Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
04:39 (GMT +7)

Khoa cử Nho học Việt Nam: những câu chuyện thú vị

VNTN - Kể từ khoa thi Nho học đầu tiên được tổ chức vào năm Ất Mão, niên hiệu Thái Ninh thứ 4 (1075) đời Lý Nhân Tông với Lê Văn Thịnh đỗ đầu, đến khoa thi cuối cùng vào năm Kỷ Mùi (1919) niên hiệu Khải Định. Trong lịch sử gần 850 năm ấy, lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam đã để lại nhiều câu chuyện thú vị.

Địa phương nhiều người đỗ đại khoa nhất

Xứ Kinh Bắc (nay thuộc Bắc Ninh; một phần Bắc Giang, Vĩnh Phúc; một phần các huyện Gia Lâm, Đông Anh của Hà Nội và Văn Giang thuộc Hưng Yên) là địa phương có nhiều người đỗ đại khoa nhất với 645/2.991 tiến sĩ, chiếm gần 1/3 cả nước. Cả nước có 47 trạng nguyên thì riêng vùng đất này chiếm 17 người. Đặc biệt, trên 82 tấm bia tiến sĩ còn lại ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội hiện nay ghi danh 1.111 vị thì riêng trấn Kinh Bắc chiếm gần ½.

Làng có nhiều người đỗ tiến sĩ nhất

Đó là làng Mộ Trạch (tên tục là làng Trầm) nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Trong suốt lịch sử khoa cử Nho học, riêng làng này có 36 người đỗ đại khoa gồm: 01 trạng nguyên, 10 hoàng giáp, 25 đồng tiến sĩ. Dòng họ có nhiều người đỗ tiến sĩ nhất là họ vũ với 30 người. Có những khoa thi 2 anh em cùng đỗ, 3 người trong họ cùng đỗ, cha con, ông cháu cùng đỗ, anh em chú cháu làm quan đầy triều. Vua Tự Đức đã từng thốt lên “Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ” (làng Mộ Trạch một nhà bằng nửa thiên hạ).

Cảnh lều chõng đi thi ở Việt Nam thời Chúa Nguyễn     Nguồn: Internet 

Năm anh em ruột cùng đỗ tiến sĩ

Vinh dự tột đỉnh này đã đến với gia đình dòng họ Nguyễn ở Kim Đôi, Quế Võ, Bắc Ninh hiện nay. Từ khoa thi năm 1466 đến khoa thi năm 1475, tức trong 9 năm, cả 5 anh em ruột nhà này đều đỗ tiến sĩ. Khoa thi năm 1466, Nguyễn Nhân Thiếp là em khi ấy 15 tuổi đỗ cùng khoa với anh ruột là Nguyễn Nhân Bị 19 tuổi. Đặc biệt, Nguyễn Nhân Bị khi thấy đỗ ở hạng đệ tam, tức đồng tiễn sĩ xuất thân đã làm đơn cáo từ không nhận học vị để phấn đấu thi đỗ thứ hạng cao hơn. 15 năm sau, vào năm 1481, khi ấy ông đã ở tuổi 34 đi thi lại và vẫn đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân thứ hạng 7/29. Lúc này các em của ông đều đã đỗ đạt và làm quan nên ông không cáo từ mà nhận quan tước của triều đình. Sau này ông là một thành viên trong Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú do vua Lê Thánh Tông sáng lập và làm nguyên súy. Nguyễn Nhân Bị làm quan đến thượng thư bộ binh (như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng quyền lực thực tế rất lớn vì khi ấy triều đình rất ít bộ). Khoa thi năm 1469, em kế Nguyễn Nhân Bị là Nguyễn Xung Xác đỗ tiến sĩ đệ tam giáp thứ hạng 2/20. Nguyễn Xung Xác sau này cũng là thành viên Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú. Nguyễn Xung Xác làm quan đến chức Hữu Thị lang Bộ lễ (như Thứ trưởng, Bộ lễ dưới triều đại này thực hiện các chức năng của ngoại giao, văn hóa và giáo dục). Khoa thi năm 1472, người thứ tư của gia đình này là Nguyễn Nhân Dư đỗ tiến sĩ đệ tam giáp thứ 9/17. Ông làm quan đến chức Hiến sát sứ (Theo quan chế thời Hồng Đức, chức Hiến sát sứ, Hiến sát phó sứ chức vụ là đàn hặc, xét hỏi, khám đoán, hội đồng kiểm soát, khảo khóa, tuần hành… giống Bộ Công an, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao hiện nay…). Khoa thi năm 1475, người em út của gia đình này là Nguyễn Nhân Dịch 18 tuổi đỗ đệ tam giáp thứ 12/17. Ông làm quan đến Hàn lâm viện hiệu thảo (Hàn lâm viện có trọng trách nghiên cứu, giảng dạy kinh truyện, phụ trách việc khoa cử, thị tùng văn học, và khi cần, đảm nhận trách nhiệm khâm sai. Hàn lâm viện và Quốc Tử Giám là hai cơ quan học thuật rất được trọng vọng trong quan chế triều đình xưa).

Đặc biệt, đời con cháu của những anh em này đỗ đạt càng vinh hiển hơn cha chú gấp bội phần, 6 người con cháu họ cũng đỗ tiến sĩ và có người đỗ ở hàng đệ nhất giáp (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa).

Người đỗ đại khoa trẻ nhất và già nhất

Đó là Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) người Hưng Yên. Ông đỗ tiến sĩ khi mới 12 tuổi và đỗ hoàng giáp (đứng đầu hàng đệ nhị giáp, tức đứng thứ 4 sau trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa của hàng nhất giáp) năm 16 tuổi. Nguyễn Hiền người làng Dương A, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường; nay thuộc xã Nam Thắng, Nam Trực, Nam Định đỗ trạng nguyên năm Đinh Mùi 1247 khi mới 13 tuổi.

Người đỗ tiến sĩ cao tuổi nhất là Quách Đồng Dần, người Đông Ngàn, Kinh Bắc, nay thuộc Đông Anh, Hà Nội đỗ năm 1634 lúc đã 68 tuổi. Người đỗ cử nhân cao tuổi nhất (không phải đại khoa) là Đoàn Tử Quang, người làng Phụng Đạt, xã Phụng Công, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nay thuộc xã Đức Lạc, huyện Đức Thị, tỉnh Hà Tĩnh đỗ cử nhân năm Thành Thái 12 (1900) khi đã… 82 tuổi. Đoàn Tử Quang là ông cố 4 đời của dịch giả Đoàn Tử Huyến, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Tây hiện nay.

Những người lận đận trong thi cử

Bao gồm Đoàn Tử Quang nêu trên, Tú Xương người Nam Định 8 lần thi chỉ đỗ tú tài. Đặng Viết Hòe (tức Mền Hòe 1807-1877) người làng Hành Thiện, huyện Giao Thủy, Nam Định cả 7 lần thi cũng chỉ đỗ tú tài.

Một số người từ chối học vị tiến sĩ

Tỉ lệ chọi trong các khoa thi tiến sĩ Nho học là vô cùng gắt gao. Có những khoa thi hàng mấy trăm sĩ tử nhưng triều đình chỉ lấy đỗ vài ba người. Kẻ sĩ ở chốn lều tranh nếu may mắn thi đỗ thì một bước lên quan cả đời vinh hiển. Thế nhưng trong lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam đã có 6 người từ chối nhận học vị cao quý này. Đa số họ từ chối để phấn đấu thi đỗ cao hơn. Khoa thi năm 1442 (khoa này Nguyễn Trãi là quan chấm thi độc quyển). Trịnh Thiết Trường người xã Đông Lý, huyện Yên Định, phủ Thiệu Yên (nay thuộc xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đỗ đệ tam giáp thứ 14/23 và học trò ông là Nguyễn Nguyên Chẩn người Nam Sách, Hải Dương đỗ đệ tam giáp thứ 23/23 tức tiến sĩ cuối cùng. Cả hai thầy trò ông quyết không nhận học vị này để phấn đấu thi đỗ cao hơn, tức phải ở hạng đệ nhất giáp, đệ nhị giáp. Năm 1448, cả hai thầy trò ông cùng đi thi. Khoa này ông đỗ bảng nhãn, tức thứ 2 hạng nhất giáp sau trạng nguyên. Sau khi thi đỗ, ông được vua Nhân Tông gả cho một người công chúa (chưa biết con vị vua nào, không phải con Nhân Tông vì năm ấy Nhân Tông mới 8 tuổi). Ông làm quan đến quyền Hữu Thị lang Bộ công (như quyền Thứ trưởng. Bộ công xưa phụ trách các công việc công nghiệp, xây dựng, giao thông v.v…). Khi mất, ông được dân làng thờ làm phúc thần làng. Học trò ông là Nguyễn Nguyên Chẩn khoa này vẫn chỉ đỗ ở hàng tam giáp nhưng đã vươn lên hạng 3/12.

Người thứ 3 không nhận học vị là Nguyễn Nhân Bị đã nêu trên.

Khoa thi năm 1508, triều đình lấy đỗ 54 người. Khoa này có tới 3 người không chịu nhận học vị là Trần Doãn Minh, Nguyễn Bạt Tụy và Nguyễn Duy Tường. Trần Doãn Minh người Hải Dương, xếp hạng 2/36 hàng đệ tam. Khoa thi năm 1511 ông tiếp tục đi thi và vẫn đỗ ở hàng đệ tam thứ 1/35. Sau này ông làm quan đến Thượng thư Bộ hộ (Bộ hộ giữ việc ruộng đất, nhân khẩu, kho tàng, thu phát, bổng lộc, đồ cống nạp, thuế khóa, muối và sắt…). Trần Doãn Minh hai lần được cử đi sứ Trung Quốc. Nguyễn Bạt Tụy người Kinh Bắc, nay thuộc Bắc Ninh xếp 18/35 hạng đệ tam. Khoa thi năm 1511 ông đi thi lại và vẫn chỉ đỗ hàng đệ tam. Sau này ông làm quan đến Thượng thư Bộ lại (bộ phụ trách giữ việc quan tước, phong tước, ân ban thuyên chuyển, lựa chọn, xét công, bãi truất và thăng thưởng, bổ sung quan lại, cung cấp người cho các nha môn…) và khi mất cũng được người dân thờ làm phúc thần. Nguyễn Duy Tường người trấn Sơn Tây nay thuộc Vĩnh Phúc xếp thứ 16/35. Khoa thi năm 1511 ông thi lại và đỗ thứ 4/9 hạng đệ nhị giáp, đứng thứ 7/54 người đỗ khoa này. Sau này ông làm quan đến Tham chính, khi mất cũng được người dân thờ làm phúc thần.

Vũ Trung Kiên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy