Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
09:21 (GMT +7)

Học Bác từ việc xuống ruộng cấy lúa cùng dân Kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2016)

VNTN - Thế hệ chúng tôi sinh ra vào thời bình nên không nhìn thấy Bác Hồ bằng xương bằng thịt. Ngay cả ba tôi, người sống vào thời chiến cũng chẳng có cơ hội gặp Bác. Bác đi nhiều, bận việc nước nhiều, lo cho dân cho Tổ quốc nên nơi nào Bác đi qua là một niềm hạnh phúc cho đồng bào ở đó. Ngay cả ba tôi cũng từng mong mỏi được gặp Bác, dù chỉ vài giây ngắn ngủi. Nhưng đó chỉ là ước mơ.

Ngày còn nhỏ, khi được thầy cô dạy bài hát "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ” của nhạc sĩ Xuân Giao, tôi đã từng vẽ nên bức chân dung bình dị của Bác. Rồi tôi tưởng tượng ra Bác bước đến bên mình, tặng một hộp kẹo với nụ cười phúc hậu.  Bác như ông bụt hiền từ, như một vị thánh nắm  tay tôi, xoa đầu tôi và dạy điều hay lẽ phải. Điều ấy không quá chút nào so với một vị lãnh tụ dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới như Bác. Sau này khôn lớn, tôi mới rõ ràng nhận thức rằng sự tưởng tượng ấy là lẽ hiển nhiên. Bởi những gì Bác làm xứng đáng được người đời tôn vinh, kính trọng.

Bác Hồ dùng thử máy cấy tại trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông lâm Hà Nội, năm 1960 .         Ảnh tư liệu

Được cắp sách đến trường đã cho tôi hiểu về các danh nhân đất Việt, đặc biệt là Bác. Tạm gác những chính sự hệ trọng mà Bác đảm trách. Chỉ những câu chuyện nhỏ nhặt, bình dị đời thường thôi đủ thấy Bác yêu thương dân, trách nhiệm với đất nước, quan tâm đến thiên nhiên là như thế nào. Cách Bác xắn quần đi làm ruộng, khom lưng cuốc đất, nuôi cá, trồng rau, tiết kiệm, mới thấy Bác bình dân như lão nông chân chất. Và chúng tôi đã được thầy cô dạy phải học tập những đức tính tốt đẹp từ Bác là thế.

Ở nhà, khi tôi có những hành động sai trái, ba tôi đều đem những  câu chuyện về Bác để tôi noi gương theo, từ bỏ cái xấu. Tôi nhớ có lần tôi phải ra đồng cấy mạ, nhổ cỏ theo sự bắt buộc của gia đình. Ba tôi cho rằng con cái cần phải học chuyện đồng áng từ nhỏ để không lười lao động, quý trọng giá trị cuộc sống, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn” ý thức tự giác. Tuy nhiên khi ra đến đồng thì tôi chê dơ bẩn, bùn sình hôi hám không muốn xuống ruộng. Ngay lúc ấy, ba tôi đã kể câu chuyện về Bác Hồ xuống ruộng cấy lúa cùng nông dân. Dù là chính trị gia, có nhiều việc đáng lo hơn  nhưng Bác vẫn không câu nệ, không tự kiêu mà hòa đồng với mọi người. Trong những tháng ngày bôn ba xứ người tìm đường cứu nước, Bác phải làm rất nhiều việc để nuôi chí lớn. “Đó là đức tính cao quý ở Bác, con cần phải học hỏi”, ba tôi bảo thế. Tôi hiểu, mình phải biết tự lực cánh sinh từ bé, “người nhỏ làm việc nhỏ” để chung tay làm đất nước đẹp giàu.

Tôi đọc rất nhiều sách về Bác, câu nói mà tôi luôn ghi sâu vào tim mình: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Niềm khát khao và ước mơ của Bác đều hướng về mọi người, toàn dân tộc. Bác chưa bao giờ nghĩ đến cá nhân mình. Sinh thời, Người thường nhận được tặng phẩm do đồng bào và bạn bè quốc tế biếu, tặng, nhưng thật đáng trân trọng khi Bác dành những tình cảm đó cho các phụ lão, chiến sĩ, bộ đội, thương bệnh binh và những người có nhiều thành tích trong học tập, chiến đấu, lao động sản xuất, đặc biệt là những gia đình nghèo khó. Trong khi đó, Bác vẫn mặc áo sờn vai, vá nhiều chỗ. Bác nói: “Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân đấy, đừng bỏ cái phúc ấy đi”. Câu nói của Người đã cảm hóa biết bao người, là lời dạy có ý nghĩa vô cùng sâu sắc đối với người cán bộ cách mạng. Ngày nay là cho thanh niên, thiếu niên Việt Nam, phải sống giản dị, hòa đồng như Bác.

Qua truyền thông, tôi được xem lại những clip, đoạn phim về Bác. Bác dù dung dị, nhẹ nhàng với đồng bào, nhưng trên trường quốc tế thì thần thái cứng cỏi, quyết đoán, nghiêm nghị. Những cuộc phỏng vấn giữa Bác với phóng viên nước ngoài cho thấy, chẳng những Bác giỏi ngoại ngữ mà trả lời rất thông minh, sắc bén. Ông tôi luôn dạy tôi phải học thêm đức tính đó của Bác. Đối với bạn bè quốc tế cần tỏ ra hào sảng, ân cần nhưng cũng thẳng thắn, khôn khéo. “Nước nhà có trở nên phồn thịnh, vẻ vang hay không là do thanh niên các con biết cách xây dựng, bảo vệ, mở mang tầm nhìn”, ông tôi dạy thế. Thực ra lời ông tôi cũng tương tự như lời Bác nói trong bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trường năm học đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám năm 1945: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”.

Những bài học ở trường, những câu chuyện từ sách báo, truyền hình… dù có viết bao nhiêu cũng không bao giờ đủ để nói về Bác. Công lao của Bác, câu chuyện về Bác là vô tận.

 

Đặng Trung Công

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy