Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
00:18 (GMT +7)

Giữ gìn bản sắc trong thực hành tín ngưỡng

Việc Thánh cốt ở lòng thành

Tín ngưỡng thờ mẫu Tứ phủ của ta đã được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016. Trong tín ngưỡng thờ mẫu Tứ phủ nổi bật là nghi lễ Tứ phủ trình đồng. Có thể thấy, hình thức diễn xướng tâm linh mà dân gian gọi là hầu đồng, hầu bóng là một trong những tín ngưỡng có sức sống mãnh liệt ngay cả khi không cần dựa trên danh hiệu được công nhận. Tuy nhiên, ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín đôi khi không dễ gì phân biệt.

1. Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề UNESCO: Trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử, sức sống của Tín ngưỡng thờ Mẫu là minh chứng không thể phủ nhận cho các giá trị của Tín ngưỡng. Việc UNESCO vinh danh tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại một lần nữa hợp thức hóa và tôn vinh ở tầm quốc tế những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Thế nhưng, xã hội vốn phong phú và đa dạng nên vẫn còn không ít nghi ngại xung quanh việc thực hành Tín ngưỡng. Sự thay đổi của điều kiện kinh tế - xã hội và của nhân sinh quan khiến việc thực hành tín ngưỡng trong dân gian có nhiều biến đổi. Có lúc, có nơi nảy sinh một số hiện tượng tiêu cực như mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh... gây hiểu sai, hiểu không đúng trong dư luận.

Trong quá khứ, có một thời gian diễn xướng hầu đồng lui vào hoạt động khép kín, nhưng hơn chục năm trở lại đây, các hoạt động diễn xướng hầu đồng đang trở nên phổ biến. Trên thực tế hiện nay, nghi lễ hầu đồng không chỉ diễn ra tại các đền to, phủ lớn có gắn với tục thờ Mẫu mà nghi thức hầu đồng ở nhiều địa phương còn được tổ chức nhiều tại các phủ, miếu,... do tư nhân lập ra với ý nghĩa cứu giúp những người có căn số không ngừng hướng thiện, xoa dịu nỗi đau và vượt lên hoàn cảnh khó khăn. Đó cũng là ý nghĩa và mục đích tốt đẹp của nghi lễ này.

Thế nhưng, hiện nay cũng không khó để bắt gặp ngoài đời sống, trên không gian mạng những lời giới thiệu hay các clip của một số cá nhân tự nhận mình là người nhà thánh, làm việc thánh, song hình ảnh và nhiều hành vi của họ lại phản cảm. Những hành vi đã làm ảnh hưởng tới đức tin trong văn hóa tâm linh của cộng đồng và xã hội.

Xét ở mặt bản chất của nghi lễ thì có thể hiểu “trình đồng” là việc một hay nhiều người hóa thân vào các nhân vật ở trong hệ thống thờ Tam phủ Thánh Mẫu. Thế nhưng vì là tín ngưỡng trong dân gian, lưu truyền qua hình thức truyền khẩu là chính nên không phải ai cũng hiểu cặn kẽ như thế. Thậm chí chính nhiều đồng thầy vẫn chưa hiểu hoặc cố tình không hiểu điều đó khi tự huyễn hoặc rằng họ được thánh nhập trong mỗi giá đồng, không muốn công nhận rằng đó là hình thức biểu diễn.

Còn vì sao gọi đó là diễn xướng tâm linh, bởi nó diễn ra ở không gian thờ tự. Ở các giá hầu đồng tiếng nhạc, tiếng hát và mùi hương hoa, khói trầm hòa quyện vào nhau tạo cho con người ta sự thanh thản, dường như có thể trút bỏ lo toan của đời thường, tạo nên một cảm giác giữa đời thực và thế giới siêu hình được gặp gỡ nhau và bản thân như được sống trong thế giới tâm linh đó. Cũng có nhiều ý kiến lý giải lý do gọi đó là diễn xướng tâm linh rằng, khi một người hành lễ hóa thân vào một nhân vật tiên thánh, hay còn gọi là các "giá đồng" trong không gian tâm linh ấy, cái tôi của họ còn rất ít, phần hóa thân trở thành cơ bản, thậm chí thăng hoa đến độ trong khoảnh khắc tưởng chừng mình chính là nhân vật lịch sử ấy hay vị tiên thánh ấy. Vì thế, có thể nói, đó là một hình thức biểu diễn gắn với tâm linh.

Các Thánh Hoàng thường “giáng về” trong nghi lễ hầu đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ gồm: ông Hoàng Cả, ông Hoàng Đôi, ông Hoàng Bơ, ông Bắc Quốc, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Bát, ông Hoàng Chín, ông Hoàng Mười. Các vị Thánh Cô gồm: Cô Đệ Nhất, Cô Đôi, Cô Bơ, Cô Tư, Cô Năm, Cô Sáu, Cô Bảy, Cô Tám, Cô Chín, Cô Mười, Cô Bé, Cô Cam Đường... Một trong những giá đồng rất vui vẻ trong một vấn hầu là giá hầu Cậu với: Cậu Cả, Cậu Đôi, Cậu Bơ, Cậu Bé. Một số ít các vấn hầu có giá hầu Ngũ Hổ (5 ông Hổ). Vấn hầu này ít bởi rất “kén” người. Thường phải là các đồng cựu rất sát căn mới hầu được để sát quỷ, trừ tà. Trong một số rất ít trường hợp khác khi hầu Tứ phủ cũng có thể kiều thỉnh các Chúa Bà sơn lâm, sơn trang.

Các cụ xưa đã nói “Làm lính có công, làm đồng có phép”, nghĩa là mọi việc lớn nhỏ đều phải tuân theo phép tắc mà làm. Việc thực hành tín ngưỡng đều phải lấy sự tôn kính, trang nghiêm và phép tắc làm trọng.

Một năm các đồng đền, đồng điện thay mặt con nhang đệ tử thường chọn 4 tiết lễ để hầu: Tháng Giêng (hầu thượng nguyên), với ý nghĩa cầu an cho cả năm; Tháng Tư (hầu vào hè) mục đích là cầu mát, tránh ôn dịch; Tháng Bảy (hầu ra hè) cầu mong cho nửa năm cuối được bình an kháng thái; Tháng Chạp (hầu Tất niên) mang ý nghĩa lễ tạ phật thánh sau một năm được bình an, che chở. Ngoài ra, các vấn hầu cũng có thể diễn ra theo tiệc của các vị Thánh, tùy thuộc vào hoàn cảnh, tâm linh và kinh tế của từng thanh đồng mà quyết định thời điểm thực hiện các giá hầu.

Trang phục trong mỗi giá hầu được nhiều thanh đồng hiện nay chọn lọc vừa đảm bảo yếu tố truyền thống vừa mang giá trị thẩm mỹ.(Nguồn ảnh: Facebook: Giang Hoang Truong)

2. Tuy nhiên như đã đề cập ở phần đầu bài viết, việc thực hành tín ngưỡng này hiện đang bị nhiều người làm sai lệch. Chưa xét ở góc độ đời sống tâm linh mà ngay ở hình thức thể hiện đã có nhiều việc đáng để bàn.

Hầu đồng là hình thức tái hiện hình tượng của Tiên Thánh giáng hạ trần gian. Do bản sắc văn hóa vùng miền khác nhau nên có thể thấy sự phong phú về hình thái và màu sắc trong trang phục hầu đồng. Trang phục hầu Thánh tuy rất đa dạng về màu sắc, về hình thể và chất liệu song vẫn đảm bảo tính trang nghiêm, toát nên nét đẹp truyền thống dân gian cổ xưa.

Trang phục trong mỗi giá hầu đều có quy định. Ví dụ như trang phục của các Quan lớn: Quan Đệ Nhất màu đỏ, Quan Đệ Nhị màu xanh lá cây, Quan Đệ Tam màu trắng, Quan Đệ Tứ màu vàng, Quan Đệ Ngũ màu lam. Áo dài may 5 thân… Mỗi kiểu hoa văn, màu sắc dùng may áo cho các thánh khác nhau đều mang ý nghĩa, giá trị không giống nhau.Nhờ vào trang phục, màu sắc áo có thể nhận biết rõ danh tính từng vị Tôn Quan.

Trang phục hầu đồng ở các vùng miền lại có những khác biệt do những quy định chung về kiểu dáng, màu sắc thường không mang tính bắt buộc. Tuy nhiên dù có biến đổi thế nào thì khăn áo trong nghi lễ hầu đồng cũng cần giữ những cốt lõi trong trang phục cũng như màu sắc, hình thức thêu, đạo cụ. Đáng tiếc trên thực tế ngày nay, trang phục này đã bị một số thanh đồng làm biến dạng, không tuân thủ các quy định về trang phục xưa.

Ví dụ như khi xưa Cô Đôi Thượng Ngàn mặc áo cõn xanh lá cây thêu hoa hoặc gấm dệt, thắt đai, cổ đeo kiềng bạc, tai đeo hoãn bạc, đầu chít khăn củ ấu hoặc tết bông hoa theo lối thượng ngàn sơn trang. Nhưng ngày nay, một số thanh đồng lại mặc trang phục Cô Đôi Thượng Ngàn giống như khi hầu Cô Đệ Nhất, Cô Bơ Thoải, Cô Chín Sòng Sơn mặc áo dài, đội khăn xếp chít… không phù hợp với cảnh thượng ngàn sơn trang.

Còn vũ đạo hầu Thánh vốn là vũ đạo chốn cung đình vừa trang nghiêm, đài các, trừu tượng, vừa đơn giản, dân dã… tạo nên lối vũ đạo riêng biệt mang tính văn hóa tâm linh. Nhưng bây giờ một số người nặng về biểu diễn trở thành lố lăng, thất lễ gây bức xúc đối với khách dự hầu.

Theo một số tài liệu xưa lời tuyên phán, lời truyền trong vấn hầu khi xưa tế nhị, hoa mỹ chủ yếu cầu mong quốc thái dân an, đồng nhân cát khánh, nhưng nay không khó để bắt gặp hiện tượng nội dung lời truyền phán của một số thanh đồng như dọa nạt gây hoang mang cho người xung quanh nhằm mục đích khiến người khác sợ để trục lợi cho bản thân. Những lời tuyên phán đó rõ ràng mang tính trần tục, thể hiện ý đồ của người hầu, không thể coi là lời của chư Thánh.

Bên cạnh đó, thành tố không thể thiếu trong mỗi giá hầu là hát văn cung phụng Thánh mẫu. Đó là những lời hay, ý đẹp ngợi Tiên Thánh. Hát văn là một thể loại nghệ thuật tâm linh trong dân gian, vừa phảng phất âm nhạc cung đình lại thể hiện sự tôn nghiêm trong không gian trang trọng nơi thờ Mẫu. “Giáp bạc bao phen rực lửa hồng/Xông pha trăm trận cũng như không/Ra tay cứu nước trừ nguy biến/Tiếng để ngàn thu với núi sông” (trích Văn chầu Quan lớn Đệ Tam). Lời Văn ca ngợi vị Quan lớn Đệ Tam văn võ toàn tài, quản cai miền sông nước.

Ở Thái Nguyên có đền chính thờ Chầu Bảy là đền Mỏ Bạch (TP. Thái Nguyên). Tương truyền Chầu Bảy sinh vào gia đình ở đất Mỏ Bạch, Thái Nguyên có công giúp hai bà Trưng dẹp giặc xâm lăng, dạy người dân canh tác, làm ăn. Sau khi hóa, Chầu được giao quyền cai quản vùng núi rừng Mỏ Bạch. Trong Văn Chầu Bảy có câu “Thỉnh mời Chầu Bảy Kim Giao/Thái Nguyên, Mỏ Bạch, Chầu ra ngự đồng”…

Ý nghĩa và trang nghiêm là thế, tuy nhiên, trong các giá hầu hiện nay lại ít được nghe những cung văn có đầy đủ lề lối, cung bậc. Nhiều cung văn hiện nay dùng lời văn nhưng hát theo các làn điệu khác nhau. Nhiều cung văn khác lại cải biên theo lối sử dụng những lời lẽ dung tục làm giảm sự chân xác của việc hát văn thờ phụng Tiên Thánh. Trong chúng ta chắc nhiều người không còn xa lạ với lời đồn xin vía ông Hoàng Bảy để được lộc về các tệ nạn như bài bạc, số đề. Thậm chí đã có cung văn hát: “Xin ông cho trúng cả lô lẫn đề”. Trong khi đó, theo thần tích, Ông Hoàng Bảy có thú vui trà tàu, thuốc cống vì Ngài ở vùng Bảo Hà, Lào Cai chứ Ngài không cờ bạc. Cùng với đó văn chầu về Ngài vốn đầy đủ những lời hay, ý đẹp, với những cung bậc đa dạng.

Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiên của bậc Tiên Thánh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới đức tin trong văn hóa tâm linh của cộng đồng.

Một điều nữa cũng khiến vẻ đẹp nguyên thủy của tín ngưỡng bị méo mó đó là có những đàn hầu bóng, trình đồng đốt đến hàng trăm triệu tiền mã gây ra sự lãng phí, tốn kém không cần thiết.

Thiết nghĩ những điều trên không chỉ đòi hỏi các cấp quản lý văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng cần có biện pháp để dần khắc phục mà tất cả các thanh đồng chân chính cũng cần có trách nhiệm trong việc tiếp thu và gìn giữ vẻ đẹp nguyên bản trong thực hành tín ngưỡng. Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa của di sản, tránh lợi dụng các cơ sở thờ tự hoặc để bị lợi dụng phục vụ cho việc "buôn thần bán thánh", "thương mại hóa" của một số người.

Linh Sơn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy