Thứ tư, ngày 28 tháng 05 năm 2025
03:41 (GMT +7)
TRUYỆN NGẮN ĐẶC SẮC

Tai tượng

VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ

Bitmap in 12-13.cdr
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, sinh ngày 2 tháng 7 năm 1956, tại Hà Nội. Quê gốc: xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội.

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1997), từng là biên tập, biên kịch tại Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình, Đài Truyền hình VN.

Tác phẩm chính đã xuất bản: Họ đã trở thành đàn ông (truyện ngắn, 1992); Tàn đen đốm đỏ (tiểu thuyết, 1994); Đợi mặt trời (truyện dài, 1995); Những sinh linh bé bỏng (truyện ngắn, 1996), Cố hương (truyện ngắn 2002), Thằng mõ trâu (truyện ngắn 2007), Người cha buôn hàng chuyến (truyện ngắn 2013)...

Giải thưởng:

- Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội với truyện ngắn "Chạy trốn" 1989 – 1990;

- Giải thưởng về đề tài chiến tranh cách mạng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 với tập truyện ngắn "Họ đã trở thành đàn ông";

- Giải A cuộc thi viết về thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng (1993; - 1995) với truyện dài "Đợi mặt trời";

- Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội 5 năm (1991 - 1996) với tiểu thuyết "Tàn đen đốm đỏ";

- Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1996 với tập truyện ngắn "Những sinh linh bé bỏng";

Ngoài sáng tác văn xuôi, ông còn là biên kịch của một số phim truyện truyền hình dài tập như Chuyện làng Nhô, Đất và Người, Ma làng, Gió làng Kình, Đàn Trời, Sinh tử….

 

Tai tượng 

Đó là một quán giải khát nhỏ nằm ở một phố khuất nẻo ngoài rìa thành phố. Chẳng có gì đáng nói ở cái quán này cả, ngoại trừ người chủ của nó – một gã trung niên rất khó đoán tuổi bởi bộ râu rậm rì của gã phủ gần kín nửa dưới khuôn mặt. Một khuôn mặt luôn lậm lừ, thách đố đầy vẻ bất cần và gây sự. Người gã vâm váp và thật khó moi được ở gã một tẹo lời thừa nào, ngoài những gì cần thiết phải giao dịch mua bán.

Tai tượng
Minh họa: Lê Quang Thái

So với dung mạo, thì gã không phải là người kiệm lời.  

Hẳn là gã ép mình như thế. Chưa một lần nào đến quán, tôi lại thấy gã rời khỏi vị trí.

Bao giờ, gã cũng ngồi sát chiếc bể cá bằng kính. Cặp mắt gã luôn dán vào đó. Tất nhiên, ngoại trừ những lúc gã phải làm bổn phận chủ quán của mình.

Tôi đến đây hoàn toàn không phải lý do ý thích, mà vì hoàn cảnh. Huyền chọn nơi này là điểm hẹn của nàng và tôi. Thường, chúng tôi gặp nhau vào giờ gần trưa của mỗi ngày làm việc. Giờ đó, công việc nhiệm sở đã vãn. Đấy là với Huyền, nàng làm tại một cơ quan hành chính sự nghiệp, chỉ rỗi rãi được vào buổi trưa. Chả bù cho tôi, thời gian là thứ tôi giàu có nhất trong đời. Tôi vốn là một nhà văn ngoài biên chế, viết hợp đồng cho vài tờ báo nhỏ để kiếm sống.

Bao giờ tôi cũng đến trước Huyền. Chỗ của chúng tôi đối diện với chiếc bể cá đặt ở góc phòng.

Những cuộc gặp này kéo dài được vài tháng, nên gã chủ rất hiểu khách hàng. Khi tôi đến, gã đang bất động bên bể cá. Không nói một lời, mắt không một tia chào hỏi, mặt không một thoáng biểu cảm, gã lẳng lặng đứng dậy, rót đầy một ly rượu thuốc, đặt trước mặt tôi, rồi hí húi ra quầy pha tách trà nóng – thứ duy nhất Huyền dùng ở quán này. Bao giờ cũng thế, khi gã đặt tách trà xuống bàn thì Huyền đến. Chính xác đến độ kinh ngạc. Sau đó, nếu không có khách nào khác, gã lại về chỗ, mắt dán vào bể kính.

Hồi mới đến đây, tôi rất thắc mắc về thái độ của gã. Sau thì vỡ lẽ, gã từng có một gia đình, chứ không lông bông, cô độc như tôi. Nghe nói gã cũng từng đã làm đến một chức vụ kha khá ở một công ty lớn. Sau dính vào chuyện làm ăn mờ ám gì đó, nên bị tống vào tù bóc lịch mất ba năm. Chuyện đó cũng thường tình ở thời buổi làm ăn nhốn nháo hiện nay, song điều đáng nói, chuyện vào tù của gã nằm trong kịch bản do chính vợ gã dàn dựng. Người đàn bà táo tợn kia đã thí gã để theo một người đàn ông khác, giàu có và quyền lực hơn. Ngôi nhà này, là chút thương tình còn lại nơi người đàn bà. Thị để cho gã sở hữu ngôi nhà. Chuyện đã xảy ra vài ba năm trước nhưng có lẽ còn hằn vết và ám ảnh nặng nề, nên gã không thể nào quên được. Bởi thế gã luôn dán mắt vào chiếc bể cá với tất cả sự lạnh lùng và đam mê điên cuồng.

Đến đây, chắc bạn đọc hẳn sẽ khó chịu về cái sự kể lòng vòng dây cà, dây muống này. Quả là có thế, chính tôi cũng đang rất khó chịu về gã. Thú đam mê phải nói là rất ngu xuẩn kia của gã tác động đến tôi ghê gớm. Đến mức nó làm tổn thương tôi và mặc dù nhu nhược, rất nhu nhược, tôi vẫn buộc phải kiểm nghiệm lại chính mình. Ở điểm này, rất có thể bạn đọc nào đó sẽ đồng cảm với tôi và trong một chừng mực sẽ chịu hàm ơn gã.

Tất cả là ở chiếc bể cá. Một chiếc bể bằng kính trong suốt thông thường như những chiếc bể cá cảnh đang là mốt thời thượng hiện nay của các công sở, nhà hàng và các gia đình khá giả. Thú chơi cá cảnh, bây giờ không còn là đặc quyền của trẻ con nữa. Tôi còn nhớ như in chiếc bể cá bé tẹo của tôi hồi nhỏ, được ghép bằng những miếng kính thải. Dăm ba con khổng tước vui nhộn. Đôi cá kiếm kiêu hãnh như những hiệp sĩ thực thụ của thời Trung cổ còn sót lại. Chú thần tiên mang vẻ uyên bác của một học sĩ nhàn tản, hết thời. Rong rêu, đá cuội và những nhúm thủy trần vón cục lua nhua. Tất nhiên nó cũng sang trọng, đủ hệ thống dưỡng khí như những chiếc bể cùng loại.

Cái khác là cách chơi của gã. Trong chiếc bể kính, ngoại trừ con cá dọn bể đen mốc, mồm ngoác rộng, dán vào thành kính, trần sì chỉ có đôi tai tượng. Tôi tìm hiểu song không biết tại sao loại cá này lại có tên như vậy. Có lẽ chúng không liên quan đến loài cá cùng tên ở miền Tây Nam Bộ được nuôi để làm kinh tế.

Đôi cá sàn sàn bằng nhau. Cỡ một bàn tay vật. Màu sắc của nó rất ma quái như của loại bươm bướm ma, trong đó vằn vện xen kẽ hai gam màu chủ đạo đen và vàng. Đôi cá vật vờ nhàn tản trong bể. Chúng thuộc loài cá ăn thịt dữ tợn. Biết được điều này vì tôi đã chứng kiến.

Thông thường gã cho cá ăn vào buổi trưa. Đúng vào giờ tình tự của tôi và Huyền. Không nhìn ai, gã thả chừng dăm, bảy chục con cá giống loại nhỏ vào bể. Đó là những con cá trôi hoặc trắm được vớt lên từ các ao hồ nuôi cá ở ngoại ô. Thứ thức ăn này của loài cá cảnh ăn thịt được đáp ứng tối đa ở chợ. Không biết gã mua từ bao giờ, lúc nào tôi cũng thấy gã để riêng ở một góc cái cóng thủy tinh nhỏ đặt cảnh bể.

Đã thành quen. Người ran lên, tôi nín thở nhìn lũ cá ngơ ngác khi chúng vừa được thả vào bể. Rất nhanh, bản năng bầy đàn giúp chúng tụ lại với nhau dạt vào góc bể. Đôi cá tai tượng lừ đừ nhìn các con cá con đang nhớn nhác vì sợ hãi. Với một vẻ lười nhác, chậm rãi, chúng uể oải dồn đàn cá con sang góc bên kia.

Miệng của cá tai tượng mím chặt. Khá khen cho tạo hóa sắp đặt. Khớp miệng của tai tượng khuềnh xuống, khoặm vào khiến mặt cá khắc khổ và bao giờ cũng vậy, đúng vào thời điểm này, tay tôi lần lần tìm tay Huyền. Ngón tay Huyền mảnh, dài, bàn tay trắng hồng. Riêng những ngón tay điểm những lằn gân xanh nhỏ chìm rất đẹp. Bạn đọc chắc lại khó chịu. Tưởng gì, cá lớn ăn thịt cá bé, lẽ tự nhiên là vậy, có gì mà phải bàn. Đúng thế, nhưng hãy nhìn cái cách thức thằng người, lòng đang chất chứa những ẩn ức riêng đầy thù hận kia, thực hành lẽ tự nhiên của hóa công mà xem.

Đôi cá tai tương vẫn lừ đừ dồn đuổi. Gã nhìn vào bể cá cùng bằng cái nhìn hệt như thế. Bất ngờ gã bật lửa châm điếu thuốc. Không hút, gã giắt điếu thuốc vào tai bức tượng thần tài đặt ở ban sát cạnh bể. Tượng thần tài kiểu cách như tượng ông địa, miệng cười ngoác, áo phanh, bụng phưỡn. Tinh mắt, thấy ở ban, chân que nhang cắm đang rạc tàn lửa cuối cùng. Gã nhón tay vứt vào bể vài mẩu thịt bò sống, còn nhuốm hồng hồng máu. Hiệu lệnh đã được phát ra. Thành thạo theo phản xạ, cá tai tượng đớp mẩu thịt bò. Và cứ thế chúng xông vào đàn cá. Mù mịt, tơi bời, quăng quật, dồn đuổi, chết chóc. Một thoáng, rồi một thoáng, cuộc chiến kết thúc, vài con cá sống sót, chết khiếp, lờ đờ nơi đáy bể, chỗ con cá dọn bể màu đen mốc, miệng vẫn đang dán chặt vào thành kính bể theo đúng chức phận. Gã không biến đổi khuôn mặt. Điếu thuốc giắt ở tai ông Địa vẫn đượm lửa. Và khuôn mặt ông thần tài có vẻ như rạng rỡ hơn nhờ ánh hồng của điếu thuốc.

Không quá xúc động, nhưng vào những lúc như thế, người tôi bao giờ cũng run lên. Không phải vì những tàn vảy, mẩu đuôi, khúc đầu của những con cá bé nhỏ, rơi rớt vương vãi dưới đáy bể, mà vì khuôn mặt lạnh lùng như tạc của gã người và sự cười cợt vô tư của tượng ông Địa. Bao giờ cũng thế, điểm tựa cho tôi bấu víu là những ngón tay trắng, mảnh, dài có lằn gân xanh chìm rất đẹp của Huyền. Tôi bóp chặt những ngón tay của nàng. Bóp thật chặt, thẫn thờ và cuồng dại. Thường thì Huyền là người xúc động. Nhưng nàng xúc động vì cú bóp tay của tôi. Nàng không mảy may biết được đó chỉ là kết quả của cuộc chiến vừa dứt. Hoặc giả nàng biết nhưng điều đó không tác động mấy đến nàng. Cũng có lần trong trạng thái bị kích động, tôi thốt ra một lời gì đó và Huyền lập tức dập tắt bằng một cử chỉ thật nồng nàn. Nàng thầm thì vào tai tôi thứ ngôn ngữ cụt lủn, chắt lọc chỉ có ở người đang yêu:

Anh...

Những lúc như vậy tôi đâm ra oán Huyền. Tại sao Huyền lại bắt tôi đến đây để phải chứng kiến cảnh chẳng mấy hay hớm này. Nhưng thú thực, không biết từ bao giờ, tôi đã thật sự bị hút vào trò chơi của gã chủ quán. Đến độ, không có nó chưa chắc tôi đã kéo dài được cuộc tình với Huyền. Cũng có lần tôi nói chuyện này với nàng, Huyền không phản đối, chỉ cười rất hiền. Hình như Huyền có nói với tôi:

Đàn ông các anh buồn cười thật. Chồng em cũng thế. Có cái gì mà cứ phức tạp lên. Cuộc đời vốn nó là thế, đừng hoắng...

Cuộc đời vốn nó là thế. Tôi đâm ra ngờ vực bản thân mình. Ngờ vực cả Huyền. Vì sao Huyền lại chọn tôi, một gã trai tầm thường, không có nổi một thứ gì cả ngoại trừ món hành trang mấy chục tuổi đời bơ phờ và dầu dãi. Huyền có chồng. Một người chồng đầy đủ cả ở mọi nghĩa. Đừng nghĩ Huyền là kẻ lộn chồng. Chúng tôi đến với nhau chủ yếu là nhu cầu tinh thần. Tôi đang bơ vơ cần một chỗ dựa. Còn Huyền thì ngược lại, nàng muốn che chở ai đó. Nàng bảo:

Người ta cứ nhầm khi bắt đàn ông phải là kẻ mạnh. Chồng em ấy mà, anh ấy mạnh lắm. Nhầm, nhầm hết. Khi người đàn ông tư hữu sức mạnh, họ không còn là đàn ông nữa. Đàn ông thực sự thì không thuộc về một cái gì cả.

Tôi không hiểu. Nhưng điều này thì tôi biết. Huyền sẵn sàng bỏ chồng để cưới tôi. Cưới tôi, chứ không phải tôi cưới nàng. Mọi sự ở Huyền có vẻ như rất mâu thuẫn và ngược đời. Chính vì thế mà tôi thấy tủi nhục. Sau này tôi mới biết không phải Huyền vô tình dẫn tôi đến điểm hẹn chết người kia. Nàng muốn thế, vì nàng tin thế. Nhưng rồi có một chuyện làm đảo lộn tất cả.

Vẫn là buổi trưa, vào lúc chuẩn bị cuộc tàn sát. Tay tôi đang lần tìm tay Huyền. Đôi cá tai tượng đang dồn lũ cá nhỏ vào góc bể bằng khuôn mặt hiền từ. Chính vào lúc ấy thì thằng bé hàng xóm quãng 12 tuổi bước vào. Nó quan sát bể cá rất lâu. Cuộc chiến bắt đầu và kết thúc nhanh chóng. Mọi động thái vẫn như cũ. Chỉ riêng thằng bé mặt nhợt đi. Nó lắp bắp:

-Khiếp thật!

Chính lúc đó một con cá tai tượng vẫn còn đang say mồi. Nó lừ đừ bám theo đàn cá còn dăm con đờ đẫn dạt không theo một hướng nào cả. Con tai tượng há mồm. Con cá xấu số lọt vào tầm mõm. Có cảm giác nghe tiếng khậc hàm của con tai tượng. Cái đầu cá bé xíu xiu lạng nước rớt xuống đáy bể. Thằng bé, mặt tái nhợt, hực hực trong cổ. Nó chạy ra khỏi quán. Gã chủ quán vẫn nín thinh, bất động.

Rất nhanh, thằng bé lộn trở lại. Nhà nó ở liền bên cạnh. Trên tay nó là một chiếc cóng đựng mấy con cá chọi tím biếc. Có lẽ phải đến chục con. Đang cơn tức, thằng bé dốc ồng ộc lũ cá chọi vào trong bể. Tôi lo đến thắt ruột vì biết ý định của thằng bé. Ngày nhỏ tôi đã từng là một cây đấu cá chọi cự phách.

Gã chủ vẫn không thay đổi nét mặt. Quả nhiên, lũ cá chọi vừa kịp quẫy những nhịp đầu tiên, hai con tai tượng đã nhào đến. Cuộc chiến không cân sức kết thúc chóng vánh. Thằng bé đờ mặt nhìn những con cá chọi bị chết ngửa bụng. Nó lại chạy vụt đi. Lần này nó trở lại với chiếc lưỡi câu và sợi dây cước chắc vừa rứt ra ở cần câu. Thằng bé thoăn thoắt mắc miếng thịt bò vào lưỡi. Tôi ngạc nhiên nhìn gã chủ. Gã không một tẹo phản ứng. Sự việc diễn ra quá nhanh. Con tai tượng hám mồi bị mắc lưỡi câu. Thằng bé giật nó ra khỏi bể. Con tai tượng tuột lưỡi câu, giãy đành đạch trên nền nhà. Lúc này gã chủ quán bừng tỉnh. Gã giáng một cái tát cực mạnh vào má thằng bé. Không ngờ, nó ôm mặt, tôi cũng không hiểu nó nghĩ gì mà dám nhảy mạnh lên, dẫm vào con cá và hét lên căm phẫn:

Chú ác lắm!

Gã chủ đứng chết trân. Lần đầu tiên, tôi thấy gã thổi ra lời cảm thán: “Trời ơi”. Thằng bé giàn giụa nước mắt chạy vụt đi.

Bây giờ thì tôi biết nó khóc vì lẽ gì rồi. Đầy cảm hứng, tôi rút tay mình khỏi những ngón tay của Huyền. Khác với mọi lần, Huyền nắm tay tôi rất chặt, phải giằng mạnh mới ra. Tôi nhìn thật sâu vào mắt nàng. Tôi nói bằng hết. Những gì tôi hiểu, được diễn giải bằng thứ ngôn ngữ câm lặng của tình yêu thật sự. Thề có cao xanh, tôi yêu Huyền. Song tôi muốn trò chơi này phải có một kết cục dứt khoát. Tôi không thể, chồng nàng cũng vậy, mang thân kiếp của những con cá tội nghiệp kia. Nàng hiểu hết và tiếp nhận. Mặt nàng liên tục đổi màu. Đỏ, tái rồi trắng bệch. Bất ngờ nàng đứng phắt dậy, kiểu dồn nén của đổ vỡ, nàng ụp thẳng vào mặt tôi:

Đồ hèn!

***

Sau đấy không bao giờ tôi quay trở lại cái quán nhỏ ấy nữa.

Cũng không bao giờ tôi được gặp lại Huyền. Nàng có viết cho tôi một bức thư đoạn tuyệt. Đại loại Huyền coi tôi như con cá dọn bể hèn mọn. Cũng chẳng sao, tôi bật cười ý nghĩ trẻ con của nàng. Nghe nói Huyền sống bình yên bên chồng. Nàng đang theo chồng đi một chuyến công du dài bên Châu Âu.

Cuộc sống trôi đi, tôi đã chấm dứt cảnh sống lang thang để vào làm hẳn ở một cơ quan nghệ thuật. Tôi tạm hài lòng về những mối quan hệ đồng nghiệp và những nguyên tắc, trật tự công việc mới. Thi thoảng cũng có lúc buồn, tôi chạnh nhớ về những ngày tháng trước của mình với niềm nuối tiếc khôn nguôi.

Một hôm có việc vướng mắc ở cơ quan, tôi chán nản rời nhiệm sở. Tôi lang thang trên đường chẳng biết để làm gì. Tự nhiên tôi nghĩ đến những ngón tay mảnh, dài có những lằn gân xanh, mịn chìm rất đẹp của Huyền. Và như một sự dẫn dắt, bước chân lang thang của tôi lần về nơi quán nhỏ.

Tai tượng
Minh họa: Lê Quang Thái

Tất cả vẫn thế. Gã chủ quán đặt ly rượu thuốc trước mặt tôi và lộn trở lại quầy hí húi pha tách trà nóng. Gã mang trà ra và rất tự nhiên thế chỗ của Huyền. Tôi giật mình. Không có bộ râu rậm rì, gã trẻ ra rất nhiều. Gã nhoẻn miệng cười với một người đàn bà bụng chửa, từ ngoài vào xách một làn thức ăn đầy ự. Tôi lồi mắt nhìn. Chiếc bể cá vẫn đặt chỗ cũ. Cả tượng ông Địa cũng thế. Đến lượt gã cười với tôi. Đã quá quen gã, quả thật tôi có hơi bị bất ngờ về thái độ khác thường này của gã. Gã nói, giọng trầm và ấm.

Tôi vẫn đọc bài của anh đều. Nói chung, cuộc sống là thế. Anh biết không, đôi cá tai tượng dạo trước là của Huyền mang đến. Cô ấy là bạn thân với vợ cũ của tôi. Huyền muốn...

Tôi gật đầu. Người đàn bà bụng chửa đã trở ra. Chị ta ngồi vào sau quầy. Gã cũng gật đầu với tôi:

Vợ tôi đấy. Chúng tôi cưới nhau cách đây một năm.

Đoạn, gã châm một điếu thuốc, đi đến bên bể cá và giắt vào tai ông Địa như dạo trước. Khói thuốc bay, tôi nhìn vào bể kính không ngạc nhiên chút nào.

Không còn đôi cá tai tượng. Trong bể lượn vô số loài cá quen thuộc. Đám khổng tước công lau nhau. Đôi cá kiếm oai vệ. Con cá thần tiên hiền triết. Chú cá vàng mắt lồi, bụng to vật, lừ ngừ trễ nải...

Và con cá dọn bể, miệng rộng dán chặt vào thành kính.

Bây giờ, tôi ao ước có Huyền ở bên cạnh.

 

LỜI BÌNH CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN ĐỨC HẠNH

Một truyện ngắn hay có sự dồn nén dung lượng hiện thực, sử dụng giọng điệu trần thuật “lạnh” để tạo ra tính đa nghĩa và sức gợi mở cho người đọc. Chỉ có ba nhân vật thì hai không tên (tôi, chủ quán) và Huyền. Không gian quán nhỏ. Ngôn ngữ đối thoại cực ít. Câu chuyện tình yêu giữa “Tôi” và Huyền diễn ra trong quán và luôn đối diện với bể cá cảnh - một chi tiết nghệ thuật đắt giá. Chủ quán như đạo diễn xảo quyệt. Đôi cá tai tượng săn lùng, ăn thịt bầy cá con là diễn viên. Khán giả bất đắc dĩ là “Tôi” và Huyền. Chủ quán muốn thế? Huyền muốn thế? Không ai biết rõ. Bất ngờ chú bé xuất hiện đầy căm phẫn và đau đớn trước cảnh cá lớn nuốt cá bé diễn ra trong bể. Chú bé giết cá tai tượng rồi bị chủ quán đánh. Sự kiện ấy như hòn đá ném vào sự tù đọng, mập mờ của câu chuyện. Nhân vật “Tôi” phản kháng theo cách của anh ta, để rồi bị Huyền ném vào mặt hai tiếng “đồ hèn”!

Nhiều năm sau trở lại quán cũ, “Tôi” ngỡ ngàng cùng người đọc ngỡ ngàng. Vậy ai là đạo diễn thực thụ của câu chuyện này? Cảnh đôi cá tai tượng tàn sát cá con lặp đi lặp lại trong bể cá nhằm mục đích gì? Huyền muốn qua đó để truyền đạt triết lí sống của cô cho “Tôi”- người được chọn làm chồng? Chủ quán dùng cách này để kiểm chứng nhân cách, bản lĩnh của “Tôi” hay dùng nó để phá tình yêu của họ? Dù hiểu theo cách nào, qua nhân vật chú bé dũng cảm, khát vọng hướng thiện, căn ghét cái ác vẫn như một tia sáng rực lên trong mơ hồ và bí hiểm. Ngôn từ dừng lại mà sức lan toả của tư tưởng, của triết luận sâu thẳm còn dư ba mãi.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vườn nhà có hàng chuối xanh non

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa người

Văn xuôi 1 tuần trước

Đám cưới đêm giao thừa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máy xay ngô

Văn xuôi 2 tuần trước

Những buổi ngày xưa nói vọng về (*)

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Một ngày không có hoàng hôn

Văn xuôi 4 tuần trước

Biển bỗng khóc òa

Văn xuôi 1 tháng trước