Giới tuyến mong manh, rừng xanh rực lửa
VNTN - Đó là hai câu chuyện về những đồng đội của tôi. Tôi kể lại với một mong muốn cháy bỏng: tìm được các anh hoặc người thân của họ. Mong lắm…
Hồi kí. Trần Quang Thành
1.
Tôi nói giới tuyến mong manh, bởi vì quả thực nó vô cùng trừu tượng, cái giới tuyến tạm thời, vĩ tuyến 17 trên bản đồ, trên bàn hội nghị kí kết giữa 2 bên. Giới tuyến ấy với người lính bộ binh thì còn tương đối rõ, có thể lấy dòng sông Bến Hải làm ranh giới, làm phân tuyến giữa 2 bên địch và ta. Nhưng với người lính lái xe chúng tôi trên rừng Trường Sơn, thì biết lấy đâu là ranh giới giữa mịt mùng rừng xanh trùng điệp.
Nguồn: Internet |
Dẫu sao thì trận bom đẫm máu ấy, mình cũng phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm. Chủ quan, chủ quan quá, ỉ thế là còn trên đất Bắc Việt nên ngụy trang kém, đội hình xe lại dồn quá đông. Ngứa mắt quá, ngon ăn quá, hay bọn phi công Mỹ cũng “lập lờ đánh lận con đen” mà bỏ qua cái giới hạn, giới tuyến, không được bắn phá theo lệnh cấp trên. Vậy là rừng xanh rực lửa.
Ấy là vào cuối năm 1971, đoàn xe chúng tôi sau ít ngày nghỉ ngơi ăn dưỡng, củng cố trên đất hậu phương, nay nhằm hướng Tây, nhằm dãy Trường Sơn đen sẫm, trùng điệp mà tiến. Hàng trăm xe nối đuôi nhau đi giữa ban ngày. Còn một chút tự do, một chút hạnh phúc trên đất Bắc tạm coi là hòa bình, ai cũng cố tận hưởng.
Chừng 4 giờ chiều thì có lệnh dừng xe nấu cơm. Vì là đang hành quân đội hình lớn, nên có nuôi quân đại đội nấu ăn chung, từng xe không phải tự nấu ăn, mà chỉ lo kiểm tra lại kỹ thuật, củng cố ngụy trang.
Anh Nguyễn Xuân Phối đi cùng xe tôi. Chính anh là người giúp đỡ, giới thiệu tôi vào Đảng. Anh gọi tôi bảo:
- Cậu lên thùng xe lấy nồi xuống nấu thêm ít canh. Còn xe, để tớ kiểm tra.
Tôi loay hoay mãi mới cậy được cái nồi đen nhẻm, méo mó đến không thể méo hơn được nữa. Đang kỳ cạch gò nắn thì có máy bay tới. Nó là máy bay trinh sát phản lực RF101, nó nghiêng cánh lượn vòng rất thấp, nhìn rõ cả phi công nơi buồng lái.
Các xe đều nhốn nháo, có người chạy túa vào rừng, nhưng đa số vẫn im dõi theo chiếc máy bay. Có tiếng ai đó hô to:
- Không được chạy, tất cả ngồi im tại chỗ.
Đây là đất Bắc Việt cơ mà? Nó không dám đánh đâu, đa số chúng tôi có suy nghĩ như vậy, hay ít ra thì cũng cầu mong như vậy.
Nhưng kìa đã thêm cả tốp máy bay xuất hiện trên bầu trời, tiếng động đã ầm ầm, ghê rợn. Nó đã xé tan bầu trời yên bình. Đúng là lũ quạ đen từ dãy Trường Sơn từ ngoài biển, đã phát hiện được miếng mồi ngon.
Không ai dám nằm im nữa, tất cả chạy nhốn nháo. Ở đây hầu như không có hầm trú ẩn, người thì chui vào gầm xe, người thì tạt vào rừng, nhiều người chạy theo đường hy vọng tìm được hầm.
Nhìn lên trời, thấy mũi máy bay là một điểm tròn, với 2 cánh dang thẳng 2 bên, tôi biết, nó đã bổ nhào trực diện xuống mình. Anh Phối nhào tới, đè phốc lên người tôi, kéo cả hai lăn xuống một khe cạn.
Cả chùm bom nhỏ lao xuống. Ùng…, lửa bùng lên. Cơ man nào là lửa, bao nhiêu mảng lửa lớn nhỏ tung cao, xé toác ra, trùm lên khắp mặt đất, trên rừng cây, trên những chiếc xe và trên những người lính.
Bom napan, sức công phá không lớn. Nhưng nó như là thùng dầu, thùng kếp đang cháy rừng rực, được ném xuống với tốc độ phản lực, vỡ oạc. Chất cháy với nhiệt lượng cực lớn, bám dính bất kỳ vật gì và thiêu hủy tất cả. Loại vũ khí này thế giới đã và đang kêu gọi cấm sử dụng. Nhưng thực tế thì đây…Chiến tranh khốc liệt lắm, bên nào cũng tận dụng mọi cách, mọi thủ đoạn để đè lên, để tiêu diệt đối phương, dù cho là đê hèn, dù cho mất nhân đạo.
Tang thương và đau đớn lắm. Nhìn đồng đội hy sinh, những thân người cháy đen, co quắp, nó ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ. Tôi có thể tả rõ nét như những thước phim quay lại. Nhưng đau xót rùng rợn lắm, kể thêm chỉ làm quặn lòng người, làm dài thêm những dòng nước mắt mà thôi.
Gần tôi nhất lúc ấy có 2 anh hy sinh, là anh Đổng Khắc Hinh quê tỉnh Hòa Bình và anh Nguyễn Viết Mộc quê tỉnh Vĩnh Phú. Các anh đều còn rất trẻ, họ ra đi một cách tức tưởi, đau đớn.
Loạt bom khác lại chùm lên. Cả trời đất rực lửa bỏng rát và khét đắng. Anh Phối giật mạnh tay tôi.
- Chạy thôi. Ở đây sẽ chết.
- Nhưng chạy đâu hở anh?
Và chính anh cũng lưỡng lự, anh nhổm lên rồi lại ngồi xuống. Một máy bay khác đang quay vòng và nâng độ cao, sắp bổ nhào trút bom. Lạ thật, sao không có một viên đạn nào bắn lên cả. Súng pháo của mình đâu hết rồi? Hay tại mình bất ngờ, các lực lượng phòng không cũng không ngờ. Bởi đây thuộc vùng hạn chế đánh phá. Khi mà nhiều năm, không quân Mỹ ném bom miền Bắc không đạt kết quả về chiến lược. Tổng thống Mỹ buộc phải lệnh co lại, tập trung ngăn chặn trong vĩ tuyến 20.
Vùng này cũng từ lâu không có bom đạn thật, nên cây cối còn xanh, và hầm hào cũng không có hoặc hư hỏng. Chỉ khốn khổ cho người lính. Chúng tôi có chủ quan, còn địch thì quá tàn ác và lật lọng.
Ai phân xử cho đây? Ngay ngày hôm sau, đài BBC đã đưa tin về vụ oanh kích đẫm máu này. Tôi không được nghe chi tiết, chỉ thấy cán bộ các cấp nói - dường như nó chỉ thuật lại, tổng hợp thiệt hại của đối phương, mà không hề nói gì đến việc Mỹ đã dùng vũ khí gì, đã đánh sâu tới đâu trên đất Bắc Việt.
Máy bay vẫn lồng lộn, trút bom xuống, nhưng là lửa xanh lét của bom napan, bom lân tinh. Nhiều lắm những phát minh khoa học đã được những cái đầu óc hiếu chiến, dã man áp dụng để hủy diệt đồng loại. Nghiệt ngã và tàn khốc.
Dứt tiếng nổ, anh Phối vùng lên chạy về phía sau. Hình ảnh của anh chới với giữa biển lửa mịt mùng khi ấy, là hình ảnh cuối cùng tôi còn lưu lại về anh.
Nhưng, thật may mắn, trận ấy anh không chết(?). Bởi vì sau đó chừng 1 năm, tôi còn gặp vợ anh. Chị còn nói anh mới có thư về. Nhưng cho đến tận bây giờ, đã 40 năm, tôi chẳng còn biết anh còn sống hay đã ra đi? Quê anh Nguyễn Xuân Phối, tôi nhớ là ở Hải Lợi, Kỳ Phú, Kỳ Anh, Hà Tĩnh (riêng tên xóm Hải Lợi là có thể không đúng).
Tôi không thể quên lần tôi đã đến quê anh Hà Tĩnh, và tìm vào thăm vợ anh. Đó là vào giữa năm 1972, trước ngày tôi ra Bắc học. Đường xuống làng chài quê anh, xe không vào được. Tôi dẹp xe vào bên bờ tre, nói anh quân nhu trông xe và chờ tôi. Còn tôi đi bộ hỏi thăm vào xóm. Những mái nhà lúp xúp thấp thoáng dưới bóng cây phi lao, rì rào gió biển. Những con đường, lối xóm đầy cát trắng. Bước đi muốn nhanh nhưng nó cứ tưng tức, tuồi tuội, thoang thoảng mùi tanh tanh, mặn mòi của vùng biển.
Hỏi thăm mấy lần, rồi tôi cũng đến được nhà chị (anh Phối có nói tên chị, nhưng giờ thì tôi không nhớ). Trong ngõ có cậu nhỏ đang quét lá phi lao. Thấy có người hỏi đúng nhà mình, cậu ta rối rít mừng rỡ.
- Đây nhà tui đây, nhưng o ấy ở ngoài biển tê tề.
Tôi cúi xuống ôm đứa bé, nhìn vào ngôi nhà thấp tè. Một tấm liếp lớn che trước cửa, nó không được chống lên, chắc nhà không có ai. Một khoảng sân đất nhỏ trắng, sạch sẽ, chếch bên là khu nhà bếp lại càng thấp bé hơn. Tất cả nền nhà và bếp đều bằng đất. Nép dưới bóng cây mít, là cái giếng cũng chỉ quây bằng tre nứa. Tuyệt nhiên không có một chút gạch ngói nào. Tôi nói với cậu nhỏ:
- Cháu dẫn chú ra tìm o, thôi không vào nhà nữa.
Chú bé nhanh nhảu chạy ton ton dẫn tôi ra biển. Gió hất tung vạt áo, phơi ra cái bụng đen nhẻm.
Trên biển và trên bãi cát, nhấp nhô nhiều thuyền đánh cá. Bóng những người dân chài lom khom, cần mẫn. Sóng biển từng đợt tung bọt trắng ào ạt.
Tôi dừng nơi bờ phi lao, bảo cháu xuống tìm o cháu. Lát rồi bóng một người con gái dắt tay cháu, tách khỏi đám đông tiến dần lên bờ. Chị vừa đi vừa chạy, một tay nắm túm chiếc khăn trên cằm, mắt đau đáu hướng tới nơi tôi đứng.
Một người con gái khỏe khoắn chắc lẳn. Chị mặc áo mầu gụ bó sát người. Ngực căng tròn đầy. Nước da đặc trưng của gái miền biển, không trắng nhưng hồng hào tươi xinh. Càng đến gần tôi, chị càng như cúi mặt xuống, chạy nhanh hơn. Dường như muốn nhào tới ôm lấy tôi. Tôi hơi ngỡ ngàng, lúng túng. Bất giác tôi đưa hai tay như muốn đỡ lấy người con gái. Nhưng khi chạy sát tới tôi thì chị bỗng khựng lại và ngồi thụp xuống. Chị đã khóc tự lúc nào. Đôi vai tròn rung lên từng đợt.
Tôi còn biết làm gì? Biết nói gì? Mũi thấy cay cay, ngàn ngạt. Tôi ngẩng lên nhìn xa xa, tít nơi giao nhau của trời xanh và biển cả. Nơi mà hàng ngày mỗi sáng bình minh, mặt trời đều ló lên, vươn dần tỏa ánh sáng hồng rực rỡ. Đuổi những bóng đen chạy dài qua mãi dãy Trường Sơn hùng vỹ.
* * *
2.
Người đi phụ lái với tôi đầu năm 1971, tên là Hỷ, anh quê ở Hà Bắc. Tôi không nhớ anh họ gì, chỉ biết anh cũng trạc tuổi tôi, vào chiến trường trước tôi 1 năm, nhưng lái xe thì chưa tốt, người khá to cao, nhưng hơi thô và ngộc nghệch.
Anh to khỏe nhưng có một lần chỉ có mỗi nhiệm vụ ngồi giữ cho xe không bị nhẩy số 0 (mo) mà anh cũng không làm được, khiến cả hai hụt chết.
Hồi đó, ở đơn vị tôi có một số ô tô cả của Liên Xô hay Trung Quốc, đều có hiện tượng tự nhẩy ra số 0 (mo) khi xuống dốc quá sâu. Xe chở hàng nặng phải về số thấp 2 hoặc 3. Xuống dốc dài và sâu, máy cứ gằn lên dồn nén, các bánh răng số chịu áp lực quá lớn, nó tự nhẩy ra số không. Và thế là chiếc xe trở thành khối sắt khổng lồ trôi tự do vô cùng nguy hiểm. Những trường hợp xe xuống dốc, bị nhẩy số, thì coi như hết đường cứu vãn, không thể nào đánh tay lái kịp. Có chăng sống sót được là gặp may đã gần hết dốc, đến đường bằng hơn mà thôi.
Người ngồi ôm giữ cần số lúc ấy, phải gồng mình lên ghì thật chặt. Cần số rung lên bần bật, giằng giật trong tay người giữ nó. Chỉ cần lơ là, nhẹ tay, nhất lại lơ mơ ngủ gật. Thì người lái chính có giỏi mấy cũng chịu bó tay.
Lần ấy chúng tôi đi qua vùng đồi thông. Nhiều cây thông to cao thẳng đứng như cột điện, vài cây còn sót chút ít cành lá xanh. Nhiều cây cháy xém, trơ trọi, bị bom phạt gẫy đổ túa ra những thớ gỗ tua tủa. Chính một gốc thông như thế đã giang tay chịu một cú đâm như trời giáng để cản xe chúng tôi lại. Cả xe và hàng tới mấy chục tấn, đã được cây thông to cứu khi chúng tôi đã bất lực, nhắm mắt để xe lao tự do. Xe nhẩy số, dứt hẳn tiếng gầm của máy, không tài nào đánh kịp tay lái. Rầm… Tôi thấy ngực mình đau thắt lại. Anh Hỷ lao lên húc vào kính, nằm quyềnh quàng trong buồng lái. Tôi cố hết sức lách dần người ra khỏi vành vô lăng.
Xe Jin130 mới, thùng rất chắc khỏe, chứ nếu là xe cũ, thùng đã phải tu sửa, thì chắc chắn cả thùng xe sẽ lao lên ép chặt chúng tôi trong buồng lái. (Thực tế đã mấy trường hợp hy sinh đau lòng, phải dùng thuốc nổ, đánh cụt cần vô lăng mới gỡ được xác người lái ra). Kính vỡ vụn như ngô rang, đầy trong buồng lái, cửa bật tung, tôi rơi ra khỏi xe, lăn cùng đất đá tuột dốc cả chục mét mới dừng lại. Nhìn chiếc xe mờ mờ trong ánh trăng hạ tuần, ôm chặt vào gốc thông già, thấy rùng mình rợn gáy. Thùng xe phần phía trước cong như cánh cung, xô ép chặt lên ca bin, cả chiếc xe biến dạng méo mó.
Anh Hỷ ơi, anh “lên tiếng” đi chứ. Bây giờ đã ngấp nghé tuổi cổ lai hy rồi mà vẫn bặt tin nhau, bao nhiêu năm rồi, anh ở đâu? Tôi những mong gặp anh, ngoài cái lẽ đương nhiên là mừng vui được găp chiến hữu xưa. Còn một điều riêng nữa, là tôi muốn biết anh tuổi gì? Anh sinh năm nào vậy? Chứ không phải gặp để trách cứ, vì anh không giữ được tay số, để bị phá hỏng chiếc xe, để cả hai suýt chết đâu. Chả tại ai cả, tại chiến tranh, mình đã hết sức rồi. Chiến tranh khốc liệt quá. Còn giờ đây tôi muốn hỏi về việc khác, một chuyến đi khác.
Tôi muốn biết tuổi anh vì cái tính tò mò thôi. Chẳng giải thích được bằng đời thường, thì thử ngẫm theo hướng tử vi, tướng số xem. Làm sao mà mình thoát chết trong cái quầng lửa ấy? Lần ấy xe mình chở xăng, chạy ở binh trạm 31 thuộc tỉnh Xa Van La Khét. Chắc anh vẫn còn nhớ, hôm ấy xe mình chở đầy xăng. Những phuy xăng móp méo, ướt át, nó đã đi đường dài qua bao lần quăng quật xô xát, tróc sơn, căng phồng.
Thú thật là cánh lái xe, ai cũng ngại khi phải chở xăng, còn lo hơn là chở thuốc nổ. Thuốc nổ phải bị kích nổ trực tiếp mới nổ, còn xăng chẩy ướt đẫm xe thì quá dễ bắt cháy. Nhất là các thùng xăng bị xóc như xóc ốc, rất nhiều thùng bị thủng. Nguy hiểm vô cùng.
Bọn mình đã khốn khổ biết bao nhiêu với những phuy xăng bị rò rỉ ấy. Xăng chẩy khắp thùng xe. Mấy chục thùng phuy chật cứng, nặng mấy tạ một. Chỉ với sức lực tay chân của hai người, làm sao mà tìm được phuy nào thủng, mà vần xuống vần lên giữa đường rừng đầy lửa đạn thế? Chỉ riêng việc mở đóng thùng xe cũng không thể, bởi thùng xe căng cứng, có cố mở được khóa ra, cũng không tài nào đóng lại được. Bao nhiêu cái khó và vô cùng nặng nhọc. Trần trụi với sức lực con người, biết là vô cùng nguy hiểm nhưng nhiệm vụ là thế. Cả thân xe hầu như ướt đẫm toàn xăng, chỉ cần một tàn lửa nhỏ là cả xe sẽ bùng cháy. Mà chúng tôi thì cứ phải ngồi chỉ cách cái khối lửa ấy có một…gang tay!.
Anh Hỷ có lúc đã giục tôi.
- Xem chỗ nào có công binh hay thanh niên xung phong nhờ họ giúp ông ạ. Chứ thế này nguy hiểm lắm.
Tôi cũng đã nghĩ có lẽ phải như vậy, nếu có đông người, nhất là tìm chỗ có taluy đường, táp xe vào có thể khắc phục được. Thấy chỗ có lối mòn bên đường, tôi dừng xe. Hơi xăng sống ào lên sặc sụa, cay sè. Anh Hỷ nhẩy xuống gọi to.
Có ai ở gần đây không… Các ông công binh ơi !.
Đáp lại chỉ là sự im lặng, tan loãng của núi rừng.
Hỷ hỏi tôi.
- Hay lấy súng bắn, báo tắc đường cho họ ra?
Tôi thấy cũng không nên, họ ở xa biết đến bao giờ. Mà xa xa phía sau đã có tiếng ù ù của chiếc AC130 đang săn mồi dưới chân đèo. Tới một dốc tức, xe bò lên nặng nhọc, tiếng máy gầm lên, ống xả nổ bôm bốp. Bỗng, “bùng…” một tiếng nổ to và trầm đục, lửa rực lên trùm kín tất cả. Rồi gần như đồng thời tôi thấy gió nóng ập rất mạnh, tưởng như ai đó hắt cả chậu nước sôi vào mặt.
Nhưng rồi, tất cả phụt tắt. Cháy và tắt như là diễn ra đồng thời, chỉ trong tích tắc.
Quá lạ, chẳng hiểu vì sao nữa. Cả xe xăng đã cháy bùng lên, rồi lai đột ngột tắt ngấm. Tôi phanh cứng xe lại. Chúng tôi ngớ người nhìn nhau. Ngỡ ngàng rồi ngơ ngác, cả hai cháy xoăn tóc, hai hàng lông mi quăn trắng, xoa tay lên rụng như tàn hương.
Cứ thắc mắc mãi, biết lý giải sao đây? Trong môn tử vi, tướng số có nói “Lưỡng Hỏa Hỏa Diệt”, phải chăng đây chính là điều đó? Biết mình chả là “cái đinh” gì đâu anh Hỷ ạ. Nhưng tôi vẫn nghĩ, có thể anh cũng sinh năm 1948, 1949, thì cùng mạng như tôi. Mình được “trang bị” mệnh số “Tích Lịch Hỏa” cơ đấy. Có phải hai cái Hỏa mạnh của mình kết hợp lại mà tương khắc với cái Hỏa khủng khiếp kia, cùng làm nên cái sự sống còn, hãn hữu trong cái vụ Hỏa Diệt ngày ấy! Theo cái nghĩa: Lưỡng thổ thành sơn, Lưỡng mộc thành lâm, Lưỡng hỏa hỏa diệt, anh nhỉ. Rõ ràng lửa vừa bùng cháy, rõ ràng sau tiếng bùng rất lớn, thì lại phụt tắt luôn. Mà đây tóc còn cháy xém, xoăn tít, mặt không bỏng rát, nhưng nhìn nhau còn đỏ phừng phừng, đúng không anh?
Từ sau vụ ấy, anh đi đâu? Còn tôi, giờ chẳng có lửa nào đốt, mà đầu tóc cũng trắng phơ tất cả. Mong sao anh em mình còn gặp được nhau…
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...