Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
15:19 (GMT +7)

Hậu sinh khả úy

VNTN - Con đường học vấn của tôi, phải đến tám chục lần đứt, chín chục lần nối lại. Đứt là do từng hoàn cảnh khách quan và đầy sự nhọc nhằn để tôi nối lại. Nay tuy nhàu, tôi vẫn nuôi chí đi học. Sự học tự nó không có tuổi. Xưa nay vẫn thế. Như thi ca và tình yêu, làm gì có tuổi. Đam mê cái gì, cái đấy mãi... thanh niên. Rồi tôi chợt nhớ có một câu nói xanh rờn của người xưa: "Không học sẽ trở thành vô học". Còn cha tôi giản dị và cụ thể hơn: "Muốn dao sắc thì phải năng mài con ạ".

Thế rồi cái số nó quá may, qua nhiều kênh thông tin "rò rỉ", tôi lần mò ra có một cơ sở dạy chữ Hán miễn phí, mang tên Nhân Mỹ học đường. Từ nhà lên đó chừng ba mươi phút đi xe đạp. Được biết đây là trung tâm đào tạo chữ Hán và Thư pháp căn bản nhất. Không giống các câu lạc bộ, rào rào mọc như nấm như rêu sau mưa. Chữ nghĩa các cụ chấm phảy lung tung tí mẹt, nhưng chẳng một ai uốn nắn. Còn ở đây, người ta có đủ thầy chuyên dạy chữ Hán và thư pháp. Dạy từ cách cầm bút lấy mực trong nghiên như thế nào để không bị rớt. Làm thế nào để viết được những con chữ no tròn vuông vắn. Thầy chỉ dẫn từng đường nét cho trò. Còn trò cố sức ra mà học, chứ nhất định không chịu lùi bước.

Nhân Mỹ học đường tổ chức dạy và học tới 4 năm liền. Bằng thời gian đào tạo bậc đại học. Ở đây, tôi gặp một nhóm các giảng sư. Người kính trắng. Người comple cà vạt. Người để hàng ria con kiến. Người mặc đồ hàng khủng. Người nhuộm răng đen, áo nâu, đi guốc mộc. Người tóc búi tó hút thuốc lào... Khi các thầy nói chuyện, toàn dùng các từ quý hóa quá, cung thỉnh các quý cụ... Nói thật, lúc đầu tôi hơi ngán. Vì chả hiểu họ là người thế nào. Chỉ biết một điều chắc chắn, tất tật các thầy ở đây đều tốt nghiệp đại học, hoặc trên đại học, chuyên ngành Hán Nôm. Họ đều còn rất trẻ. Nhìn lông măng trên má, tôi nghĩ họ dễ bị lẫn với đám sinh viên. Đứng đầu là thầy Lê Trung Kiên - Đốc học Nhân Mỹ học đường, một người có công khai phá và nuôi dưỡng Học đường. Tính đến nay, nhà trường (gọi như thế cho nó oách) chẵn tròn 10 năm kể từ ngày thành lập.

Nhớ lại cái ngày đầu tiên thập thò vào lớp. Tôi thực sự rờn rợn, dựng đứng cả tóc gáy. Hóa ra đây là ngôi chùa thâm nghiêm thờ Phật. Chùa mang tên Thanh Trúc cổ tự, là nơi tu tập dành cho các tăng ni phật tử quanh vùng. Vào sâu bên trong chùa, thấy có một tấm bảng xanh xanh màu nước biển, cùng mấy bộ bàn ghế tự tạo. Chiếc nào cũng mốc meo hắc lào ghẻ lở, dành cho... Chả biết nói thế nào cho phải. Khi ngồi xuống, tự nhiên thấy người cao lênh khênh. Lúc đứng lên, lại thấy mình lùn tịt. Đích thị đây là nội thất cho bảy chú lùn, trong phim "Nàng Bạch Tuyết". Ở lớp học này, toàn những môn sinh lừng lững cỡ như Từ Hải trở lên. Và nên nhớ rằng, mọi sinh hoạt ở trong không gian nhà chùa, yêu cầu mọi người nói khẽ, cười khẽ, đi lại càng phải thật nhẹ. Gặp ai cũng chắp tay cung kính A di đà phật. Ơ này! Giời ạ. Hoàn toàn không có trường lớp gì hết. Các thầy ăn lương ở những nơi khác. Họ làm việc ở các vụ, viện, ban, bộ ngành trung ương và các trường đại học. Hằng tuần, các thầy hy sinh tình cảm riêng tư, bỏ cả những ngày nghỉ quây quần bên vợ con. Thậm chí có thầy mang theo đứa con nhỏ. Một mắt dạy chữ cho người lớn, còn một mắt canh chừng đứa con nhỏ tha thẩn chơi một mình ở sân chùa. Đến là tội. Phương tiện đi về, các thầy tự lo. Ăn trưa, các thầy tự liệu. Thế còn phong bì các kiểu? Thưa không! Các thầy không nhận thù lao. Dù một mẩu bánh rán nhân đỗ, thầy cũng mỉm cười cảm ơn và xin kiếu. Học trò kéo về học, đủ các thành phần và hầu hết đã mông mốc tuổi. Kể từ anh thợ xây, bác thợ mộc, cô kĩ sư, vị bác sĩ, tiến sĩ văn chương, phó giáo sư, nhà giáo, bộ đội phục viên, đại tá công an... đã, hoặc chuẩn bị nhận sổ hưu về vườn. Có thể nói đây là hợp chủng quốc, hầm bà lằng gồm các loại học trò. Lớp tôi có hai cụ. Một cụ râu hùm. Một cụ râu dê. Hai cụ cực đẹp lão. Nhà các cụ ở mãi tít tận Chùa Hương. Ngày ngày họ rủ nhau đi học từ lúc mờ sáng. Nể chưa? Lúc trời đất đang còn ôm nhau khăng khít. Cây cỏ còn dính nhớp nháp sương đêm, hai cụ ra đường cái đón xe buýt. Mê chữ đến thế cơ mà. Chưa hết đâu, còn phải kể nữa, đó là môn sinh H. Anh nguyên là một công trình sư có tiếng. Anh đã tốt nghiệp hạng giỏi Nhân Mỹ học đường, từ khóa trước, nhưng vẫn tự nguyện đúp để được học lại từ đầu. Thấy một chân anh đi như khều. Còn một chân anh đi như xóa. Tôi mới sốt ruột hỏi cớ làm sao vậy? Đụng xe chứ sao. Không chết là may. Ồ! Ra vậy. Chúng ta cùng cảnh ngộ. Tôi cũng thế. Nhưng tôi không đụng xe. Chỉ đụng chữ. Ha ha. Không chết là may. Ông nói sao? Vị công trình sư tròn mắt. Chuyện này kể khô cả răng chắc chưa xong bác ạ. Ok. Lúc khác tâm sự.

Nhớ buổi học đầu tiên, thầy đang giảng cuốn giáo trình Minh đạo gia huấn, trong đó có đoạn nói về "đạo đức giả". Lập tức một cánh tay khẳng khiu giơ lên phản đối. Chúng tôi đến đây học đạo đức thật (cụ nhấn mạnh chữ thật) để làm người, tại sao thầy lại dạy chúng tôi đạo đức giả. Thôi. Tôi không học nữa. Về. Về. Về. Dạ! Thưa cụ... Xin cụ bình tĩnh cho. Giả trong chữ Hán là lời phân biệt trong một câu văn. Là nói chuyên chỉ một cái gì đó đấy ạ. Như ấy, như cái ấy chẳng hạn... Đạo đức giả là người có đạo đức. Cũng như học giả là người có học thức. Độc giả là người đọc sách. Khán giả là người xem. Thính giả là người nghe... cụ hiểu chưa ạ. Giả ở đây không phải thật giả như trong thuần Việt. Rõ khổ. Cũng như hai chữ tiết canh. Xin mọi người đừng có sáng mắt ra mà nuốt nước bọt. Đây không phải là món khoái khẩu các cụ nhé. Tiết ở đây là chỉ thời tiết trong canh tác. Tiết có bộ trúc trên đầu. Canh có bộ lỗi đi với bộ tỉnh. Viết như vậy là tiết canh đấy ạ! Thế là cả lớp được một phen cười ồ.

 

Còn đây lại là chuyện khác. Chuyện về các thầy. Trong suy nghĩ cũ kĩ buồn thảm của mình, tôi cho rằng phàm là các nhà Nho, họ đều rất... gàn. Họ luôn cho mình đúng hết. Đúng trong suy nghĩ. Đúng trong việc làm. Mặc dù trong đời sống, vẫn xuất hiện nhiều mặt trái với lẽ thường.

Tôi cứ lặng lẽ quan sát cái sự gàn của họ đến đâu. Họ cũ kỹ káu ké đến mức nào. Mà ở đây sao toàn các ông đồ trẻ. Cấm có một lão đồ già. Hằng ngày, gặp nhau thì chào. Phần lớn mọi người ở lớp gọi thầy xưng tôi. Nhưng cũng có ít học viên mặt nhàu như táo tàu, vẫn gọi thầy xưng em một cách đường hoàng ngọt xớt. Tôi cứ cười thầm trong bụng. Em đây là em Bắc Ninh Bắc Giang. Em đây là em quan họ làng Trác Bút Yên Phong. Những người đáng bậc cha chú cô dì, nhưng vẫn một mực xưng em thưa các bác, làm cho các du khách thập phương đến viếng thăm xứ Kinh Bắc, được tiếng phong lưu, bỗng thấy mình được tôn lên hàng... bất đắc dĩ. Xưng hô kiểu ấy lịch sự có thừa, nhưng vô tình làm tổn thọ các thầy còn trẻ thì sao. Xưng hô giao tiếp ở xứ mình nó thế. Sao mà nhiêu khê lôi thôi phức tạp rườm rà một cách không cần thiết. Người Tày quê tôi thường chỉ có hai ngôi ngỏ nỉ hoặc mầu câu (ông tôi hoặc mày tao). Vợ chồng cũng mày tao. Chả anh em gì sất. Đang yêu nhau cũng mày tao. Chả cưng kiếc gì hết. Ông bà già cũng mày tao. Chả ông ơi bà ời gì hết.

Tôi để ý thấy các thầy Nhân Mỹ học đường về khoản sinh hoạt khá là... bất thường. Ngạc nhiên nhất là tiết mục ăn trầu. Vào khoảng giữa giờ, các thầy rủ nhau bổ cau, bôi vôi, têm trầu. Họ không hút thuốc có đầu lọc như nhiều đàn ông thông thường khác. Càng không rượu vào lời ra, bốc phét một tấc đến trời như đám các nhà văn. Tôi để ý những ngón tay thon thon thư sinh. Những ngón tay rợp rờn trắng nõn như đang múa. Họ xếp gọn những lá trầu tươi thành hình cánh chim. Miếng trầu đẹp ngất ngây con gà tây biết gáy. Ai dám bảo đôi tay đàn ông lóng ngóng vụng về. Còn em nào nghĩ đôi tay ấy chỉ biết chấm chấm đĩa mắm tôm, đấm đấm cây dùi đục. Ha ha! Nghĩ như thế hơi chủ quan khinh "địch" đấy các chị em ạ. Hãy nhìn đây. Này là cánh chim xập xòe mở ra lấy đà. Rồi nó từ từ chui tọt vào trong khoang miệng. Con chim lúc này mi thức hay ngủ, mơ màng hay nhớ nhung ai đâu cần biết. Xem họ nhai miếng trầu một cách chậm rãi như trò chuyện. Tất cả đều nhẹ nhàng như đếm từng giọt sương trên lá. Nhẹ nhàng và chậm rãi như vun từng lọn mây tím vào chiều. Họ vừa nhai vừa hồng hào kháo toàn chuyện vui. Có đôi lúc họ nói về chầu văn giàu chất trữ tình hơn hát chèo. Lúc khác họ nói đàn đáy nghe mềm hơn đàn bầu. Các thầy toàn nói về văn hóa Việt Nam thôi. Không nói đến Tây Tàu.

Mặc dù họ từ các lò Tây Tàu rèn ra hẳn hoi. Họ cho rằng từ ngày Việt Nam mở cửa, đã thấy những con ruồi phi văn hóa mập mạp, chúng lớn nhanh như thổi. Nó tụ tập thành từng đám ở thành phố. Rồi bọn ruồi tự động dạt về nhà quê. Thấy ruồi mà rầu ruột lo lắng cho văn hóa nước nhà. Lời họ nói bay ra thoang thoảng vị trầu cay và mùi vôi nồng. Một không gian thuần Việt bé xíu, không ồn ào, không chóng mặt ở giữa một thành phố đang vào thời siêu tốc. Tôi xem đây như một cách bảo tồn văn hóa dân tộc của lớp trẻ. Và tự nhiên tôi ứa nước mắt. Hậu sinh khả úy là đây chứ ở đâu. Con hơn cha là đây chứ ở đâu. Tay thầy cầm cuốn cổ thi. Mắt thầy nhìn đám học trò. Miệng thầy nhả toàn lời vàng ngọc thánh hiền. Học hải vô nhai, duy cần thị ngạn. Biển học không có bến, chỉ có chuyên cần mới là bờ.

Y Phương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước