Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
21:53 (GMT +7)

Khát vọng trong thơ Vũ Đình Toàn

 Ngày đầu tiên tôi biết anh Vũ Đình Toàn là đêm đọc thơ ở trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Lúc đó anh đọc bài thơ "Vỡ tim". Bài thơ lạ, độc đáo và chàng thơ lúc đó cũng khá độc đáo, bởi dáng vóc nhỏ nhắn nhưng giọng đọc mạnh mẽ, hùng hồn. Tôi nghe tiếng ai đó “thầy ấy, thật thi sĩ!”. Cho đến bây giờ đã 30 năm trôi qua, tôi vẫn giữ nguyên cảm xúc và ấn tượng về ngày đầu gặp gỡ đó. Vũ Đình Toàn là một người thầy mực thước, sống bình dị, nhanh nhẹn và hoạt bát, ngỡ như cuộc sống phẳng lặng, yên ả. Nhưng được sống gần và tiếp xúc với anh nhiều năm, tôi mới nhận ra phía lặng sâu trong anh, những cơn sóng ngầm vẫn không ngừng dậy sóng. 

Khát vọng trong thơ Vũ Đình Toàn
Học trò lớp Văn K7 trường THPH Chuyên Thái Nguyên đến chúc mừng và tri ân với thầy giáo Vũ Đình Toàn

Tôi và bạn bè nghĩ, với sức vóc ấy, anh sẽ cho ra đời nhiều đứa con tinh thần. Thế mà, năm 2005 anh mới xuất bản tập thơ Huyền thoại khát, một tập thơ mỏng ra đời khi tuổi cận kề xưa nay hiếm. Và đến tận hôm nay, gần 20 năm sau, anh mới cho ra mắt tiếp tập thơ Đôi bờ thế kỷ. Điều đó nói lên rằng, anh là người khá cẩn trọng trong việc công bố thơ. Và đó còn là sự ứng xử tinh tế, đầy trách nhiệm đối với thơ trước đời sống thi ca bề bộn, đa tạp hiện nay.

Đọc thơ Vũ Đình Toàn, ta không khó để nhận ra một phong cách thơ độc đáo, lối viết khoẻ khoắn, táo bạo và hết sức chân thành khi viết về mình, về người, về thế cuộc. Những cung bậc tình cảm qua thơ được anh đẩy đến tận cùng của cảm xúc. Anh viết bằng nhiều thể loại (thơ 4 chữ, 5 chữ, 6, 7, 8 chữ và thơ tự do), phong phú về nội dung, nhiều bài đa tầng, đa nghĩa và luôn hướng tới sự đổi mới, khác lạ trong nội dung cũng như hình thức thể hiện.

Trong sự phong phú và đa dạng đó, tôi thích mảng thơ viết về khát vọng của anh, nguồn cảm hứng này gần như bao trùm hết tập thơ Huyền thoại khát. Tập thơ mang nặng tính suy tưởng và triết luận sâu xa của một người thơ đủ chín, đủ cô đơn để lắng đọng và thăng hoa. Khi nói tới khát vọng thơ anh bật lên một cách tự nhiên như được chưng cất, được nung nấu bởi ý chí, nghị lực và cả sự bền bỉ của một tâm hồn thi sỹ.

Anh sinh ra và lớn lên trong vòng tay ấm áp của người mẹ hiền thục. Bà sớm gặp cảnh goá bụa, một mình đôn đáo vào Nam ra Bắc nuôi dưỡng năm đứa con thơ. Trong hoạn nạn, khó khăn, thơ Kiều của Nguyễn Du trở thành ngọn lửa sưởi ấm bà và các con trong những đêm giá lạnh, là ngọn đuốc soi đường, với những đêm bà à ơi vỗ về ru các con ngủ. Chính những lời ru của người mẹ đêm đêm ấy dần dần ngấm vào tâm thức của cậu bé và sớm hình thành nên tâm hồn thi sĩ. "Mẹ lầm lũi qua một vòng thế kỷ/ Tấm lưng còm oằn dưới gánh buồn lo/ Mẹ của ngày xưa bếp rạ quạt mo/ Cháo rau má tháng ba ngày tám/ Váy đụm ổ rơm, đông dài u ám/ Quyển nôm Kiều khiến mẹ hóa "người sang"…. Nhưng sướng nhất là khi Kiều xử án/  Dưới cờ đào, Từ Hải giục ba quân…”  (Mẹ tôi với quyển nôm Kiều).

Hình ảnh ấy, tâm hồn ấy, khát khao ấy từng ngày, từng đêm thấm sâu vào tâm hồn thơ trẻ một khát vọng lớn lao về lý tưởng sống. Từ đó, anh đeo đuổi khát vọng và đi tìm chân lý. Đó cũng là lý do, là nguyên cớ để bài thơ Đi tìm ngôi đền cổ tích ra đời: "Giữa hoang sơ sương khói hư huyền/ ẩn hiện công trình tuyệt mỹ/ một ngôi đền/ rất thơ/ và rất thiêng!"

Để dấn thân, chàng thanh niên trẻ ấy làm sao không trăn trở, lo âu? Trong thẳm sâu người thốt lên câu hỏi: Ngôi đền/ Ngôi đền ở đâu?/ Thần tượng ở đâu?... Hỏi mà không mong ai trả lời. Hỏi để lục vấn mình, hỏi để khẳng định mình, khẳng định chân lý mà người thơ đeo đuổi và dấn thân. “Chân núi tìm không thấy/ Lưng núi tìm không thấy/ Đỉnh núi tìm không thấy/ Chỉ thấy cây cùng đá/ Chỉ thấy lá cùng gai/ Dầm chân khe suối lạnh/ Người cúi đầu chắp tay!”. Từ cậu bé sinh ra trên đất Hà Thành theo mẹ vào Nam sinh sống, rồi gánh gánh, gồng gồng theo mẹ ra Bắc, khi trở thành chàng trai anh vào Vinh - Nghệ An học Sư phạm, ra trường anh tình nguyện lên Thái Nguyên công tác, rồi lên gắn bó với núi rừng Việt Bắc, chàng thanh niên ấy hăng hái ra đi theo tiếng gọi  của đất nước và tiếng gọi của con tim đầy khát vọng, vừa lý tưởng, vừa ảo mộng. Chàng không ngừng phấn đấu, không ngừng khao khát được đứng vào hàng ngũ của Đảng để cống hiến và không ngừng phấn đấu cho lý tưởng cách mạng. Trong thơ, Vũ Đình Toàn không thể hiện lý tưởng cụ thể nhưng mạch ngầm thơ đã hé lộ. “Ngẩng đầu lên/ Phía tây, mặt trời chưa tắt/ Tiếng sơn cầm réo rắt/ Người bước lên/ Lại lầm lũi/ Đi/ Tìm...”.

Hành trình đi tìm ngôi đền cổ tích của anh được thể hiện qua nhiều bài thơ, với nhiều tâm trạng, cảm xúc mạnh mẽ, quyết liệt có khi cực đoan.

Đây chút hoài nghi, ngờ vực: “Người là ai? Là Quỷ hay Thần/ Ta bên người như một tình nhân/ Sao lại thấy xa xôi vời vợi?... Giữa người với ta là không gian ảo” (Thi Sĩ). Trăn trở, độc thoại để rồi tự an ủi mình: “Hạnh phúc một đời anh chỉ gặp trong mơ/ Cứ để anh đi trong cõi mộng/ Để tìm dịu ngọt những âm thanh/ Để tìm rực rỡ muôn hương sắc/ Uống mãi tình yêu trong gió lành! (Dẫu lìa ngõ ý). Một chút tâm trạng hoang mang lo sợ - sợ trên bước đường đi những cám dỗ ngọt ngào làm lung lay ý chí: “Nhan sắc - sợ đường cong vệ nữ/ Suối hoa - e ngại bóng trăng mờ!” (Hồn thơ một thủa).

Đã xác định con đường anh chọn là con đường cô đơn, lạnh lẽo và đầy chông gai. Nhưng sức người có hạn, khát vọng lớn lao. Để không bị lung lay ý chí, chàng luôn tự an ủi và lòng nhủ lòng: “Anh đâu có khuyên em ngừng khát vọng/ Sao còn lo em chết bởi cô đơn?/ Khát vọng đã không phương dập tắt/ Thì cô đơn luôn sẵn chực bên thềm.... Em - tù chung thân của cô đơn/ Tội tình em: khát vọng cứ xanh rờn” (Cái án cô đơn). Hay: "Anh yêu em đơn phương/ …Đơn phương/ Mà... đa phương" (Đơn phương).

Đọc thơ Vũ Đình Toàn tôi như bị mê hoặc, bị lôi cuốn vào thế giới mới lạ đầy chất suy tưởng và sự ám ảnh vô thức của thế giới tâm linh. Trong thế giới hư ảo nhà thơ hoá thân thành các hình tượng lung linh đủ sắc màu. Tác giả diễn tả nỗi khát vọng tột cùng trên hành trình đi tìm ngôi đền cổ tích: “Tự đỉnh non xa nước đổ về/ Lai láng tràn trề dòng suối mát/ Khách ào vục xuống - uống no nê! Bỗng thấy mũi mồm bỏng rát/ Tim phổi ruột gan đầy cát/ Đền vàng thoắt bỗng hiện uy nghi/ Chuông đổ rền… vương hương ảo giác” (Ảo ảnh trên sa mạc). Hay: “Anh là kẻ mắc tội hình trong huyền thoại xa xưa/ Thân bị trói ghì cột đá/ Nước dâng tận cổ/ Mà khát cháy ruột gan!.../ Kể cho hắn nghe truyền thuyết/ Về một kẻ mắc tội hình/ Thân bị trói ghì/ Và nước cứ dâng lên/ Khát!/ Khát!...” (Huyền thoại khát).

Những hình ảnh siêu thực ấy vẫn chưa thoả nỗi cực đoan trong tâm thức của nhà thơ. Anh lại đẩy lên một cung bậc mới cao hơn: “ Em vồ anh/ Rồi em lại thả/ Để xem anh thất thểu ra về/ Rồi chộp lại anh.../ Trong móng vuốt của em/ Sao anh chẳng thấy ghê?/ Chỉ run rẩy chờ em nhai ngấu nghiến/ Để ngâm bài hạnh phúc cuồng si!/” (Chú chuột nhà quê).

Thật may, trên hành trình đi tìm ngôi đền cổ tích, tác giả không hoàn toàn cô đơn, lạc lõng mà anh đã gặp những người bạn tâm giao của mình. Nhờ thế, những niềm sâu xa, nỗi khát vọng lớn lao được anh bộc bạch một cách chân tình nhưng đầy ám ảnh: “Tôi đã nhận ra “tôi” trong thơ anh - tất cả/ Một “cái tôi” trắc ẩn nhân tình/ Một “cái tôi” khao khát được “là mình”/ Trên Nam cực giá băng, buồn như nấm/ Là loài chim cánh cụt/ Biết có người không cánh vẫn thường bay…” (Cảm thông).

Dù trong tâm thức khát vọng của nhà thơ Vũ Đình Toàn là khát vọng lớn lao và bao trùm. Khát vọng đó được cất lên, được bay lượn trong không gian rộng lớn, được hoá thân vào cõi siêu hình, ảo mờ.

Nhưng nếu cứ chìm sâu trong thế giới đó, thật sự tôi không hình dung nổi nhà thơ sẽ thế nào, sẽ đi tới đâu? Thật may nhà thơ của chúng ta đủ tỉnh để nhận ra “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Anh trở về với tư cách là một nhà giáo với những câu thơ chân chất, mộc mạc nhưng đầy trách nhiệm với người, với đời, với học trò của mình. Cũng thật lay động lòng người: “Nhưng đôi khi… dẫu chỉ đôi lần/ Thầy chợt thấy một giọt buồn tức tưởi/ Từ khoé mắt Văn 12K7/ Cố lăn vào nhưng lại ứa trào ra/ Thầy chẳng dám nhìn. Cũng chẳng dám rời xa/ Thầy mất ngủ… hình như mình có lỗi!”  (Tiếng cười văn K7).

Làm thầy không chỉ là người truyền thụ kiến thức cho các em mà còn là người anh, người cha, người đi trước dạy dỗ và làm gương về tư cách làm người. Một giọt nước mắt từ khoé mắt học trò khiến thầy mất ngủ “hình như mình có lỗi!” Thật chân mộc mà vẫn không kém phần tinh tế, nhạy cảm. 

Mảng thơ viết về tổ ấm gia đình không còn những câu thơ siêu thực, những hình ảnh mới lạ, trau chuốt và hoa mỹ đầy chất mơ hồ, ảo mộng, chỉ còn cảm giác thơ về đời sống thường nhật mà trái tim đang bao bọc, quấn quýt với từng thành viên trong gia đình. Một người chồng, người cha ấm áp và bao dung: “Đất trời vẫn của hai ta/ Chạm môi chung chén rượu ngà vẫn say” (Tình xuân 2000). Hay: “Nhạc nổi lên …kìa, mẹ nhảy van/ Bố tìm tứ lạ viết thơ không vần/ Bánh chưng Bờ Đậu, gà siêu thị/ Mai vàng bung nở nắng hừng Phương Nam” (Ngẫu hứng xuân 2020).

Cảm ơn thi sĩ Vũ Đình Toàn - người kết tội mình Cái án cô đơn: “Nhiều lúc phải chấp nhận cô đơn để duy trì khát vọng”. Tác giả đã hào phóng trao tặng cho chúng tôi, cho đời một bữa tiệc tinh thần, trên mâm cỗ có đủ hương vị mặn chát chua cay… mà anh đã chắt lọc, đã chưng cất thành những món ăn tinh thần thú vị và đặc sắc. Và tôi đã nghe đâu đây phảng phất mùi bánh nướng thơm phức “Đây chiếc bánh bột nhồi trong dông bão/ Chất dầu thơm tinh kết tự hương trời/ Hoa đắng quả cay quyện thành thơm thảo…( Chiếc bánh). Xin một lần nữa cảm ơn anh! Chúc anh sức khoẻ và hạnh phúc.

Nguyễn Thị Minh Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy