Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
07:43 (GMT +7)

Hình tượng con gà trong văn hóa nghệ thuật Việt Nam

Từ con gà trong nghệ thuật ngôn từ…

Gà là một trong không nhiều động vật hoang dã đầu tiên được con người thuần dưỡng. Việc nuôi gà có lịch sử hàng ngàn năm. Hạt lúa, củ khoai, rơm rạ, con chó, con trâu, con gà… là những thứ gần gũi với đời sống của người lao động, đời sống văn hóa. Nếu con chó giữ nhà để “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” thì tiếng gà gáy vang vọng suốt mấy mươi thế kỷ chính là chiếc đồng hồ báo thức của người nông dân từ thế hệ này sang thế hệ khác. Xưa, bà con ta nghe tiếng gà gáy theo từng canh để trở dậy đi làm, còn với những ai sống cùng đò giang thì họ cũng dựa vào tiếng gà gáy để đoán định giờ con nước lên, xuống. Trong tầm nhìn của người tiểu nông ngày trước, con gà - cây cau là điểm quy chiếu về một góc nhìn được đúc kết: “Cảnh cau, chim gà”.

 

Một bản khắc gỗ về gà trong nghệ thuật tạo hình dân gian.

Lần giở kho tàng nghệ thuật ngôn từ dân gian, đọc truyện An Dương Vương xây thành ốc, chúng ta đã thấy “tinh gà trắng” hội khí thiêng triều cũ (thời Hùng Vương). Rồi trong truyện “Tấm Cám”, con gà được nhân cách hóa, biết đứng về cái thiện - cô Tấm - mà cất lên tiếng nói: “Cục ta cục tác/ Cho ta nắm thóc/ Ta bới xương cho”… nhưng xa xưa nữa, con gà từng xuất hiện trong lễ vật đi hỏi vợ của chàng Sơn Tinh, gồm: “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Phải chăng, chuyện cưới hỏi bằng xôi gà bắt nguồn từ phong tục xưa mà truyền thuyết dân gian đã nói tới?

Ngoài truyền thuyết “Sơn Tinh Thủy Tinh”, nghệ thuật ngôn từ dân gian gồm ca dao, tục ngữ, thành ngữ, ngạn ngữ Việt Nam cũng nói nhiều về gà. Người nuôi gà có cả một kho tri thức về chọn gà giống, bán gà, thưởng thức thịt gà. Chọn gà thì “Gà đen chân trắng, mẹ mắng cũng mua”, còn “Gà đen chân chì, mua gì giống ấy”. Làm chuồng, không được quay về hướng đông: “Chuồng gà hướng đông, cái lông chẳng còn”. Khi bán gà không được “Bán gà ngày gió, bán chó ngày mưa” (những ngày đó gà, chó xấu mã không được giá). Người làm bếp phải nhớ: “Gà mổ đằng bụng, chim mổ đằng lưng” (xương sống của gà cứng, phải mổ đằng bụng; xương chim mềm, mổ đằng lưng mới dễ moi ruột); “Gà cựa dài thịt rắn, gà cựa ngắn thịt mềm”; “Vịt già, gà non” (vịt già ăn không tanh, gà non thịt béo mềm); “Gà ba tháng vừa ăn, ngựa ba năm cưỡi được”; “Ếch tháng ba, gà tháng bảy” (thời điểm thịt ếch và thịt gà không ngon). Trong việc thưởng thức món thịt gà đừng quên: “Con gà cục tác lá chanh”… Cũng từ gà, bao lời khuyên, kinh nghiệm sống, trăn trở xót xa về thế thái nhân tình được đúc kết. “Cõng rắn cắn gà nhà” là hành động muôn đời bị chê trách (đem kẻ ác, kẻ nham hiểm đến làm hại người thân của mình). “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” nhắc nhở anh em trong một nhà phải biết yêu thương, đoàn kết. Đây là câu “mượn” gà để xem tướng người: “Bàn tay gà bới thì khó, bàn tay chó bới thì giàu”. Chỉ tác phong, lề lối chậm chạp trong mọi công việc, từ việc thường nhật đến những việc cần kíp như hành quân có “Ăn cơm gà gáy, cất binh nửa ngày”. “Bé ăn trộm gà, cả ăn trộm trâu, lâu lâu làm giặc” là lời nhắc mỗi người trong chúng ta không nên coi thường các lỗi nhỏ vì nó có thể dẫn đến những hậu quả càng ngày càng lớn. “Bán gà cho cáo” nói đến sự phản bội, làm hại người. Kẻ trơ trọi, cô đơn không nơi nương tựa thường “Bơ vơ như gà con lạc mẹ”. “Bút sa gà chết” nhắc nhở việc đã rồi, không thể thay đổi được nữa. Lưu ý bản chất của kẻ thù bao giờ cũng tàn ác có “Cáo nào tử tế với gà”. Cũng là cáo nhưng “Cáo già không ăn gà nhà hàng xóm” lại “khen” người khôn ngoan, từng trải không làm điều gì hại hay mất lòng người ở gần. “Bụt trên tòa gà nào mổ mắt” nói chuyện mình có trêu chọc ai thì người ta mới trêu chọc, làm hại mình. “Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa” là một kinh nghiệm dự báo thời tiết. “Cơm chín tới, cải ngồng non, gái một con, gà ghẹ ổ” chỉ những thức ăn vừa độ ngon nhất, người phụ nữ ở thời kỳ sung mãn nhất. Xin được nói thêm là từ cái “Tóc đuôi gà” của phụ nữ mà người xưa gửi gắm trong đó cả một lý tưởng thẩm mỹ, tiêu chuẩn về cái đẹp và sự khát khao luyến ái: “Một thương tóc bỏ đuôi gà”…

Nếu “Gà què ăn quẩn cối xay” chỉ hạng người hèn kém, chỉ biết làm ăn, kiếm chác nhỏ nhặt quẩn quanh thì “Gà què bị chó đuổi” lại là sự thương cảm với kẻ yếu đuối bị tai nạn dồn dập tuy có thể chưa hiểm nghèo như “Hóc xương gà, sa cành khế”. Người mới lớn lên, non nớt thiếu kinh nghiệm hãy soi mình qua hình ảnh “Gà mọc lông măng”, còn người già tuổi cao mấy ai không “Da gà, tóc hạc”? Người ốm yếu, mỏng cơm thường “Trói gà không chặt”. “Ông nói gà, bà nói vịt” cho thấy sự “vênh” nhau về quan sát, suy nghĩ, nhận thức dẫn đến chuyện mỗi người nói một phách. “Con gà tức nhau tiếng gáy” thể hiện sự ganh ghét, đố kỵ. Người sang kẻ hèn mà lẫn lộn thật chẳng khác “Phượng hoàng ở lẫn với gà”. Người hay nhìn nhầm, nhìn sai thường “Trông gà hóa cuốc”. Nếu “Đầu gà hơn đuôi phượng” nói ai đó có chức vị thấp, ở những nơi không được coi danh giá song “màu mỡ”, không phụ thuộc vào người khác thì “Đầu gà, má lợn” là phần được hưởng, bổng lộc của người có địa vị vì xưa, những mâm cỗ quê có đầu gà, má lợn phải dành riêng cho người có chức sắc trong làng, trong tổng… Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, thiên phóng sự “Việc làng” của nhà văn Ngô Tất Tố đã cho thấy con gà trong “việc làng” với những công việc cụ thể như: Nuôi gà, luộc gà và cả “nghệ thuật chặt thịt gà”.

Trong tâm thức người lao động ở làng quê, cỗ xôi - con gà là biểu hiện cho tấm lòng thành kính của con cháu đối với ông bà, tổ tiên và các vị thần linh. Ngày giỗ, ngày Tết nhất thiết phải có gà.

Trong đời sống dân gian, trò chơi chọi gà, đá gà là một trong những thú vui được nhiều người yêu thích. Trẻ em nhiều nơi đều biết đến trò chơi bằng loại cỏ gà, người lớn thì coi đấu gà là một thú giải trí có sức hấp dẫn lớn.

Ở Việt Nam, chúng ta chưa rõ thi đấu gà có từ bao giờ, chỉ biết đến thế kỷ XIII, nó phổ biến rộng khắp đến nỗi trong “Dụ chư tỳ tướng hịch văn”(Hịch tướng sĩ), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã nhắc quan quân nhà Trần phải cảnh giác trước sức mạnh của vó ngựa Nguyên Mông, từ đó bớt ham vui mà “văn ôn, võ luyện” vì nếu không“bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc”. Thời điểm hiện tại, chọi gà vẫn là trò chơi thu hút khá đông bà con. Chẳng thế mà ở nhiều vùng thôn quê cũng như ở các thành phố lớn, không ít người đã và đang nuôi gà chọi, chờ đến dịp lễ Tết mang ra thi đấu. Mùa chọi gà thường diễn ra trong suốt tháng Giêng khắp Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc...

Không chỉ xuất hiện trong nghệ thuật ngôn từ dân gian, gà còn đi vào văn chương bác học với dáng vẻ, âm thanh không thể nhầm lẫn. Sau “Dụ chư tỳ tướng hịch văn” mấy trăm năm, gà lại xuất hiện trong thơ chữ Hán Nguyễn Trãi (Ức Trai thi tập, bài số 65): “Nhất niệm tức lai thiên niệm tức/ Kê trùng tự thử liễu tương tranh” (Một nghĩ đã thôi nghìn nghĩ hết/ Chỉ nghe tiếng dế, tiếng canh gà); trong thơ Hồ Xuân Hương: Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom/ Oán hận trông ra khắp mọi chòm (Tự tình). Từ câu thơ chữ Hán trong bài “Thương Sơn tảo hành” (Đi sớm tại Thương Sơn) của nhà thơ Ôn Đình Quân đời Đường: “Kê thanh mao điếm nguyệt/ Nhân tích bản kiều sương” (Gà gáy đêm trăng vắng/ Dấu người in cầu sương)…, thi hào Nguyễn Du đã viết nên những dòng tuyệt bút trong “Truyện Kiều” tả cảnh Thúy Kiều bỏ trốn khỏi nhà Hoạn Thư: Mịt mù cát dặm đồi cây/ Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giày cầu sương...

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những ngày tháng bị tống giam nơi đất khách, không thiếu lần chuyển lao, Người phải lên đường giữa tiếng gà chuyển canh và đêm tối mịt mùng: Gà gáy một lần đêm chửa tan/ Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn/ Người đi cất bước trên đường thẳm/ Rát mặt đêm thu trận gió hàn (Giải đi sớm)…

…Đến con gà trong các loại hình nghệ thuật khác

Có mặt trong mười hai con giáp cùng các vật nuôi thiết thân như chó, lợn, trâu, mèo… bên cạnh nghệ thuật ngôn từ, gà cũng sớm được ghi nhận trong các loại hình nghệ thuật khác.

Tượng gà bằng đất sét thuộc văn hóa Phùng Nguyên (Phú Thọ) cách ngày nay 4.000 năm được xem là tượng gà sớm nhất ở Việt Nam. Tượng gà nhỏ, tạc ở tư thế đứng, hoàn chỉnh, chân thực, thể hiện rõ nét con gà một cách nghệ thuật. Sau tượng gà thuộc văn hóa Phùng Nguyên là cặp tượng gà trống - mái đất nung tìm thấy ở lớp dưới di chỉ văn hóa Đồng Đậu (Vĩnh Phúc). Rồi tượng đầu gà đất nung ở Xóm Rền (Phú Thọ); tượng gà bằng đồng ở Vinh Quang (Hà Nội) có niên đại muộn hơn ít lâu... và không thể không nhắc đến đôi gà trống mái trong bức tranh hiện thực được khắc chìm trên trống đồng Ngọc Lũ.

Trong nghệ thuật điêu khắc gỗ đình làng xưa, đề tài ban đầu chủ yếu vẫn là những con vật thuộc loại “tứ linh” như Long, Ly, Quy, Phượng… nhưng trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, khi văn hóa dân gian trên đà thắng thế cùng sự phát triển của trò chơi gà chọi đã thôi thúc các nghệ sĩ vô danh đưa cảnh chọi gà lên các mảng điêu khắc đình làng. Trên đình làng Hòa An (Hà Nam), Cao Thượng (Bắc Ninh)…, cảnh chọi gà được tái hiện cho thấy con gà không chỉ có mặt trong cỗ xôi chốn đình trung mà còn có vị thế trong nghệ thuật điêu khắc gỗ.

Ngoài điêu khắc gỗ, hình ảnh con gà còn được trang trí trên trán bia Thụ Triều, Phật Tích ở Bắc Ninh (thời Lê) cùng tên đất khắc kèm “Hỏa Kê trang” (ấp Gà Lửa) lưu lại hình ảnh của bộ lạc Gà thuở xưa.

Ở dòng tranh dân gian, hình tượng con gà thật bay bổng, được khai thác dưới nhiều góc độ: Bé ôm gà, Mẹ con đàn gà, Chú gà trống... Với tranh làng Hồ, hình tượng gà trống, gà mái đã trở thành những mẫu mực về đề tài muông thú, trở thành tác phẩm bất hủ vinh danh những nghệ nhân dân gian vốn không cần bằng khen hay giấy chứng nhận. Nếu tranh Chú gà trống đặc tả “nhân vật chính” thật uy nghi, lực lưỡng, hào hùng, trầm tích trong đó cả “Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên” với mào đỏ, lông sặc sỡ, cặp chân khỏe đạp đất đang muốn gáy vang… thì tranh Mẹ con đàn gà thể hiện gà mẹ có mỏ ngậm mồi, cánh động, đuôi xòe, dáng tảo tần bên đàn con đông đúc. Một khung cảnh thật quây quần, sinh động, phóng khoáng, giàu chất hiện thực với những gam màu ấm áp. Người nghệ sĩ dân gian đã thổi hồn vào bức tranh gà, thắp lên niềm hy vọng về sự no đủ, đoàn tụ, khỏe mạnh mỗi khi Xuân về!

Trong mười hai con giáp, gà đứng thứ mười, là loài vật nuôi sớm gắn bó với đời sống người lao động và đã trở thành một hình tượng gần gũi trong văn hóa nghệ thuật Việt Nam truyền thống. 

 

Thanh Hà

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy