Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
18:48 (GMT +7)

Hồn Tày trong mâm cơm Tết của mế

Mỗi năm Tết đến, xuân về, hình ảnh rõ nhất của quá khứ và in đậm dấu ấn trong tôi là những bữa cơm Tết Nguyên đán mà mế cầu kỳ làm theo văn hóa truyền thống dân tộc Tày. Dẫu không phải cao lương mĩ vị nhưng ngập tràn hạnh phúc, yêu thương của mế.

Mâm cỗ cúng tết của người Tày rực rỡ màu sắc với món ăn cầu kỳ độc đáo
Mâm cỗ cúng tết của người Tày rực rỡ màu sắc với món ăn cầu kỳ độc đáo

Miền ký ức Tết đẹp đẽ trong tôi là được hân hoan trong tiếng lửa cười, mùi khói bếp bảng lảng, mùi gạo nếp thơm lừng, tiếng lợn kêu eng éc, tiếng dao thớt lạch cạch... Chiều cuối năm, mế và mọi người tất bật chuẩn bị cho bữa cơm Tất niên, mâm cúng Giao thừa và cho sáng mồng Một Tết. Mế bảo một mâm cỗ được nấu nướng, bày biện cẩn thận, thành kính dâng lên tổ tiên trong ngày đầu năm mới sẽ mang đến cho gia đình mọi điều tốt đẹp. Mâm cỗ ngày Tết mế làm rực rỡ màu sắc với những món ăn độc đáo như: Con gà trống thiến luộc căng tròn, béo ngậy da bóng dày vàng óng, miệng ngậm bông hoa đỏ, bánh chưng xanh, các đĩa thịt lợn đã được chế biến cầu kỳ, măng ninh, rau trồng trên nương luộc xanh ngắt, cá suối nướng, xôi ngũ sắc, bánh giầy, bánh gio, rượu...

Tôi đâu biết, để có được những mâm cỗ ngày Tết, gia đình tôi cũng như bao gia đình người Tày nơi đây đã phải mất cả năm để chuẩn bị. Mế chăm chút từng nương lúa nếp; dành những hạt thóc, hạt ngô vỗ béo những chú gà trống thiến; Những con lợn lông đen mượt nhất đàn được chọn chăn nuôi dành riêng cho ngày Tết… Khi trưởng thành, xa quê, tôi mới hiểu những mâm cỗ “Bươn Chiêng” (tháng Giêng) được chắt chiu từ sự tần tảo sớm hôm của mế, hội tụ hương trời, khí đất... đặc biệt là sự hội tụ và giữ được bản sắc văn hóa qua văn hóa ẩm thực của dân tộc Tày. Không khí Tết cùng bữa cơm tết của mế trong ký ức lại bùng lên mãnh liệt trong tôi.

Tết Nguyên đán (người Tày gọi là bươn chiêng pi mâứ) rộn ràng từ những ngày cuối tháng Chạp (âm lịch). Hàng năm, khi mùa màng đã được thu hoạch xong, những cành hoa đào trổ bông thắm đỏ, hoa mận nở trắng sau vườn cũng là lúc mọi người chuẩn bị đón Tết. Trước Tết, mế chuẩn bị gạo, mộc nhĩ, măng khô, miến... Thịt lợn được chế biến thành nhiều món như: Lạp sườn, thịt treo gác bếp, thịt chua... Từ 20 - 25 âm lịch, tôi háo hức xem mế và mọi người chuẩn bị làm các loại bánh: khẩu sli, bánh khảo, thúc théc, chè lam...

Nghe tiếng lợn hàng xóm kêu eng éc đập vào vách núi mỗi sáng tinh mơ, tôi lại nôn nóng hỏi mế: sao nhà mình chưa gói bánh, chưa thịt lợn. Hóa ra mọi nhà đều phải lên lịch gói bánh chưng, mổ lợn không bị trùng nhau để anh em, làng xóm còn đến giúp nhau, hết nhà này đến nhà khác. Ngày “hạ lợn” (khả mu) với người Tày là thời gian rất linh thiêng, thường diễn ra vào ngày 27, 28 tháng Chạp. Có lợn để mổ vào dịp Tết thể hiện sự sung túc, đủ đầy của mỗi gia đình... Mế dặn anh chị em chúng tôi, khi đàn ông vào chuồng bắt lợn Tết để chọc tiết, mọi người đều phải im lặng để tổ tiên có thể nghe thấy tiếng lợn kêu, báo hiệu sắp bước sang năm mới.

Ngày thịt lợn, mế luôn tay chế biến thịt để làm cỗ Tết, nào là làm thịt treo gác bếp, nào là tẩm ướp muối xếp vào vò, rán lấy mỡ. Tôi thích nhất món khâu nhục mế làm từ thịt ba chỉ. Để có món khâu nhục xếp trên bát, khum khum như quả đồi (theo tiếng địa phương khau/khâu là đồi, nhục là thịt) ăn đậm đà, thơm ngậy, mềm nhừ... mế phải khó nhọc chế biến cầu kỳ công phu cùng nhiều loại nguyên liệu như: khoai tàu, củ cải khô, hạt tương đen, nấm hương... Vất vả vậy mà ánh mắt mế vẫn ngời sáng vui tươi.

Ngoài những món ăn được chế biến từ thịt lợn, mâm cơm Tết của mế bao giờ cũng có món cá suối nướng thơm lừng và thịt gà luộc béo vàng. Mế kể bản làng người Tày sinh sống chủ yếu dựa vào nghề nông, quần tụ ở dưới chân núi, ven suối. Những con suối ở vùng núi cao của người Tày có rất nhiều cá. Trong những ngày Tết Nguyên đán, cá là món ăn dâng cúng tổ tiên được ông cha gìn giữ và lưu truyền bao đời nay.

Gà trống thiến là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trên mâm cỗ mế tôi làm vào dịp Tết... Theo quan niệm dân gian, gà trống thiến là loài vật linh thiêng được chọn để dâng cúng tổ tiên, thể hiện ước vọng của mọi người một năm mới an khang, thịnh vượng hơn năm cũ. Gà thịt ngày Tết thường là gà trống thiến được nhốt từ lúc Đông chí, gà được luộc chín đem thắp hương tổ tiên sau đó mới đem chặt đĩa cho gia đình con cháu ăn.

Dưới bàn tay khéo léo của mế những hạt nếp trắng, thơm, tròn mẩy, được làm thành những món ăn tinh túy, mang nét đẹp văn hóa dân tộc như: Bánh chưng, bánh giầy, bánh gio (bánh tro) xôi ngũ sắc.... đây chính là những món bánh truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết. Những chiếc bánh chưng gù (giữa phồng lên, 2 đầu nhỏ dần) của người Tày được mế gói thật khéo léo. Mế cầu kỳ chọn những vạt lúa nếp cái ngon nhất, được trồng cấy trên những thửa ruộng, nương rẫy màu mỡ. Thóc nếp sau khi được xay xát, chọn hạt gạo trắng to mẩy, tròn đều để gói bánh. Mế thoăn thoắt đặt hai lá dong bánh tẻ xanh ngát màu rừng, tráo đầu đuôi, hai mặt trái úp vào nhau, đong gạo đỗ thịt... gói những chiếc bánh chưng Tày bằng tay mà đều tăm tắp như gói khuôn. Mế bảo theo quan niệm người Tày xưa chiếc bánh chưng gù giống hình núi và tượng trưng cho người phụ nữ vùng cao cần cù chịu thương chịu khó. Bánh chưng là sản phẩm rất linh thiêng của người Tày, chỉ sau khi dâng lên tổ tiên mọi người mới được thưởng thức. Mùi của gạo nếp, của đậu xanh, của thịt lợn hòa quyện với mùi lá dong thơm ngào ngạt luôn níu tôi bên nồi bánh chưng reo sôi lọc bọc cùng mế.

Những đĩa xôi ngũ sắc 5 màu: vàng, xanh, đỏ, trắng, tím rực rỡ như những bông hoa được mế tôi chế biến trong dịp Tết để bày tỏ lòng biết ơn tới tổ tiên, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa... Mế nhuộm gạo tạo màu từ những nguyên liệu tự nhiên như lá cẩm, củ nghệ, lá gừng... Gạo ngâm vớt ráo nước đem đồ chín. Xôi được đồ từ gạo ngon, chín dẻo, thơm, hạt căng mẩy, cầm không hề dính tay. Mế vui lắm, khi màu sắc của món xôi đẹp báo hiệu cho sự hạnh phúc, thịnh vượng của gia đình. Cũng từ xôi ngũ sắc khi cho vào cối giã bằng tay sẽ tạo thành bánh giầy ngũ sắc. Bánh giầy ngũ sắc là biểu tượng cho hòa hợp âm dương, trời đất, con người...

Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc

Trong số các loại bánh làm từ gạo nếp dâng cúng tổ tiên phải kể đến những chiếc bánh gio mế làm. Bánh gio dẻo, dền, có màu nâu vàng óng ả như màu mật ong rừng. Đó chính là màu nước tro lọc lắng ngâm với gạo của những cây tầm gửi, cây sấu, rơm nếp đốt lên. Lũ trẻ chúng tôi thích ăn những chiếc bánh gio thơm ngái mùi nước tro, ngọt ngào của mật mía dùng để chấm. Bánh gio trở thành một miền nhớ trong tâm tưởng, còn mế thì bảo chiếc bánh gio ngày Tết dẻo mềm là biểu tượng của sự gắn kết bền chặt của bản làng.

Mâm cơm canh ngày Tết của mế ngát vị hương rừng, món nào cũng chứa chan tình yêu thương, ngập tràn kỷ niệm và làm nên mùa xuân hạnh phúc, đoàn viên. Mế gửi vào mâm cơm điệp khúc xuân của người Tày trên rẻo cao. Văn hóa ẩm thực truyền thống đặc trưng của ngàn đời cha ông trở nên thiêng liêng, khiến tôi lúc nào cũng mong ngóng được trở về ngồi bên gia đình trong mâm cơm ngày Tết của mế.

Lã Thị Thông

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy
  • Linh Xuan Linh****@gmail.com

    Đọc bài viết của chị , lại biết thêm được các món ăn của đồng bào dân tộc Tày quê chị. Cảm ơn chị