Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
06:21 (GMT +7)

Du lịch ở các đảo cực Nam

Trên vùng biển Tây Nam - (Kỳ cuối)

VNTN - Nắng và gió biển quyện vào nhau, làn da quên bảo vệ chỉ sau vài ngày đã sạm lại. Nhưng sự thích thú, thỏa mãn khi phóng tầm mắt ra xa giữa mênh mông sóng nước xanh như ngọc, được hít thở bầu không khí trong lành, ăn hải sản tươi ngon, tận hưởng sự tĩnh tại tách biệt thế giới bộn bề…, là những điều tuyệt vời đáng giá khi đến với những đảo nhỏ hoang sơ vùng Tây Nam. 


Chuyến công tác trên vùng biển Tây Nam với những trải nghiệm đặc biệt, tình cảm gắn bó với các cán bộ, chiến sĩ tại các chốt tiền tiêu là dấu ấn nghề nghiệp mà có lẽ cả đời tôi sẽ không quên. Thêm vào đó, một trong những điều thú vị bậc nhất, là được hòa mình vào phong cảnh biển trời đẹp tựa gấm hoa ở những xã đảo vùng phên giậu. Cái màu nước xanh như ngọc chỉ là những hình dung mơ hồ trong trí óc của tôi bấy lâu nay, không ngờ rằng ở đời thực lại mê hoặc đến vậy.

Vẻ đẹp hoang sơ ở Hòn Đốc

Kỳ thú Nam Du

Tàu công tác chuẩn bị cập đảo Nam Du, từ xa đã thấy ghe thuyền ra vào cầu cảng đông đúc, những căn nhà cao tầng còn mới sáng màu sơn, chỉ nhìn số lượng thuyền bè neo đậu đủ thấy nhịp sống nơi đảo nhỏ sôi động nhường nào. Những “vựa” hải sản tươi sống san sát nhau, ồn ào chọn lựa, đóng thùng di chuyển. Các quầy đồ khô thoải mái chế biến đặc sản cho du khách nếm thử trước khi quyết định mua. Khách du lịch thích thú chụp ảnh, tìm hiểu về những loài cá, ốc chưa từng thấy bao giờ. Có được sự nhộn nhịp này là bởi, trước đây nếu đi tàu bình thường đến Nam Du mất từ 10 đến 12 giờ, thì nay tàu cao tốc đi Rạch Giá nối chuyến đến đây chỉ mất 3 giờ. Di chuyển nhanh hơn, tàu lớn có sức chở nhiều hơn, nên lượt người đến với nơi này cũng tăng nhanh chóng

Một góc Nam Du Ảnh: Việt Dũng

Quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) bao gồm 21 đảo lớn nhỏ gồm: Củ Tron, Hòn Giang, Hòn Nấm Ngoài, Hòn Nấm Ngữa, Hòn Nấm Trong, Hòn Dâm, Hòn Hàng, Hòn Mộc, Hòn Nhạn, Hòn Mấu, Hòn Dấu, Hòn Sau, Hòn Lo, Hòn Dụng, Hòn Ông, Hòn Áo, Hòn Khô, Hòn Bờ Dập... Từ năm 2005, các đảo được chia tách thành 2 xã An Sơn và Nam Du, trong đó có 11 hòn, đảo có cư dân sinh sống. Đảo lớn nhất ở quần đảo là Củ Tron (thuộc xã An Sơn), diện tích gần 8km2 với hơn 1000 hộ dân; ngoài những nơi đông dân cư như Củ Tron, Hòn Ngang và Hòn Mấu, còn có những hòn đảo mang vẻ hoang sơ, có nơi chỉ vài chục hộ dân như Hòn Nồm, Hòn Dầu, Hòn Dụng…, nhiều nơi có cảnh đẹp như bãi Chệt, bãi Cỏ, bãi Ngự, bãi Giếng… Xã Nam Du hiện có gần 800 hộ dân, tiềm năng phát triển du lịch trù phú nhất là Hòn Ngang, Hòn Mấu với nhiều vẻ đẹp hoang sơ chưa được khai thác.

Ngay khi đặt chân lên cầu cảng, những lời mời chào thuê xe mô tô tự lái và xe ôm chân thành, hồn hậu của người dân khiến những ai ưa khám phá khá vô cùng thích thú. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ thăm, chúc tết, tặng quà cán bộ, chiến sĩ trên Trạm radar 600 (Tiểu đoàn 551 - Vùng 5 Hải quân), Đồn biên phòng 742, Trạm hải đăng Nam Du, UBND xã An Sơn, cánh báo chí chúng tôi háo hức lập đội rủ nhau lòng vòng với ý định thưởng ngoạn cảnh đẹp... là chính!

Nhờ sự hỗ trợ đầu tư của huyện Kiên Hải và tỉnh Kiên Giang, xã An Sơn đã có một tuyến đường kiên cố bao quanh đảo Nam Du, giúp việc đi lại, thăm thú của du khách thuận lợi. Việc khai thác dịch vụ du lịch nhờ đó mà phát triển phong phú hơn. Trước hành trình 12 km vòng quanh đảo, xế xe tôi thuê là một người đàn ông tuổi ngoài năm mươi, vui vẻ, tận tình bảo: “Gọi tui là chú Tư được rồi. Tui sẽ chở nhà báo đến hết những nơi cần đến nhất, đừng lo”. Tôi nói vui: cháu thích đến những chỗ ít người biết, ít người đến. Ông hào hứng: Có ngay. Cái đó đâu có làm khó được dân “cày đường” như tui.

Sở dĩ ông Tư nhận mình là dân “cày đường”, là vì gia đình ông dời An Giang ra đảo đã 18 năm. Trước ông cũng đi biển, nhưng bảy, tám năm nay lên bờ chuyển nghề chạy xe ôm, chuyên vận chuyển đồ đạc, chở các mối hàng hải sản. Ông chở khách du lịch không nhiều, vì nhà trọ, nhà nghỉ nào cũng có dịch vụ cho thuê xe để du khách tự khám phá. Một vòng quanh đảo, nhận mức thù lao là 100 nghìn đồng, ông Tư nhiệt tình đưa tôi khám phá những con hẻm, những góc ngắm cảnh biển đẹp của đảo.

Trên đường tìm đến các bãi tắm, tôi để ý thấy tấm biển đề tên “Dinh Nam hải Ngư thần”, thuộc khu vực bãi Ngự (xã An Sơn). Gọi là Dinh, thực chất chỉ là một ngôi nhà cấp bốn xây kiên cố có tầm nhìn hướng ra biển, nơi phục vụ tín ngưỡng thờ phụng của ngư dân. Dưới nền gạch bông sạch sẽ, một bộ xương cá Ông khổng lồ đang được lưu giữ. Kể chuyện về cá Ông, ngư dân Bùi Thanh Tâm (42 tuổi) giọng vẫn đầy hứng khởi: cách đây khoảng 5 tháng, ngư dân đi biển bắt gặp xác cá Ông cách bờ hơn 10 hải lý. Mọi người buộc dây kéo Ông về Hòn Ngang (xã Nam Du) nhưng Ông không chịu, định kéo vào bờ Hòn Mấu thì đứt dây, phải đến khi về bãi Ngự thì mới thuận. Khi kéo vào thì sóng to, biển động dữ dội, nhưng vừa vào tới bờ thì sóng yên biển lặng. Dân chúng tôi mừng lắm, vì cá Ông là biểu tượng may mắn, gặp cá Ông là điềm lành”. Hỏi chuyện đi biển, chuyện đời sống trên đảo, anh Tâm cởi mở: “mỗi tháng ngư dân ra khơi chừng hai chuyến, mỗi chuyến kéo dài một tuần đến nửa tháng. Gia đình tôi có thu nhập ổn định từ 20 - 40 triệu đồng/tháng nhờ nguồn lợi từ biển. Xã đảo phát triển du lịch mạnh trong 3 năm trở lại đây, khách du lịch đông nên sản phẩm đánh bắt có nơi tiêu thụ, cuộc sống bà con ngày càng khỏe rồi.”

Từ cầu cảng, chạy chừng 5km trên tuyến đường vòng cung dọc bờ biển sẽ bắt gặp rặng dừa thơ mộng, cát trắng, nước xanh màu ngọc bích của bãi Cây Mến - một trong những bãi lớn và đẹp nhất nhì Nam Du. Tổng diện tích bãi tắm và ven bờ (trồng dừa, mít, xoài) rộng 9ha. Người quản lý bãi, chị Nguyễn Thị Cẩm Hường xởi lởi chia sẻ: Ở đây ngoài dịch vụ bãi biển như tắm, ăn uống, còn có tour lặn ngắm san hô ở Hòn Nồm (đi tàu mất chừng 15 phút). Ngày cao điểm chúng tôi đón cả ngàn lượt khách đến trải nghiệm không gian yên tĩnh, nghỉ ngơi ăn uống. Giá cả phòng nghỉ, đồ biển tươi ngon cũng khá bình dân chứ không chạy theo trào lưu thương mại.

Thuê xe khám phá cảnh đẹp vòng quanh đảo

Một khu khác không kém phần hấp dẫn, thoạt nhìn đã cảm nhận phong cách lãng mạn, ấm áp mang tên Humiso cách bãi Cây Mến khoảng 3km. Chủ đầu tư của khu này là một người trẻ tuổi nhưng có nhiều kinh nghiệm trong ngành du lịch ở Hải Phòng. Ý tưởng nhen lên khi phát hiện ra tiềm năng của vùng trong một lần là khách du lịch đến Nam Du, anh Nguyễn Mạnh Hùng quyết định đầu tư gần 10 tỷ đồng, trên diện tích 4ha thuê dài hạn, anh tự thiết kế và xây dựng khu nghỉ dưỡng với 28 phòng nghỉ được phân làm 3 loại: phòng tổ ong (ở được 2 người) có giá từ 300-350 nghìn đồng/phòng; phòng mái lá (500 nghìn đồng/phòng); phòng mái gỗ (ở được 4 người) là 700 nghìn đồng/phòng; cùng với đó là dịch vụ ăn uống, các tour câu mực, câu cá, cho thuê xe… Có “vốn liếng” làm du lịch, anh Hùng đẩy mạnh quảng bá qua facebook, lập website riêng, liên kết với các đơn vị tổ chức tour..., vì thế bất cứ đoàn khách nào đến Nam Du cũng đều không thể bỏ qua nơi này.

Biết đến Humiso qua bạn bè, anh Bùi Quang Hưng (Hà Nội) hào hứng: “Thích nhất là vẻ đẹp hoang sơ của quần đảo. Ở đây không chỉ có dịch vụ du lịch mà văn hóa du lịch cũng rất tốt, chưa bị thương mại hóa; con người dễ mến, dịch vụ giá cả khá hợp lý, món ăn địa phương cũng rất thú vị như bánh canh, cá xương xanh… Nếu thực sự ham khám phá, bạn sẽ thích những thứ gần gũi với thiên nhiên, gần gũi với đời sống bình thường như thế này”.

Nhận diện về tiềm năng du lịch của quần đảo Nam Du, ông Phạm Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết: Cách đây khoảng vài năm, du lịch trên đảo chỉ dừng ở mức thu hút khách du lịch sinh thái nhỏ lẻ, chưa có những tour, tuyến của những công ty lữ hành lớn, một phần do khả năng đáp ứng về hạ tầng còn khá thấp, chưa có bất kỳ một khách sạn, nhà hàng nào đủ năng lực đón hàng trăm du khách cùng lúc. Nhưng hiện nay, ở An Sơn đã có 70 nhà trọ, nhà nghỉ với gần 450 phòng, hơn 20 phương tiện chở khách đi tham quan các hòn nhỏ lẻ trên địa bàn. Năm 2017, lượng khách tăng gần 50 nghìn lượt so với năm 2016. Xã có hệ thống máy phát điện, hộ sử dụng điện đạt 98%, nhưng chủ yếu điện sáng phục vụ cho khu dân cư chứ chưa bố trí được nơi công cộng. Xã cũng đã được đầu tư trạm cấp thoát nước, song để du lịch phát triển xứng tầm, đảo đã và đang cần hỗ trợ đầu tư lưới điện quốc gia, xây thêm hồ chứa nước ngọt và các khách sạn, nhà nghỉ, hệ thống dịch vụ.

Hoang sơ Hòn Đốc…

Chỉ cách thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) gần 20 hải lý, một ngày có 3, 4 chuyến tàu chạy đưa đón khách du lịch và hoạt động giao thương, xã đảo Tiên Hải khiến nhiều người mê mẩn bởi phong cảnh biển thuần tự nhiên, hoang sơ khó nơi nào có được. Không khí và nhịp sống ở Tiên Hải có phần trầm lắng hơn Nam Du, gần 350 hộ dân với khoảng 2.000 người sinh sống chủ yếu tại Hòn Tre lớn, Hòn Giang, Hòn Đước và Hòn Ụ. Đảo lớn nhất là Hòn Tre lớn (hay còn gọi Hòn Đốc) là trung tâm hành chính, kinh tế của xã Tiên Hải. Du khách đến đây thường là người thích tận hưởng không gian yên bình, không khí trong lành và có phần tách biệt thế giới bên ngoài.

Mượn một chiếc xe máy đã có phần “đuối sức” vì leo dốc nhiều của cán bộ hải quân Trạm radar 625 thuộc tiểu đoàn 551 Hòn Đốc, chúng tôi “lang thang” chạy vòng con đường dân sinh dọc bờ biển. Khu du lịch sinh thái Huỳnh Đức ngay sát bãi Dinh Bà (một trong những bãi đẹp nhất ở Tiên Hải) thu hút chúng tôi bởi không gian quá ư lãng mạn, là những mảng tường màu hồng, những bậc thang gỗ mộc mạc, tràn ngập sắc xanh. Trên diện tích 5000m2, 9 căn phòng với diện tích 32m2/phòng được phân bố theo từng khu liền kề, riêng lẻ, cao thấp khác nhau, với mức giá dễ chịu là 500 nghìn đồng/phòng/đêm. Bắt đầu xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 4/2017, những ngày cao điểm nơi đây đón 60 khách. Dịch vụ thì ngoài phục vụ ăn uống, còn cho thuê xe vòng quanh đảo với giá 20 nghìn đồng/người; cắm trại ở bãi biển; đi tàu lặn ngắm san hô với giá 100 nghìn đồng/người. Đến đúng lúc đoàn khách gần 20 người ở Hà Nội vừa có chuyến nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm ở đây lục tục chuẩn bị ra về, vị trưởng đoàn vui vẻ: “thích nhất là hải sản rất tươi và rẻ. Tiện nghi thì không thể nào bằng ở đất liền, nhưng đến đây cảm giác được buông xả bộn bề công việc, có những phút giây thanh bình và vô cùng thoải mái”.

Ở xã đảo, những không gian sinh thái như Huỳnh Đức là thuộc hàng “độc”. Xét về vị trí địa lý, cảnh quan môi trường và tài nguyên thiên nhiên hiện có, Tiên Hải có ưu thế phát triển du lịch và khai thác tài nguyên biển. Song tiềm năng du lịch còn khá nguyên vẹn khi chỉ mới bắt đầu khai thác dịch vụ chừng 3 năm nay với sự phát triển của hình thức du lịch cộng đồng, được khách du lịch ưa thích: Được người dân hướng dẫn câu cá, câu mực, lặn ngắm san hô, trải nghiệm cuộc sống làng chài về đêm rất thú vị, dân dã và gần gũi.

Khu du lịch sinh thái Huỳnh Đức ngay sát bãi Dinh Bà

là nơi lý tưởng để du khách nghỉ dưỡng.

Tính trong năm 2017, doanh thu ngành thương mại - dịch vụ - du lịch của xã đảo đạt gần 69 tỷ đồng, riêng lĩnh vực du lịch đạt gần 18 tỷ. Từ cuối năm 2017, UBND tỉnh Kiên Giang đã công nhận quần đảo Hải Tặc là Khu du lịch địa phương. Và mới đây, ngày 6/2/2018, xã Tiên Hải được công nhận là xã đảo du lịch. Theo chia sẻ của ông Phan Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã Tiên Hải, thì ngành du lịch trong tương lai sẽ là một trong những thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương. Chính quyền đã kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực, hoàn thành khu lấn biển dân sinh dài 200m, với kinh phí 200 tỷ đồng; đầu tư hồ nước ngọt dự trữ cho ngư dân và phục vụ khách du lịch. Mặc dù còn nhiều khó khăn, như chưa có điện lưới, chưa có dịch vụ du lịch quy mô…, song tin tưởng rằng vẻ đẹp hoang sơ của vùng là nơi lý tưởng đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, tận hưởng mà nhiều người muốn đến trong tương lai.

***

Khi ngồi viết lại những điều này, xem lại những hình ảnh đầy sắc xanh thi vị, tôi lại như “cuồng chân” muốn đến thêm một lần. Khám phá các điểm đến hoang sơ, thơ mộng ấy, tôi và đồng nghiệp gọi đó là những “thiên đường xanh” vùng phên giậu. Đi và tự hào về một phần biển trời mà chúng ta có được, càng trân trọng hơn những người lính, những ngư dân bám biển đang góp phần làm nên sự quyến rũ của vùng biển nơi cực Nam. Nghĩ đến nguyện vọng của anh Hùng (Humiso), về ước mong sẽ có chuyến tàu từ Phú Quốc đi Nam Du để giảm bớt cách trở, bởi từ thành phố Hồ Chí Minh, hay các tỉnh miền Bắc muốn ra đây phải trải qua hành trình khá vất vả, phải bay vào Cần Thơ, rồi từ Cần Thơ đi Kiên Giang mới có tàu ra đảo; nhớ đến nhịp sống sôi động nơi cầu cảng Nam Du, trong lòng cũng khấp khởi hi vọng mong muốn kia sẽ thành hiện thực, để những xã đảo không chỉ giữ vai trò là vùng phên giậu, mà còn là nơi tạo ra các giá trị về kinh tế, văn hóa của biển đảo quê hương.

Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước