Thứ ba, ngày 17 tháng 12 năm 2024
03:54 (GMT +7)
Tọa đàm khoa học “Nhận diện thành tựu sáng tác của các thế hệ văn nghệ sĩ chiến sĩ Thái Nguyên”

Khúc ca người lính còn ngân mãi

Chi hội Âm nhạc hiện có 16 hội viên, trong đó có 4 hội viên xưa là chiến sĩ nay là nghệ sĩ. Điều đặc biệt là, 4 hội viên đó đang giữ một số “kỷ lục” của Chi hội: về tuổi đời, về thành tựu và về giải thưởng.

Người tôi muốn nói đến đầu tiên là nhạc sĩ Phạm Đình Chiến. Anh Chiến tính đến nay có tổng cộng 20 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc, một hiện tượng khá hiếm đối với Hội Văn nghệ tỉnh.  

Nhạc sĩ Pham Đình Chiến
Nhạc sĩ Phạm Đình Chiến

 Sinh ra trong gia đình khó khăn về kinh tế, trong nhà không có ai có năng khiếu âm nhạc, nhưng cậu bé Chiến lại mang tình yêu đặc biệt với cây đàn guitar. Lên mười tuổi, cậu tìm được cho mình cuốn sách dạy ghita quý hiếm của nghệ sĩ Hoàng Bửu và mày mò tự học, chơi solo được một số bài, vài năm sau đã tự tin đệm đàn cho các bạn hát. Hai mươi tuổi vào bộ đội bảo vệ biên giới phía Bắc, do chữ đẹp, khéo tay nên chàng thanh niên Phạm Đình Chiến trở thành anh lính vẽ bản đồ của Trung đoàn 531, Sư 311, Quân đoàn 26. Bầu trời ước mơ tuổi trẻ cùng môi trường quân ngũ là động lực cho anh sáng tác hàng loạt bài hát. Anh trở thành tâm điểm các cuộc giao lưu với thanh niên nơi đơn vị đóng quân, nhiều tác phẩm được giải thưởng ở các cuộc hội diễn của sư đoàn. Các ca khúc: “Anh đến quê em”, “Quảng Hòa yêu thương”,  “Cao Bằng một miền quê” v.v. đến nay vẫn vang lên nơi biên giới phía Bắc Tổ quốc.

Sau gần 4 năm quân ngũ, anh ra quân, trở thành sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa Trung ương, chính thức bước vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Ra trường, về công tác tại Nhà Thiếu nhi Thái Nguyên, thấy anh sáng tác một số bài về Thái Nguyên, nhạc sĩ Đỗ Minh động viên anh đi học tiếp. Năm 1993 anh thi vào Khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy, Học viện Âm nhạc Hà Nội. Rồi anh về quê hương, tiếp tục sự nghiệp trồng người tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên và gắn bó 21 năm ở đó.

Đây là quãng thời gian làm nghệ thuật sung sức nhất, tác phẩm của anh luôn là tiết mục “đinh” của nhiều chương trình kỷ niệm truyền thống, của các sự kiện quan trọng của trường học, cơ quan, đơn vị. Một số bản tình ca sâu lắng như “Tóc rối”, “Thái Nguyên ơi cho em khúc hát”, “Em và dòng sông” cũng ra đời trong thời gian này. Nay đã nghỉ hưu, nhưng người nghệ sĩ này chưa lúc nào ngơi nghỉ ý tưởng sáng tác. Nhịp sống chậm lại, cảm xúc chín và thấm hơn trong nốt nhạc. Nhiều tác phẩm của anh gây được tiếng vang: Ca khúc “Tình anh tình em trên mảnh đất biên cương” được giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tác phẩm “Hoa Tường vi bên Lăng Bác” với ca từ đẹp, nét nhạc sâu lắng đã rung cảm trái tim người nghe, đoạt Giải C cuộc thi về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2023 và  Giải A Giải thưởng 5 năm Văn học nghệ thuật giai đoạn 2017 - 2021.

 Khác với nhạc sĩ Phạm Đình Chiến, nhạc sĩ Quản Đức Thắng sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, với người cha say mê văn nghệ quần chúng và hai anh trai làm việc ở Nhà hát Giao hưởng Việt Nam. Học hết lớp cấp 2, anh Thắng theo học trường Sư phạm Nhạc Họa Thể dục Trung ương. Sau 3 gắn bó với cây đàn ắc-coóc-đê-ông, anh được lệnh tham gia quân ngũ, trở thành anh bộ đội đặc công, nhiệm vụ nghiên cứu chiến trường, đóng quân tại Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Nhận thấy chàng lính trẻ kéo đàn giỏi, hát hay và sáng tác tốt, anh được điều ra Bắc, biên chế đội Tuyên Văn của Binh chủng Đặc công. Năm 1979, khi chiến tranh biên giới nổ ra, anh tiếp tục lên đường phục vụ biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn. Tham gia 2 cuộc chiến, cuộc sống quân ngũ và thực tế chiến trường là nguồn cảm hứng để nghệ sĩ Quản Đức Thắng sáng tác khoảng 60 ca khúc. Hiện nay bài hát “Hành khúc Đặc công” vẫn là ca khúc truyền thống của lực lượng bộ đội Đặc công Việt Nam.

Nhạc sĩ Quản Thắng
Nhạc sĩ Quản Thắng

 Sau 11 năm quân ngũ, năm 1982, anh Quản Thắng ra quân và được biên chế vào phòng Văn nghệ, Ty Văn hóa Thông tin Bắc Thái, giữ chức Trưởng phòng và sau đó phụ trách Nhà văn hóa tỉnh. Đây là giai đoạn phong trào văn hóa quần chúng phát triển mạnh, cũng là quãng đời sôi nổi của những cán bộ phòng Văn hóa. Họ đeo vác hàng chục cân trên lưng, trèo đèo lội suối vào Yên Hân, Yên Cư, Sảng Mộc, Thần Sa, Tràng Xá... mang lời ca tiếng hát về vùng sâu vùng xa, xây dựng phong trào và tổ chức hội diễn các cấp. Chất liệu cuộc sống vùng cao ngồn ngộn, cảm hứng âm nhạc dồi dào, anh đã có nhiều tác phẩm tâm đắc ra đời trong thời gian đó.

Đơn cử như bài “Hát về những kỷ niệm” anh sáng tác năm 1985, không chỉ tham gia Hội diễn Làng Sen và cất lên ở các kỳ hội diễn mà còn thường xuyên vang trên sóng Đài Phát thanh Bắc Thái: “Núi rừng bạt ngàn xanh, nơi chiến khu xưa in bóng người, gió Đèo De dòng suối núi Hồng, rì rào rì rào hát, rì rào hát về Người, hát về những kỷ niệm, khi Bác ở chiến khu, hát về những kỷ niệm, khi Bác về Thái Nguyên…”.

Đến thời điểm này, nhạc sĩ Quản Thắng vẫn theo đuổi quan điểm kế thừa âm nhạc dân tộc. Đó là đưa giai điệu của dân ca quan họ, dân ca Bắc bộ, dân ca Nam bộ, điệu chèo, điệu then… phù hợp môi trường và nguồn cảm hứng sáng tác vào tác phẩm. Từ các ca khúc viết cho bộ đội hát trên chiến trường đến những tác phẩm viết về người nông dân, công nhân, âm hưởng nhạc dân gian luôn phảng phất, làm nên nét duyên cho mỗi ca khúc của anh.

Tác phẩm “Phú Bình miền quê ân tình” được giải B 5 năm của Hội VHNT tỉnh là một trong những bài như thế. Người Phú Bình nền nã, mềm mại, vùng quê lúa bạt ngàn trù phú rất đồng điệu chất liệu dân ca cò lả anh sử dụng. Đài Truyền hình Thái Nguyên đã làm một chương trình về bài hát này và hiện vẫn là ca khúc yêu mến của người Phú Bình.

Như trên đã nói, 4 nghệ sĩ chiến sĩ của Chi hội Âm nhạc đang nắm giữ nhiều kỷ lục và nghệ sĩ Lý Khắc Vịnh đang là người cao tuổi nhất của Chi hội. Sinh năm 1948, chàng trai quê hương Hưng Yên gia nhập đội ngũ Thanh niên xung phong (TNXP), lên đường làm nhiệm vụ ở Na Hang (Tuyên Quang) năm 18 tuổi. Vốn có năng khiếu thanh nhạc, trong môi trường TNXP, anh Vịnh luôn là hạt nhân văn nghệ, anh có mặt ở đâu là ở đó không khí làm việc, sinh hoạt sôi động hơn. Được giao nhiệm vụ tổ chức và dẫn đoàn đi hội diễn, đội văn nghệ của anh ngày lao động, tối tập luyện. Chỉ có 2 cây guitar phập phùng, các nghệ sĩ không chuyên say sưa luyện tập, say sưa biểu diễn, những ca khúc cách mạng đã góp phần cổ vũ tinh thần hăng say làm việc của lực lượng TNXP.  

Nhạc sĩ Lý Khắc Vịnh
Nhạc sĩ Lý Khắc Vịnh khi tham gia văn nghệ quần chúng ở địa phương

Trong 3 năm đứng trong đội ngũ TNXP, anh Lý Khắc Vịnh được đi học thanh nhạc và nhạc lý các lớp ngắn ngày tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng... đó là hành trang quý giá để anh theo đuổi đam mê ca hát và sáng tác đến hết cuộc đời.

 Năm 1971, được chuyển ngành về Công ty Gang thép Thái Nguyên với nhiệm vụ lái máy cẩu, anh Vịnh nhanh chóng trở thành thành viên tích cực của nhóm Ca khúc gang thép. Ánh lửa thép rực rỡ và sức nóng nghìn độ của lò cao khiến cảm xúc dâng trào để anh kẻ dòng nhạc đầu tiên, viết 2 ca khúc về vẻ đẹp của người thợ luyện thép và đoạt giải các kỳ hội diễn của Gang thép.

Đủ tiêu chuẩn nghỉ hưu khi mới 39 tuổi, anh Vịnh trở thành nhân tố tích cực của phong trào văn nghệ địa phương. Vừa sáng tác vừa dàn dựng và biểu diễn, Khắc Vịnh là cái tên được nhắc đến nhiều ở các chương trình hội diễn nghệ thuật của các doanh nghiệp, các xã, phường, huyện, thành phố. Ngòi bút của người lính năm xưa hướng về đội ngũ cựu TNXP, về vẻ đẹp con người lao động, về quê hương Thái Nguyên.

Tính đến thời điểm này, anh Vịnh đã có hàng trăm ca khúc mang âm hưởng hành khúc, vui tươi, khích lệ, trở thành bài truyền thống của địa phương, doanh nghiệp. Không chỉ viết hành khúc, nhiều bản tình ca như “Dấu xưa”, “Người về quê cũ nữa không?” vẫn vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam cho thấy còn có một Khắc Vịnh hoài niệm và sâu lắng khi tâm sự với chính mình:

Anh muốn làm thi nhân/ Tìm em trong chén mộng/ Anh muốn làm ngọn sóng/ Đưa thuyền em ra khơi (Ca khúc "Dấu xưa").

Hàng chục năm tham gia lãnh đạo Hội Cựu TNXP cấp tỉnh, thành phố và phường Gia Sàng, anh đã có tác phẩm “Tình đồng chí thanh niên xung phong” được giải đặc biệt của Trung ương Hội TNXP năm 2022, trở thành ca khúc truyền thống vang lên trong lễ tiễn đưa đồng đội.

 Đến với âm nhạc từ năng khiếu cá nhân, không được đào tạo chuyên sâu, nhưng sự đam mê, chuyên cần, tự học, tinh thần của người lính năm xưa đã giúp anh Lý Khắc Vịnh có nhiều thành tựu về âm nhạc. Anh đã 3 lần được giải thưởng 5 năm Văn học nghệ thuật của tỉnh.

Trong số các nghệ sĩ - chiến sĩ của Chi hội Âm nhạc, có một người đặc biệt mà tôi muốn nói đến sau cùng. Tác phẩm của anh không phải là ca khúc mà là các thế hệ học trò tài hoa và sự trưởng thành của đơn vị anh “đứng mũi chịu sào”, đó là Nhà giáo Ưu tú Đỗ Quang Đại.

Ba năm quân ngũ tuy ngắn nhưng để lại dấu ấn sâu đậm, chàng lính trẻ 18 tuổi với cây đàn guitar mơ mộng được rèn luyện nâng cao sức khỏe, được rèn giũa tính kỷ luật, có môi trường để thể hiện tài năng. Anh thấy mình trở nên chín chắn, sống quảng đại và vì mọi người hơn.

Ra quân, anh Đại trở thành giảng viên bộ môn guitar, Trường Trung cấp (nay là Cao đẳng) Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Đối với âm nhạc, việc truyền lửa đam mê cho người học từ người thầy là quan trọng. Gốc dạy guitar cổ điển, nhưng thầy giáo Đại không cự tuyệt hoàn toàn với nhạc nhẹ. Thầy mở rộng phạm vi giảng dạy, cho học trò học thêm đệm hát, thành lập Ban nhạc phục vụ các sự kiện của trường, đưa nghệ thuật hòa nhập với yêu cầu cuộc sống.

 Hơn 40 năm gắn bó với nhà trường, với quan niệm “cháy hết mình” để rèn, dạy, khơi mở tài năng, nhiều học trò được thầy Đại truyền lửa đam mê đã trở thành nghệ sĩ tài danh như Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Ban biên tập âm nhạc VTC3 Đài truyền hình Việt Nam; Đào Minh Pha, giảng viên Học viện âm nhạc TP. Hồ Chí Minh; nhiều người đang là quản lý đơn vị âm nhạc ở các tỉnh.

Năm 2005, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc được Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định nâng cấp thành Trường Cao đẳng. Với nhiệm vụ của người quản lý, anh đã tham mưu, chủ trì mở nhiều mã ngành mới như: trung cấp và cao đẳng thanh nhạc, sư phạm âm nhạc; ngành piano; du lịch; nấu ăn; hát dân ca; đàn hát then; thiết kế đồ họa; biên tập, dàn dựng ca múa nhạc v.v.. Hầu hết các ngành đều đông sinh viên theo học và các em có việc làm ngay sau khi ra trường.

Nhạc sĩ, Nhà giáo Ưu tú Đỗ Quang Đại
Nhạc sĩ, Nhà giáo Ưu tú Đỗ Quang Đại

Nghỉ hưu nhưng niềm đam mê âm nhạc không hề vơi, Nhà giáo Ưu tú Đỗ Quang Đại đang có nhiều dự định mới: Giảng dạy, sáng tác, chơi nhạc và mở lớp dạy nhạc, tiếp tục đồng hành, cổ vũ, giúp đỡ thế hệ sau đạt mục tiêu Chiến lược của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc sớm trở thành trung tâm đào tạo văn hóa nghệ thuật và du lịch trọng điểm của khu vực Đông Bắc.

Bốn chiến sĩ - nghệ sĩ của Chi hội Âm nhạc tôi vừa kể đến đều đã đi qua thời sôi nổi, bút lực không chống được quy luật tuổi tác, tư duy và cách viết truyền thống, không mấy phù hợp lối sáng tác hiện đại với sự trợ giúp của công nghệ. Nhưng các nghệ sĩ đều khẳng định: nghệ thuật là công việc mang tính cá nhân cao. Với tinh thần người lính, mỗi người vẫn tự nuôi dưỡng, nhen nhóm cảm xúc, tiếp tục đi theo con đường âm nhạc của riêng mình.

Khác với nhiều loại hình nghệ thuật khác, tác phẩm âm nhạc từ khuông nhạc viết lên trang giấy đến tai người nghe là quá trình tốn công và tốn của. Với người cao tuổi hưởng lương hưu và mối quan hệ ngày càng hẹp thì việc hòa âm phối khí và công bố tác phẩm là một thách thức. Được lan tỏa tác phẩm của mình đến công chúng là mong muốn của hầu hết các nghệ sĩ, trong đó có bốn nghệ sĩ của Chi hội Âm nhạc.

Từng có những năm tháng tuổi trẻ được rèn giũa trong môi trường quân ngũ, bốn người lính năm xưa xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa. Họ ghi dấu cho nền âm nhạc Thái Nguyên và nền âm nhạc Việt Nam.

Tinh thần người lính ấy, vẫn cháy trong con tim họ đến hôm nay.

Minh Hằng

2 đã tặng

0

2

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy