Dựng nghiệp bên bờ sông Công
Tác phẩm dự thi “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”
VNTN - Nhà Huy chỉ có vài sào ruộng, nhưng lại có tới năm anh em. Kể cả bố mẹ và bà nội thì số miệng ăn lên đến tám người. Bố Huy là thương binh chống Mỹ. Ở cái xóm Hạ, xã Nam Tiến này, vay mượn không dễ, vì nhà nào cũng cảnh áo ngắn cả. Chả là mới bước vào khoán sản được ít năm, chưa mấy nhà vực lại được cuộc sống nghèo túng của thời kì bao cấp - nghe tiếng kẻng mới ra đồng. Mười bảy tuổi, Huy đã phải bỏ học để đi làm thuê cho một chủ lò gạch ở mãi gần đầu cầu Đa Phúc. Xem ra, làm gạch cũng chẳng vất vả hơn đi cày là bao, nhưng chủ lò có vẻ rủng rỉnh tiền. Thế là Huy quyết học cho bằng được cách xây vỏ lò, đóng gạch phơ, lên cáng, trộn than, nhất là cách vào lò, đốt lò để đạt nhiều gạch loại một. Những lúc giải lao, Huy la cà dò hỏi cách tính toán đầu vào, đầu ra của cái nghề làm gạch sao cho có lãi. Thấy Huy ngoan và có chí, vợ chồng chủ lò quý lắm nên đã truyền nghề khá tỉ mỉ, hy vọng sẽ sử dụng Huy thành lao động lâu dài…
Những năm chín mươi của thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21, cả huyện Phổ Yên dấy lên phong trào làm gạch thủ công. Nhà nào có điều kiện một chút là vợ chồng con cái ngày đêm xây lò làm gạch. Nào là lò cỡ vạn rưỡi, hai vạn, anh nào giỏi lắm mới dám làm lò ba, bốn vạn viên. Phòng Thủ công của huyện còn cử cán bộ về tận xóm giúp bà con làm gạch theo kiểu Triều Tiên nữa. Nghĩa là đóng gạch mộc xong thì xếp luôn ở góc sân hoặc góc vườn thành một lò gạch có đủ than kèm; có cửa lò hẳn hoi, rồi trát chít xung quanh cẩn thận. Chắc ăn rồi thì xin âm dương, được giờ là nổi lửa. Ở giữa xóm Hạ, có anh Thủ - họ Đào là đặc biệt nhất. Hai vợ chồng anh đều bị câm và có con nhỏ. Thế mà không hiểu anh học làm gạch lúc nào, lại dám moi đất vườn ngay mép sân trước cửa nhà lên làm một lò gạch thật đồ sộ. Suốt ngày đêm, hai vợ chồng cứ lăn lưng ra nhẵm đất, đóng gạch, đóng than. Bố mẹ và các anh chị em gàn thế nào cũng không được. Sau ba tháng, anh Thủ mổ gà, mổ ngan làm mái để đốt lò. Khói bao trùm nửa xóm. Mặc kệ, nhiều người cứ xúm đến xem. Riêng mấy ông già, xem chán thì chửi um, ho sù sụ… May quá khi ra lò, vợ chồng anh Thủ “cười như Pháp”. Gạch loại một đạt tới 90%, viên nào cũng kêu coong coong. Thủ chỉ dùng gạch cầu và ít gạch loại hai để sửa lò còn thì bán sạch. Ông thân sinh ra anh Thủ có lần nói vui, không ngờ vợ chồng cái thằng câm nhà này lại đốt được gạch và còn bán được gạch đắt như tôm tươi! Từ thực tế ấy, ngót chục gia đình ở xóm Hạ đã thi nhau làm gạch, ít nhất cũng là để xây nhà mình.
Lại nói về Chu Văn Huy, bố Huy tuy không được khỏe vì có tật trong người, nhưng bản chất là con người tham công tiếc việc nên đã khuyên Huy về làm gạch tại vườn nhà để còn tranh thủ được sớm tối, chứ đi làm thuê thì “ráo mồ hôi là hết tiền”, mặc dù ông biết con trai ông là đứa hết sức tiết kiệm. Tích lũy được chút ít kinh nghiệm từ chủ lò, lại có kinh nghiệm thực tế từ những người làm gạch quanh xóm, Huy đã nghe lời bố, xin nghỉ việc để về đấu sức cùng bố. Có điều, khác với mọi người, Huy quyết định mua ngay một chiếc xe công nông để phục vụ cho đầu vào và đầu ra làm gạch. Huy đã học được cách lái công nông từ những ngày đi làm thuê. Bố Huy còn mạnh dạn mua máy đùn gạch thay cho đóng gạch bằng tay cho đỡ vất vả. Đánh thắng chục lò gạch thì vườn nhà Huy hết đất. Xung quang xóm Hạ có gồ đất nào cao, thửa ruộng nào cần hạ thấp mà đất có thể làm gạch được là Huy xin hạ giúp, hoặc mua, đổi gạch lấy đất. Rồi quanh xóm cũng hết đất. Hai lò cuối cùng, Huy dự trữ được 5 vạn gạch, để trong vườn, chờ thay cái nhà ọp ẹp cho bố.
Năm 1997, Huy lấy vợ. Vợ anh là cô giáo Tạ Thị Thanh Hoa, dạy ở trường Tiểu học xã Vạn Phái. Có thêm miệng ăn nhưng cũng chẳng thêm mấy việc làm. Tuy vậy, sức mạnh tập thể, nhất là về tinh thần của gia đình Huy đã tăng gấp bội, chị luôn khuyến khích Huy phát triển nghề mà anh đang theo đuổi.
Đi thăm những bạn lò bên bờ sông Công, phía Cầu Cống, Huy thấy khu đồi Dõng Bò toàn đất cái, chất đất làm gạch tốt. Biết ông Hải - là chú của Huy có mảnh bãi ở Dõng Bò, Huy liền rủ ông làm gạch chung. Ông Hải nhất trí. Nhưng cái khó nhất bấy giờ là vốn liếng. Ông Hải là thợ thịt, có ít tiền đấy nhưng còn phải để quay vòng cho vợ đi bổ sủ, bán lòng. Trong gia đình thì bố mẹ Huy lại rất lo, vì ra Dõng Bò tuy quỹ đất lớn đấy nhưng toàn ruộng bãi nhà người, nhỡ ra thì sạt nghiệp, ngay cả mấy vạn gạch để dành cũng đi tong. Huy lại âm thầm bàn thêm với ông Thủy. Ông Thủy có ba sào ruộng gần bãi nhà ông Hải, Huy xin thuê làm sân phơi gạch. Mặt khác, Huy kiên trì thuyết phục bố cho dùng sổ đỏ đi vay tiền ngân hàng. Thấy con có chí lập nghiệp, vợ chồng Huy đều quyết tâm bứt phá cảnh nghèo, nên ông Lợi đành chiều theo ý con trai.
Ông chủ đang kiểm tra gạch trước khi vào lò
Được thời gian ngắn, xem ra cái nghề làm gạch giữa nơi đồng không mông quạnh này quá vất vả, ông Hải bàn để cho Huy làm cả, còn mình thì rút lui. Sau vài đêm trằn trọc, bàn bạc thống nhất với vợ, Huy nói với ông Hải: - Một mình cháu làm cũng được. Có điều, xin chú cho cháu chịu 15 triệu, sau cháu giả chú gạch để chú xây nhà. Thời gian chú làm cùng cháu cứ tính ra công rồi chú mua một cái xe máy độ mười lăm triệu đổ lại, mà dùng. Trước mắt là dùng tiền của chú để mua, chỉ ít ngày cháu sẽ trả chú tiền cái xe đó. Ông Hải nhất trí. Từ đấy, chỉ mình Huy tiếp tục mở mang cơ sở sản xuất, bằng cách mạnh tay huy động vốn, mua thêm đất, tuyển thêm lao động, đi học thêm cách làm gạch bằng máy rồi mua máy đùn gạch theo dây truyền loại hiện đại để tạo dựng và phát triển cơ nghiệp làm gạch ngay bên bờ sông Công một cách bền vững. Thời gian này, ba đứa em trai và đứa em gái đã lớn, Huy cho các em đi làm cùng. Đặc biệt, những khi được nghỉ dạy học, Huy lại có thêm người vợ hiền khỏe mạnh, thông minh tiếp sức một cách nhiệt tình, đầy lòng tin, càng làm cho Huy phấn chấn, quyết tâm cao hơn. Đầu năm 2005, Huy chỉ mượn được gần chục sổ đỏ để thế chấp vay vốn, nhưng rồi không hiểu quý nhân phù trợ thế nào mà chỉ trong vòng ba tháng tiếp theo Huy đã mượn được tới trên hai chục cái sổ đỏ để làm thế chấp, vay được hàng trăm triệu.
Đảo gạch mộc
Có tiền rồi, ba sào ruộng của nhà ông Thủy, Huy xin mua đứt. Không phải chỉ có thế, vài năm tiếp theo, Huy còn mua được cả khu đất ở Dõng Bò rộng gần 10 héc - ta, là đất của trên trăm hộ dân xóm Đồi, xóm Hộ Sơn; nhiều nhất là vườn tược thổ cư của cụ giáo Lê An, cạnh Nghè Cửa Am, tới trên một mẫu. Cứ tích tiểu thành đại, Huy thu gom bằng hết vào tay mình trong vòng 5 năm (2005 - 2010). Có gia đình, Huy phải đi lại tới mười lăm hai mươi lần mới mua xong mảnh bãi. Mua bằng tiền mặt. Mua bằng cách tìm ruộng gần nhà cho gia chủ có đất bãi, mua rồi đổi cho họ. Có khi dùng gạch đổi lấy đất thổ cư, đất ruộng… Được thửa đất nào, Huy xin sang tên làm bìa đỏ ngay thửa ấy, đánh gọn theo kiểu tiễn mía. Khi có được một cơ ngơi làm gạch rộng trên 9 vạn mét vuông đất, Huy xin phép Nhà nước cho khai thác đất nơi này tới 50 năm, với mức thuế bằng 70% cấp quyền sử dụng đất thổ cư, kể từ 2010. Rất mừng là chính quyền xã Nam Tiến và các ngành chức năng của huyện Phổ Yên cũ cũng như thị xã ngày nay luôn tạo điều kiện cho Huy sản xuất gạch trong thời kỳ đổi mới. Khi có lòng tin rồi thì họ làm thật nhiệt tình và trách nhiệm. Để cơ sở sản xuất gạch của Huy có điều kiện phát triển bền vững, các ngành chức năng của huyện - thị đã giúp Huy làm dự án sản xuất để vay tiền tỉ của ngân hàng một cách dễ dàng. Một lần tôi hỏi đùa: Có phải “đếm” nhiều không? Huy cười: - Thật tình, vại bia, bữa rượu do chính gia đình cháu chủ động mời thì có, còn đút lót thì không.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...