Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
13:34 (GMT +7)

Hòa bình cho bán đảo Triều Tiên – thách thức còn đang ở phía trước


Tiếp sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 27/4/2018, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 12/6/2018 tại Singapore đã được đánh giá là "thành công", với việc hai bên ra được Tuyên bố chung cùng với nhiều lời hứa và cam kết của cả hai phía. Tuy nhiên, tiến trình “phi hạt nhân hóa" và mang lại hòa bình, ổn định lâu dài, bền vững cho bán đảo Triều Tiên vẫn đang là một dấu hỏi lớn.


Sau thành công của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, cùng với những nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, tuyên bố cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên đã diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore. Tuy nhiên, hành trình đi đến cuộc gặp không hề "xuôi chèo, mát mái". Phía Triều Tiên từng dọa sẽ xem xét lại cuộc gặp thượng đỉnh sau khi chỉ trích các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc là không phù hợp với tình hình hiện nay, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh vì những lời lẽ chỉ trích của Triều Tiên... Chỉ tới khi Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol đến New York và Nhà Trắng, cùng với lá thư của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vẫn diễn ra theo kế hoạch vào ngày 12/6 tại Singapore.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Ảnh: Reuters

Kết quả cuộc gặp

Khác với những tuyên bố và những lời đồn đoán trước cuộc gặp, kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký kết một Tuyên bố chung, được coi là "bước ngoặt lịch sử" và mang tính đột phá về giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Tuyên bố gồm 4 nội dung chính: 1) Mỹ và Triều Tiên cam kết thiết lập quan hệ Mỹ - Triều theo nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng; 2) Mỹ và Triều Tiên sẽ nỗ lực cùng nhau xây dựng một cơ chế hòa bình bền vững, ổn định trên bán đảo Triều Tiên; 3) Hai bên tái khẳng định Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27/4/2018, Triều Tiên cam kết tiến tới giải trừ hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên. Cam kết này tương tự cam kết mà Triều Tiên đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều (ngày 27/4/2018); 4) Mỹ và Triều Tiên cam kết phục hồi tìm kiếm hài cốt tù nhân chiến tranh (POW) và những người mất tích trong chiến tranh (MIA), bao gồm việc hồi hương ngay lập tức những hài cốt đã được xác định.

Cả Mỹ và Triều Tiên đã có những cam kết và sự nhượng bộ lẫn nhau. Tổng thống Donald Trump hứa sẽ cung cấp các đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, đổi lại Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cam kết "phi hạt nhân hóa" hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố sẽ dừng các cuộc tập trận chung với quân đội Hàn Quốc, vốn được coi là một trong những vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã mời ông Trump đến thăm Bình Nhưỡng vào thời điểm thích hợp. Ông Trump cũng mời lãnh đạo Kim Jong-un đến thăm Mỹ. Hai nhà lãnh đạo đã vui vẻ chấp nhận lời mời của nhau. Những cam kết và sự nhượng bộ được coi là "quyết định sáng suốt" và nỗ lực rất lớn của cả hai bên. Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự mở đầu cho một quá trình còn nhiều khó khăn, thử thách. Tương lai phụ thuộc rất nhiều vào những hành động cụ thể của mỗi bên sau những cam kết đã được đưa ra. Dù sao, đây cũng được coi là cơ hội lớn cho Triều Tiên (nếu nắm được thời cơ), để bước vào một giai đoạn mới, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.

Khó khăn, thách thức

Mặc dù Mỹ và Triều Tiên đã đạt được một số nội dung thỏa thuận và ký được Tuyên bố chung, song theo các chuyên gia phân tích, tiến trình "phi hạt nhân hóa" và mang lại hòa bình lâu dài, bền vững cho bán đảo Triều Tiên, cũng như bình thường hóa quan hệ hai nước còn phải giải quyết nhiều khó khăn, thách thức, trong đó, sự thiếu lòng tin và quá trình "phi hạt nhân hóa" là hai vấn đề gai góc nhất.

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

gặp nhau tại Singapore. Nguồn: Internet

Sự thiếu lòng tin

Một số nhà phân tích cho rằng thỏa thuận giữa ông Trump và ông Kim mang tính biểu trưng hơn là đem lại những giá trị thực chất cho quá trình "phi hạt nhân hóa". Điều quan trọng là cả hai bên còn chưa tin tưởng lẫn nhau, thậm chí còn ngờ vực với những lời hứa và cam kết của nhau. Về phía Mỹ, một số người còn cho rằng, bất kỳ cam kết bảo đảm an ninh nào mà Mỹ đưa ra cho Triều Tiên cũng có thể bị “lật lọng”, do vậy, Triều Tiên có thể sẽ lựa chọn phương án tiếp tục duy trì kho vũ khí hạt nhân của nước này trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, Mỹ sẽ không bao giờ đưa ra một giải pháp bảo đảm an ninh toàn vẹn, đáng tin cậy cho Triều Tiên. Nếu hai nước không thể xây dựng lòng tin trong dài hạn, sẽ rất khó để Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Về phía Triều Tiên, trong suốt 10 năm qua, việc Triều Tiên từ chối cho phép các thanh sát viên tới kiểm tra các cơ sở hạt nhân là biểu hiện cho thấy sẽ rất khó để đặt niềm tin vào tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân thực sự. Lần gần đây nhất, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiến hành thị sát các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên là vào năm 2009. Tuy nhiên, các thanh sát viên đã bị trục xuất khỏi Triều Tiên vào tháng 4/2009 và Triều Tiên tuyên bố chương trình vũ khí hạt nhân của nước này đã được tái khởi động.

Vậy tại sao nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể dễ dàng từ bỏ vũ khí hạt nhân như vậy, trong khi đã đầu tư rất nhiều để phát triển chúng? Về phần mình, Tổng thống Trump hoàn toàn có thể không tin và tìm cách xác minh những tuyên bố của ông Kim Jong-un về việc "phi hạt nhân hóa". Hơn nữa, nếu Tổng thống Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran như cảnh báo gần đây của ông, liệu ông Kim Jong-un còn tin nhà lãnh đạo Mỹ nữa hay không?

Trước ông Kim Jong-un, cha của ông là cố lãnh đạo Kim Jong-il cũng từng tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các Tổng thống Hàn Quốc vào các năm 2000 và 2007. Tuy nhiên, cả hai hội nghị này đều không đi đến đâu ngoại trừ việc hai nước quay lại tình trạng đối đầu căng thẳng. Trong khi đó, đàm phán 6 bên về vấn đề Triều Tiên cũng đi vào ngõ cụt, khiến nhiều người tỏ ra bi quan về triển vọng "phi hạt nhân hóa" hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Vấn đề "phi hạt nhân hóa"

Theo các nhà khoa học hạt nhân, quá trình phát triển vũ khí hạt nhân bao gồm 3 lĩnh vực: 1) Thu thập nhiên liệu phân hạch và các nguyên liệu cần thiết; 2) Vũ khí hóa các loại nguyên, nhiên liệu hạt nhân; và 3) Chế tạo các hệ thống phóng, rải vũ khí hạt nhân. Nếu thực hiện “"phi hạt nhân hóa" hoàn toàn”, Triều Tiên phải xóa bỏ năng lực liên quan đến cả 3 lĩnh vực nói trên. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất phức tạp và khó khăn. Đối với lĩnh vực thứ nhất, quá trình "phi hạt nhân hóa" đòi hỏi phải dừng ngay các lò phản ứng chế tạo plutoni, phá hủy các cơ sở làm giàu urani phục vụ việc chế tạo vũ khí hạt nhân và kiểm soát được nguồn nhập khẩu nhiên liệu chế tạo vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Liên quan đến lĩnh vực thứ hai, để chấm dứt quá trình phát triển vũ khí hạt nhân, Triều Tiên sẽ phải bàn giao lại toàn bộ hệ thống máy tính, chất nổ, thiết bị kích nổ, máy móc, cơ sở lắp ráp, các bãi thử hạt nhân cùng các trang thiết bị và cơ sở khác dùng để thiết kế, chế tạo và thử các đầu đạn hạt nhân. Liên quan đến lĩnh vực thứ ba, các tên lửa đường đạn tầm trung và tầm xa mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên là mối quan ngại lớn nhất của Mỹ, vì vậy, nếu thực hiện "phi hạt nhân hóa" hoàn toàn, Triều Tiên sẽ phải hủy bỏ tất cả các hệ thống tên lửa đường đạn của mình. Bên cạnh đó, quá trình "phi hạt nhân hóa" trên bán đảo Triều Tiên có thể kéo dài từ 10-15 năm, tiêu tốn nhiều tiền bạc và công sức.

Cho đến nay, vẫn chưa có bên nào đưa ra định nghĩa rõ ràng về vấn đề "phi hạt nhân hóa" cũng như kế hoạch cụ thể để thực hiện. Mỹ yêu cầu chương trình hạt nhân của Triều Tiên phải được xóa bỏ “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”, chứ không chỉ đơn thuần là đóng cửa các cơ sở phóng tên lửa hay dừng các vụ thử hạt nhân. Theo đó, Triều Tiên phải chuyển một số đầu đạn hạt nhân, tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM) và các nguyên liệu phóng xạ ra nước ngoài trong vòng 6 tháng; xóa bỏ toàn bộ các dữ liệu thu thập được sau 6 lần thử hạt nhân và tại cơ sở nghiên cứu ở Yongbyon; phá hủy toàn bộ vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm cả vũ khí hóa học và sinh học (nếu có); các nhà khoa học hạt nhân của Triều Tiên phải được tái định cư ở nước ngoài (Hiện nay, Triều Tiên có khoảng 200 nhân sự cấp cao, gần 2.000 chuyên gia nghiên cứu và hơn 6.000 chuyên viên kỹ thuật làm việc trong lĩnh vực hạt nhân). Trong khi đó, Triều Tiên đưa ra yêu cầu quá trình "phi hạt nhân hóa" hoàn toàn "trên bán đảo Triều Tiên" (bao gồm cả Hàn Quốc) và quá trình "phi hạt nhân hóa" theo "giai đoạn và đồng bộ". Do đó, để hiện thực hóa được những cam kết, chắc chắn còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi nỗ lực chung của cả Triều Tiên và Mỹ cũng như rất cần sự nhượng bộ từ hai phía...

Tương lai bất định

Mặc dù Tuyên bố chung Mỹ - Triều được coi là một dấu hiệu tích cực cho tương lai hòa bình trên bán đảo Triều Tiên nói riêng và khu vực Đông Bắc Á nói chung, nhưng những điều khoản mơ hồ trong đó khiến việc biến nó thành hiện thực phụ thuộc rất lớn vào thiện chí và mong muốn chủ quan của hai bên trong các bước đi tiếp theo.

Một số chuyên gia lo ngại rằng, Tuyên bố chung Mỹ - Triều, về bản chất còn yếu hơn cả thỏa thuận mà Mỹ và Triều Tiên.

từng đạt được vào năm 1993. Việc hai bên chỉ cam kết "hướng tới" mục tiêu "phi hạt nhân hóa" có ý nghĩa thực tế rất mơ hồ. Lời văn của tuyên bố chung mơ hồ đến mức gần như không có gì để thực thi. Triều Tiên về thực tế không đồng ý từ bỏ hay ngừng bất cứ điều gì. Về nghĩa đen, Triều Tiên coi như chưa cam kết gì, nên Mỹ cũng không có gì để kiểm chứng. Tuyên bố chung cũng không cho thấy bất kỳ sự liên hệ nào giữa tiến trình hòa bình và "phi hạt nhân hóa" trên bán đảo Triều Tiên với những cam kết trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm mà nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đạt được cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sau cuộc gặp ngày 27/4 vừa qua. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên hợp quốc vẫn được giữ nguyên tùy thuộc vào tiến triển thực chất của việc "phi hạt nhân hóa", không có thêm lệnh trừng phạt với Triều Tiên.

Trong thời gian tới, để thể hiện thiện chí với Mỹ, Triều Tiên có thể sẽ xem xét việc cho phép các đội quy tập Mỹ đến Triều Tiên để tìm kiếm hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh hoặc cho phép các chuyên gia Mỹ và quốc tế tới thanh sát các hoạt động liên quan đến chương trình hạt nhân của họ hoặc công bố số đầu đạn hạt nhân đang sở hữu. Nhưng vấn đề "phi hạt nhân hóa" lại là quá trình phức tạp và có thể sẽ kéo dài, trong khi Tuyên bố chung Mỹ - Triều chỉ nói rằng hai bên tái cam kết hướng tới mục tiêu "phi hạt nhân hóa" mà không đề ra khung thời gian và các nguyên tắc, quy định cụ thể.

Với nhiều hoài nghi về tính khả thi của việc thực hiện Tuyên bố chung Mỹ - Triều, một số nhà phân tích cho rằng, trong thời gian trước mắt, Tuyên bố chung có thể ngăn chặn được nguy cơ chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, nhưng hiểm họa xung đột có thể sẽ tăng lên nếu việc thực thi thỏa thuận không được thực hiện. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí và quyết định đơn phương của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bởi Mỹ không có gì để bảo đảm về cam kết của Triều Tiên ngoài niềm tin của ông Donald Trump rằng "Kim Jong-un thực sự mong muốn "phi hạt nhân hóa".

Vũ Khanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 10 tháng trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 11 tháng trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Khám phá Havana

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Nốt nhạc sau song sắt

Nhìn ra thế giới 2 năm trước