Ký ức bạch dương
VNTN - Tôi mơ ước chuyến đi này lâu lắm rồi. Từ thời ấu thơ ấp lên chỗ trái tim trang sách có dòng chữ cháy bỏng “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí…” (1); từ thời thiếu nữ nằm đu đưa trên võng đay, âm i hát “Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào…”(2); từ thời thiếu phụ phạc phờ lo ăn mặc, vẫn thẫn thờ triết lí “Nếu không có gì ao ước trong tôi/ Thì có nghĩa chẳng còn gì để mất!” (3)…
Vậy nên khi chiu chắt đủ một chuyến đi chơi xa, tôi quyết định lên đường đến nước Nga.
Trăm năm người vẫn đâu đây
Khoảng cách gần 7.000 km từ Hà Nội đến Matxcova được tính bằng 9 tiếng bay của hãng hàng không Vietnam Airlines. Chúng tôi đặt chân xuống sân bay quốc tế Domodedovo (Matxcova) mới 18 giờ chiều, lúc này ở Việt Nam là 22 giờ đêm. Đã từng đắm cùng giấc mộng lứa đôi trong tiểu thuyết “Những đêm trắng” của nhà văn Đốttôiepxki. Tuyệt diệu thay, đêm trắng ảo huyền đang hiện hữu trước mắt. Tôi say đắm ngắm nước Nga rực rỡ vào lúc đáng lẽ bóng tối đã bao trùm. Rừng bạch dương ngút mắt chạy miên man hai bên đường dẫn vào trung tâm thành phố. Anh Chung, tiến sĩ Vật lý, hướng dẫn viên (HDV) của chúng tôi tại Matxcova bảo: Những thảm cây như thế này rất nhiều trong thủ đô, bởi người Nga “đưa rừng vào phố” để giữ môi trường.
Trên quảng trường Đỏ Matxcova
Như thấu hiểu mong muốn của khách du lịch, ngày đầu ở Matxcova, đoàn tôi được đưa đến nơi quan trọng nhất: Nơi diễn ra lễ đăng quang của các Sa hoàng trước đây, nơi vào năm 1941, khi thành phố bị quân Đức bao vây, hồng quân Liên Xô đã diễu binh và từ đây đi thẳng ra mặt trận; nơi tổ chức các sự kiện trọng đại nhất của nước Nga hiện nay: Quảng trường Đỏ.
Tôi hiểu, mình đang đi trên mảnh đất huyền thoại. Mỗi viên đá đen sần sùi dưới chân là một pho sử thấm máu và chiến công. Chúng tôi vào thăm các công trình đẹp mê hồn xung quanh quảng trường như Nhà thờ thánh Basil, Điện Kremli, Viện Bảo tàng lịch sử, Lăng Lênin, Trung tâm thương mại GUM… Kiến trúc của 400- 500 năm trước vẫn hài hòa với tổng thể hiện đại của thủ đô.
Thật khó gói được hết cảm nhận của 7 ngày sống trên một đất nước vĩ đại như nước Nga vào một ít chữ nghĩa. Nhưng dư âm sâu đậm nhất với tôi không ở những cung điện dát vàng lộng lẫy, không ở những thảm hoa đồng nội tím ngắt trải dài, không ở những chiếc cầu hình xương cá chạy thẳng ra biển… mà tôi khâm phục tầm nhìn xuyên thế kỷ của các bậc đế vương Nga.
Hai cái tên tôi được nghe nhiều trong suốt chuyến đi là Pie Đại đế và Elizabeta Đại đế.
Pie Đại đế (1672-1725) là nhân vật lịch sử kiệt xuất, được nhân dân Nga bình chọn là người Nga yêu mến nhất mọi thời đại. Dù sống có 53 năm, trong đó thực sự điều hành đất nước từ năm 22 tuổi, nhưng Pie Đại đế đã thay đổi địa lý nước Nga, đưa nước Nga lạc hậu trở thành cường quốc. Trước ông, cả nước Nga bao la chỉ có một cảng biển thông ra nước ngoài mỗi năm có 6 tháng (các tháng còn lại nước bị đóng băng) và không có hải quân. Pie Đại đế trong vai một thường dân mặc áo vải thô, ra nước ngoài học lái thuyền, đóng tàu chiến, tạo dựng lực lượng hải quân Nga. Khi đất nước lâm nguy, ông ra lệnh tịch thu chuông nhà thờ để đúc đại bác chống ngoại xâm; ông làm nên công trình vĩ đại là thành phố Sankt-Peterburg bề thế (khánh thành ngày 27-5-1703) từ vùng đất chiếm từ Thụy Điển, lúc đó chỉ là đầm lầy dọc hai bên bờ sông Neva; ông cho mở trường xóa mù chữ, xây dựng hệ thống đường sá, kênh đào vĩ đại, lập Viện Hàn lâm khoa học…
Vườn hạ uyển trong Cung điện mùa hè
Dành trọn một buổi chiều du thuyền trên sông Neva, ngắm thành phố cổ kính chan hòa nắng trong và nhẹ, ngắm những cây cầu bắc qua sông từ thời Pie Đại đế vẫn hiện đại, duyên dáng. Đó là cầu Anichkov (gọi theo tên của viên trung tá kỹ sư Mikhail Anichkov, người chỉ huy xây dựng chiếc phà đầu tiên), cầu Chúa Ba ngôi, cầu Nụ hôn… Cả thảy ở Sankt-Peterburg hiện nay có gần 800 cây cầu bắc qua sông Neva. Nhưng những cây cầu cổ xưa, làm bằng gỗ, ra đời cùng thời với thành phố, luôn được HDV giới thiệu cho du khách với vẻ tự hào đặc biệt.
Một người phụ nữ khiến tôi vô cùng ấn tượng nữa là Ekaterina, còn được gọi là Catherine Đại đế (1729-1796), Nữ hoàng trị vì nước Nga 34 năm, đưa nước Nga trở thành cường quốc tại châu Âu ở thế kỷ 18. Điều đáng nói, bà là người nước Phổ, được gả cho Hoàng tử nước Nga khi vừa tròn tuổi 14. Khi Hoàng tử Karl Peter Ulrich lên ngôi, hiệu là Pie III, Ekaterina cũng trở thành Hoàng hậu của Nga. Tuy nhiên, khi nhận được tin báo Hoàng đế Pie III có âm mưu chống lại nước Nga bằng cách thông đồng với ngoại bang, lập âm mưu phản quốc, bà đã mặc quân phục, cưỡi ngựa đến các doanh trại binh lính đọc tuyên cáo tội phản quốc của chồng mình. Sau khi Pie III bị xử trảm, Ekaterina trở thành Nữ hoàng. Điều đặc biệt còn ở chỗ, tính đến khi qua đời (67 tuổi) bà có đến 18 người tình, đều là những tướng lĩnh tài ba, tuấn tú. Nhưng nữ hoàng rất phân minh trong việc trị nước, không để người tình can thiệp cho dù rất sủng ái. Bằng con đường chinh phạt và ngoại giao, Nữ hoàng Ekaterina và những người yêu của bà đã mở rộng nước Nga về phía Nam, phía Tây và phía Đông, đến mức có lời bàn rằng, nếu bà sống đến 200 tuổi, thì bản đồ thế giới phải vẽ lại.
Người Nga rất nâng niu những công trình cha ông để lại. Từ lâu đài ghép hoàn toàn bằng gỗ sồi của cha Pie Đại đế, đến Cung điện mùa đông, Cung điện Peterhot (mùa thu), Cung điện mùa hè, các Tòa thánh… hình ảnh và kỷ vật của những Sa hoàng nổi tiếng này được đặt ở vị trí trang trọng nhất.
Với hàng trăm nghìn khách du lịch mỗi ngày, giá vé vào cửa có chỗ lên đến 50USD/người, những địa điểm này đang là nguồn thu ngân sách đáng kể cho nước Nga.
Anh Chung chỉ cho chúng tôi xem những khối nhà vàng sẫm, hơi cục mịch, cho biết đó là nơi người Nga thích ở nhất hiện nay. Dù xây từ thời Stalin (đã hơn 70 năm) nhưng công trình rất vững chắc. Tường nhà dày gần một mét, ấm về mùa đông và mát về mùa hè.
Còn Sơn, HDV đoàn chúng tôi ở Sankt-Peterburg thì kể chuyện: Có lần anh sơn lại cửa sổ phòng theo màu anh ưa thích, thì chỉ vài tiếng sau đã có người của ban quản lý thành phố đến yêu cầu anh phải sơn trả lại đúng màu nguyên bản, nếu không họ sẽ đưa anh ra tòa.
Người Nga nguyên tắc
Chỉ làn xe nườm nượp bật đèn sáng rực, dù lúc này mặt trời còn chói lóa, anh Chung giải thích: Người Nga rất tuân thủ quy định, đến giờ bật đèn là bật dù thời điểm “đêm trắng” 3-4 giờ sáng mặt trời mới lặn. Bước vào mùa đông, cũng đúng ngày quy định, người có ô tô phải thay lốp đặc biệt để đi trên tuyết, ai không thực hiện sẽ bị phạt nặng.
Chỉ cần nhìn việc sang đường cũng thấy rõ người Nga thực hiện luật giao thông nghiêm thế nào. Những chỗ có đèn tín hiệu, chúng tôi được nhắc phải đứng trên vỉa hè chờ đèn xanh mới được bước xuống lòng đường, ô tô qua đường giao cắt không hề giảm tốc độ. Những nơi không có đèn tín hiệu mà có vạch kẻ trắng sang đường, ô tô sẽ đỗ lại chờ người đi bộ qua. Đó là quy định chứ không phải họ lịch sự như một số người đi nước ngoài về kể lại.
Tính nguyên tắc của người Nga thấy rõ nhất ở chuyến tàu cao tốc từ Matxcova đi Sankt-Peterburg. Cứ 30 phút có 1 chuyến, con tàu của hãng Siemens (Đức) vận tốc trung bình 170km/h luôn kín khách. Nhân viên soát vé bấm vào máy cầm tay 3 số cuối của hộ chiếu để rà soát với người đã mua vé. Vé chỉ có thể hủy chứ người khác không đi thay được. Đoàn khách du lịch Việt Nam sang sau chúng tôi mấy ngày gặp trục trặc: HDV suốt tuyến (đi với khách từ Hà Nội) bị ốm, người khác đi thay, nhưng vé tàu đã đăng ký tên người đó và không thể đổi được. Người Nga cũng có cách bán vé tàu đặc biệt: Càng mua sau càng đắt. Những tấm vé cuối đắt như vàng vẫn không bao giờ ế.
Ngày cuối cùng ở khách sạn Azimut tại Sankt-Peterburg, chúng tôi gặp sự cố: Các đoàn khách dồn ra cầu thang lúc 9 giờ khiến thang máy quá tải. 18 tầng nhà ứ người ở các sảnh. Người bấm lên người bấm xuống khiến thang máy loạn bộ nhớ. Trong khi ô tô của chúng tôi đã đợi trước khách sạn và không được phép đỗ quá 5 phút. Dũng đề nghị khách sạn mở cửa thang bộ hoặc cabin dành cho nhân viên để giải tỏa lượng người, nhưng phụ trách khách sạn liên tục lắc đầu: Chỉ khi có hỏa hoạn, còn thì “nhét nhét” (không, không).
Tinh tế người làm tour
Lần đầu đi nước ngoài theo tour của Công ty du lịch Postum (Hà Nội) nên tôi khó so sánh với các tour khác. Nhưng về ngẫm lại, mới thấy người lập tour rất khoa học và tinh tế. Các điểm đến tham quan sắp xếp hợp lý để khách không lặp lại quãng đường mình đã đi.
Đường đi và đường về khác nhau để khách tiếp cận quang cảnh ở nhiều góc độ. Các bữa ăn Nga buổi trưa và ăn Việt buổi chiều. Bữa ăn Nga thường có 4 món: Sa-lát rau củ ăn sống cả vỏ, sau đó là súp nóng kèm bánh mì, món chính là khoai tây nghiền và thịt, tráng miệng bằng kem hoặc trà. Các nhà hàng ở Nga thường trên phố chính, cửa đóng kín, bước vào trong mới thấy hoạt động tấp nập. Tôi rất thích nhà hàng nằm trên phố cổ Arbat, gần ga tàu điện ngầm Matxcova, mang tên nhạc sĩ vĩ đại Traicopxki. Trần nhà, tường nhà treo nhạc cụ cổ xưa, cầu thang xoắn hình khóa Son, các quả cầu lơ lửng như những nốt nhạc. Tôi cũng ấn tượng bữa ăn cuối cùng trên đất Nga. Chủ nhà hàng trong trang phục truyền thống đón khách với chiếc bánh mì mới ra lò thơm phức và đĩa muối trắng. Khách véo một miếng bánh nhỏ, chấm muối ăn rồi mới bước vào trong. Một không gian Nga với khăn quàng hoa, ấm Samovar, máy khâu quay tay; người phục vụ mặc áo truyền thống mời khách uống nước nấu từ vỏ cây rừng để lạnh. Chúng tôi dùng bữa trong nền dân ca Nga nhè nhẹ. Tự nhiên, nỗi nhớ dâng ngập lòng. Tôi thầm cảm ơn người lập tour du lịch này. Người đó không chỉ phải hiểu khách về sức khỏe, mà còn tạo ra những điểm nhấn tâm lý thương nhớ, trở thành ấn tượng của chuyến đi.
Những lúc HDV Chung không thuyết minh, tôi thường tranh thủ hỏi anh chuyện ngoài lề. Anh bảo: Một trong những nguyên tắc đi du lịch là không tham tour rẻ. Có công ty thông báo giảm 5-7 triệu cho mỗi người, nhưng thực chất là trừ vào tiền khách sạn. Thay bằng bay thẳng từ Hà Nội sang Matxcova mất 9 tiếng, họ sẽ chọn đường bay xa hơn, rẻ hơn, cho khách ngủ trên máy bay. Thay việc đi tàu cao tốc từ Matxcova sang Sankt-Peterburg hết 4 tiếng, họ sẽ chọn đi tàu chậm hết 14 tiếng. Sau một đêm ngủ vạ vật trên tàu, khách xuống ga tiếp tục đi tham quan, tầm 9 giờ tối (1 giờ sáng giờ Việt Nam) mới được nhận phòng khách sạn. “Đi như thế là hành xác chứ đâu phải du lịch” - Chung nói.
Mua hàng ở Nga cũng theo nguyên tắc “tiền nào của ấy”. Cùng một mặt hàng nhưng nhiều giá khác nhau. “Cứ chọn cái đắt, ắt sẽ ngon” - Chung mách nước. Đồ ăn ở đây rất rẻ và ngon: Chery, táo giòn 300 rúp (110 nghìn)/kg; cá hồi 200 nghìn tiền Việt/kg. Chi phí sinh hoạt cũng rẻ, gia đình anh Chung dùng ga thoải mái, mỗi tháng hết khoảng 40 nghìn tiền Việt, điện cũng rẻ đến mức “không thấy tài khoản suy suyển mấy khi bị trừ”.
Và những chuyện “nhỏ nhưng không nhỏ”
Tưởng rằng đi chơi là chuyện đơn giản, chỉ là đi và ngắm, nhưng sự thực không hoàn toàn như vậy. Do thời gian sinh học bị thay đổi nên có lúc mong muốn duy nhất của tôi là được nằm trên giường, cảnh đẹp cũng không thấy hấp dẫn nữa. Việc “lấy lại đồng hồ” tâm lý theo giờ Nga (chậm so với giờ Việt Nam 4 tiếng) là việc phải làm ngay, để không vẩn vơ nghĩ, đại loại: Lúc này ở Việt Nam là 11 giờ đêm (mới được ăn chiều), hay lúc này ở Việt Nam là 12 giờ trưa (mới được ăn sáng). Trước chuyến đi cũng nên rèn luyện đôi chân cho dẻo dai thêm, vì trung bình mỗi ngày phải đi bộ khoảng 10km. Những ai có bệnh về tim mạch, tiêu hóa, thậm chí nghiện thuốc lá cũng là bất lợi đáng kể.
Không chỉ chuẩn bị về sức khỏe, mà chuẩn bị về kiến thức cũng là việc làm cần thiết. Trong đoàn, một số người tâm sự đã dành cả tháng trời để đọc lịch sử, văn hóa nước Nga, học một số bài hát, bài thơ… bởi thế họ cảm nhận sâu sắc hơn về những nơi họ đến.
Mạnh dạn vượt qua rào cản ngôn ngữ sẽ thấy người nước ngoài rất thân thiện. Gặp nhau ở sảnh khách sạn, không biết đó là người Pháp, Mỹ, Đức hay Hàn Quốc…, chúng tôi cứ “hế lô” vui vẻ; vào thang máy cũng “hế lô, bông rua” kèm nụ cười tươi. Tất cả đều đáp lại chúng tôi rất thân thiện. Lại nhớ chuyện đi mua hàng ở siêu thị. Các mặt hàng do người mua tự lấy vào túi, tự cân; ra quầy kiểm tra, người ta chỉ in hóa đơn và mình thanh toán bằng cách “trình diện” hóa đơn kèm túi hàng trước “mắt thần” của máy tính tiền… Lúng túng với cách mua hàng mới, chúng tôi nghĩ ra giải pháp: Khều khều vào tay người bản xứ “ích xờ kiu zờ mi” (phiền bạn), là họ hiểu mình muốn gì. Họ sẽ giúp đến khi mình ra khỏi siêu thị, mỉm cười gật đầu khi mình “ố chin sờ pa si pơ” (cảm ơn rất nhiều).
Lâu đài gỗ sồi đã hơn 400 năm của Sa hoàng Nga
9 ngày đi Nga (trong đó trọn vẹn 7 ngày trên đất bạn) là khoảnh khắc thật ngắn của đời người. Tôi lại nhớ đến câu nói “Đời người chỉ sống có một lần”, và có chuyến đi, biết đâu, chỉ một lần trong đời, như chuyến đi này. Vậy nên, làm căng mọi tế bào cảm xúc bằng cách chớp lấy từng phút giây hiếm hoi là điều tôi mong muốn.
Dù sao tôi vẫn muốn thêm một lần, được ngồi dưới tán bạch dương, nắm bàn tay ấm của Puskin, cùng “Mặt trời thi ca” thưởng thức khung cảnh tuyệt diệu của nước Nga:
Nhạc ngựa đều đều buông xa thẳm
Sương mờ che lấp ánh trăng nghiêng. (4)
...................................................
(1): Tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga Nicôlai Ôxtơrốpxki.
(2) Bài hát “Chiều Matxcova”
(3) Lời bài thơ “Đừng động vào cây mùa lá rụng” của nhà thơ Nga Ongabecgon
(4) Con đường mùa đông - thơ Puskin
Minh Hằng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...