“Đồng thanh tương ứng” và “Hằng hà sa số”
VNTN - Trong tiếng Việt, chắc hẳn không ít lần chúng ta bắt gặp những từ, cụm từ, ngữ gốc Hán, đó là một sự biểu hiện của giao thoa ngôn ngữ. Sự giao thoa này không những không làm mất đi bản sắc dân tộc mà còn làm phong phú cho tiếng nói nước ta. Những từ, ngữ gốc Hán đó được nhiều người dùng một cách tự nhiên, tuy nhiên trong quá trình sử dụng, có người chưa hiểu hết hoặc chưa tường tận xuất xứ cũng như ý nghĩa cơ bản của những yếu tố Hán đó. Ở phần dưới đây của bài viết, người viết xin được trình bày một vài ý kiến về xuất xứ cũng như ý nghĩa của hai ngữ Hán Việt quen thuộc là: Đồng thanh tương ứng và Hằng hà sa số. Đây là hai ngữ Hán Việt được dùng khá phổ biến trong việc biểu thị sự đoàn kết tương trợ cũng như số lượng vô kể của sự vật, sự việc.
1. Xuất xứ và ý nghĩa câu “Đồng thanh tương ứng”
“Đồng thanh tương ứng” 同聲相應 có xuất xứ từ phần Văn ngôn, thuộc quẻ Càn trong Kinh dịch, nguyên văn câu đó như sau: “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Câu này được Khổng Dĩnh Đạt đời Đường giải thích như sau: “đồng thanh tương ứng tức là, nếu đàn Cung thì Cung hưởng ứng, nếu đàn Giốc thì Giốc hưởng ứng.” (Cung và Giốc là hai trong ngũ âm Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ). Giải thích về cụm từ này, từ điển Hán điển 漢典 dẫn như sau: “(đồng thanh tương ứng) ban đầu chỉ những âm thanh giống nhau họa lại nhau… về sau dùng để ví với những người có cùng chí thú hưởng ứng phụ họa lẫn nhau”.
Đặt trong mối quan hệ song hành với cụm từ “đồng khí tương cầu”, Cao Đài từ điển 高臺詞典 do Nguyễn Văn Hồng soạn, giải thích như sau: “đồng: cùng, giống nhau. Thanh: tiếng, âm thanh. Tương: cùng nhau, với nhau. Ứng: đáp lại. Khí: cái khuynh hướng của tinh thần. Cầu: tìm.
Đồng thanh tương ứng: Những vật có cùng tiếng thì cùng đáp lại với nhau (...). Ý nói: người hay vật có cùng bản chất thì ứng hiệp nhau.
Đồng khí tương cầu: Những vật có cùng khí chất thì tìm đến nhau (…). Ý nói những người có ý chí giống nhau thì tìm đến kết hợp với nhau, những người có ý chí khác nhau thì xa nhau”.
Từ những từ điển và thư tịch đã nói ở trên có thể thấy “đồng thanh tương ứng” hay “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” là thành ngữ biểu thị cho sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của sự vật cũng như con người trên thế giới.
“Hằng hà sa số” là rất nhiều không thể đếm xuể, ví như số cát trên sông Hằng.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
2. Về nguồn gốc cụm từ “hằng hà sa số”
Người Việt chúng ta khi nói về sự vật hoặc sự việc nào đó với số nhiều không đếm được thường hay dùng các từ hoặc cụm từ như: hằng hà, hà sa hoặc hằng hà sa số. Vậy những từ, ngữ này xuất xứ từ đâu và ý nghĩa cụ thể như thế nào?
Theo Hán ngữ đại từ điển, từ “hằng hà” được giải thích như sau: “Hằng Hà: Phạn ngữ (Gangāo). Tên một con sông lớn ở Nam Á, phát nguyên từ sườn Nam của Hymalaya, chảy qua Ấn Độ, Banglades, rồi đổ vào biển. Người Ấn Độ coi Hằng Hà là con sông Thánh, sông Phúc. Kim Cương kinh - Vô vi phúc thắng phần chép: “Thế nhưng sông Hằng vốn đã (biểu thị) nhiều vô số rồi, huống chi số cát của nó”. Về từ này, từ điển Từ nguyên cũng giải thích: “Hằng Hà: tên sông. Khởi nguồn từ chân núi phía nam của núi Hymalaya, chảy qua Ấn, Banglades, rồi chảy vòng vào vịnh Banglades. Kinh Phật nước ta (Trung Quốc) dịch là Hằng thủy (恒水), Hằng già (恆伽), cường già (强伽), cắng già (殑伽).”
Thành ngữ “Hằng hà sa số” được Hán ngữ đại từ điển giải thích như sau: “Hằng hà sa số: Phật giáo ngữ. Hình dung số lượng nhiều đến mức không thể đếm được. Kim cương kinh - Vô vi phúc thắng phần (chép): lấy thất bảo (bẩy loại châu báu) đầy tam thiên đại thiên thế giới để đem bố thí.” Cũng theo những cuốn từ điển này, “Hằng sa” hay “hà sa” là cách gọi tắt của “Hằng hà sa số”.
Khảo sát trong một số từ điển Việt ngữ, người viết cũng thu được một số kết quả tương đối thống nhất. Từ điển tiếng Việt (Vietlex): “hằng hà 恆河- hằng hà sa số [nói tắt]: “(...) về đêm, trên làn nước của dòng sông quê hương tôi lấp lánh hằng hà những đốm sáng bí ẩn (...)” (Bảo Ninh).
Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên): “hằng hà - hằng hà sa số, nói tắt: Phố phường kéo đến hằng hà/ Đua mang cá thịt rượu trà tiến dâng (Phạm Công - Cúc Hoa)”. “Hằng hà sa số - Rất nhiều, không thể đếm xuể, ví như số cát trên sông Hằng. Đây vốn là câu của nhà Phật, khi thuyết pháp ở vùng lưu vực sông Hằng; nhà Phật thường dùng số cát để chỉ ý niệm vô lượng)”.
Từ những kết quả trên, có thể rút ra một số điều như sau, “hằng hà” hay “hằng hà sa số” là từ, ngữ có xuất xứ từ kinh điển nhà Phật, biểu thị số lượng nhiều vô kể thông qua phép so sánh ngầm với cát sông Hằng, con sông Thánh trong tín ngưỡng của người Ấn Độ.
Như Châu
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...