Gian nan níu học sinh bám lớp
Trăn trở nghiệp “đưa đò”
Khác với các trường ở thành phố và miền xuôi, công việc những ngày đầu năm học mới của giáo viên trường THPT Hoàng Quốc Việt có thêm một nhiệm vụ là làm công tác tư tưởng, động viên học sinh vào lớp 10 yên tâm bám lớp. Trời thu xanh mát, trường lớp sạch sẽ, khang trang, học sinh tíu tít, hồn nhiên…, nhưng trên khuôn mặt các thầy cô không giấu được những nét ưu tư. Học sinh học yếu không lo, ham chơi cũng không ngại, những người “đưa đò” nơi đây có lẽ chỉ ngại nhất việc học sinh viết đơn xin nghỉ học giữa chừng.
“Học sinh ở đây nghèo lắm anh ạ. Là người địa phương tôi càng thấu hiểu điều đó. Một năm làm công tác chủ nhiệm, các thầy cô không ít lần phải đến nhà vận động học sinh quay lại lớp. Có đến và chứng kiến từng hoàn cảnh mới hiểu và thông cảm cho các em. Nhiều học sinh nhà tận Dân Tiến, Phương Giao đạp xe mười mấy cây số đi học, thậm chí phải đi nhờ xe cùng bạn bè nên các em có đi học muộn giáo viên cũng không dám nói nặng lời mà chỉ khuyên bảo nhẹ nhàng thôi”- Cô giáo trẻ Chu Thị Lan người ở xã Tràng Xá, Võ Nhai bắt đầu câu chuyện bằng giọng buồn buồn như thế.
Thầy Lê Hải Thanh, Hiệu trưởng nhà trường lo lắng: Khó khăn vô cùng. Vừa dạy vừa động viên, những người làm công tác giáo dục ở miền núi như chúng tôi ngoài công việc đứng trên bục giảng, còn kiêm luôn nhà tâm lý, cán bộ phụ nữ… thậm chí nhà tư vấn pháp luật.
Thầy Lê Hải Thanh đang chia sẻ về tình hình học sinh nghỉ học
Cầm tập đơn xin nghỉ học của học sinh dày cộp trên tay, thầy Thanh kể tường tận từng hoàn cảnh học sinh. Vài năm làm công tác quản lý một trường miền núi, mái tóc đen nhánh của thầy Thanh ngày nào giờ đã chuyển hoa râm. Thầy thở dài: Vất vả vô cùng! Với những học sinh có ý định thôi học, thầy cô chủ nhiệm cùng cán bộ lớp và Đoàn trường phải đến gia đình vận động học sinh và gia đình để các em tiếp tục đi học. Các em học sinh dân tộc hầu hết ở các bản rất xa. Đường đi thì đèo dốc trơn trượt, có bản phải gửi xe máy cuốc bộ. Mùa mưa qua ngầm qua suối rất vất vả và nguy hiểm. Lúc đến nơi thường phải đợi học sinh và phụ huynh đi làm về mới gặp được. Nhiều học sinh xấu hổ trốn tránh, không muốn gặp thầy cô, có em đã đi làm xa cùng gia đình lại phải đợi dịp khác đến vận động. Các em, sau khi được vận động một số đã đi học lại, nhưng cũng có em không nghe, hoặc đi học tiếp được một thời gian thì lại nghỉ. Khuyên bảo mãi không được, thầy cô đành bất lực.
Những lá đơn xin nghỉ học
Theo địa chỉ, chúng tôi tìm đến nhà học sinh cũ Chu Mạnh Cường lớp 10A5, dân tộc Cao Lan, là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bố nghiện rượu, mẹ đã từng sang Trung Quốc làm thuê. Ngôi nhà nhỏ của Cường nằm nép mình bên mép đồi xóm Khuân Ruộng, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai.
Thấy thầy giáo tới thăm, chị Phan Thị Thoan - mẹ của Cường vui lắm. Cách đây vài tháng chị Thoan mới từ Trung Quốc trở về khi nghe tin chồng thì ốm nặng và con đã bỏ học. Lấy nước mời khách xong chị thật thà: “Cái lúc Cường bỏ học, tôi cũng không muốn cho cháu đi học lại đâu. Thầy cô đến động viên, nó đã nghĩ lại và muốn xin đi học tiếp. Nhưng nhà khó khăn lắm, mãi sau tôi mới gửi cháu lên ở nhà cô ruột trên Hà Giang nhờ cô nuôi hộ. Lên đấy nó vừa học vừa bán hàng giúp cô”.
Mới 37 tuổi nhưng nhìn chị Thoan già hơn tuổi của mình nhiều. Cách đây không lâu, do hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, trồng ngô, trồng lúa cũng chẳng đủ nuôi hai con và người chồng nghiện rượu, túng quẫn và chán nản, người đàn bà này đã “tặc lưỡi” theo người làng trốn sang Trung Quốc làm thuê.
Nhắc lại những tháng ngày lao động nơi xứ người, chị cúi mặt như người có lỗi: Chồng say rượu chẳng bảo được, tức quá tôi bỏ nhà đi Trung Quốc. Từ biên giới Lạng Sơn chúng tôi phải đi bộ luồn rừng qua cửa khẩu sang đất Trung Quốc rồi bắt ô tô đi tiếp. Xe chạy hai đêm, một ngày thì đến nơi, cũng chả biết đấy là điểm nào chỉ nghe nói xe chạy qua Quảng Đông, Quảng Tây và đấy là Phúc Kiến. Chúng tôi làm việc trong xưởng thép có khoảng 600 người Việt Nam ở đủ vùng miền. Phụ nữ thì kiểm hàng, phân loại sắt còn đàn ông thì chà và đập sắt… Làm ở đấy tuy lương cao nhưng cũng nguy hiểm, lúc nào cũng chui lủi, lo công an Trung Quốc bắt được, trả về Việt Nam thì tay trắng. Nhiều người ăn uống không hợp khẩu vị, ốm suốt.
Im lặng chút như để nén nỗi bàng hoàng, chị tiếp: “Lúc về, nghe nói có người bị lừa bán làm gái mại dâm thì cũng sợ, chứ lúc đi chỉ nghĩ: kệ, khổ lắm rồi, chết có số…”.
Chỉ vào các thầy cô ở trường Hoàng Quốc Việt, tôi hỏi ông có nhớ họ không. Sùng Văn Dậu nhanh nhảu: “Nhớ chứ, nhưng nhớ mặt thôi. Mình chỉ đi họp hai lần nên không biết thầy cô nào đâu mà… Chỉ nhớ hồi trước thầy cô nó đến, nó bảo: là hộ nghèo nên nó hỗ trợ thêm một ít để cho con đi học thôi…”.
Thầy Hùng, Bí thư Đoàn trường kể: Mấy năm trước, Ngài là một học sinh nghèo vượt khó của trường. Cả xóm Tân Tiến lúc đó chỉ có vài người đủ điểm vào cấp 3. Hàng ngày đi học, Ngài phải đạp xe gần 5km, phía sau đèo 2 em nhỏ học cấp 1 và cấp 2 tới trường. Nhà thì nghèo lại đông người (nhà Ngài có 5 anh em thì chỉ 3 người được đi học), hết giờ học Ngài phải đi bẻ ngô thuê. Khó khăn quá Ngài đã nhiều lần viết đơn xin nghỉ học nhưng được thầy cô ở trường kịp thời động viên và bảo nhau trích tiền lương hỗ trợ em mỗi tháng 400 nghìn để Ngài mua mì mua gạo. Nhờ vậy nên Ngài lại tiếp tục đi học. Sau khi tốt nghiệp Ngài đã thi đỗ vào Khoa Luật, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên và hiện đang học tập tại đó. Gần đây nhờ chương trình Lục lạc vàng, gia đình Ngài được hỗ trợ một cặp bò, sau đó một vài tổ chức xã hội tìm đến hỗ trợ thêm 50 triệu đồng để Ngài xây căn nhà mới ở đầu xóm. Em gái Ngài cũng đang là học sinh lớp 10 trường Hoàng Quốc Việt. Em học khá và rất chăm học.
Nói về chuyện học hành và nhà mới của Ngài, ông Dậu tự hào lắm. Nghe khách hỏi: “Các con đi học có thay đổi gì không?”. Ông khẳng định: “Nó đi học là tốt người ra à… Nhưng học hành tốn kém, các con đi học chẳng giúp được gì đâu. Chúng nó đi hết chỉ mỗi con vợ ở lại làm thôi. Mấy năm nay làm ngô chả được gì, chỉ đủ tiền mua phân bón. Thằng Ngài học đại học phải vay nợ ngân hàng mười tám triệu, lúc ra trường lại sợ không có việc làm. Không biết thế nào ớ… ”.
Ông Sùng Văn Dậu cùng vợ và hai con trước ngôi nhà cũ
Loay hoay tìm hướng đi
Tạm biệt ông Dậu, chúng tôi lại vượt con đường lầy lội trở ra mà lòng nặng trĩu. Các thầy cô tâm sự: Nhà ông Dậu được như ngày hôm nay là nhờ công các thầy cô và sự cố gắng của Ngài rất nhiều. Trước đây ông Dậu cũng chẳng muốn cho con đi học vì sợ tốn kém, mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ tiền và gạo cho những học sinh gia đình dân tộc thiểu số khó khăn.
Để động viên học sinh đến lớp trước hết thầy cô phải thực sự có “tâm”. Cô Chu Thị Lan kể, khi nhận lớp chủ nhiệm khối 10, phút đầu làm quen, cô luôn chủ động bắt đầu bằng những câu chuyện về những tấm gương học sinh miền núi vượt khó và có khi cô kể chính câu chuyện vượt khó của mình. “Các em ạ, cô vốn là người Tràng Xá, Võ Nhai. Nhà cô ngay cạnh trường. Bố cô mất cách đây 22 năm rồi, lúc đó hai em của cô một em mới 3 tuổi, một em còn đang nằm trong bụng mẹ. Mẹ cô ở vậy và cặm cụi nuôi ba chị em ăn học…”. Nghe cô kể, học sinh mắt long lanh, im lặng. Và cô Lan biết qua những câu chuyện và hoàn cảnh của mình chính là nguồn động lực tinh thần với học sinh, để các em thêm vững lòng bám lớp.
Thầy Lê Hải Thanh cho biết, nhà trường cũng đã rất cố gắng trong việc níu học sinh ở lại trường bằng nhiều biện pháp, như: với học sinh hổng kiến thức, thì bố trí thầy cô phụ đạo, ôn tập; với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thì vận động quyên góp, hỗ trợ. Nhà trường cũng đã có nhà nội trú cho học sinh ở xa… Các chế độ chính sách của Nhà nước đối với học sinh như tiền ăn, ở, gạo… đều được chi trả đúng, đủ, kịp thời. Tuy nhiên, với nguyên nhân bỏ học vì nghĩ học xong cũng thất nghiệp nên bỏ học đi làm thuê tại Trung Quốc cũng như các tỉnh trong nước như những năm gần đây thì nhà trường thực sự lo lắng và chưa tìm được lối đi nào để khắc phục tình trạng này.
Hơn mười năm trước, các em học sinh bậc THPT thuộc 5 xã phía nam huyện Võ Nhai muốn “theo” kiến thức phải vượt qua bao khó khăn cùng quãng đường gần 30km từ nhà đến trường THPT Võ Nhai ở trung tâm huyện để học. Lúc đó số học sinh bỏ học rất ít, tất nhiên số học sinh đi học thường là những em tiêu biểu và vượt khó. Từ khi thành lập trường Hoàng Quốc Việt điều kiện đi lại của học tập của các em đã thuận lợi hơn nhiều, đời sống kinh tế cũng bớt khó khăn hơn tuy nhiên, số học sinh bỏ học lại tăng cao. Thiết nghĩ đây không chỉ do nhận thức của người dân mà thật sự còn là vấn nạn đáng báo động của toàn xã hội. Ngay lúc này các cấp, các ngành có liên quan và chính quyền địa phương cần sớm vào cuộc, cùng với nhà trường tháo gỡ những nỗi lo trên, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” để rồi xảy ra những hệ lụy phức tạp và đáng tiếc.
Năm học mới đã đến rồi, làm gì để nỗi lo trò bỏ học không còn luôn ám ảnh các thày cô trường THPT Hoàng Quốc Việt nói riêng và một số trường vùng sâu vùng xa nói chung, vẫn là câu hỏi chưa có lời giải
Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...