Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
04:27 (GMT +7)

Giải pháp nào để bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc?

Văn hóa truyền thống là một di sản quý báu của mỗi dân tộc. Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta luôn coi trọng việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, vì văn hóa là mục tiêu và động lực để xây dựng, phát triển bền vững… Cũng bởi vậy, Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) của Đảng đã nhấn mạnh việc “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Tuy nhiên, cùng với quá trình hội nhập, phát triển kinh tế, xã hội hiện nay, thì các giá trị văn hóa truyền thống của chúng ta bị mai một và biến đổi một cách nhanh chóng. Trong đó những yếu tố văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số bị mai một thể hiện rõ nét nhất trên 4 lĩnh vực cơ bản, đó là: trang phục, nhà ở, tiếng nói và tập quán ăn uống.

Sự biến đổi về đời sống vật chất, tinh thần và xã hội là điều tất yếu, bởi đó là quy luật phát triển của lịch sử, không ai có thể làm đảo ngược được. Không chỉ riêng gì về đời sống vật chất mà cả các yếu tố tư duy, nhận thức thậm chí cả vấn đề tín ngưỡng cũng có sự đổi thay. Đó là kết quả của lao động sáng tạo, là kết quả của tri thức con người, quá trình vận động tự hoàn thiện của mình. Suy cho cùng là kết quả của sự vận động của tự nhiên. Vì thế, sự biến đổi văn hóa cổ truyền nói chung là không thể tránh khỏi. Điều đó thật đáng mừng nhưng cũng đáng lo ngại. Điều đáng mừng là sự phát triển tiến bộ của đời sống xã hội, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng cao, còn điều đáng lo ngại là sự biến đổi nền văn hóa truyền thống, thay đổi bản sắc của các dân tộc.

Biến đổi là một quy luật tất yếu, do đó chúng ta chỉ có thể làm chậm lại sự biến đổi của văn hóa cổ truyền, hoặc có thể khôi phục lại các giá trị văn hóa tiêu biểu mà không gây ảnh hưởng nhiều đến tiến trình phát triển. Mục đích của việc làm chậm lại quá trình biến đổi ấy là nhằm giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc, phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, tạo ra sự phát triển bền vững ở mỗi quốc gia, mỗi dân tộc.

Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc luôn có ý thức, bảo tồn và phát triển nghệ thuật ca múa dân gian mang đậm văn hóa vùng Việt Bắc - Một tiết mục múa đậm bản sắc người Mông do đoàn biểu diễn

Vậy giải pháp nào để khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc?

Có hai nhóm giải pháp là giải pháp pháp lý và giải pháp chuyên môn. Nội dung bài viết chỉ xin nêu những giải pháp chuyên môn.

Về nhóm giải pháp này, có thể thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:

- Khôi phục và bảo tồn trong cộng đồng chủ thể.

Thứ nhất là công tác giáo dục, tuyên truyền người dân nhận thức được việc bảo tồn văn hóa dân tộc nói chung; làm cho đồng bào nhận thức đúng những gì cần bảo tồn, những gì cần loại bỏ. Vấn đề ở đây là tuyên truyền như thế nào và bằng hình thức nào? Chúng ta có thể thông qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép với các hoạt động hay các chương trình văn hóa văn nghệ. Có thể tổ chức các tổ văn hóa, các nhóm tình nguyện trong chính những người dân để tự tuyên truyền, hoặc chính các thành viên trong đội văn nghệ ở địa phương. Họ là những hạt nhân tiên phong trong việc sử dụng các loại đồ dùng, các loại trang phục của dân tộc… Mặt khác cần có biện pháp lồng ghép với việc giáo dục học đường, có thể đưa chương trình giáo dục văn hóa truyền thống vào dạy học trong các trường tiểu học hay trung học cơ sở. Chính việc giáo dục các em ngay từ khi còn nhỏ, từ khi mới giao lưu tiếp xúc với văn hóa bên ngoài thì vấn đề tôn vinh nền văn hóa truyền thống của mình có tác dụng như việc trang bị vũ khí tinh thần để bảo vệ nó.

Đảng và Nhà nước cần có chính sách giáo dục mang tầm vĩ mô đối với các đối tượng khác nhau. Không chỉ là giáo dục trong chính mỗi dân tộc mà cần phải giáo dục đồng đều về văn hóa các tộc người cho mọi đối tượng. Trên cơ sở đó, các dân tộc sẽ hiểu biết nhau hơn, tôn trọng nhau hơn, thông cảm với nhau hơn và cùng nhau đoàn kết xây dựng và bảo tồn nền văn hóa chung của cả nước. Muốn như vậy, cần tăng cường giáo dục trong các trường học ở cấp cao hơn như trong các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề; cần đưa các chương trình vào giảng dạy bắt buộc, có chứng chỉ các môn như Văn hóa học, Dân tộc học…

Thứ hai, bằng chính sách và việc làm thực tế, ở mỗi địa phương, tùy theo điều kiện mà có thể tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa, gắn liền với việc thể hiện trang phục truyền thống, âm nhạc truyền thống... Hiện nay, Đảng và Nhà nước chủ trương khôi phục các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng, trong đó, đặc biệt khuyến khích các loại hình văn nghệ dân gian. Trong những năm qua, nhiều địa phương, chính quyền, cùng với các cơ quan chức năng như ngành văn hóa đã phối hợp với các đoàn thể, xây dựng được những chương trình, dự án khôi phục văn hóa truyền thống, kể cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Theo đó, nhiều hoạt động văn nghệ dân gian được lồng ghép với các hoạt động lễ hội truyền thống ở địa phương. Với chủ trương của Đảng về bảo tồn di sản văn hóa, đồng bào càng ý thức được giá trị văn hóa truyền thống, càng biết trân trọng, gìn giữ các giá trị ấy. Điều đó được thể hiện qua các hoạt động như lễ hội Ka tê, lễ hội Ramadam…

Thứ ba là vận động bà con tiếp tục tổ chức các hoạt động sản xuất các loại đồ dùng truyền thống tiêu biểu dưới hình thức gia đình hoặc nhóm sản xuất. Tuy nhiên, việc sản xuất ra các sản phẩm ấy phải gắn liền với việc tiêu thụ. Như vậy, có thể gắn việc sản xuất với việc thương mại hóa và sử dụng trong cộng đồng.

Trên thực tế, hiện nay ở nhiều nơi, các hoạt động sản xuất hàng hóa mang tính chất lưu niệm với các loại hình mẫu của đồ dùng hay trang phục dân tộc thiểu số được thực hiện ở nhiều địa điểm du lịch. Tuy nhiên, nếu cứ dựa vào các hoạt động thương mại ấy để bảo tồn văn hóa truyền thống sẽ phiến diện và không bảo đảm tính chân thực của các giá trị văn hóa. Nó phiến diện ở chỗ không thể hiện đầy đủ bản sắc đặc trưng về văn hóa; có những cái cần bảo tồn cũng không được thực hiện, có những cái đáng ra không cần thiết thì lại được làm… Nó không bảo đảm tính chân thực ở chỗ nhiều loại sản phẩm bị cách điệu hóa, xa với thực tế hoặc bị biến dạng, phóng to, thu nhỏ, thêm thắt các chất liệu khác, các chi tiết khác cho đẹp hơn. Mặt khác, có những sản phẩm mà người ta không biết của dân tộc nào bởi chúng được tổng hợp từ nhiều mẫu loại của nhiều dân tộc. Nguyên do là những người chủ trương làm ra nó là các nhà doanh nghiệp, các thương gia đặt người dân làm theo ý của họ nhằm chiều theo nhu cầu thị hiếu khám phá cái lạ, cái ngộ nghĩnh của khách du lịch.

Để giữ gìn văn hóa truyền thống của địa phương, học sinh Trường Dân tộc nội trú huyện Phú Lương - Thái Nguyên được tham gia trải nghiệm các hoạt động tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Vấn đề đặt ra đối với chúng ta là, vừa biết phát huy cái tích cực của hoạt động thương mại hóa trên lĩnh vực văn hóa truyền thống, vừa định hướng cho các hoạt động ấy đi đúng chủ trương bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đích thực. Nếu chúng ta biết phối hợp giữa các nhà khoa học với các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh văn hóa thì ắt tình trạng “nhại” hay sáng tác các sản phẩm văn hóa sẽ giảm đi nhiều.

- Công tác nghiên cứu cũng là một trong những hoạt động thiết thực cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Nó vừa mang tính lý luận vừa mang giá trị thực tiễn, bảo tồn văn hóa dưới dạng thành văn hay dưới dạng lý luận nghiên cứu, khám phá. Công tác nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa có nhiều dạng thức khác nhau: Nghiên cứu toàn diện, tổng thể, nghiên cứu chuyên đề theo chiều sâu về những vấn đề bức thiết hay những vấn đề mà chủ thể quan tâm; nghiên cứu theo dạng miêu tả tường thuật cung cấp thông tin từ thực tiễn; sưu tầm các bài dân ca dân vũ, các câu chuyện kể… từ đó tiến hành nghiên cứu, phân loại và tổng hợp, rút ra những quy luật phát triển của các loại hình văn hóa truyền thống đó, định ra hướng phát triển và bảo tồn cho mỗi loại hình văn hóa.

- Công tác sưu tầm, tài liệu hóa khoa học và bảo quản hiện vật bảo tàng cũng là một trong những hình thức nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa. Đó là công việc của các nhà bảo tàng học và của các nhà nghiên cứu thuộc các hội, các viện… Cần xác định đúng tính cấp thiết của công tác sưu tầm di sản văn hóa, bởi nếu lơi lỏng công tác này thì theo thời gian, các di sản văn hóa sẽ dần biến mất, đặc biệt là trong thời kỳ mở cửa, hội nhập hiện nay. Cần phải huy động các nguồn lực khác nhau trong việc sưu tầm, thu thập các di sản văn hóa, cho dù các sưu tập hiện vật do ai quản lý, sở hữu.

- Xây dựng các website về văn hóa dân tộc, trong đó chú ý giới thiệu những nét đặc trưng về văn hóa truyền thống. Đây là một hình thức tuyên truyền, quảng bá mới, hiện đại, thuộc lĩnh vực thông tin, truyền thông đạt hiệu quả cao. Trên thế giới, đã có rất nhiều bảo tàng ứng dụng phương tiện này để quảng bá. Thông qua các website, những nội dung cần chuyển tải và phổ biến được đưa lên mạng, giới thiệu như là một bảo tàng di động hay những cuốn sách, các tập catalogue, những bức ảnh, những bộ phim ngắn… có lời giới thiệu.

- Gắn hoạt động bảo tàng, di tích, danh thắng văn hóa với hoạt động du lịch và các loại hình dịch vụ văn hóa dân tộc. Đây là một hoạt động mang tính chất kinh doanh nhưng chúng ta có thể tận dụng nó như một hình thức tuyên truyền, quảng bá và bảo tồn di sản văn hóa nói chung.

Riêng đối với công tác bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số, là một loại văn hóa phi vật thể mang tính đặc thù, do vậy, trước hết phải xuất phát từ ý thức tự giác của mỗi cộng đồng và mỗi cá nhân; phải coi tiếng mẹ đẻ là cội nguồn của mọi giao tiếp. Những ý thức, tâm nguyện của mỗi người trước hết được bộc bạch qua tiếng mẹ đẻ. Chúng ta phải trân trọng, gìn giữ ngôn ngữ thứ nhất của mình như một di sản trong chính mình.

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng là một phương pháp tốt. Qua đó, mọi người dân cảm thấy tiếng nói của mình được tôn trọng, được sử dụng trong xã hội. Từ đó, người dân tự nâng cao ý thức bảo tồn tiếng nói của mình.

Ngoài ra, cần phải có những nhà xuất bản hay những tờ báo dành riêng cho một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Trong các tờ báo hay nhà xuất bản đó, bà con các dân tộc sẽ được trực tiếp nói tiếng nói của mình. Thông qua đó, Đảng và Nhà nước sẽ hiểu sâu sắc hơn tâm tư, nguyện vọng của bà con; các dân tộc khác nhau sẽ có nhiều cơ hội giao lưu, hợp tác hơn. Như thế, chắc hẳn, tiếng nói các dân tộc thiểu số sẽ được bình đẳng hơn, tồn tại lâu dài hơn trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Ma Ngọc Dung

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy