Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
22:16 (GMT +7)

Kiến giải lịch sử trong tiểu thuyết “Tể tướng Lưu Nhân Chú” của Hồ Thủy Giang

Lịch sử chỉ là cái đinh để tôi treo bức tranh của mình 

(Alexandre Dumas)

VNTN - Tiểu thuyết lịch sử - tìm về cái cũ để mở ra đường mới

Trong đời sống văn học đương đại, việc tìm ra con đường của tiểu thuyết đang ngày càng trở thành một vấn đề quan thiết. Giữa rất nhiều những hướng đi, tiểu thuyết lịch sử là một con đường hứa hẹn nhiều triển vọng. Một số nhà văn đã dành trọn tâm huyết và rất thành công trong hướng đi này, tiêu biểu như Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thân, Uông Triều v.v.. Với Tể tướng Lưu Nhân Chú, Hồ Thủy Giang là nhà văn Thái Nguyên tiên phong lựa chọn khai thác thế giới đầy ẩn mật này.

Tiểu thuyết viết về lịch sử dễ bị nhìn nhận như là một cách tìm về cái cũ nhưng kì thực lại chính là đang mở ra một con đường mới. Nhiều người, cả bạn đọc lẫn chính người sáng tác, thường bị [tự] ràng buộc trong mặc cảm về một sự khuôn định của cái gọi là “sự thật” trong một tiểu thuyết lịch sử. Tâm lí đó đã vô tình mặc định cho nhà văn “nhiệm vụ” phải khôi phục, tái tạo để trình hiện quá khứ cho người đọc đương thời. Thật ra, câu chuyện viết tiểu thuyết lịch sử không nhằm chỗ đó. Nhà văn không nhằm mục đích kể lại thông tin, mà thực chất là tra vấn thông tin để tìm ra những cách cắt nghĩa lí giải các vấn đề. Nhà văn không tiếc nuối, không phán xét hay mong muốn thay đổi lịch sử, mà nhằm rút ra bài học và đặt ra vấn đề mới cho con người hôm nay.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã cho rằng: “Phải hư cấu như thế nào để đạt đến chân thực lịch sử và chân thực cuộc sống. Chân thực đến mức người đọc phải thừa nhận đây mới là lịch sử. Cũng không có nghĩa là sự bịa tạc, mà là sự tìm tòi đi đến chân thực. Và sự thật lịch sử trong tiểu thuyết lịch sử đáng tin cậy hơn vì nó được giải mã, nó có cuộc sống. Sự thật lịch sử trong lịch sử chỉ là những tín hiệu chứa đựng những thông tin vô cảm nhưng trong tiểu thuyết lịch sử nó lại sống động”. Mượn cách nói của A. Dumas, “sự thật” lịch sử như là chiếc đinh để nhà văn treo câu chuyện của mình lên. Vấn đề là qua câu chuyện lịch sử ấy, nhà văn phải đem đến một cách nhìn, một tư tưởng, một diễn giải về lịch sử. Viết tiểu thuyết lịch sử, vì vậy, thực chất là đi tìm quy luật nhân quả trong một diễn trình, chứ không phải đi tìm sự thật trong thì quá khứ hoàn thành.

Hiểu như vậy, sẽ thấy tiểu thuyết lịch sử không “phụ thuộc” vào lịch sử. Thực tiễn đời sống sáng tạo đang cho thấy, tiểu thuyết lịch sử đang trưởng thành với tư cách một thể loại văn học thực sự độc lập, giàu giá trị. Các nhà văn chọn lựa con đường quay trở lại lịch sử hoàn toàn không phải những người điệu đàng hoài cổ, mà họ đang tìm một lối thoát mới. Trong khi nhiều tác giả hiện nay đang nỗ lực tìm kiếm hướng đi và lựa chọn xu hướng cách tân quyết liệt, hình thành những trào lưu sáng tác gợi tạo nhiều tranh luận, thì nhà văn Hồ Thủy Giang (người cũng đã trải qua nhiều thể nghiệm tìm tòi) lặng lẽ đi vào tiểu thuyết lịch sử - con đường có vẻ như khá truyền thống nhưng lại hứa hẹn dài rộng. Trong bối cảnh mà câu chuyện về trào lưu - khuynh hướng của nhiều người viết đang có phần khó khăn bế tắc, có thể nói, hướng đi này là một gợi ý rất cần thiết và thú vị cho con đường sáng tạo tiểu thuyết.

 

Người anh hùng áo chàm Lưu Nhân Chú với tư tưởng hòa hiếu nhân văn của dân tộc 

Lưu Nhân Chú là ai? Về mặt thông tin lịch sử, Lưu Nhân Chú người quê ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, là vị tướng tài năng xuất chúng có công lớn cùng với Nguyễn Trãi phò giúp Lê Lợi, dẫn dắt nghĩa quân Lam Sơn giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược vào thế kỉ XV, được vua Lê Thái Tổ phong ngôi Tể tướng. Tiếc rằng, năm 1433 Lê Thái Tổ mất, Lê Thái Tông lên thay nhưng còn nhỏ, Lê Sát làm phụ chính, vì ghen ghét mà ngầm sai người đánh thuốc độc giết hại Lưu Nhân Chú. Tư liệu để lại về danh nhân này là rất ít so với một con người, một cuộc đời, một thời đại như vậy. Đằng sau một tầm vóc như thế là biết bao những ẩn mật mà nếu được nhận diện đúng - rõ - đủ hơn thì chúng ta sẽ không chỉ đến gần hơn với cha ông trên chính quê hương Thái Nguyên mình, mà còn hiểu thêm nhiều tầng bậc của lịch sử đất nước.

Nhà tiểu thuyết lịch sử vừa phải đảm bảo được tính chính xác tương đối theo phương diện nào đó về “cái đã có” (sự thật lịch sử), vừa phải nói lên được “cái có thể có” (hư cấu nghệ thuật) về lịch sử trong tác phẩm. Bằng không, nhà văn hoặc là biến mình thành nô lệ của thông tin, hoặc là trở thành một kẻ phản bội thông tin. Vấn đề của tài năng là ở chỗ nhà văn phải làm sao tránh được cả hai tình thế trên, để trở thành người đi đường quyến rũ. Chọn Lưu Nhân Chú làm hình tượng trung tâm, Hồ Thủy Giang hẳn phải biết trước những thử thách cũng như những vẫy gọi từ nhân vật lịch sử này.

Thông tin lịch sử có thể bị mờ khuất bởi nhiều sự che phủ, đôi khi đơn giản là vì những lưu chép nặng tính chủ quan của người viết sử chẳng bao giờ có thể đủ đầy so với trùng trùng lớp lớp ẩn tích của quá khứ. Lưu Nhân Chú cũng là một lịch sử như thế. Quan trọng là trên con đường của mình, ta khai thác các dấu chỉ lịch sử ra sao?

Dường như bám chắc câu hỏi này, trên hành trình khám phá, Hồ Thủy Giang đã đan trộn rất nhuyễn giữa các yếu tố hiện thực và lãng mạn, sự thật và hư cấu, trong đó có các thái cực chiến tranh và tình yêu, cống hiến và tư lợi, hận thù và bao dung, hủy diệt và bất diệt, quân tử và tiểu nhân, thành và bại, sống và chết v.v... để kể cho ta câu chuyện nhuốm màu huyền sử, một câu chuyện khốc liệt mà đẹp, say mê mà thuyết phục. Trong tiểu thuyết này, Lưu Nhân Chú mang thân phận dòng dõi, từ nhỏ đã vừa tài nghệ cao cường vừa mang tư chất kẻ sĩ, không chịu cúi đầu hàng giặc để hưởng vinh nhàn mà âm thầm nung nấu chí lớn, cũng không phải là kẻ võ biền chỉ biết đụng tay mà biết nhìn rộng nghĩ sâu. Nhìn giặc tung hoành gieo tội ác cho dân làng, sau khi kĩ lưỡng và tinh tường để suy xét và lựa chọn đường đi nước bước, Lưu Nhân Chú quyết chí phụng sự Lê Lợi lo nghiệp lớn.

Khi xung trận, Lưu Nhân Chú đặc biệt ưu tiên dùng mưu sách, không lấy võ nghệ làm đầu mà quan tâm việc bày binh bố trận, đặc biệt luôn ý thức tránh tối đa sự sát phạt giết chóc đau thương. Ông không chỉ có cái uy dũng của một vị tướng đích thực, mà còn là một người đầy nội tâm. “Khác với nhiều tướng trong nghĩa quân thường có niềm vui say cuồng sau mỗi chiến thắng, đứng trước Lê Lợi họ luôn khoe khoang công trạng, điều quân tài giỏi ra sao, chém được bao nhiêu đầu giặc, nhưng Lưu Nhân Chú sau mỗi chiến thắng lại thường tìm một nơi vắng vẻ thả tâm hồn vào tiếng sáo trong một nỗi nhớ cố hương da diết”. Không giáp trụ, chẳng long đao, chỉ mong manh tấm áo chàm quê nhà, Lưu Nhân Chú dù trong binh lửa vẫn bình tâm tĩnh trí, đánh giặc bằng gươm đao mà coi nhẹ gươm đao. Đấy không chỉ là một võ tướng mà còn là một văn nhân.

Chẳng thế mà khi chiếm thành, ông đau đáu nghĩ phương kế, để rồi không tốn một giọt máu, khác hẳn với cách nghĩ của số đông “chỉ rặt một bọn lấy chém giết làm tiếng hò reo”. Chẳng thế mà sau bao công trạng hiển hách, sắp đến buổi tế cờ phong chức sắc, trong khi bao người đang háo hức tham vọng thì ông ung dung một mình ngồi thổi sáo. Phận sự hoàn thành, đại nghiệp dựng xong, ông lại bị kẻ tiểu nhân (dù đã từng cùng nhau xông pha sống chết trong chiến trận) ghen ghét hại chết. Người đọc có thể tiếc nuối xót thương khi ông không được chết lẫm liệt như một vị tướng cầm quân giữ nước mà chết âm thầm trong ngục thất, nhưng con người như ông đủ can trường, đủ trải nghiệm, đủ tầm vóc văn hóa để khi đón nhận kết cục oan nghiệt đã không hề oán thán. Ông ra đi thanh thản nhẹ nhàng như một thảo dân nước Việt, yêu hết tâm can và chết rũ sạch mình.

Điều gì đã làm nên bản lĩnh và vẻ đẹp ấy cho nhân vật? Cốt lõi vấn đề ở đây chính là ở phẩm tính bao dung trong tư tưởng người Việt - tư tưởng hòa hiếu nhân văn. Trong tiểu thuyết này, nếu như minh sư Nguyễn Trãi là người khởi dựng thì tướng quân Lưu Nhân Chú chính là người thi triển một cách xuất sắc tư tưởng hòa hiếu nhân văn ấy. “Mưu phạt nhi tâm công bất chiến tự khuất” - Thu phục lòng người thì không đánh mà tự quy thuận. Trước khi đánh thành Lam Sơn, Lưu Nhân Chú khẩn thiết đề xuất: “Bẩm chúa công, khi chiếm lại thành Lam Sơn ta không nên đánh thẳng vào binh sĩ. Thần đang nghĩ đến một chiến thuật không tốn binh đao mà giặc phải quy hàng”. Trong trận tiêu diệt tàn quân của địch, trong khi nhiều người say máu lao lên chém giết, thì Lưu Nhân Chú yêu cầu viên tướng giặc Thôi Tụ: “Làm chủ soái, nhìn thấy cảnh quân sĩ rụng đầu như sung thế kia mà không động lòng sao? Ngươi mau leo lên cái đài cao kia cầm loa hạ lệnh toàn bộ quân sĩ buông vũ khí quy hàng để chấm dứt cảnh đầu rơi máu chảy kia”. Sau chiến thắng đó, chính Lê Lợi đã thấm thía hơn ai hết những ám ảnh khủng khiếp của xương máu oan khiên: “Sau chiến thắng vang dội, tiêu diệt và bắt sống gần chục vạn lính Ngô, quân tướng Lam Sơn cũng mệt mỏi rã rời. Đã vào nửa đêm. Doanh trại Bồ Đề chìm trong giấc ngủ. (…) Trong tâm trạng nửa ngủ, nửa mơ, Lê Lợi như nghe thấy những tiếng gươm đao và những ánh lửa rần rật ở phía trời xa cùng những tia máu vọt lên. Lồng ngực ông bỗng trĩu nặng bởi hàng ngàn bóng người đen ngòm đè lên”. Lưu Nhân Chú chiến thắng trở về nhưng thất thần đau xót, vì ông thấu hiểu hơn ai hết sự quý giá của mạng người. Đó là điều vị tướng quân này luôn trăn trở lo lắng, coi như lẽ sống, coi như nguyên tắc.

Như Heghen nói, những nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử là những con người “biểu hiện tư duy của dân tộc”. Hình tượng Lưu Nhân Chú ở đây có sức hàm chứa vấn đề của người Việt, của lịch sử dân tộc. Phẩm tính bao dung và tư tưởng hòa hiếu nhân văn trong tác phẩm nói rộng ra là một căn tính dân tộc, mà càng trải qua thử thách của hoàn cảnh lịch sử lại càng được bộc lộ và khẳng định. Có lẽ, đây chính là điều mà tác giả nhìn ra như một khoảng sáng qua lớp sương mờ thời gian. Nó chưa bao giờ chỉ là bài học của quá khứ, nó vẫn luôn luôn là vấn đề của đất nước hôm nay. Đọc quá khứ để nhìn hiện tại, ngẫm lịch sử để nhận thức hiện thực Việt và đặt ra những câu hỏi cho tương lai - làm được việc đó cũng có nghĩa là tác giả đã treo được câu chuyện của mình lên chiếc đinh lịch sử vậy.

 

Giải thiêng - Lịch sử lãng mạn như nó vốn thế 

Nếu chỉ dừng lại và chuyên chú vào vấn đề phẩm tính, tư tưởng hòa hiếu nhân văn của dân tộc, hẳn tiểu thuyết này sẽ dễ rơi vào tính luận đề khô nhàm đơn điệu. Là một người viết lâu năm và có nghề, Hồ Thủy Giang dường như rất hiểu điều này. Cho nên, tác giả đã khéo léo đem vào câu chuyện của mình những yếu tố lãng mạn, những chi tiết đời thực, để câu chuyện lịch sử kia không trở thành một “mẫu vật” trong bảo tàng mà thực sự là con người, là đời sống với không khí của thời đại và hoàn cảnh của nó.

Người đọc đặc biệt chú ý tới âm giai huyền hoặc từ cây sáo của Lưu Nhân Chú - một tướng quân xông pha trận mạc. Tiếng sáo Lưu tướng quân cứ ngân đi ngân lại tha thiết mê mị nhiều lần trong tác phẩm. Khi thì tiếng sáo nặng suy tư: “Ngồi lặng một lúc để tĩnh tâm, anh đưa cây sáo lên môi. Tiếng sáo réo rắt ngân nga bay vào tận rừng sâu”. Lúc thì tiếng sáo ăm ắp thương nhớ: “Chàng hoảng hốt vì trong tiếng sáo chợt thấy mùi hương sả bay ra từ mái tóc mềm mại của Slao, như văng vẳng tiếng nói của Slao hôm từ biệt chàng bên bờ suối”. Có lúc, tiếng sáo mang sức mạnh đầy quyền lực: “-Xin tướng quân thổi nữa đi. Trong chiến tranh, nhiều khi âm luật cũng là vũ khí. Chắc tướng quân chưa quên tích truyện Thạch Sanh dùng cây đàn mà đuổi được giặc xâm lăng ra khỏi bờ cõi… Lưu Nhân Chú cảm động, đưa sáo lên môi. Tiếng sáo trong vắt vút lên, phá tan bầu không khí u tịch”. Đến mức, tiếng sáo đã thu phục hoàn toàn đối phương bên kia trận tuyến là Vương Thông: “Chinh chiến ở Đại Việt bao năm, tôi những tưởng chiến tranh toàn là máu lửa và chém giết. Từ đêm nay, có lẽ trong con tim binh nghiệp sắt đá của tôi sẽ có thêm tiếng sáo của Lưu tướng quân”. Cái sáng tạo của hình ảnh tiếng sáo ở đây là ở chỗ nó vừa rất thực, lại vừa rất ảo diệu, nó không phải là thứ vẽ vời dông dài mà quả là phần bổ hoàn vào tính cách, con người, tư tưởng của nhân vật.

Bên cạnh đó, hình ảnh những người nữ trong cuộc đời Lưu Nhân Chú cũng rất đẹp và ý vị. Lưu tướng quân có Ngọc Tiêm - một người vợ tuyệt vời, tuyệt đối yêu chồng và tuyệt đối đáng được chồng yêu. “Ngọc Tiêm ngả người vung kiếm. Những đường kiếm vun vút lấp loáng dưới ánh trăng. Từng chùm lá rơi lả tả trong không trung mỗi khi lưỡi kiếm của Ngọc Tiêm lướt qua”. Một hình ảnh khiến người chồng đáng được tất cả đàn ông ghen tị và ngưỡng mộ. Ấy thế nhưng trong lòng người chồng ấy đôi khi vẫn thấp thoáng hình ảnh một nữ nhi khác, đáng yêu đáng phục không kém - đó là Slao, người giấu lòng yêu thầm nhớ trộm và cuối cùng đã lấy thân mình chắn mũi tên giặc để chết thay Lưu Nhân Chú. Cảm xúc, tình yêu, những phút xao lòng v.v... đã làm cho một câu chuyện tưởng chỉ đơn thuần chính sử được pha màu cuộc sống thường nhật, với tất cả thành thật luyến ái của con người. Nhờ vậy, nhân vật lịch sử bỗng trở nên gần gũi, không cao vời như một đấng bậc để ta ngưỡng vọng chiêm bái, mà hiện lên dung dị với tất cả giá trị Người phổ quát mà nó vốn có.

Ở đây, dù chủ đích hay không, tác giả đã giải thiêng lịch sử và nhân vật của nó. Thật ra, giải thiêng hiểu đơn giản và đúng nghĩa là nhìn vấn đề một cách đầy đủ, chân thật, gần gũi nhất. Thật ra, lịch sử và con người trong lịch sử lãng mạn như nó vốn thế.

* * *

Điều khiến tôi rất thích ở đây là chất điện ảnh khá rõ trong kết cấu, kĩ thuật kể, cách dựng cảnh. Nhưng tôi cũng rất tiếc cho tác giả bởi đôi chỗ cần kĩ lưỡng lại lướt vội, mà lẽ ra nó xứng đáng phải được đầu tư hơn thế (Lê Lai chết thay Lê Lợi; nghĩa quân chiếm thành Lam Sơn; Lưu Nhân Chú trước lúc chết v.v...). Hơn nữa, nhịp điệu kể chưa được điều chỉnh rõ ràng để đưa người đọc thực sự hòa cảm vào câu chuyện. Và cuối sách, việc tác giả đưa vào phụ lục các nhân vật, sự kiện, vấn đề lịch sử đành rằng là tiện cho quá trình đọc của độc giả, nhưng hình như đã vô tình khuôn hẹp lại tính gợi mở của tác phẩm.

Thực ra đấy cũng là đòi hỏi bình thường của sáng tạo.

 

Phạm Văn Vũ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy