Hệ thống “Dẫn thủy nhập điền” của dân tộc Thái
Cư trú lâu đời trên địa bàn thung lũng, được bao bọc bởi những con sông, con suối nên dân tộc Thái đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong việc nắm bắt chu trình tự nhiên của hệ sinh thái rừng, sự cân bằng giữa các yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn tài nguyên nước. Từ đó, họ đã sáng tạo ra một hệ thống thủy lợi phù hợp với điều kiện địa hình phức tạp của vùng và sự đa dạng của môi trường tự nhiên, đó chính là hệ thống dẫn nước “Mương, phai, lán, lín/lịn”. Hệ thống này như một chỉnh thể khép kín tương đối ổn định, nếu một mắt xích nào bị thay đổi sẽ dẫn đến cả hệ thống bị biến đổi.
Guồng quay (cọn nước) và máng dẫn nước của dân tộc Thái ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳnh Châu, tỉnh Nghệ An
Phai: Dân tộc Thái sinh sống ở gần các con sông, suối nên họ đã sáng tạo hệ thống “phai” - thực chất là dựng đập ngăn nước để tạo độ chênh lệch của dòng chảy, từ đó đưa nước vào mương và từ mương chảy qua hệ thống máng dẫn bằng tre, nứa xuống các thửa ruộng bậc thang cao khoảng 5m so với mặt suối. Phai là công trình thủy lợi mang tính cộng đồng. Khi chưa có vật liệu xi măng và thép thì việc dùng gỗ làm phai của người Thái là một sáng tạo độc đáo.Những phai lớn thường phục vụ tưới tiêu cho cả mường (mường gồm nhiều bản). Trước đây, phai là tài sản của mường và do chủ mường trực tiếp quản lý. Ngày nay, phai là công trình thủy lợi của cả một vùng gồm nhiều bản và do các hợp tác xã quản lý.
Nói đến hệ thống khai thác sử dụng nguồn nước của người Thái, không thể không nhắc đến kỹ thuật dựng phai. Các phai của người Thái trước đây được làm bằng gỗ, tre, nứa và đất. Việc chọn vị trí đặt phai rất quan trọng. Những người già, có kinh nghiệm, đầu óc tính toán mới có thể đặt đúng vị trí đặt phai. Địa hình, vị trí đặt phai thuận lợi sẽ quyết định lưu lượng nước chảy vào mương và đảm bảo độ bền cho phai trong mùa nước lũ. Điển hình như suối Nậm La có độ dốc lớn, dòng chảy mạnh, dễ gây xói mòn nên người ta thường đặt phai ở nơi có tảng đá lớn hoặc gốc cây to ở hai đầu. Thời gian thích hợp nhất để làm phai là vào mùa khô (tháng 12, 1 âm lịch) là thời kì cạn nước của dòng suối nên việc đắp phai, làm cọn nước, khai mương dễ làm, đỡ tốn công sức.
Để dựng phai ngăn suối, đầu tiên phải chuẩn bị nguyên vật liệu (tre, gỗ…). Đáy phai phải được làm từ thân cây gỗ lớn có chiều dài bằng chiều rộng con suối. Cây gỗ này được đặt chìm một nửa thân xuống đáy suối. Với con suối rộng, đồng bào dùng 2 thân cây ghép lại. Ở điểm nối, họ chống xê dịch bằng cách đan những sọt tre hình trụ đó, bỏ đá đầy vào bên trong rồi chèn vào. Sau khi cố định được thân cây gỗ chính, đồng bào xếp lần lượt gỗ và ken gỗ thành từng lớp ngang dọc giống hình rẻ quạt tạo thành bộ khung phai, rồi dùng tre, nứa đan thành phên để chặn ở mặt phai, dùng đá, đất đắp, chèn kín để ngăn dòng chảy. Thao tác này làm cho mực nước dâng cao ngang mặt phai và tràn vào mương. Mặt cắt dọc của phai có hình tam giác vuông. Cạnh huyền của tam giác này thuận theo dòng chảy của suối vì nó chịu tác động của dòng chảy, tạo thành lực nén theo phường thẳng đứng. Chính lực nén này làm tăng thêm sức bền chặt của phai.
Mương: Được nối từ phai để dẫn nước vào ruộng. Để đưa dòng chảy vượt qua khe, người ta cắm hai hàng cọc tre cách nhau từ 50 - 100cm rồi ghép các thân cây tre hình hộp sau đó lót kín bằng các phên nứa. Hiện nay, hệ thống mương này đã được bê tông hóa.
Lái: Nước từ mương được đưa đến những thửa ruộng riêng lẻ bằng hệ thống các phai phụ, người Thái gọi là Lái. Hệ thống này còn có tác dụng ngăn nước ở các đoạn mương bị vỡ để tiếp tục dâng nước lên cao cho chảy vào ruộng hoặc dẫn nước mương vượt qua các chướng ngại vật như đá, gốc cây…
Lín: Là hệ thống dẫn nước được làm bằng tre, nứa hoặc bương, bổ làm đôi hoặc để cả ống tùy theo vị trí sử dụng. Các đường máng dùng để dẫn nước từ mương hoặc lái vào các thửa ruộng có chỗ dài hàng trăm mét. Các ống máng ngắn gọi là “to” hoặc “láy” để đưa nước vào các thửa ruộng gần mương, hoặc đưa nước từ ruộng trên xuống ruộng dưới, hay tháo khô cho ruộng khi cần thiết. Các ống máng này thường có nắp đậy để điều tiết mực nước trong ruộng và điều phối đồng đều nước ở ruộng trên và ruộng dưới.
Cọn: Sử dụng cho những ruộng bậc thang ở trên cao khoảng 3 - 4m không thể sử dụng phai và mương để lấy nước tưới. Vì thế cư dân Thái đã sáng tạo ra những chiếc guồng dẫn nước gọi là cọn. Một chiếc cọn có thể cung cấp nước tưới cho 0,5 - 1ha ruộng. Thông thường mỗi chiếc cọn sẽ do vài hộ gia đình có thửa ruộng liền nhau chung sức làm nên. Cọn được làm bằng tre, gỗ, có hình dáng bánh xe, đường kính có thể lên tới 6 - 7m. Cớ chế vận hành của cọn nước là lợi dụng dòng chảy xiết của suối nhờ vào phai. Lực tác động của dòng chảy xiết làm bánh xe quay, vì trên vòng tròn của bánh xe người ta đặt các tấm tre làm thành cánh quạt cản nước. Mỗi bên cánh quạt trên thân bánh xe đều có gắn các ống nứa. Khi bánh xe quay, các ống nứa này tiếp xúc với dòng chảy và múc nước để đưa lên cao đổ vào máng, liên tục như vậy và nước từ máng được đưa vào ruộng. Trước đây, đồng bào Thái làm ruộng một vụ, sau vụ thu hoạch, những cọn nước được tháo rời gác lên cho khô, đến mùa cấy, họ mới hạ xuống. Ngày nay, đồng bào cấy 1 năm 2 vụ, nên cọn nước quay quanh năm, mau hư hỏng, nên họ đã thay thế bằng hệ thống tưới tiêu hiện đại hơn.
Trong xã hội người Thái cổ truyền, họ sở hữu tài nguyên thiên nhiên theo cộng đồng làng bản hoặc mường. Nguồn tài nguyên thiên nhiên ban tặng là tài sản chung. Tất cả dân làng trong bản đều có quyền khai thác và sử dụng. Tuy nhiên, họ có những quy định nghiêm ngặt về hình thức khai thác sử dụng nguồn tài nguyên đó. Đối với người Thái, nước có 2 nguồn lợi quan trọng: Nước phục vụ cho sinh hoạt và cho sản xuất nông nghiệp; Nước cung cấp nguồn thực phẩm tôm, cá cho sinh hoạt và sản xuất. Người Thái chia ruộng thành 2 loại: Ruộng nước mưa và ruộng nước ngâm. Ruộng nước mưa thường ở trên cao, xa sông, suối, không chủ động tưới tiêu được mà phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Loại ruộng nước ngâm tập trung ở khu vực lòng chảo gần sông, suối, có nguồn nước chảy tự nhiên. Nhờ vào hệ thống thủy lợi tự tạo, nên đồng bào đã chủ động được việc tưới tiêu cho loại ruộng này.
Do địa hình phức tạp, các thửa ruộng vùng thung lũng có độ cao thấp khác nhau và không phải thửa ruộng nào cũng gần nguồn nước chảy tự nhiên. Trong điều kiện đó, để giải quyết nước cho sản xuất, canh tác nông nghiệp, cư dân Thái đã cùng nhau xây dựng nên một hệ thống tưới tiêu cung cấp nước cho cả mường. Trong mỗi bản, họ thường cắt cử người trông coi, bảo vệ phai mương. Những người này thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình trạng của phai mương nhất là vào mùa mưa. Hàng năm, vào dịp cúng “Thần nước”, người này phải đến nhà thầy cúng “thầy mo” để nhận tiền đi mua sắm lễ vật. Các ruộng ở trên cao khi được hệ thống mương phai dẫn đủ nước thì sẽ được nước cho chảy xuống ruộng dưới. Cứ như vậy, nguồn nước được chia đều cho các thửa ruộng.
Vào mùa khô, nước khan hiếm, người có ruộng ở trên không được giữ nước cho riêng mình mà phải chia nước cho các ruộng phía dưới. Trước đây, đồng bào có quy định, nếu tháo nước ruộng người khác để xả nước vào ruộng của mình thì người tháo sẽ bị phạt một lạng bạc, rượu, lợn và mất thêm một đồng cân bạc với gà, rượu cúng vía cho chủ ruộng. Nếu phạm tội dỡ ống dẫn nước ở bờ ruộng người khác thì bị phạt 3 lạng bạc, rượu, lợn và thêm một lễ nhỏ để cúng vía cho chủ ruộng.
Hiện nay, làng bản của cư dân Thái hầu như đều đã được đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương kiên cố để dẫn nước về đồng ruộng, thuận tiện hơn cho việc sinh hoạt và canh tác. Nhưng hệ thống “Mương, phai, lán, lín/lịn” vẫn còn tồn tại ẩn hiện đâu đó trong các bản làng và đôi khi vẫn thực hiện chức năng, sứ mệnh thiêng liêng của mình.
Đoàn Thanh Huế
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...