Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
13:24 (GMT +7)

Góc khuất quản lý đất đai

VNTN - Xưa nay đất đai vẫn được xem là lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, có tới trên 90% số vụ khiếu kiện trong đó có các vụ khiếu kiện đông người, kéo dài, đều liên quan đến đất đai. Sẽ có lý khi nói rằng, công tác quản lý đất đai đang có vấn đề, hay nói cách khác là còn nhiều góc khuất cần được chỉ ra.


Bài 1: Lãng phí - “biết rồi, khổ lắm” vẫn phải nói

Lãng phí đất đai đúng là chuyện xưa như trái đất nhưng không thể không nói bởi chính sự lãng phí đó đang tác động xấu đến đời sống xã hội cũng như công tác quản lý, điều hành kinh tế của địa phương. Có nhiều dạng lãng phí mà không phải ai cũng có thể biết, chỉ khi thâm nhập thực tế hoặc được người trong cuộc chỉ ra mọi người mới vỡ lẽ. Và nếu cứ để tình trạng lãng phí đất đai kéo dài, không biết hệ lụy mà nó mang lại sẽ như thế nào.

Do không có năng lực nên Công ty Trường Phát sau khi được cấp phép đã ngầm chuyển nhượng điểm khai thác cát, sỏi tại xã Hà Châu, huyện Phú Bình cho đơn vị khác làm thất thoát tài nguyên của Nhà nước.

Đăng ký nhiều, thực sử dụng ít

Đã hơn 9 năm triển khai, nhưng Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu B - Khu công nghiệp Nam Phổ Yên do Công ty TNHH MTV ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên làm chủ đầu tư vẫn chưa thể hoàn thành. Dự án này được xây dựng tại xã Thuận Thành với diện tích khoảng 27ha, vốn đầu tư trên 130 tỷ đồng. Khi đầu tư, chủ Dự án cam kết sẽ tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động và triển khai với tiến độ nhanh nhất có thể. Do đang trong quá trình trải thảm thu hút đầu tư nên Dự án này rất được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện. Doanh nghiệp cũng đã xây dựng được một khu nhà xưởng và hàng rào trên diện tích khoảng 7ha. Tuy nhiên, từ đó đến nay nhà xưởng không hoạt động, phần đất 20ha còn lại cũng bỏ không. Người dân ở đây tiếc đất canh tác hùi hụi vì toàn bộ diện tích Dự án đều là đất nông nghiệp của hơn 330 hộ dân địa phương. Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên, Bùi Văn Lương cho rằng, đây là Dự án nằm ở vị trí đẹp, sát Quốc lộ 3 cũ nhưng thật tiếc là không phát huy hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên đất, đề nghị tỉnh thu hồi càng sớm càng tốt.

Đây chỉ là một trong hàng chục dự án đang gây lãng phí đất trên địa bàn tỉnh với diện tích lên đến hàng trăm héc ta. Quá trình thẩm định, chấp thuận đầu tư của các cơ quan quản lý còn chưa sát thực tế, chưa đánh giá đúng năng lực tài chính của nhà đầu tư nên dẫn đến tình trạng dự án chỉ nằm trên giấy, kéo dài từ năm này qua năm khác. Có nhà đầu tư đăng ký quá nhiều dự án nên vốn bị dàn trải không thực hiện được theo tiến độ. Những năm gần đây, năm nào báo cáo kết quả sử dụng đất của UBND tỉnh cũng kèm theo một danh sách dài dằng dặc những dự án đã đăng ký sử dụng đất nhưng chưa thực hiện phải chuyển tiếp sang năm sau. Năm 2015 và năm 2016, trong hơn 1.200 công trình, dự án với diện tích trên 4.000ha đất đăng ký sử dụng thì mới có khoảng 450 công trình, dự án thực hiện, còn lại gần 300 công trình, dự án bỏ trống phải chuyển sang năm sau, hơn 500 công trình không đăng ký thực hiện nữa. Như vậy, số công trình, dự án đăng ký sử dụng đất đã thực hiện được trong các năm chỉ bằng 20% kế hoạch đề ra.

Đã 6 năm nay, năm nào huyện Đồng Hỷ cũng đăng ký kế hoạch sử dụng đất cho Dự án xây dựng Khu trung tâm hành chính mới của huyện tại xã Hóa Thượng với diện tích trên 62ha, nhưng đều chưa sử dụng đến. Người dân sống trong vùng quy hoạch luôn thấp thỏm, lo âu không biết khi nào sẽ phải di dời chỗ ở, trong khi không thể xây nhà để chia tách hộ. Lý giải về thực tế trên, ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho hay, mặc dù chưa triển khai thực hiện song khu vực này vẫn phải đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm, phòng khi bố trí được nguồn vốn. Tương tự, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Yên Bình đang có một số dự án đăng ký sử dụng đất mấy năm nay với quy mô rất lớn nhưng chưa thực hiện được. Đó là Dự án Khu đô thị thông minh Yên Bình, quy mô 385ha; Dự án Khu Resort Yên Bình quy mô 170ha; Dự án Trung tâm dịch vụ thể thao Golf Yên Bình, quy mô 180ha; Dự án Khu nông nghiệp kỹ thuật cao Agropark Yên Bình, quy mô 245ha. Hiện tại, trong kế hoạch sử dụng đất năm 2016 và cả năm 2017 các dự án trên vẫn có tên mà chưa thấy triển khai đầu tư.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường, trong cả giai đoạn 2011-2015, tỉnh có kế hoạch đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng là trên 2.178ha, nhưng kết quả thực hiện chỉ đạt trên 117ha, bằng 5,39%.

Cấp phép tràn lan rồi bỏ trống

Phải thừa nhận ở tỉnh ta có thời điểm việc đầu tư các khu đô thị, khu dân cư (KĐT, KDC) mới trở thành hội chứng và phản ứng dây chuyền. Do đó, mới có chuyện các doanh nghiệp ngoài ngành cũng đổ xô đi xin cấp phép xây dựng KĐT, KDC, từ doanh nghiệp chuyên khai khoáng, luyện kim, đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước giải khát… Cũng tham gia. Bởi vậy, gần đây một loạt dự án KĐT, KDC bị đề nghị thu hồi do không triển khai, khiến hàng nghìn héc ta đất quy hoạch xong bỏ không, gây lãng phí. Xin được nêu một vài trường hợp điển hình tại thành phố Thái Nguyên.

Được quy hoạch chi tiết và chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2011, với diện tích gần 200 ha tại phường Tân Lập, nhưng đến nay chủ đầu tư Dự án KĐT Thái Hưng vẫn không có một động thái nào triển khai dự án. Đã 5 năm nay, gần 400 hộ dân thuộc các tổ 1A, 1B, 2, 3,13, 8A, 8B và tổ 7 phường Tân Lập (nằm trong quy hoạch vùng dự án) khóc dở, mếu dở vì quyền lợi bị ảnh hưởng. Gia đình ông Nguyễn Văn Hiển, tổ dân phố 8A hiện có 4 hộ với 12 nhân khẩu đang sống chung trong một ngôi nhà. Lâu nay ông Hiển muốn tách đất, làm nhà cho các con nhưng không được phép đành ngậm ngùi sống chật chội. Tổ trưởng Tổ dân phố 8A, ông Giáp Văn Hành bức xúc: Đầu năm 2011, chúng tôi đã bàn đến chuyện làm đường trong KDC với chiều dài khoảng 300m. Mọi người đã bàn đến chuyện đóng tiền đối ứng, nhưng vì nghe có thông báo quy hoạch KĐT nên đành dừng lại, vì nếu đầu tư sau này phá đi để làm dự án sẽ rất lãng phí.

Những tưởng trường hợp người dân phường Tân Lập đã là khổ, nhưng bà con thuộc một số tổ dân phố của phường Đồng Quang và Tân Thịnh còn khổ hơn  khi 10 năm nay phải sống trong cảnh chờ trực để chuyển đến nơi ở mới vì đang sống trong vùng quy hoạch Dự án KĐT An Phú. Lý do, KĐT này được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng không triển khai. Chủ tịch phường Tân Thịnh, ông Trịnh Xuân Luyện  cho hay, các thông tin về dự án địa phương cũng không nắm rõ, mà chỉ biết diện tích quy hoạch là gần 100 ha. Người dân khá bức xúc, chính quyền cơ sở không có thẩm quyền còn nhà đầu tư thì bặt vô âm tín suốt nhiều năm nay.

Trong khi thành phố Thái Nguyên đang rất thiếu quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng thì vẫn còn khá nhiều dự án không khả thi, trong đó có thể kể đến Dự án Tổ hợp Khu đô thị, biệt thự cao cấp, tòa nhà văn phòng cho thuê và khách sạn do Công ty CP APEC làm chủ đầu tư. Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư tại phường Gia Sàng từ năm 2010, chủ đầu tư cũng cam kết hoàn thành dự án vào năm 2014, nhưng đến nay vẫn án binh bất động.

Một thực tế nữa là nhiều dự án KDC sử dụng ngân sách đầu tư nhưng không thể lấp đầy. Theo thống kê, hiện tại toàn tỉnh còn tới trên 3.000 lô đất trong các KDC mới vẫn bỏ trống do người dân không có nhu cầu sử dụng. Nhiều tỷ đồng đã được ném vào các KDC này để đầu tư hạ tầng nhưng vì chưa bán được nên vốn bị ứ đọng khó thu hồi. Báo cáo mới nhất của Trung tâm phát triển Quỹ nhà, đất và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tỉnh (đơn vị được tỉnh giao đầu tư hạ tầng 5 KDC) cho thấy, hiện tại đơn vị này đang nợ gần 20 tỷ đồng do còn mấy chục lô đất chưa bán được. Trong đó có 11,2 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương ứng trước, còn lại là vốn vay. Các chuyên gia cho rằng, ngoài lý do cung cầu, còn là bởi giá đất trong KDC Nhà nước đầu tư nhiều khi cao hơn thị trường nên không hút người mua.

Dự án đầu tư của Công ty TNHH MTV ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên tại KCN Nam Phổ Yên hiện còn tới hàng chục héc ta đất bỏ trống, trong khi người dân địa phương đang thiếu đất canh tác. 

Nhùng nhằng cho thuê - chuyển nhượng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang tồn tại một dạng biến tướng trong thuê đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Doanh nghiệp khi được Nhà nước cho thuê đất đã không sử dụng theo kế hoạch đầu tư như giấy phép được cấp mà tự ý cho đơn vị khác thuê lại mặt bằng. Cũng bởi doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đất vẫn đứng tên và trả tiền thuê đất hàng năm nên việc quản lý biến động đất đai gặp không ít trở ngại. Có trường hợp lấy danh nghĩa là hợp tác, liên doanh sản xuất để đánh lạc hướng cơ quan quản lý trong khi thực chất là chuyển nhượng ngầm.

Gần đây, trường hợp được nhắc đến nhiều nhất chính là chuyện nhùng nhằng trong triển khai Dự án Khu dân cư xóm Tân Sơn 9, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình. Năm 2011, UBND tỉnh đã chấp thuận cho Công ty cổ phần Lương thực Thái Nguyên thuê đất tại xã Xuân Phương trong thời hạn 45 năm để xây dựng trụ sở làm việc, cửa hàng kinh doanh. Tuy nhiên, năm 2013, Công ty này đã tự ý cho Hợp tác xã Bao bì Xuân Phương thuê lại một phần đất để xây dựng nhà xưởng. Việc làm này đã vi phạm Luật Đất đai và bị UBND tỉnh ra Quyết định thu hồi toàn bộ diện tích trên 2.000m2 đất để giao cho nhà đầu tư khác thực hiện Dự án KDC. Điều đáng nói là dù Quyết định của UBND tỉnh có hiệu lực từ năm 2013, song đến nay, đơn vị thuê lại đất là Hợp tác xã Bao bì Xuân Phương vẫn không chịu bàn giao mặt bằng. Không những thế, từ năm 2014 Hợp tác xã Bao bì Xuân Phương lại tiếp tục cho đối tượng thứ 3 thuê một phần đất, nhà để mở hiệu cầm đồ. Khi nói đến trách nhiệm của ngành chủ quản trong vụ việc này, ông Phan Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường “giải thích” rằng, Dự án Khu dân cư Tân Sơn 9 do một đơn vị cấp dưới của Sở làm chủ đầu tư nên Sở giao cho đơn vị này trực tiếp giải quyết. Lúc trước Sở cũng đã nhiều lần can thiệp, song chưa có giải pháp thống nhất.

Việc chuyển nhượng ngầm cũng xảy ra ở nhiều dự án, nhất là khi các chủ dự án được cấp đất không có khả năng tài chính để đầu tư. Đối với các dự án khai thác khoáng sản, việc chuyển nhượng ngầm diễn ra phổ biến hơn cả. Trong làng khai khoáng của tỉnh không ai không biết trường hợp của Công ty Trường Phát. Năm 2013, trước khi áp dụng hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đơn vị này đã “nhanh chân” xin cấp một lúc 5 điểm mỏ cát, sỏi trên địa bàn huyện Phú Bình, thị xã Phổ Yên. Tuy nhiên, do năng lực không có nên sau khi được cấp phép, toàn bộ số điểm mỏ cát, sỏi của doanh nghiệp này không được bảo vệ và khai thác. Lợi dụng tình hình đó, nhiều đối tượng cát tặc ở địa phương đã đưa máy móc đến xâu xé. Trước thực tế không thể quản lý, Công ty Trường Phát nghĩ ngay ra cách “vẹn cả đôi đường” đó là ngầm chuyển nhượng cho một số đơn vị có năng lực khác vào khai thác đường hoàng nhưng vẫn coi như đang bị cát tặc lấy trộm. Và như vậy, nguồn thuế tài nguyên của Nhà nước đối với một số điểm mỏ trên bị thất thoát, lợi ích chỉ thuộc về một vài cá nhân.

Cũng có không ít trường hợp do công tác quản lý thiếu chặt chẽ dẫn đến tình trạng đơn vị thuê đất đã tự ý chuyển đổi, mở rộng thêm diện tích mà không bị phát hiện. Gần đây Sở Tài nguyên - Môi trường đã kiểm tra và phát hiện được một số trường hợp ngoài phần diện tích được Nhà nước cho thuê lâu năm để triển khai dự án, doanh nghiệp đã ngầm mua thêm từ người dân các khu đất liền kề, sau đó mở rộng dần ra. Điều đáng quan tâm là việc nới thêm đất dự án không vì mục tiêu đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh mà chủ yếu là chiếm chỗ, giữ đất.

Minh Quân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước