Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
02:01 (GMT +7)

Đưa tình yêu đến nơi đảo xa

Với những người lính đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa hay nhà giàn DK1 quanh năm ầm ào sóng gió, nỗi thiếu vắng tình cảm của người thân luôn là một sự khó khăn lớn mà các anh phải chịu đựng. Và rồi một ngày, những người bố, người mẹ, người vợ từ đất liền đã vượt sóng ra thăm con, thăm chồng của mình sau những tháng ngày xa cách để rồi có những cuộc trùng phùng cảm động giữa biển khơi mênh mông.

Trùng phùng giữa biển khơi

Trong chuyến hành trình của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 xuất phát từ T.P Hải Phòng đi thực hiện nhiệm vụ tại khu vực quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc trên con tàu CSB 8004, Song Tử Tây là điểm đến đầu tiên sau quãng đường 750 hải lý. Ngắm nhìn Song Tử Tây trong ánh nắng ban mai, hòn đảo hiện lên chẳng khác gì những ngôi làng ven đô trong đất liền. Cơ sở hạ tầng và các công trình cơ bản được xây dựng phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh, tạo điều kiện cho quân, dân huyện đảo và ngư dân địa phương phát triển kinh tế. Đây cũng là chỗ dựa tin cậy cho ngư dân đánh bắt hải sản trong vùng biển, đảo Trường Sa.

 

Đảo Nam Yết rợp một màu xanh của cây cối

Trên đảo Song Tử, chúng tôi tình cờ được chứng kiến cuộc hội ngộ của 4 ông bố, 4 bà mẹ và 17 người vợ từ đất liền được ra thăm cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại đảo. Cứ mỗi năm một lần Quân chủng Hải quân đều điều động tàu chở hàng trăm thân nhân của các cán bộ, chiến sĩ ra quần đảo Trường Sa để thăm nom và động viên họ. Sẽ có 9 ngày để cho các gia đình quây quần bên nhau trước khi tàu quay trở lại đón họ trở về đất liền. Thật khó có thể nói hết niềm xúc cảm của những người được ra tận nơi, để gặp gỡ, tận mắt chứng kiến chồng, con, em của mình đang học tập, công tác ở điểm đầu sóng ngọn gió này.

Cặp đôi đầu tiên tôi gặp đó là vợ chồng thượng úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Đỗ Đại Hiếu cùng vợ là chị Bùi Thị Nhung khi hai anh chị đang ngồi bên nhau mân mê những con ốc biển bé xíu dưới gốc bàng vuông. Đó chính là món quà quý giá mà chị Nhung sẽ mang về tặng cho hai đứa con ở đất liền. Cả hai người đều quê ở huyện Tiền Hải, Thái Bình. Chị Nhung là giáo viên Trường Tiểu học và THCS căn cứ Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Cho đến bây giờ, chị vẫn rất bồi hồi sau phút giây gặp người chồng thân yêu giữa đảo xa. “Ra đảo gặp được anh, nhìn thấy anh thì trong lòng rất hạnh phúc. Bản thân em hiểu hơn về công việc của anh, thấy thương anh nhiều hơn. Em động viên anh an tâm công tác, em luôn là hậu phương vững chắc để anh vững vàng tay súng bảo vệ biển đảo quê hương” - chị Nhung bộc bạch. Ngồi bên cạnh vợ, thượng úy Đỗ Đại Hiếu, nhân viên kỹ thuật của đảo vốn bản tính thường ngày ít nói, lại đang ngập tràn hạnh phúc nên giọng anh thậm chí còn run lên: “Tôi có cảm xúc rất khó tả, niềm vui hội ngộ đã xoa dịu hết những vất vả thường ngày. Cảm ơn thủ trưởng các cấp đã tạo điều kiện cho tôi được gặp vợ và người thân của anh em trên đảo Song Tử Tây này!”.

 

Trung sĩ Nguyễn Vũ Tuấn Huy và mẹ dưới tán cây bàng vuông trên đảo Song Tử Tây

Ở góc bên kia có người phụ nữ ngồi một mình nên tôi tiến lại để trò chuyện. Chị là Đặng Thị Thanh Hương, hiện đang công tác tại Bệnh xá Lữ đoàn 101, Vùng 4 Hải quân. Lần này chị ra thăm chồng là đồng chí Phạm Quốc Hùng, Chính trị viên Cụm chiến đấu 2. Vừa gặp nhau một lúc, anh Hùng lại phải đi thực hiện nhiệm vụ. “Vợ chồng em xa nhau đã hơn một năm. Khi được ra tận đây mới hiểu cuộc sống ngoài này khó khăn hơn so với đất liền rất nhiều. Bản thân em cũng là một quân nhân nên những lúc gặp nhau hiếm hoi như vậy, hai vợ chồng đều động viên nhau cố gắng vì trách nhiệm của người lính với Tổ quốc”. Chị Hương cho biết.

Tại một khuôn viên khác, dưới ánh nắng lấp lóa bởi tán cây bàng vuông rung rinh trong gió Trường Sa, mẹ con chị Nguyễn Thị Hiên và Trung sĩ Nguyễn Vũ Tuấn Huy đang ngồi tâm sự. Người mẹ đưa tay vuốt những giọt mồ hôi đang lấm thấm trên trán con trai. Nguyễn Vũ Tuấn Huy ra Song Tử Tây công tác từ tháng 12 năm 2018, hiện là chiến sĩ nghĩa vụ của đảo. Chị Hiên có chồng là đại úy QNCN Nguyễn Văn Bắc, hiện đang công tác tại Hải đoàn 32/Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3. Nửa năm xa con trai, chồng chị cũng thường xuyên phải xa nhà làm nhiệm vụ trên biển nên trong lòng chị luôn chất chứa biết bao nhớ nhung, khao khát. Đan ngón tay của mình trong bàn tay thô ráp của con, chị tâm sự: “Tôi vừa là vợ bộ đội, vừa là mẹ bộ đội nên tư tưởng thông suốt rồi. Được ra thăm con mừng lắm, tôi yên tâm vì cháu rất ngoan, tư tưởng ổn định. Mong cháu có đủ sức khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao!”.

Có lẽ, ấn tượng nhất trong số những cặp đôi mà tôi đã gặp trên đảo là trường hợp của vợ chồng trung tá Đậu Đình Dân, đảo trưởng và vợ là Trần Thị Cường. Anh Dân quê ở xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, Nghệ An còn chị Cường quê ở xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Năm 2000, chị theo chồng vào Cam Ranh lập nghiệp. Chị hiện là giáo viên Trường THCS Ngô Gia Tự (T.P Cam Ranh). Trung tá Đậu Đình Dân ra nhận công tác tại đảo Song Tử Tây tháng 7/2017. Khi biết tin mình có tên trong đoàn thăm thân đi Trường Sa, trước đó 1 tháng hầu như đêm nào chị cũng không ngủ được bởi bao nhiêu suy nghĩ, bao nhiêu câu hỏi cứ hiện lên trong đầu, chị rất nhớ và mong được gặp anh. Chị nói: “Dồn nén bao nhiêu ngày, lúc gặp chồng cảm xúc tôi như vỡ òa. Lên đây thấy cảnh quan rất đẹp, điều kiện sinh hoạt và công tác của các anh được quan tâm tối đa, chị em cảm thấy rất vui. Đây có lẽ là chuyến công tác đáng nhớ nhất trong cuộc đời của em..!”.

Nắm chặt tay vợ, trung tá Đậu Đình Dân phấn khởi cho biết: “Dịp này, cán bộ, chiến sĩ ở trên đảo được sự quan tâm của Bộ Tư lệnh Quân chủng, thủ trưởng các cấp cho thân nhân là bố, mẹ, vợ của cán bộ, chiến sĩ ra thăm, động viên chồng, con đang công tác tại đảo xa. Tôi cảm thấy rất vui mừng, phấn khởi, đặc biệt là cảm thấy khoảng cách giữa đất liền và hải đảo được xích lại gần nhau để vơi bớt sự nhớ nhung giữa hậu phương, gia đình cũng như tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sự quan tâm này của lãnh đạo khiến anh em chúng tôi rất cảm động và càng thấy mình phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình”.

Quả thật, mỗi chuyến thăm như vậy đều mang ý nghĩa nhân văn rất lớn. 25 gia đình được gặp nhau, được ở bên nhau giữa biển đảo Trường Sa đã đem đến biết bao niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ. Chỉ vỏn vẹn có 9 ngày được ở bên nhau nhưng những gì mà những người thân và cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã bù đắp cho nhau cũng phần nào vơi bớt nỗi nhớ nhung khao khát, giúp cho người lính thêm chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương.

Sức sống trên đảo tiền tiêu

Trong hải trình của tàu CSB 8004, có lẽ Nam Yết là một trong những đảo để lại ấn tượng nhất với thành viên trong đoàn bởi được bao phủ một màu xanh ngắt của cây cối. Trận mưa đêm hôm trước đã làm cho các loại cây đua nhau bật mầm xanh. Nét mặt của cán bộ, chiến sĩ nơi đây ai ai cũng rạng rỡ hơn. Theo trung tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo thì Nam Yết có rất nhiều cây xanh, nhiều nhất vẫn là các loại bàng vuông, dừa, bao báp, phong ba, mù u… Ở đảo hiện giờ giống như một công trường lớn với nhiều âm thanh sôi động, bởi thời điểm này có rất nhiều tốp thợ làm nhiệm vụ xây dựng các công trình.

Sau giây phút gặp gỡ, trao đổi, động viên cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết, Đoàn công tác Cảnh sát biển đi thăm viếng một số địa chỉ tâm linh như tượng đài Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn, chùa Nam Huyên và Nghĩa trang liệt sĩ Nam Yết. Chùa Nam Huyên nằm yên tĩnh dưới những tán cây mù u xanh mát, xung quanh là tiếng sóng vỗ ầm ào. Tại đây, tôi đã gặp và có dịp trò chuyện với Đại đức Thích Tâm Tri - người đã có 5 năm làm phật sự tại quần đảo Trường Sa. Đại đức chia sẻ: “Điều mong muốn nhất của thầy khi ra đây là hộ quốc an dân. Thầy rất cảm động khi có nhiều khách thập phương bá tánh ra đây thăm đảo và thăm viếng chùa. Điều đó đã mang đến niềm hạnh phúc, niềm vui, niềm tin để cho các chiến sĩ và cá nhân thầy có thêm sức mạnh tinh thần bám trụ nơi đây!”.

Ở một nơi yên tĩnh trên đảo là Nghĩa trang liệt sĩ Nam Yết. Tại đây có 5 ngôi mộ của các liệt sĩ hi sinh trong khi làm nhiệm vụ. Các anh ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, người lớn tuổi nhất sinh năm 1980, người nhỏ tuổi nhất sinh năm 1995. Các anh đến từ các vùng quê khác nhau như Thái Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Hưng Yên và Khánh Hòa. Sau khi đủ điều kiện thuận lợi, thi hài của các anh sẽ được đồng đội cất bốc và đưa trở về quê hương, gia đình của mình. Các anh vĩnh viễn nằm xuống để cho mặt biển thêm xanh hơn, cho đất đai Tổ quốc thêm cao hơn. Đó chính là khúc tráng ca được cất lên giữa biển trời Trường Sa mênh mông.

Cũng tại đây, tôi đã gặp và trò chuyện cùng binh nhất Phan Minh Chiến, là chiến sĩ thuộc Phân đội 2, quê ở Phú Yên. Không giấu nổi niềm vinh dự, tự hào khi được trở thành người chiến sĩ Trường Sa, Phan Minh Chiến cho biết: “Tôi cảm thấy rất hãnh diện, tự hào khi mình là một chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa thân yêu. Niềm vinh dự này sẽ theo tôi suốt cuộc đời bởi đây là quãng thời gian ý nghĩa nhất của tuổi trẻ, được cầm súng cùng đồng đội canh giữ hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc!”. Thế mới thấy dù khó khăn, gian nan vất vả, bất kỳ lúc nào cũng có thể gặp nguy hiểm thậm chí là hy sinh nhưng điều đó chẳng hề gây khó khăn gì cho các chiến sỹ, cán bộ nơi đây. Tinh thần của Chiến cũng là tinh thần chung của tất cả các chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ vùng hải đảo quê hương.

Trong quá trình tác nghiệp tại đảo, tôi biết thông tin về một bệnh nhân vừa được cấp cứu đêm qua tại đây nên lập tức ghé vào Bệnh xá Nam Yết để tìm hiểu thêm. Tại phòng điều trị, đại úy, bác sĩ Trịnh Công Điển đang trực tiếp khám cho ông Dương Thành Kỳ, 51 tuổi, quê ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, là thuyền viên của tàu cá BĐ 99996 TS. Bác sĩ Điển cho biết, trong quá trình đánh bắt hải sản trên khu vực Trường Sa, bệnh nhân Kỳ bị đau bụng và tự dùng thuốc giảm đau đã 10 ngày nay nhưng vẫn không đỡ. Lúc 15h30 chiều qua, tàu cá đã đưa ông vào Bệnh xá đảo Sinh Tồn để khám. Sau quá trình thăm khám, bác sĩ trên Bệnh xá đảo Sinh Tồn đã liên hệ và chuyển bệnh nhân về đảo Nam Yết bởi đây có đầy đủ hệ thống trang thiết bị và ekip bác sĩ nhất trong cụm Sinh Tồn. Qua hội chẩn với các chuyên gia phẫu thuật ổ bụng của Bệnh viện Quân y 103 tại Hà Nội qua hệ thống trực tuyến Telemedixin đã kết luận, bệnh nhân Kỳ bị đám quánh ruột thừa, áp xe hóa ngày thứ 10. Hiện bác sĩ Điển đã tiến hành truyền dịch, truyền kháng sinh và theo dõi diễn biến, khi đủ điều kiện sẽ hút áp xe ra khỏi ổ bụng. Thông tin chúng tôi nắm được, từ đầu năm đến nay, Bệnh xá đảo Nam Yết đã tổ chức khám và điều trị cho khoảng 600 lượt cán bộ, chiến sĩ; 40 trường hợp là ngư dân và 1 số thành viên các đoàn công tác khi ra thăm đảo. Đó là những việc làm thầm lặng của những chiến sĩ quân y đang ngày đêm bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Nam Yết nói riêng cũng như quần đảo Trường Sa nói chung.

 

Vợ chồng anh Đỗ Đại Hiếu và chị Bùi Thị Nhung

Điểm đến cuối cùng của chúng tôi trên đảo đó là Trạm Hải đăng Nam Yết trực thuộc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam. Trạm gồm 5 cán bộ, nhân viên. Bao nhiêu năm qua, những người thợ đèn nơi đây vẫn luôn phân công nhau túc trực 24/24h làm nhiệm vụ quản lý, duy trì, bảo dưỡng, vận hành để ngọn hải đăng luôn ở tình trạng hoạt động tốt nhất. Ánh sáng từ ngọn hải đăng không chỉ có tác dụng hỗ trợ, định hướng cho tàu thuyền qua lại trong khu vực mà còn mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông bao la. Anh Đỗ Trường Xuân, người có gần 20 năm làm nhiệm vụ gác đèn tại các Trạm hải đăng tâm sự: “Ngần ấy năm gắn bó với biển, với đảo thì cũng ngần ấy thời gian tôi sống xa gia đình, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng vẫn chung thủy với nghề nghiệp mình đã chọn”.

Chia tay Nam Yết, chia tay hòn đảo xanh ngắt tràn đầy sức sống giữa trùng khơi bao la, nơi có những con người đang ngày đêm kiên gan bám biển, bám đảo để giữ vững chủ quyền quốc gia, dân tộc, con tàu CSB 8004 lại tiếp tục với hải trình của mình. Một chuyến hải trình mang nhiều dấu ấn đáng nhớ.

Và càng đi, ta lại càng thêm yêu Tổ quốc mình hơn….

Mạnh Thường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước