Học thuyết đối ngoại Liên bang Nga 2016 có gì mới?
VNTN - Ngày 30/11/2016, Tổng thống Liên bang Nga V. Putin đã ký sắc lệnh thông qua Học thuyết Đối ngoại Liên Bang Nga 2016. Học thuyết được công bố trong bối cảnh tình hình an ninh thế giới có nhiều thay đổi. Chính sách đối ngoại của Nga trong Học thuyết Đối ngoại năm 2013 không còn phù hợp với sự phát triển của tình hình. Những thách thức về an ninh Nga đang phải đối mặt đòi hỏi chính sách đối ngoại cũng phải thay đổi cho phù hợp trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội. Ngoại giao của Nga sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề an ninh đang nổi lên và những căng thẳng và xung đột mới xuất hiện.
Đánh giá tình hình an ninh thế giới
Học thuyết cho rằng, hệ thống quốc tế đa cực, đa trung tâm đang hình thành; trên thế giới xuất hiện các trung tâm chính trị và kinh tế mới; tiềm năng sức mạnh và phát triển của thế giới đang dịch chuyển sang châu Á - Thái Bình Dương. Phương Tây đang tìm mọi cách để duy trì vị trí lãnh đạo, kiềm chế các trung tâm sức mạnh mới, gây bất ổn trong quan hệ quốc tế. Cuộc đấu tranh giành vai trò chủ đạo trong việc xác định các nguyên tắc then chốt xây dựng hệ thống quốc tế tương lai trở thành xu hướng chính trong giai đoạn phát triển hiện nay.
Vai trò của nhân tố sức mạnh trong quan hệ quốc tế gia tăng, đang phá vỡ ổn định chiến lược, đe dọa đến an ninh toàn cầu. Khả năng xảy ra chiến tranh quy mô lớn, chiến tranh hạt nhân đã giảm đi, nhưng xung đột khu vực và khủng hoảng có xu hướng gia tăng. Cùng với sức mạnh quân sự, các nhân tố ảnh hưởng khác như kinh tế, pháp lý, công nghệ, thông tin có vai trò ngày càng quan trọng. Việc sử dụng "sức mạnh mềm" để giải quyết các vấn đề quốc tế ngày càng trở thành xu hướng trong nền chính trị thế giới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Việc tuân thủ các nguyên tắc an ninh bình đẳng và không chia tách tại châu Âu - Đại Tây Dương, lục địa Á - Âu, châu Á - Thái Bình Dương ngày càng trở nên cấp thiết. Sự tham gia linh hoạt của ngoại giao vào các cấu trúc đa phương nhằm tìm kiếm giải pháp hiệu quả cho những vấn đề chung đang dần thay thế cách tiếp cận quân sự.
Nguy cơ khủng bố quốc tế gia tăng với việc xuất hiện Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các tổ chức khủng bố quốc tế khác với sự tàn bạo chưa từng có. Thế giới cần xây dựng liên minh quốc tế chống khủng bố rộng rãi trên nền tảng pháp lý vững chắc, phối hợp có hệ thống và hiệu quả, không chính trị hóa và sử dụng tiêu chuẩn kép. Các thách thức và nguy cơ toàn cầu như phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, buôn bán vũ khí bất hợp pháp, nhập cư trái phép, buôn người, buôn bán ma túy, cướp biển, biến đổi khí hậu... với mức độ, tính chất nguy hiểm và quy mô địa lý ngày càng gia tăng đòi hỏi cộng đồng quốc tế đoàn kết nỗ lực với vai trò điều phối của Liên hợp quốc.
Các nhiệm vụ đối ngoại
Học thuyết xác định: Nga thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, nhất quán trên cơ sở lợi ích dân tộc và tuân thủ luật pháp quốc tế; chịu trách nhiệm với việc bảo đảm an ninh toàn cầu và khu vực, sẵn sàng hợp tác với tất cả các quốc gia liên quan để giải quyết nhiệm vụ chung. Các nhiệm vụ đối ngoại của Nga bao gồm: Bảo đảm an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, củng cố nhà nước pháp quyền và các định chế dân chủ. Tạo điều kiện bên ngoài thuận lợi để phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Nga, đổi mới công nghệ, cải thiện đời sống của nhân dân. Củng cố vị thế của Nga như một trung tâm ảnh hưởng của thế giới. Củng cố vị thế của Nga trong nền kinh tế thế giới, không để hàng hóa, dịch vụ, đầu tư của Nga bị phân biệt đối xử. Thúc đẩy, củng cố hòa bình, ổn định và an ninh thế giới, công bằng và dân chủ dựa trên nguyên tắc tối thượng của luật pháp quốc tế, trước hết là Hiến chương Liên hợp quốc. Xây dựng quan hệ láng giềng thân thiện, thúc đẩy, xóa bỏ và ngăn chặn phát sinh các mâu thuẫn gây căng thẳng và xung đột tại lãnh thổ các nước giáp biên giới với Nga. Đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương bình đẳng, cùng có lợi, mở rộng hợp tác quốc tế trên cơ sở không phân biệt đối xử. Bảo vệ toàn diện và hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Nga và người Nga sống ở nước ngoài. Tăng cường vai trò của Nga về nhân văn, vị trí của tiếng Nga trên thế giới, quảng bá văn hóa Nga, đoàn kết người Nga ở hải ngoại. Củng cố vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng Nga trong thông tin toàn cầu, đem đến cho dư luận quốc tế thông tin về quan điểm của Nga đối với các vấn đề quốc tế. Thúc đẩy đối thoại xây dựng và quan hệ đối tác nhằm củng cố đồng thuận và giao thoa giữa các nền văn hóa và văn minh khác nhau.
Chính sách của Nga với châu Á - Thái Bình Dương
Học thuyết xác định Nga tiếp tục củng cố vị thế của Nga tại khu vực, thúc đẩy hợp tác với các nước châu Á - Thái Bình Dương là ưu tiên đối ngoại mang tầm quan trọng chiến lược đối với Nga, theo đó, Nga sẽ tham gia tích cực các tiến trình ở châu Á - Thái Bình Dương, phục vụ cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực Xibêri và Viễn Đông; tham gia xây dựng cấu trúc an ninh và hợp tác khu vực toàn diện, rộng mở, minh bạch và bình đẳng, dựa trên các nguyên tắc tập thể. Tiếp tục củng cố vị thế, tăng cường tiềm lực chính trị và kinh tế của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO); củng cố quan hệ đối tác đối thoại lâu dài và toàn diện với ASEAN và nâng tầm lên đối tác chiến lược, mở rộng hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+); ủng hộ hợp tác kinh tế cùng có lợi trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM), Hội nghị Thượng đỉnh về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á (CICA); xây dựng không gian kinh tế chung, rộng mở và không phân biệt đối xử đối với ASEAN, SCO và Liên minh kinh tế Á - Âu.
Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, bình đẳng, tin cậy với Trung Quốc, phát triển hợp tác trong tất cả các lĩnh vực, tăng cường phối hợp về đối ngoại với Trung Quốc trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Tiếp tục làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược ưu tiên đặc biệt với Ấn Độ, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, triển khai các kế hoạch hợp tác dài hạn, phát triển hợp tác Nga - Trung Quốc - Ấn Độ. Củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống với Mông Cổ, quan hệ láng giềng thân thiện và hợp tác cùng có lợi với Nhật Bản; duy trì quan hệ truyền thống với CHDCND Triều Tiên; nhất quán tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam; hợp tác nhiều mặt với Inđônêxia, Thái Lan, Xingapo, Malaixia; hợp tác với Ôxtrâylia và Niu Di lân trong các vấn đề cùng quan tâm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một cuộc gặp ở Sochi, Nga
Tác động đến quan hệ của Nga với các nước
Việc Nga ban hành Học thuyết Đối ngoại mới nằm trong tính toán từ trước, không phải ngẫu nhiên mà Học thuyết được công bố cùng dịp với Thông điệp Liên bang của Tổng thống Nga Putin. Thông qua việc công bố Học thuyết, Nga muốn gửi đến toàn thể thế giới, nhất là Mỹ về một nước Nga với tư cách là "trung tâm quyền lực" có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Nội dung Học thuyết phản ánh nhận thức, tư duy mới của Nga về chính sách đối ngoại, không chỉ nhằm bảo vệ các lợi ích của Nga mà còn tìm cách xây dựng lại luật chơi quốc tế. Nga ngày càng muốn thể hiện vai trò quan trọng của mình trong các vấn đề quốc tế.
Những nội dung mới trong Học thuyết được cập nhật là: Mối đe dọa của IS, vấn đề hạt nhân Iran, hợp tác chống khủng bố và nhập cư bất hợp pháp, chạy đua vũ trang trong vũ trụ... là thông điệp Nga muốn chuyển đến thế giới về quan điểm và vai trò của Nga trong giải quyết những vấn đề này. Đặc biệt, Nga đánh giá rất cao vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong cuộc chiến tranh thông tin, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn để đối phó với truyền thông phương Tây thời gian gần đây đã tuyên truyền bóp méo hình ảnh nước Nga như một kẻ xâm lược (đối với Ucraina, Xyri) hay can thiệp vào bầu cử ở Mỹ. Thậm chí, phương Tây còn tiến hành "các chiến dịch thông tin được đặt hàng" để phát động cuộc chiến doping chống các vận động viên Nga...
So với các chiến lược và học thuyết được công bố gần đây (Học thuyết quân sự, Học thuyết biển, Chiến lược An ninh Quốc gia), Học thuyết Đối ngoại sử dụng ngôn từ nhẹ nhàng hơn. Những mâu thuẫn, tồn tại trong quan hệ song phương với một số nước (Ucraina, Nhật Bản, Mỹ...) không được nhắc đến. Không có thái độ chỉ trích phê phán Mỹ và phương Tây trong các mâu thuẫn với Nga mà ngược lại, nhân tố gây căng thẳng quan hệ Nga - Mỹ, Nga - EU được đề cập theo cách: "Nga sẽ hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế liên quan nỗ lực giải quyết xung đột nội bộ Ucraina bằng con đường chính trị, ngoại giao". Đây được coi là sự thay đổi mang tính "đột phá" trong quan điểm của Nga đối với quan hệ với Mỹ và EU, nhất là sau cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ và Tổng thống mới đắc cử là người có quan điểm ôn hòa với Nga.
Thông điệp xuyên suốt của Nga qua Học thuyết Đối ngoại là: Nga không tìm kiếm kẻ thù và không muốn đối đầu. Nga mong muốn và sẵn sàng đối thoại với tất cả các nước, trên cơ sở bình đẳng, thiện chí, tôn trọng lẫn nhau. Nga muốn chủ động tham gia xây dựng luật chơi, chủ động bảo vệ lợi ích của mình. Tuy nhiên, Nga vẫn thể hiện tính chủ động, kiên quyết bảo vệ lợi ích, khẳng định không cho phép coi thường và làm tổn hại đến lợi ích của Nga, có quyền phản ứng quyết liệt trước các hành động không hữu nghị của Mỹ và sẽ thi hành các biện pháp đáp trả phù hợp trước việc Mỹ triển khai xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường ở một số nước gần biên giới Nga. Mặc dù nhận định quan hệ Nga - phương Tây hiện nay đang khủng hoảng nghiêm trọng, nhưng Nga khẳng định vẫn mong muốn xây dựng quan hệ lâu dài với EU và đối thoại với NATO, cải thiện quan hệ với Mỹ.
Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Học thuyết thể hiện bước phát triển mới trong quan hệ ASEAN - Nga, nhấn mạnh mục tiêu đưa hợp tác ASEAN - Nga lên tầm đối tác chiến lược và ý tưởng kết nối ASEAN, SCO và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) để hình thành không gian kinh tế chung.
Vũ Khanh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...