Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
04:03 (GMT +7)
Tác phẩm tham dự Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về Đại đội Thanh niên xung phong 915

Lá thư cuối cùng

Trong 60 cán bộ, đội viên TNXP Đại đội TNXP 915, Đội 91 hy sinh đêm 24/12/1972 tại Gia Sàng, có hai người quê ở Tân Đức, Phú Bình là chị Dương Thị Năm và chị Dương Thị Giang. Họ là đôi bạn thân, cùng đi TNXP và cùng hi sinh.

Biết chúng tôi về tìm hiểu sự hi sinh của liệt sĩ Dương Thị Năm, ông Dương Công Định, sinh năm 1953 ở xóm Ngoài xã Tân Đức huyện Phú Bình, người nhà của liệt sĩ niềm nở đón chào. Vì từ trước đến nay, những kỷ niệm sâu sắc về liệt sỹ Dương Thị Năm chỉ được ông kể cho con cháu trong nhà nghe. Kính cẩn thắp nén nhang, ông Định thầm khấn bên bát hương thờ người cô của mình. Dường như bao ký ức vụt về, khiến người đàn ông đã ngoài 60 tuổi không kìm được những giọt nước mắt, khi nghĩ về người cô có cuộc đời truân chuyên và vắn số.

Tấm bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Dương Thị Giang
Tấm bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Dương Thị Giang

Gọi là cô nhưng ông Định và liệt sĩ Năm bằng tuổi nhau. Ông Định giải thích: Năm 1953, u sinh tôi được vài ngày thì ở xóm bên, bà cô ruột của bố tôi cũng trở dạ sinh ra cô Năm nhưng vừa sinh xong được vài tiếng thì bà qua đời. Bà nội tôi thương xót đứa bé, mang về cho u tôi nuôi. Cứ thế hai cô cháu cùng bú sữa u tôi, lớn lên trong sự đùm bọc của gia đình. Ngay từ nhỏ, cô Năm đã rất chăm ngoan, học giỏi và đặc biệt là có năng khiếu văn nghệ, hát chèo rất hay. Gia đình khó khăn nhưng thấy cô Năm học giỏi nên cố gắng cho đi học đến hết lớp 7. Cô Năm luôn là cây văn nghệ của xã Tân Đức, xông xáo tham gia các hoạt động, dạy các bạn cùng trang lứa múa hát…

Tấm bằng Tổ quốc ghi công của liệt sỹ Dương Thị Năm
Tấm bằng Tổ quốc ghi công của liệt sỹ Dương Thị Năm

Năm 1968, xóm Ngoài xã Tân Đức trở thành nơi đóng quân của bộ đội và nơi sơ tán của sinh viên trường Đại học Kinh tế quy hoạch (Nay là Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội). Xóm làng lúc nào cũng đông vui, nhộn nhịp. Người dân trong xóm sẵn sàng nhường các gian nhà cho giáo viên và sinh viên ở nhờ. Nhiều chương trình văn nghệ, giao lưu được tổ chức giữa người dân trong xóm và bộ đội, sinh viên trường Đại học. Biết được sở trường của Năm, Đoàn văn công của Sư đoàn 304 muốn đón chị Năm đi biểu diễn văn nghệ tại các chiến trường nhưng gia đình không đồng ý. Từng đợt chiến sỹ về huấn luyện rồi vội vã vào chiến trường miền Nam. Cũng như bao thanh niên trong làng, chị Năm mơ ước được trực tiếp phục vụ kháng chiến…

Rồi chị đem lòng yêu chàng trai tên Dương nhà ở xã Lương Phú, làm rạp chiếu bóng lưu động. Hai anh chị cũng đã hẹn hò, chuẩn bị cho ngày cưới nhưng chị Năm đã gác lại chuyện gia đình để đi thanh niên xung phong và sau đó, anh Dương cũng vào bộ đội đi kháng chiến…

***

Rời xóm Ngoài, chúng tôi được ông Định dẫn đường về nhà liệt sĩ Dương Thị Giang ở xóm Viên xã Tân Đức. Nhà chị Giang cách nhà chị Năm khoảng 500m. Sinh cùng năm, nhà lại gần nên Giang và Năm lúc nào cũng ríu rít bên nhau, cùng đi học, làm ruộng, cắt cỏ cho trâu và tập luyện văn nghệ với nhau như hình với bóng. Chứng kiến cảnh thanh niên trong xã nô nức lên đường chiến đấu, Giang và Năm bàn nhau xin gia đình để được đi thanh niên xung phong. Vì là con gái lại ít tuổi nên cả hai gia đình đều không đồng ý. Mỗi lần gặp nhau, Năm và Giang lại bàn với nhau về việc sẽ trốn nhà đi thanh niên xung phong….

Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, ông Dương Văn Long, sinh năm 1957, em ruột liệt sĩ Dương Thị Giang kể: Tháng 6/1972, khi ấy tôi 15 tuổi, sau bữa cơm trưa, chị Giang gọi tôi xuống bếp dặn dò là chị sẽ đi thanh niên xung phong, em ở nhà chăm sóc thầy u. Thế rồi, chị gói quần áo vào một mảnh áo mưa và cắp đi dưới trời nắng chang chang. Không thấy chị Giang, u tôi lo lắng, đoán là chị đã trốn đi nên bắt tôi đuổi theo gọi chị về. Giữa trưa nắng, tôi chạy một mạch đến chân cầu Lương Trình xã Lương Phú huyện Phú Bình thì gặp hai chị hớt hải tay nải đi trên đường. Nhìn thấy các chị, tôi mướt mát mồ hôi gọi với:

- Chị ơi! Về đi! U ở nhà khóc ghê lắm!

Chị Giang xoa đầu tôi, cố kìm nén cảm xúc:

- Để chị đi, ổn định chỗ làm chị sẽ về báo thầy u…

Khẽ gạt nước mắt, ông Long rưng rưng kể tiếp: Khoảng một tuần sau, khi tôi đi chăn trâu về thì thấy chị ngồi ôm u khóc ở trong nhà. Mâm cơm trưa vẫn nguội tanh, nguội ngắt chả ai ăn. Biết là không ngăn nổi ý chí con gái, u tôi đành để chị Giang khăn gói lên đường làm nhiệm vụ. Sau đợt đấy, chị Giang không về lần nào cho đến lúc gia đình nghe tin chị hi sinh…

Ông Dương Công Định (thứ 2 bên phải) kể lại những kỉ niệm khi liệt sỹ Dương Thị Năm còn sống.
Ông Dương Công Định (thứ 2 bên phải) kể lại những kỉ niệm khi liệt sỹ Dương Thị Năm còn sống.

Ông Định kể: Cô Năm rất hay viết thư về, chữ cô đẹp lắm. Mỗi lần nhận được thư, mẹ tôi đều bắt tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Rồi tôi đi công tác tại xí nghiệp Đá La Hiên, đóng ở huyện Võ Nhai. Hai cô cháu vẫn thường xuyên liên lạc qua thư. Trong 6 tháng đi thanh niên xung phong, cô Năm về thăm gia đình một lần duy nhất là lần cưới anh trai rồi lại vội vàng đi ngay. Mỗi lá thư cô Năm gửi tôi đều giữ cẩn thận để mỗi lần về nhà lại đọc cho u nghe. Trong số gần chục lá thư cô gửi, tôi ám ảnh mãi lá thư cuối cùng cô gửi cho tôi trước ngày cô hi sinh một tuần…

Nói đến đây, ông Định giàn giụa nước mắt không thốt được nên lời. Bình tĩnh trong giây lát, ông Định kể tiếp: Hôm ấy, tôi đang công tác ở huyện Võ Nhai thì nhận được lá thư của cô Năm. Khác với những lá thư trước, thư này, cô Năm viết dài hơn, ngoài phần hỏi thăm và chúc sức khỏe, cô còn khẩn khoản: “Nếu có điều kiện, cháu thu xếp xuống thăm cô, vì chiến tranh giờ ác liệt lắm, chẳng biết sống chết lúc nào cháu ạ”. Mải lấn bấn với công việc, tôi định bụng cuối tuần sẽ xuống thăm cô rồi tạt về qua nhà. Trong lá thư biên lại cho cô tôi còn hứa hẹn lần này xuống gặp cô, hai cô cháu sẽ ra thành phố chụp một kiểu ảnh làm kỉ niệm. ấy thế mà buổi sáng thứ Hai, ngày 25/12/1972, khi về đến thành phố Thái Nguyên tôi đã nhận tin dữ. Lúc ấy, tình cờ tôi gặp được anh Dương Văn Phúc, người cùng làng, làm cán bộ ở Tỉnh đoàn báo tin Giang và Năm hi sinh rồi. Tôi bàng hoàng đạp xe đến khu vực ga Lưu Xá, khung cảnh hoang tàn chết chóc bao trùm cả vùng đất.

Tôi vội vã đạp xe đến nghĩa trang Dốc Lim và không tin nổi vào mắt mình, cô Năm và rất nhiều đồng đội đã hi sinh. Tôi vội ra bưu điện tỉnh điện về bưu điện xã nhờ thông báo cho mọi người ở nhà biết…

Kể về giây phút nhận được hung tin, ông Dương Văn Long bùi ngùi: Hôm ấy, tôi vừa đi ăn cưới về thì nghe được tin chị Giang hi sinh. U tôi cuống cuống bảo tôi đạp xe chở bà lên thành phố ngay hôm đó. Chiếc xe đạp khung Pháp được tôi cẩn thận lót bao tải đay đằng sau chở u lên thành phố. Đến nơi, tôi và mẹ chỉ kịp thắp mấy nén nhang trên ngôi mộ còn nguyên đất mới. Mẹ tôi khóc ngất bên ngôi mộ của con gái. Tôi được mấy người đồng đội của chị Giang ở đó giao lại cho một ba lô, chiếc áo nâu mà chị Giang vẫn hay mặc, một đôi giày, và chiếc khăn mùi xoa thêu hình trái tim vẫn còn dang dở. U tôi ngồi sau xe, lặng lẽ ôm chặt những kỉ vật của chị Giang mang về. UBND xã Tân Đức cũng đến giúp gia đình làm lễ truy điệu ngay ngày hôm đó…

Ông Dương Văn Long (bên trái), nhớ lại những kỷ niệm khi liệt sỹ Dương Thị Giang còn sống
Ông Dương Văn Long (bên trái), nhớ lại những kỷ niệm khi liệt sỹ Dương Thị Giang còn sống

Sáu tháng là quãng thời gian hai chị Giang và Năm trốn gia đình đi thanh niên xung phong. Hai chị ra đi phục vụ kháng chiến vội vàng, không một người đưa tiễn nhưng khi trở về đất mẹ, hai chị được đón chào trong sự tiếc thương, cảm phục của quê hương, chòm xóm và người thân. Mỗi lần nhắc đến chuyện này, ông Định thường nhớ nhất về những lá thư. Trải qua thời gian, những lá thư ấy đến nay ông Định không còn lưu giữ được nhưng hình ảnh những nét chữ rõ ràng sạch đẹp và tình cảm cô Năm gửi gắm trong đó thì vẫn như in trong trí nhớ ông. Mỗi khi nhớ về người cô của mình, ông Định lại ngồi kể chuyện cho các cháu nội nghe rồi cẩn thận đọc từng câu chữ trong mỗi lá thư cô Năm gửi cho các cháu ghi chép vào cuốn sổ. Đó cũng là cách để ông tri ân liệt sĩ Dương Thị Năm và thổi vào tâm hồn các cháu của mình tình yêu Tổ quốc, tấm lòng biết ơn với những thế hệ cha anh đã hi sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc.

Dương Văn Mưu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước