Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
06:07 (GMT +7)

Đường lên bản người Mông

Phóng sự. Phạm Ngọc Chuẩn

VNTN - Đứng ở thị trấn Đình Cả (Võ Nhai), nhìn bốn bên đều thấy núi. Có chỗ núi dựng vách, chỗ lại thoải dốc. Nhưng trong cái địa thế phức hợp ấy lại có rất nhiều những tuyến đường lựa thế núi, thế đất vươn dài theo sông Dong vào Bình Long, sang Bắc Giang; hoặc men theo dòng khe kẹp giữa 2 dải núi vào tít tắp các xã Nghinh Tường, Sảng Mộc, Thần Sa; hoặc lên Ngả Hai thông đến Lạng Sơn.

Nếu có dịp đứng trên núi Phượng Hoàng, núi Khau Nao và dải Ngân Sơn… nhìn xuống, thấy từng trục đường liên xã, liên huyện của Võ Nhai giống như những con rết khổng lồ đang nằm ngủ giữa vùng núi non trùng điệp. Nhìn kỹ hơn lại thấy những “cái chân rết” sắp hàng chuẩn bị cho một cuộc săn tìm. Đó chính là từng trục đường dốc ngược lên bản người Mông của huyện Võ Nhai. Và đường lên các bản người Mông thuộc huyện Đồng Hỷ, Phú Lương và huyện Định Hóa cũng lắm đoạn dốc ngược như vậy. Bao đời rồi, việc về bản, xuống chợ của đồng bào phần nhiều trông cậy vào đôi chân của mình.

Nhưng đó là câu chuyện của ngày hôm qua - bởi từ hơn hai năm về trước, đường lên các bản có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống được Nhà nước đầu tư mở rộng, làm bê tông. Bàn chân của người Mông không còn bị đá tai mèo chém chảy máu. Ngô, lợn, gà, rau, củ, quả của đồng bào được đi bằng ô tô xuống núi. Nhiều người dân cũng đi bằng xe máy xuống núi. Tiếng động cơ, tiếng còi “bim bim” làm nhịp sống của người Mông trên lưng núi hối hả, tấp nập hơn.

Nhờ làm chủ khoa học kỹ thuật, năng suất cây trồng, vật nuôi tăng cao, người Mông khu Lân Chiêu, xóm La Mạ, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) đã có của ăn, của để.

Ngày trước, những con đường lên lũng núi có bản người Mông sinh sống phải dùng đến hai từ khó và khổ. Khó vì đường núi đầy dốc đá, cua loắc ngoắc, trơn truội, có những đoạn đường dốc gấp, bà con phải bám vào gốc cây bên đường để lên bản hoặc xuống chợ. Còn khổ vì đất đai sản xuất ít, vốn đầu tư thiếu, lương thực chưa đủ dùng, bà con phải vào rừng đào củ, chặt hạ cây xẻ bán lấy tiền mua lương thực. Cực thế, đồng bào vẫn không bỏ đi, mà động viên nhau trụ lại cùng xây dựng bản làng. Những Khuổi Mèo (Sảng Mộc), Lũng Cà (Thượng Nung, Võ Nhai); Bản Tèn, Khe Cạn (Văn Lăng, Đồng Hỷ); Khau Lầu, Pác Máng (Định Biên, Định Hóa)… đã tồn tại trong xa ngái từ rất nhiều năm rồi.

Bây giờ chuyện ở hang, ăn củ rừng như lời ông Hoàng Sào, bản Lân Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) kể cho tôi nghe năm nọ đã thành cổ tích. Ông Sùng Khín, bản Lũng Luông (Thượng Nung) bảo: Đảng mang lại cho bà con nhiều thứ lắm, thứ nào cũng quý, nhưng quý nhất là “cái” đường được Nhà nước mở mang về bản… Nhìn Sùng Khín nói trong niềm hào hứng, gợi cho tôi liên tưởng đến hình ảnh các đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 4, năm 2012, 100% đại biểu giơ tay biểu quyết, nhất trí huy động nhiều nguồn lực để làm đường bê tông cho bà con bản người Mông. Điều đó là tâm huyết thực sự, và thể hiện cao nhất của tỉnh là phương châm: “Chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc” và phong cách dân vận: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân” trong công tác dân tộc. Một ghi nhận là ngay sau kỳ họp HĐND tỉnh lần đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đã có đề án thực hiện và đi đúng lộ trình - như lời đồng bào trên bản Mông thường nói: “Khắc đi, khắc đến”.

Ý Đảng, lòng dân đã thuận, song công việc làm đường bê tông lên núi lắm lúc như đánh đố. Vì đã sau hơn 2 năm thi công tuyến đường từ trung tâm xã Thượng Nung lên bản Lũng Luông, nhưng ông Nông Quốc Tiến, Trưởng Phòng Quy hoạch xây dựng (Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh), người được giao nhiệm vụ phụ trách thi công tuyến đường này còn lắc đầu quầy quậy. Ông Tiến nhớ lại: Dù đã mở cua, hạ dốc, nhưng nhiều đoạn bê tông đổ xuống mặt nền, cứ nhão ra, theo nhau trôi xuống ta luy âm. Rồi bằng cách chia ngắn đoạn, đổ lấn, cuối cùng đường cũng thi công xong.

Nay trở lại, gặp trên đường những nụ cười tươi rói, ông Nguyễn Văn Khương, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp (Ban Dân tộc tỉnh) cho biết: 4 huyện có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, gồm: Võ Nhai, Đồng Hỷ, Định Hóa và Phú Lương. Tập trung nhiều nhất ở 47 bản thuộc 18 xã, với tổng số hơn 1.500 hộ, gần 7.800 nhân khẩu người Mông. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào người Mông cao, 13 bản có tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc Mông nghèo 100%.

Còn theo ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh: Từ sau khi có đường bê tông, đời sống của đồng bào người Mông trên núi được khởi sắc nhanh chóng. Nhưng để đời sống của đồng bào thoát được nghèo bền vững, năm 2017 Thái Nguyên tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc có hiệu quả. Cụ thể là việc bố trí vốn cho 179 công trình phát triển cơ sở hạ tầng; 30 công trình được hỗ trợ cho các xã vùng cao tiền duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa. Ban Dân tộc tỉnh, huyện cũng đã phối hợp với các ngành chức năng mở 9 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng và quản lý vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội cho hơn 300 lượt người. Đặc biệt là Dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế của Sở Nông nghiệp - PTNT được triển khai trong năm 2017, với số vốn đã được triển khai thực hiện đạt gần 54 tỷ đồng, chủ yếu tập trung cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề, duy tu sửa chữa các công trình phúc lợi xã hội cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đường lên bản người Mông hôm nay không còn nhấp nhô đá tai mèo. Các thầy, cô giáo lên bản dạy chữ cho con em người Mông - bà con người Mông xuống núi mua giống cây trồng, con vật nuôi về bản vơi nhiều cực nhọc. Bên lưng dốc đường tuyến Lân Quan - Mỏ Ba, xã Tân Long (Đồng Hỷ), ông Hoàng Văn Tình đã nói vui với chúng tôi: Có đường bê tông về bản, lưng mình được giải phóng, chân mình được thảnh thơi, mình xuống núi, về bản bằng cách ngồi trên xe máy. Nhờ thế mình có nhiều sức khỏe để làm nương, chăn con lợn, con gà thành hàng hóa xóa đói giảm nghèo.

Giao thông thuận lợi, tư duy làm kinh tế của đồng bào thay đổi nhanh chóng. Ông Phùng Văn Lành,Trưởng bản Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) nói xúc động: Đường đi thuận lợi, người bản mình có nhiều cơ hội tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; kinh nghiệm sản xuất được nâng cao. Con lợn, con gà “làm ra” không bị tư thương ép giá như trước… Trở lại bản Lân Quan, gặp Chẩn Giàng hỏi chuyện đẻ, chuyện đói. Chẩn Giàng bảo: Thời quá vãng, nhắc lại một tí thôi nhé. Còn Dương Lầu, người cùng bản tự hào: Hiện bản có hơn 80 hộ, hơn 400 nhân khẩu. Bản có điện lưới quốc gia, có công trình nước sạch về từng nhà, có điểm trường mầm non, điểm trường tiểu học khang trang. Hiện bà con trong bản đã biết làm “kinh tế hàng hóa”. Điển hình như Đào Sùng, nuôi 8-10 con lợn thịt/lứa, thường xuyên có 4 đến 5 con bò. Mỗi năm nhà Đào Sùng có vài mươi triệu để dành.

Còn Ngô Vàng, Trưởng khu Lân Chiêu, xóm La Mạ, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) cho biết: Khu có 27 hộ, 100% số hộ đều chăn nuôi trâu, bò thịt. Để minh chứng lời mình nói, Ngô Vàng dẫn tôi sang thăm nhà bà Ngô Thị Minh. Biết chuyện, Bà Minh không ngần ngại, nói: Mình nuôi thường xuyên 4 trâu, 2 bò. Vừa rồi bán 2 bò to được 80 triệu đồng, tôi sử dụng một phần mua 2 bò gầy về vỗ béo; một phần mua thêm nông cụ sản xuất; một phần gửi cho các con đang học nghề ở thành phố Thái Nguyên.

Nuôi bò vỗ béo, một công việc cho thu nhập cao trong đồng bào người Mông

Phiên chợ cuối năm, bà con người Mông xuống núi vui như trảy hội. Mọi người lo sắm sanh chuẩn bị cho một năm mới đang đến gần. Tôi để ý ở phiên chợ, thứ được nhiều người mua nhất là cuốn lịch treo tường. Một thứ hàng không xa xỉ, nhưng thể hiện rõ nhất về cuộc sống vật chất, văn hóa tinh thần của đồng bào đã chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn cùng nhân dân cả nước thực hiện xóa giảm nghèo theo hướng đa chiều. Cũng ở thời khắc chuyển giao của năm, bận rộn nhiều, song là thời khắc thảnh thơi quý giá, mọi người trong bản quây quần bên bếp lửa, uống chén rượu ngô men lá. Mấy đứa trẻ học xong bài đến bên, ôm lưng ông bà, lắng nghe câu chuyện về những tấm gương người Mông hiến đất làm đường, làm trường học và làm nhà văn hóa.

Rồi một ngày ở thì tương lai, câu chuyện truyền miệng sẽ được bắt đầu bằng hai từ “ngày xưa”, đường lên bản ta dốc áp vào mặt, đá tai mèo nhọn như răng cưa cắt vào gan bàn chân… Ông Nguyễn Văn Khương mở cuốn sổ ghi chép, như kéo tôi trở về thì hiện tại, rồi đọc cho tôi nghe rành rọt về việc liên quan tới 15 tuyến đường lên bản có nhiều người Mông sinh sống. Với tổng số gần 200 hộ bị ảnh hưởng về đất đai, 100% số hộ này đều tự nguyện hiến đất, với tổng số đất được hiến hơn 40.000 m2. Điển hình như các hộ: Mai Hồng Công (Lũng Cà), hiến 1.862,4m2; Lầu Văn Lý (Lũng Luông), hiến 513,1m2; Mông Văn Đoàn (Pác Máng, Định Biên, Định Hóa) hiến 187,25m2…

Trên “lưng giời”, cuộc sống của đồng bào Mông đã ấm áp hơn, tiếng khèn từ lưng núi mỗi ngày cất lên trầm ấm, vang xa cùng lời hát: “Đây sườn núi lưng đèo người Mèo ca hát/ Sao còn sáng trên trời người Mèo ơn Đảng/ Bao đời nay sống đời lam lũ/ Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi…” (Người Mèo ơn Đảng). Lòng rạo rực, tôi bước theo tiếng khèn về nhà La Día, xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) nơi có nhiều đồng bào Mông sinh sống. Chợt thấy bụng đói, tôi bảo với La Día cho ăn mèn mén (bột ngô) với rau cải chua. La Día bảo: Nhiều năm nay người Mông mình ăn cơm trắng, còn mèn mén, cải chua bây giờ là đặc sản. Nhưng đã về với nhau, yêu quý nhau thì cùng làm, cùng thưởng thức nhé

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước