém cạnh gạch xây lâu đài cung vua phủ chúa.
Chưa đến ngày hai ba tháng Chạp, năm mới dường như đã cận kề. Không khí Tết ngập tràn các ngõ xóm. Vườn nhiều nhà đào mận nở bung những cánh hoa. Bưởi cam lúc lỉu vàng óng. Bất kể sớm tối, thảng hoặc pháo lại nổ đì đùng. Người làng tất bật cho việc đồng áng từ sáng sớm tới chiều muộn gieo cấy lúa chiêm xuân, nhưng các anh chị thanh niên dù bận rộn vẫn chốc chốc bày đủ trò cười đùa inh trời. Buổi tối, sân đình trở nên náo nhiệt như đêm hội. Người làng kéo nhau ra xem tập văn nghệ đông như xem diễn thật. Tiếng trống, tiếng đàn hát vang rộn.
Chiều ngày ông Công ông Táo lên chầu trời, cánh đồng tịnh không bóng người. Làng tôi bảng lảng một màu khói hương. Tiếng mõ lốc cốc chen những câu kinh kệ từ mái chùa đến nhiều nếp nhà lăn vào hư vô. Theo tục lệ, ngày này cả làng tôi giỗ trận. Các cụ xưa chọn ngày hai ba tháng Chạp hàng năm là ngày làng tạ ơn con dân trăm họ đã xả thân vì nước. Nhà nào cũng làm mâm cơm, không chỉ cúng ông Công ông Táo, mà còn cúng cả vong hồn các tử sỹ lưu lạc, gọi họ về ăn Tết với tổ tông. Các bậc cao niên truyền dạy: Bao đời nay mỗi khi đất nước trải cơn binh đao giặc giã, hầu hết trai tráng trong làng đều lên đường phò vua cha đánh giặc cứu nước. Nhiều người bỏ mạng trong trận mạc nơi đất khách quê người. Có những trận đánh mà phần thắng thuộc về bên
Minh họa: Dương Văn Chung |
thua… Làng làm lễ giỗ khi Tết đến Xuân về âu cũng là cái lẽ ở đời.
Qua ngày hăm ba, không khí chuẩn bị Tết trong làng càng thêm náo nức. Cùng với tiếng pháo tép đì đùng, từ sáng sớm tiếng lợn kêu eng éc khắp đầu làng cuối xóm. Chưa có nhiều nhà mổ lợn mà chủ yếu là hợp tác xã thu mua của từng hộ cho công ty thương nghiệp quốc doanh. Lợn được tập kết ở sân kho, con nào con nấy béo mẫm. Bọn tôi ngoài việc đẩy xe lợn cho bố mẹ, không màng chơi khăng, chơi súng phốp như mọi khi mà chuyển sang tụ tập chơi đánh đáo “ăn pháo” bên sân kho. Pháo hồi ấy chưa bị cấm nên tên nào đó kiếm được, chúng tôi cắm vào bãi phân trâu, phân lợn giành nhau châm lửa đốt. Nghịch ngợm chán, chúng tôi kéo nhau tới sân đình xem dựng cây đu và chuẩn bị các trò chơi. Trò đi trên cầu cây đốt pháo vừa làm xong đã rất đông người đến chơi thử. Giữa ao làng cắm hai đoạn tre to đỡ một cây gỗ thẳng nối từ bờ. Bánh pháo treo chính giữa ao. Người đốt cầm que hương đi cầu cây ra châm ngòi. Tôi ướt như chuột lột vì hăng hái đi thử nhưng chả nên cơm cháo gì.
Hăm tám Tết, chợ làng tôi họp phiên cuối trong năm. Tôi không rõ chợ có từ bao giờ, nhưng chắc đã lâu lắm bởi đình chợ rêu mốc, lởm chởm nhánh dương xỉ. Hầu hết người trong làng đều đi chợ. Dù cốt đi vui là chính, nhưng ai cũng sắm sanh một vài thứ gì đó cho gia đình. Phiên áp Tết người bán từ mọi ngả đổ về, sạp hàng bày tràn ra mọi lối đi và các khoảnh đất trống. Đám trẻ con tụi tôi loanh quanh cả buổi xem các ông thầy đồ cho chữ, vẽ câu đối, hoặc các bác thợ nặn tò he, in tranh trên giấy dó, khắc điếu cày… Chỉ trong phiên chợ Tết tôi mới thấy người làm nghề thể hiện trực tiếp tài năng của mình.
Sau phiên chợ, nhiều nhà tập trung thịt lợn ăn đụng. Làng tôi có lệ ngoài lợn nuôi bán cho hợp tác xã, một số nhà nuôi để những người ướm sẵn đụng với nhau. Ngoài thịt thủ và bộ lòng để lại liên hoan, còn chia đều mang về ăn Tết. Lợn nhà tôi đến lân được ba nhà hàng xóm chọn đụng chung. Mờ sáng bố tôi đã bắc nồi đun nước và mài dao sẵn. Nồi nước chưa kịp sôi mấy người đã lục tục kéo đến bắt lợn thịt. Con lợn nhà tôi áng chừng độ trên một tạ. Quê tôi nghèo, nhà ai bữa cơm cũng chủ yếu là dưa cà, họa hoằn mới có cua ốc hoặc cá thờn bơn bé xíu. Bữa cơm tươm tất chỉ có trong các ngày giỗ chạp hoặc tết nhất. Trong khi người lớn rôm rả chế biến món ăn, chia thịt, lũ trẻ tụi tôi háo hức đập hành coi mèo, hít hà mùi thơm ngậy nức và lăm le trải chiếu, dọn bát đĩa. Buổi trưa bốn nhà cùng nhau ăn Tết trước và phân công nhà khác nuôi lợn đụng Tết năm sau.
Cùng với việc đụng lợn, nhiều gia đình trong làng ăn Tết còn có món da trâu hầm. Ngon có thể không bằng món vó bò chấm tương gừng bây giờ, nhưng với tôi khi đó lại là món khoái khẩu. Thời chưa ai “phát minh” ra món ăn này, da trâu chủ yếu làm chão cày và bán cho xí nghiệp để thuộc da hay làm gì đó. Chẳng biết do đâu, người làng khi thịt trâu đều cắt từng miếng như mảnh mo nang thui cạo lông phơi khô, treo gác bếp. Tết đến móc ngâm dưới cầu ao một hai hôm rồi vớt lên rửa sạch, cho vào nồi đun tới khi mềm vớt ra thái miếng và tiếp tục ninh nhừ. Gia vị thường chỉ là giềng gừng đập giập kèm củ sả và lá chanh thái chỉ. Da trâu lúc chín từng miếng dai giòn sần sật, chất nhựa bùi ngậy chan vài bát cơm không ngấy. Điều khác biệt là khi ăn phải đun nóng cho tan chất keo kết dính, bởi da trâu hầm để nguội đông kết, chắc như keo dán gỗ, không đun nóng lại thì chịu chết, không xơ múi được gì.
Hầu hết các gia đình trong làng đều gói bánh chưng vào sáng ba mươi Tết. Lá dong, ống giang chẻ lạt chủ yếu mua từ chợ phiên, gạo nếp, đỗ xanh từ đồng làng, thịt lợn từ bữa đụng. Cả nhà tôi xúm xít gói bánh. Gần trưa nồi bánh chưng được bắc lên bếp. Việc luộc bánh chưng tới tận nửa đêm mới vớt rồi xếp ra phản, đậy mảnh ván và đặt chiếc cối đá lên ép cho bánh chặt và vuông vức. Tuy nhiên, năm nào bố mẹ tôi cũng gói cho mấy anh em vài chiếc bánh nhỏ để bánh nhanh chín và ăn trước trong bữa cơm tất niên buổi chiều. Tôi chỉ ngồi ăn cho xong bữa, nhìn thịt phát ngấy, bởi bữa ăn đụng đẫy gắp kèm mấy bát cháo lòng hôm trước.
Từ chập tối con đường làng là lãnh địa của trẻ con. Pháo nổ đùng đoàng khắp nơi. Chúng tôi bày đủ trò nghịch ngợm la hét. Sau giao thừa, mọi người kéo nhau từng tốp đi chúc Tết. Tôi cũng không rõ mấy giờ bố mẹ về nhà tự xông đất vì đã ngủ chả biết giời đất gì.
Sáng mồng một, tôi ngủ dậy thì mẹ hạ trên ban thờ xuống mâm cỗ Tết thịnh soạn, mẹ đã dậy chế biến và hương khói từ sớm. Tôi ăn quấy quá, ngòi ngõi trông ra phía đình và trốn việc rửa bát, len lén theo đám bạn, quên bẵng việc diện chiếc áo mới mẹ dẫn lên phố huyện may “mừng tuổi” từ trong năm. Sân đình đã rất đông trẻ con, nhiều đứa leo lên cây đu ra sức nhún. Tầm mười giờ, tiếng trống ngũ liên gióng lên dồn dập báo hiệu làng mở hội vui xuân. Năm nào cũng vậy, làng tôi mở hội suốt ba ngày Tết. Phút chốc, sân đình trở nên náo nhiệt. Chỗ chơi đu, chỗ bịt mắt bắt dê, ao làng là khu đi cầu cây đốt pháo, trước cửa đình là sân cờ người. Tôi xếp hàng chơi trò bịt mắt đập niêu đất, ngay lần đập đầu tiên, tôi đã đập trúng chiếc niêu treo và nhận phần thưởng là chiếc bút chì gắn cục tẩy. Quá trưa, hơn chục đứa bạn học cùng lớp cả trai lẫn gái đều hỉ hả khoe bút chì, dẫu nhiều đứa phải vòng vèo xếp hàng đập mấy lượt mới trúng. Nhác thấy bên ao làng náo nhiệt, tôi kéo đứa bạn gái thân thiết ra xem. Nhiều thanh niên vận quần cộc vài bận đi lên cầu cây đốt pháo, nhưng lần nào cũng chỉ ra được nửa chừng là lộn nhào xuống ao. Cây gỗ dính bùn nước trơn trượt khiến việc đi rất khó. Một bác đứng tuổi rít thuốc lào trên bờ xoe xóe, ngửa mặt nhả khói rồi phảy tay: “Để tớ”. Ông cởi quần áo dài, đón que hương đã châm sẵn dang tay đi trên cầu. Gần đến nơi, ông một tay vẫy nhẹ giữ thăng bằng, tay kia cầm que hương châm bánh pháo. Ông nhảy xuống nước thì bánh pháo nổ ran làm các anh chị thanh niên trầm trồ nể phục và hò nhau xăm xắm treo pháo chơi tiếp…
Có lẽ cuốn hút người xem và náo nhiệt nhất là khu vực cây đu. Chú tôi bảo làng tôi có cách làm đu hay từ đời cụ cố, con gái làng lại đẹp nên trai các làng khác nhân hội xuân kéo về làm quen và tìm vợ. Các đôi nam nữ lên đu quay mặt vào nhau, dùng tay vịn cây đu, dùng sức chân đẩy đu bay lên. Người chơi nhún càng mạnh, đu càng bay cao. Thường các đôi nam nữ dí dủm với nhau từ trước, chờ đến lượt là trèo lên nhún, bọn trẻ tụi tôi chỉ được chơi tranh thủ, còn chủ yếu ngồi la hét cổ vũ.
Khác với sự sôi động ban ngày, buổi tối sân đình rung rinh trong nhịp trống chèo của chương trình văn nghệ. Ngọn đèn măng sông treo trên bậu cửa tăng sáng thêm cho bóng điện đỏ quạch. Các diễn viên người làng nhưng trang điểm và hóa thân vào vai diễn thật ấn tượng. Cả sân đình nhiều lần ồ lên cười nghiêng ngả khi các bác thợ cày hóa trang vai hề bước ra sân khấu. Tôi thích nhất tích chèo “Thị Mầu lên chùa”, “Tiễn anh lên đường” và màn hát múa quan họ. Tan đêm hội những tràng cười nói râm ran còn theo về tận các ngõ xóm. Nằm trên giường mà trong đầu tôi những làn điệu dân ca và tiếng đàn còn vấn vít…
Ngày mùng hai và mùng ba Tết, chương trình vui xuân của làng vẫn tiếp tục, nhưng tôi ít có cơ hội đàn đúm lâu cùng lũ bạn, mà cùng cả nhà đi chúc Tết họ mạc. Đến nhà nào mâm cỗ cũng được dọn ra. Hầu như các món ăn đều giống nhau: Giò thủ, giò lụa, thịt gà, nem rán… Tôi ngồi vào mâm cho có và xem người lớn chạm chén rượu là chính, rất ít khi đụng đũa.
Tết năm ấy, tôi chưa hề biết hết năm lớp 7 mình sẽ chuyển đến nơi ở mới, vì vậy sau này nghĩ lại thấy mình thật vô tâm. Nhiều lúc giữa các cuộc vui, tôi còn chòng ghẹo và giành cả chỗ xếp hàng tại các khu trò chơi với đám bạn gái…
* * *
Tôi vừa lùi xe đỗ bên vệ cỏ đã thấy ông bác cả trưởng họ đứng bên cổng, không rõ ông nghe tiếng còi xe hay vô tình đi ra. Ông mừng rỡ kéo tôi sang nhà thờ họ: “Anh em chúng nó đã về đông đủ cả, đang đợi con ra lễ mộ cụ Tổ.”. Nhà thờ họ ngay cạnh nhà của ông. Mấy năm trước ông đã cho sửa sang lại khang trang, có cả mấy phòng cho con cháu về thăm quê nghỉ lại, nếu không muốn phiền nhà ai trong họ tộc.
Thắp nén nhang trên ban thờ dòng họ, tôi không thể kìm nén nổi xúc động khi nghĩ về làng quê nhỏ bé tôi đã sinh ra, nơi dưới bờ tre như vòng tay bao bọc làng, núm nhau của tôi đã tan vào với đất.
Bên ngoài trên khoảng sân rộng cạnh khóm trúc, gốc đào cổ thụ hoa nở đỏ rực, những bồn cây cảnh và chậu hoa đủ màu sắc rung rinh trong ánh nắng vàng sánh, nhiều tia nắng lọt qua khóm trúc chao gió óng mượt như tơ. Ngày tôi còn ở quê, chưa nhà ai biết chơi hoa cảnh như thế.
Nhiều năm đã qua đi, Tết quê xưa như một mảnh hồn làng lãng đãng thắp lên trong tôi niềm tin yêu của cuộc đời về một miền ký ức
Phan Thái
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...