Ký sự người viễn xứ (phần III)
Những người bạn Pháp thân thiện
Hình ảnh một đất nước Đông Dương xa xưa và Việt Nam ngày nay còn đọng lại trong tâm trí của nhiều người dân Pháp và chiếm một vị trí đặc biệt trong tâm tưởng họ. Đâu đâu tôi cũng gặp những người ít nhiều có mối liên hệ với Việt Nam, nếu không phải đã từng đến Việt Nam thì cũng là có người thân đã từng tham trận, hoặc nhận con nuôi người Việt. Tôi thật vui khi thấy nét mặt họ hân hoan khi biết tôi là người Việt Nam. Họ nói về Việt Nam với một tình cảm thương mến. Có người đồng cảm, có người vẫn mang trong mình một sự ngưỡng mộ vô bờ bến đối với bác Giáp. Một kỷ niệm gặp gỡ bất ngờ với một cựu chiến binh Pháp tại Đông Dương khiến tôi nhớ mãi.
Bà Nicole Trampolierie và chồng
Hôm ấy, đang tản bộ trong công viên thì tôi gặp hai ông già người Pháp cũng đi dạo như tôi và tôi có quen một trong hai ông. Người tôi quen giới thiệu tôi với với người kia. “Ông này là cựu chiến binh đã từng tham chiến tại Đông Dương đấy…”. Thế là chúng tôi bắt đầu trò chuyện rất cởi mở. Ông kể đã rời Đông Dương từ năm 1949, “Hồi đó do tướng Pháp nào cầm quân nhỉ?...”, ông cau mày nhăn trán để nhớ khiến những nếp nhăn trên mặt ông như sâu hơn, tôi liền giúp ông bằng cách kể tên những vị tướng Pháp “lừng danh” đã cầm quân tại Đông Dương như Leclerc, đô đốc D'Argenlieu, De Lattre, Navarre… Ông gật gù rồi tiếp tục kể tên các vùng ông đã đi qua trên mảnh đất Đông Dương thời ấy: Thái Nguyên, Cao Bằng, Hòa Bình, Ban Mê Thuột, Sài Gòn…, rồi hỏi tôi có biết những vùng quê ấy không, và hiện giờ chúng ra sao. Đương nhiên là tôi kể cho ông nghe những gì tôi đã chứng kiến gần đây và tôi chắc chắn ông đã hình dung ra những đổi thay. Ông khen tôi thông hiểu Việt Nam và thời kỳ lịch sử này. “Đó là đất nước tôi, thưa ông!” - tôi đáp lại. Tôi thấy vui vui vì ông kể và nghe chuyện rất say sưa. Ông còn nói “Sau khi ở Đông Dương về, tôi còn đi tham chiến ở Algérie, cuộc chiến ở đây còn kinh hoàng hơn ở Đông Dương...!”.
Một bà cụ già hàng xóm của bố mẹ chồng tôi có người con trai duy nhất chết trận tại Điện Biên Phủ. Cụ buồn lắm. Năm tháng qua đi nhưng nỗi nhớ mong con của cụ cứ đeo đẳng đến nỗi mà cả làng ai cũng biết! Khi biết con dâu của mẹ chồng tôi là người Việt, tức Đông Dương trước đây, cụ đến gặp tôi. Cụ cầm hai tay tôi và cặp mắt già nua hấp háy của cụ cứ nhìn sát mặt tôi, rồi nói: “Người Đông Dương dễ mến và hiền thục thế này ư? Vậy mà đánh thắng được Pháp ư? Nhưng mà sao Pháp lại đánh nhau với một đất nước có người đáng yêu đến thế kia chứ!”. Tôi xúc động và nước mắt cũng lăn dài trên má mình! Tôi hình dung nỗi đau của cụ và nỗi đau của các bà mẹ trên toàn cầu đã mất con trong các trận chiến...
Cả gia đình tôi đều thích đi du lịch, thế nên chúng tôi đã đi gần như khắp nước Pháp. Phong cảnh nơi đây khiến tôi mê ly! Nước Pháp có nhiều vùng khí hậu khác nhau, phong tục và văn hóa cũng khác nhau, và mỗi vùng có những đặc sản rất riêng, nhưng sự toàn cầu hóa cũng chẳng chừa họ ra. Cũng bởi đa phần người Pháp rất dân chủ và hiếu khách, họ chấp nhận “những người hàng xóm mới” một cách thoải mái và hòa đồng, và đương nhiên, để nhận được những tình cảm tốt đẹp mà người bản xứ dành cho, thì “người mới đến” cũng cần phải cố gắng rất nhiều. Riêng với người Việt, tôi có thể tìm thấy họ ở khắp nơi, thậm chí cả trong những vùng rất heo hút của nước Pháp. Điểm dễ nhận thấy nhất, đó là các nhà hàng, tiệm bán đồ lưu niệm hay một hình ảnh nào đó đặc trưng của dân tộc Việt…
Một lần đi du lịch tại thành phố trung du Ceret. Nơi đây, vào mùa hè, người dân thường tổ chức liên hoan ca múa nhạc dân gian và các cuộc thi liên quan đến điệu nhảy truyền thống tuyệt vời của xứ Catalogne: La Sardane... Nhưng điều khiến tôi ấn tượng hơn cả là hôm đó, tôi đã gặp ba mẹ con người Pháp trong trang phục áo dài và đội nón lá của Việt Nam. Tôi có lẽ là người ngạc nhiên nhất! Và tất nhiên, tôi đã lại gần và hỏi “nguồn gốc” của các bộ trang phục! Người mẹ trẻ Pháp hồ hởi kể rằng chúng đến từ phố Hàng Gai Hà Nội, rằng năm vừa qua gia đình họ đã đến Việt Nam, họ còn đi cả Sa Pa và một số nơi của Việt Nam... Tôi nghe mà vui lắm!
Lần khác, nhân đọc một bài trên thời báo Indépendant của xứ Languedoc-Roussillon thuộc Catalogne Pháp, tôi đã đến thăm Port-Vendres-Paulilles-Caspron, một quần thể các thành phố nhỏ nằm ở cực tây nam nước Pháp đúng vào ngày Ủy ban Hành chính thành phố khánh thành bia tưởng niệm những người An Nam xấu số đã hy sinh vì nước Pháp.
Tuổi đời họ còn rất trẻ, chỉ từ 20 đến 43. Họ tên là Lê Dương, Lê Văn Lai, Phạm Hun Nung, Võ Tần, Nguyễn Lợi, Lê Hải, Thái Sanh. Họ là những người An Nam đã tử nạn trong các vụ nổ nhà máy sản xuất mìn ở khu Paulilles trong thời gian diễn ra cuộc Đại chiến Thế giới thứ nhất. Và họ nằm trong số những người bị lịch sử cũng như nước Pháp đã lãng quên...
Quả đúng như thế, mãi cho đến những ngày đầu thu 2012 và sự kiện thành phố Port-Vendres đặt một tấm bia tưởng niệm họ, thì trước đó chả còn gì để gợi nhớ đến điều này. Ngay cả trong khu tài liệu lưu trữ cũng không có văn bản chính thức nào chứng thực họ đã đến và làm việc tại xứ Catalogne Pháp. Ngay cả cái chết bất ngờ của bảy người con Đông Dương, nơi mà ngày đó được tính như một tỉnh hải ngoại của đế chế thực dân Pháp thì hình như cũng không được tính đếm.
Lễ lập bia tưởng niệm người An Nam
Nhiều thập kỷ qua đi, không một mảnh bia, không một hàng tên nhắc cho du khách nhớ đến “những người da vàng nhỏ nhẹ vui tính, và cần cù” ấy. Người ta chỉ biết đến bảy người con An Nam ấy đã chết trong khi làm nhiệm vụ qua những mẩu giấy ghi lẻ tẻ nhờ bộ máy hành chính lưu giữ được: Giấy chứng tử chính thức được ghi lại ở Ủy ban Hành chính thành phố Port-Vendres trong những năm 1916 - 1918, những dòng điện tín sơ sài của sở quân cảnh Port-Vendres, nơi thường xuyên đến kiểm soát và ghi tên những nạn nhân... Không hề có quê quán, cũng chẳng có ngày cập cảng nước Pháp của họ. Duy chỉ trong tác phẩm Les dames de Paulilles, nữ tác giả Pháp, Nicole Yrle, đã dành nhiều trang để ghi nhận công lao của bảy người đàn ông An Nam.
Sau gần một thế kỷ bị chôn vùi, nhờ sự giúp đỡ của Ủy ban Hành chính thành phố, nhờ sự tìm hiểu qua các nhân chứng và nghiên cứu trong nhiều năm của các em học sinh thành phố này, thì sự qua đời của những người An Nam xấu số này cuối cùng đã được ghi nhận một cách chính thức vẻ vang bằng tấm bia đặt tại nghĩa trang Caspron. Nằm trên một quả đồi cao, xung quanh là những cánh đồng nho bạt ngàn, và xa hơn chút nữa là biển Địa Trung Hải, luôn rì rào ru dỗ giấc ngủ ngàn thu của các anh.
Tôi đã rất bồi hồi đứng trước tấm bia mộ, dù rất nhỏ bé. Tôi không biết các anh quê quán ở đâu, nhưng người Pháp đã lập bia tưởng niệm, khách tham quan sẽ đọc tên các anh mỗi khi ghé thăm… Các anh là một minh chứng lên án sự điên khùng của giới cầm quyền thuộc nền đế chế thực dân, của một tội ác mà người đời sau vẫn hằng nhắc đến!
Rồi cũng qua một trang báo dài đăng trên tờ nhật báo Indépendant này. Bài báo tường thuật chuyến du lịch của một đoàn gồm ba chục khách Pháp đến Việt Nam. Đoàn này là những cha mẹ đỡ đầu cho các em bé tại làng Cái Mơn, tỉnh Bến Tre. Họ sang Việt Nam để thăm các em đã được mình giúp đỡ, và tận mắt chứng kiến những thành quả của bà Chủ tịch Hội Việt-Pháp tại thành phố Perpignan. Và người đó là bà Peel Thật, tên thời con gái là Nguyễn Thị Thật. Tôi đã đến gặp bà. Bà gốc vùng Bến Tre, sang Pháp từ rất lâu và kết hôn với một người gốc Anh. Tôi đến gặp bà đúng ngày Hội tổ chức giới thiệu với các bạn Pháp các món ăn truyền thống của vùng đồng bằng Nam bộ Việt Nam.
Khi được hỏi những công việc bà đang thực hiện, ngoài ủng hộ của bà con, bạn bè thân hữu, thì bà có được hưởng trợ cấp gì của các cơ quan đoàn thể chính quyền Pháp không. Bà hồ hởi nói: “Hiện giờ, tôi đang làm việc tích cực với Ủy ban Hành chính thành phố Perpignan để xin thêm trợ cấp. Hội đã được một ông Nghị sĩ - Thị trưởng thành phố Pollestres, tên là Daniel Mach thương thuyết trích cho một khoản tài trợ hàng tháng”. Và “Mỗi khi Hội tổ chức tết hay các ngày lễ trọng đại của Việt Nam, Ủy ban thành phố không chỉ giúp tài chính mà còn cho mượn bàn ghế, địa điểm và các trang phục dụng cụ để tổ chức đêm nhạc.”
Cũng trong hành trình của mình, tôi gặp một người phụ nữ Pháp đặc biệt, đó là bà Nicole Trampoglierie, mà bà đã tâm sự “Việt Nam, chính là một phần lẽ sống của tôi”. Bà là người sáng lập và Chủ tịch tiểu ban thuộc Hội Hữu nghị Pháp - Việt của thành phố Choisy-le-Roi, ngoại ô Paris, tỉnh Val-de-Marne. Bà có thâm niên bốn mươi năm gắn bó với những hoạt động ủng hộ và trợ giúp Việt Nam, và hiện còn có rất nhiều dự án cho kế hoạch giảng dạy truyền bá ngôn ngữ Pháp tại các trường học ở Hà nội. Chúng ta cũng nên biết rằng thành phố Choisy-Le-Roi đã gắn liền với lịch sử Việt Nam trong suốt quá trình thương lượng hiệp định Hòa bình tại Paris của đoàn Ngoại giao Việt Nam do cố vấn Lê Đức Thọ dẫn đầu trong những năm 1968 - 1973. Bà Nicole Trampoglierie kể cho tôi nghe chặng đường gắn bó với Việt Nam từ những năm 1965, khi còn là sinh viên trường Đại Học Sư Phạm tại Paris và thậm chí con gái lớn của bà còn có một tên riêng là Phong Lan và rằng Việt Nam đã ghi dấu ấn trong toàn thể gia đình bà…
Theo bà Nicole Trampolierie, thành phố Choisy-Le-Roi đã kết nghĩa với quận Đống Đa Hà Nội từ năm 1975. Nhờ dòng lịch sử đặc biệt với Việt Nam, “tôi tự cho phép mình tiếp nối nguồn mạch ấy”, bà nói. Trong hai bộ phim tài liệu mà thành phố này thực hiện để kỷ niệm Bốn mươi năm Lễ Ký kết Hiệp định Paris, bà Nguyễn Thị Bình nói rất rõ rằng nước Pháp đã đóng góp một phần rất quan trọng và cũng nhắc nhiều đến Choisy-Le-Roi. Do làm nghề dạy học nên bà Nicole Trampolierie rất chú trọng phổ biến và phát triển tiếng Pháp cũng như văn học Pháp trong các hoạt động trợ giúp. Bà kể rằng năm 2010, Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa đã mời Thị trưởng Choisy-Le-Roi, ngài Daniel Davisse, sang dự lễ, và bà là một trong những thành viên của đoàn. Bà không đành lòng chỉ là khách mời mà đã tận dụng khoảng thời gian ở Hà Nội để đến thăm trường Nam Thành Công. Bởi như bà nói: “Tôi biết nơi đây có giảng dạy tiếng Pháp”. Sau đó, với sự ủng hộ của ngài Thị trưởng, năm 2011, Hội của bà đã đón 11 học trò từ 10 đến 12 tuổi và hai thầy cô của trường này đến thăm và sinh hoạt tại thành phố Choisy-Le-Roi trong hai tuần để các em thực hành tiếng Pháp, khám phá Paris,… nhưng cũng để làm quen với văn hóa Pháp, thăm các thư viện, chợ quê, tham gia các hoạt động đổi mới của vùng “ngoại ô đỏ”... Năm 2012, Hội đã tháp tùng 11 cháu nhỏ từ Choisy đến thăm Việt Nam. Tôi cho rằng đây là một hoạt động trao đổi học sinh rất thú vị.
Hội cũng có quan hệ với trường Đại học quốc gia Hà Nội. Và trong một lần tiếp xúc với khoa Ngoại ngữ, bà biết Khoa này vừa tuyển mộ bốn năm giáo viên trẻ dạy tiếng Pháp và bà nhận ra rằng họ đã chỉ học tiếng Pháp ở Việt Nam, bà nói: “Tôi đã từng gặp các giáo viên tiếng Pháp, họ đã rất cao tuổi,… những người đã từng học tập tại Pháp. Họ thấm đẫm nền văn hóa Pháp. Các giáo viên trẻ kia thì không. Có thể họ dạy tốt tiếng Pháp, nhưng có điều gì đó không ổn. Tôi chợt hiểu ra rằng có một sự gián đoạn trong quá trình học và dạy tiếng Pháp ở đây. Thế nên trong tôi nảy sinh ý tưởng mời các giáo viên này sang thực hành tại Pháp sẽ là hữu hiệu hơn.” Hội đã làm việc với ông Trịnh Đức Thái, khi ấy là trưởng khoa tiếng Pháp. Phía Pháp cam kết tài trợ học bổng cho các sinh viên nghèo muốn học tiếng Pháp, tài trợ cho Trung tâm tư liệu và tạo cơ hội cho các giáo viên Tiếng Pháp đến thực hành tại các trường Đại học ở Pháp. Nhưng bà buồn buồn thổ lộ với tôi rằng phía Việt Nam nên chọn đúng đối tượng để gửi sang Pháp, bởi bà thấy rằng: “Tôi có cảm tưởng một hãng du lịch có lẽ sẽ làm tốt hơn chúng tôi. Bởi một trong hai sinh viên chỉ đến đây để đi shopping, và không hề quan tâm đến các hoạt động mà chúng tôi đề nghị. Thế nên chúng tôi sẽ xem lại hoạt động này...”
Trong cuộc sống, đôi khi những cuộc gặp gỡ tình cờ nhưng để lại trong ta những kỷ niệm đẹp! Một người Pháp khác đã gây cho tôi nhiều thiện cảm. Đó là họa sỹ Jean Hury và cuộc triển lãm tranh của ông về phong cảnh và đời sống của Việt Nam đương đại tại tòa Thị chính thành phố sầm uất và xinh xắn, Levallois, ngoại ô Paris. Ông Jean Hury sinh năm 1935.
Những bức tranh của họa sỹ già biểu đạt được mọi sắc thái sinh hoạt đời thường của người dân trong các vùng Việt Nam. Từ Hạ Long, Hải Phòng, Hà Nội cho đến Huế và vùng sông nước miền tây Nam bộ đều được ông ghi nhận một cách đầy ấn tượng. Những con thuyền nhỏ bồng bềnh, những làng chài nổi trên vịnh Hạ Long và cả những hòn đảo nhấp nhô trên nền nước biển và trời xanh ngắt, cầu Thê Húc đỏ rực màu son và cả những khu chợ tại Hải Phòng, những cô hàng hoa và thợ đạp xích lô… và nhất là đèo Hải Vân, mây vờn núi, núi chạm biển đang vẫn vũ nổi sóng… đều được ông phối màu hài hòa, gây xúc động mạnh cho khách thăm.
Ông thật hiếu khách, luôn hồ hởi giới thiệu từng bức tranh đã vẽ ở đâu, tiện thể giới thiệu luôn vùng đó của Việt Nam cho những bạn Pháp. Với khách Việt thì ông chia sẻ những cảm nhận của chính mình mình. Ông nói : “Tôi thật lấy làm tiếc vì mối quan hệ Pháp - Việt trong quá khứ đã có một vết đen. Việt Nam đẹp và nồng hậu đến vậy, sao lại lỡ lấy súng đạn để đè bẹp và hủy diệt. Đến bất kỳ nơi nào tại Việt Nam, chúng tôi cũng được đón tiếp rất tốt. Người Việt Nam hiếu khách và chuyên cần. Họ luôn lo cho chúng tôi…”
Tâm sự với tôi, ông nói thường dùng bút chì họa nhanh phong cảnh những nơi ông nghé qua vào một cuốn sổ nhỏ, và ông đã mang về Pháp cả ngàn bức, rồi qua đó ông vẽ thành tranh sơn dầu… Trong tôi bỗng nảy sinh một ý tưởng nếu như những bức tranh của ông được triển lãm tại Việt Nam thì sao nhỉ? Đương nhiên, tranh phong cảnh Việt Nam hẳn đã có nhiều họa sỹ vẽ, nhưng là một người Pháp, điều đó hẳn có ý nghĩa hơn nhiều. Chúng ta sẽ có thêm một ví dụ về sự mong muốn khép lại quá khứ và xích lại gần nhau của hai dân tộc Pháp - Việt!
Trong một lần trò chuyện với ông Jean-Pierre Archambault, Chủ tịch Hội Hữu Nghị Pháp - Việt và Chủ bút của tạp chí Perspectives France Việt Nam, ông ấy đã nói với tôi rằng “Dân tộc Pháp chẳng ghét bỏ gì dân tộc Việt Nam, và ngược lại! Vết đen trong quá khứ chỉ là tham vọng một số người khùng điên, và đáng buồn thay, những người khùng điên đó lại cầm quyền lãnh đạo...”
Và còn rất nhiều những người bạn Pháp khác, đã đến hoặc chưa đến Việt Nam nhưng luôn dành cho Việt Nam và dân tộc Việt những tình cảm thương mến mà trong khuôn khổ một bài viết, tôi không thể kể hết. Chỉ xin nhắc lại rằng cộng đồng người Việt luôn được đánh giá cao tại Pháp! Được vậy, chắc bởi tính cần cù chịu khó và nhất là luôn hòa mình vào cuộc sống bản địa nhưng vẫn giữ được bản sắc và tính tự tôn của mình! Cũng như tôi, tôi yêu nước Pháp nhưng luôn tự hào là người Việt Nam!
Ký sự người viễn xứ (phần I)
Ký sự người viễn xứ (phần II)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...