Thứ sáu, ngày 16 tháng 05 năm 2025
15:41 (GMT +7)

Đề xuất bổ sung quy định về công chức trong các Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ

Phát biểu góp ý Dự thảo Luật Cán bộ, Công chức (sửa đổi) tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV ngày 14/5/2025, TS. Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, điều hành công việc của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đề xuất bổ sung một nội dung quan trọng trong Dự thảo Luật.
TS. Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, điều hành công việc của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát biểu góp ý Dự thảo Luật Cán bộ, Công chức (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên họp, TS. Nguyễn Hải Anh bày tỏ sự thống nhất với nhiều nội dung đổi mới quan trọng trong dự thảo Luật Cán bộ, Công chức. Để góp phần hoàn thiện hơn nữa dự thảo Luật, tôi xin đề xuất bổ sung một nội dung duy nhất, cụ thể: “Tôi trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung đối tượng là công chức đối với người làm việc chuyên trách tại các Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ”, với một số lý do như sau:

Hiện nay, đội ngũ người làm việc chuyên trách tại các Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ – trong đó có Hội Chữ thập đỏ Việt Nam – đang thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ công vụ được phân công; được tuyển dụng, phân công, điều động bởi cơ quan có thẩm quyền; hưởng lương từ ngân sách nhà nước và nằm trong chỉ tiêu biên chế được giao.

Các văn bản của Đảng và Nhà nước cũng đã quy định rõ về vấn đề này:

  • Quyết định số 118 ngày 22/8/2023 của Ban Bí thư về quy chế tổ chức và hoạt động của Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương nêu rõ: “Người trong độ tuổi lao động được phân công, điều động đến làm việc tại hội theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và người được tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế của hội thì hưởng lương, phụ cấp và các chế độ, chính sách khác theo quy định đối với cán bộ, công chức.”
  • Nghị định số 126 năm 2024 của Chính phủ, tại Điều 40, quy định: “Người được tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao cho hội thì được hưởng chế độ chính sách theo quy định đối với cán bộ, công chức.”
  • Kết luận số 127 ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chỉ rõ: “Sắp xếp lại các tổ chức chính trị – xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đồng bộ với cơ cấu tổ chức Đảng hiện nay).”
  • Nghị quyết số 60 Hội nghị Ban Trung ương Đảng lần thứ 11 khẳng định: “Đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn, hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã.”

Thực tiễn hiện nay, đội ngũ này đang được áp dụng nhiều chính sách như công chức: phụ cấp công vụ, nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, nghỉ hưu… Tuy nhiên, về mặt pháp lý, do chưa có quy định rõ trong Luật Cán bộ, công chức nên chưa được thừa nhận đầy đủ về vị trí pháp lý, ảnh hưởng đến động lực công tác, khó khăn trong công tác quản lý, điều động, bố trí, sắp xếp, tuyển dụng, đào tạo, đánh giá và sử dụng cán bộ lâu dài.

Do vậy, TS. Nguyễn Hải Anh đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 2 của Dự thảo Luật theo hướng:

“Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng vào vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, người làm việc chuyên trách tại các Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.”

Việc bổ sung này là cần thiết, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm sự đồng bộ giữa chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật; đồng thời tạo cơ sở pháp lý thống nhất để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện hiệu quả công tác cán bộ trong hệ thống chính trị, đặc biệt trong quá trình thực hiện sắp xếp các Hội về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, đề xuất này không làm tăng biên chế, bởi đối tượng được đề cập là người đang trong biên chế được giao, hưởng lương từ ngân sách nhà nước, có hồ sơ quản lý như công chức và thực hiện nhiệm vụ công vụ thường xuyên.

Cần nhấn mạnh rằng, đội ngũ cán bộ làm việc chuyên trách tại 30 Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, trong đó có Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam,…– chính là lực lượng trực tiếp tổ chức triển khai nhiều chủ trương lớn của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khoa học công nghệ, văn hóa nghệ thuật, nhân đạo, đối ngoại nhân dân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người yếu thế, phát triển kinh tế tập thể, v.v… Đây là những lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi chuyên môn sâu, năng lực kết nối xã hội cao, nhưng lại thiếu một hành lang pháp lý rõ ràng để ghi nhận đầy đủ vị trí pháp lý và chế độ của đội ngũ này.

Với các phân tích nêu trên, TS. Nguyễn Hải Anh rất mong Cơ quan chủ trì soạn thảo và Quốc hội xem xét, đồng ý với đề nghị này – đây cũng là mong đợi của đông đảo người làm việc chuyên trách tại các Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Nguồn: https://redcross.org.vn/

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy