Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
14:08 (GMT +7)

Đồng bạc Đông Dương – Một di sản cần bảo tồn và lưu giữ

Nói đến đồng bạc Đông Dương, nhiều người chỉ nghĩ hoặc biết đó là một loại tiền tệ được rập và lưu hành trong thời Pháp thuộc. Điều này đúng nhưng chưa đủ bởi đồng bạc ấy đã là di sản, gắn với ký ức Đông Dương, trầm tích nhiều giá trị lịch sử - văn hóa. Và nếu có một không gian trưng bày hay tập sách ảnh về ký ức Đông Dương như chúng ta từng làm với thời bao cấp, chắc chắn đồng bạc kia sẽ là hiện vật không thể thiếu!

Đôi nét về đồng bạc Đông Dương

Cùng với quá trình xâm chiếm, bình định Việt Nam, năm 1879, người Pháp đã cho rập đồng “Piastre de Commerce - Indochine Française” (Đồng bạc Thương mại lưu hành tại Nam Kỳ thuộc Pháp). Đồng bạc này mặt trước ghi rõ chuẩn bạc “Titre 0,900” và trọng lượng “Poids 27,2156 gram”. Sau hòa ước Patenotre (1884) có nội dung: “Nước An Nam thừa nhận và chấp thuận nền bảo hộ của nước Pháp; Nước Pháp sẽ đại diện cho nước An Nam trên mọi quan hệ ngoại giao; Những người dân An Nam nằm ở nước ngoài đều đặt dưới quyền bảo hộ của nước Pháp” (Điều 1)…, nhất là sau sự biến kinh thành Huế rạng sáng ngày 5/7/1885 (mở đầu phong trào Cần vương), người Pháp chiếm cả Việt Nam, cho rập lại đồng bạc “Piastre de Commerce - Indochine Française” (Đồng bạc Thương mại lưu hành tại Đông Dương thuộc Pháp) với trọng lượng và độ bạc như “Piastre de Commerce - Indochine Française” nhưng ghi năm sản xuất 1885(1).

 

Đồng “1 Piastre” 1931

Các đồng bạc “Piastre de Commerce”, mặt trước có hình bà đầm (tiếng Pháp: dame) Marianne (biểu tượng nền Tự do của Cộng hòa Pháp) đội vương miện (mũ phrygian) cùng hào quang tỏa sáng. Hình bà đầm Marianne đang ngồi có dáng giống Nữ thần Tự do, bên trái là 3 bông lúa, tay trái gác trên tay lái thuyền và chiếc mỏ neo, tay phải nắm bó que (fasces) của vệ sĩ La Mã cổ đại. Vòng quanh bên trái và bên phải bà đầm có hàng chữ République Française, phía dưới ghi năm rập (phát hành) và chữ BARRE, tên nhà thiết kế Auguste Barre. Mặt kia, dưới hàng chữ Piastre de Commerce, là ký hiệu “A”, tức rập tại Paris(2); ngoài ra còn có hàng chữ “Cochichine Française” (Nam Kỳ thuộc Pháp) hoặc “Indochine Française” (Đông Dương thuộc Pháp). Về kích thước, đồng bạc Đông Dương có đường kính 39mm; dày 2,7mm; chất liệu bạc 0,9 (90%); trọng lượng mỗi đồng rập từ năm 1885 đến đầu năm 1895 là 27,215gr. Từ cuối năm 1895 đến năm 1928, mỗi đồng chỉ còn 27gr. Riêng đồng “1 Piastre” phát hành năm 1931 có đường kính 35mm, trọng lượng 20gr, hình bà đầm Marianne nắm bó que cũng được thay thế bằng biểu tượng nước Pháp đội cành ôliu (dù vẫn giữ nguyên độ dày 2,7mm)(3).

Trầm tích nhiều giá trị lịch sử - văn hóa

Được rập và lưu hành trong thời Pháp thuộc, gắn với muôn mặt đời sống của các tầng lớp nhân dân trong ít nhất 60 năm (1885 - 1945), đương nhiên đồng bạc Đông Dương trầm tích nhiều giá trị lịch sử - văn hóa. Như Khu dinh thự họ Vương (còn gọi Nhà Vương) có diện tích gần 3.000m2 ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang được xây trong khoảng thời gian từ năm 1898 đến năm 1907 (được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1993) với ngân khoản lên đến 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương (tương đương 150 tỷ đồng ngày nay).

 

Đồng bạc hoa xòe đúng nghĩa năm 1888 (đồng Điểu ngân/bạc Mễ Tây Cơ)

Nhà văn Ma Văn Kháng từng có tiểu thuyết “Đồng bạc trắng hoa xòe” viết về lịch sử Lào Cai từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến cuối năm 1947 khi thực dân Pháp trở lại xâm chiếm vùng đất này. Tác phẩm xoay quanh câu chuyện một số cán bộ cách mạng có những chuyến đi quả cảm, đầy tinh thần trách nhiệm đến các thổ ty miền Đông của tỉnh, đem tiếng nói của cách mạng đến với nhân dân các dân tộc vùng cao, bấy giờ vẫn đang trong ách áp chế của chế độ thổ ty cha truyền con nối. Trong tác phẩm, rất nhiều lần đồng bạc được nhắc tới. Này là chuyện tri châu Hoàng Văn Chao đặt ra điều luật chi tiết với người bản xứ: “Ngựa vào ruộng nhà quan, bất kể đã vặt ngọn thuốc phiện nào chưa, cứ theo lệ, phạt hai lạng thuốc và năm đồng bạc”; này là hình ảnh Hoàng Văn Chao “bê tất cả hòm lớn, hòm nhỏ, hũ sành, lọ sứ, thạp đất cổ đặt lên giường và vàng cùng bạc trắng đổ ra tung tóe trên cái chiếu cói trắng gài hoa xanh. Những thỏi vàng nén, những đồng bạc trắng hoa xòe có hình bà đầm ngồi xòe váy và nhành lúa uốn cong đều một loại (…) tròn vạnh, sáng như mặt trăng, sáng như mặt trời! Hàng vạn cái mặt trăng, mặt trời cùng ngời ngời lấp lóa”; này là sự chuẩn bị kháng chiến của bà con làng Nhuần: Mọi người đúc súng, rèn kiếm và “đặt một chồng bạc trắng, hạ kiếm một nhát, cả chồng bạc bị cắt làm đôi” (4)…

Các lớp học sinh từ thế hệ 6X trở lại đây hẳn vẫn còn nhớ tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài được đưa vào SGK môn Văn ở bậc THPT? Trong tác phẩm ấy, có lời nói rành rọt của thống lý Pá Tra: “Thằng A Phủ đánh người thì làng xử mày phải nộp vạ cho người phải mày đánh là hai mươi đồng, nộp cho thống quán năm đồng, mỗi xéo phải hai đồng, mỗi người đi gọi các quan làng về hầu kiện năm hào. Mày phải mất tiền mời các quan hút thuốc từ hôm qua tới nay. Lại mất con lợn hai mươi cân, chốc nữa mổ để các quan làng ăn vạ mày. A Phủ, mày đánh con quan làng, đáng lẽ làng xử mày tội chết, nhưng làng tha cho mày được sống mà nộp vạ. Cả tiền phạt, tiền thuốc, tiền lợn, mày phải chịu một trăm bạc trắng. Mày không có trăm bạc thì tao cho mày vay để mày ở nợ. Bao giờ có tiền trả thì tao cho mày về, chưa có tiền trả thì tao bắt mày ở làm con trâu, con ngựa cho nhà tao. Đời mày, đời con, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi” (5)…

Ông Chảo Kin Sài, 70 tuổi, người Dao Đỏ ở xã Tòng Sành, huyện Bát Xát cho biết: Trước đây, người Dao thường trao đổi, mua bán với nhau bằng bạc trắng. Nhà nào càng có nhiều bạc trắng thì càng giàu có và được tôn trọng. Bạc trắng được dùng trong các lễ cúng quan trọng, trở thành sính lễ không thể thiếu mà nhà gái thách cưới nhà trai. Năm tôi 15 tuổi đã được bố mẹ đi hỏi vợ cho. “Ngày đó gia đình tôi phải đưa cho nhà gái 99 đồng bạc trắng hoa xòe thì mới được đón dâu về. Số bạc trắng đó lúc bấy giờ có thể mua được 3 con trâu to. Con trai người Dao mà nhà nghèo, không có bạc trắng thì khó lấy được vợ. Bây giờ xã hội thay đổi, người Dao không thách cưới nhiều bạc trắng nữa vì bị coi là hủ tục, nhưng đám cưới vẫn cần một hai đồng bạc để làm lý” (theo tư liệu của Tuấn Ngọc)…

 

Đồng bạc Đông Dương năm 1900

Cách đây 6 năm, tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc được tổ chức trên đất Bắc Kạn (2015), đoàn các nghệ nhân, diễn viên tỉnh Cao Bằng đã biểu diễn trích đoạn “Đám cưới dân tộc Dao đỏ” ở xã Thái Học, huyện Nguyên Bình. Một lễ ăn hỏi diễn ra tại nhà gái được tái hiện với những lễ vật gồm gà, rượu, thịt lợn, trang sức (vòng cổ, vòng tay, xà tích, áo yếm, hoa tai), 1 số lễ vật thách cưới mà 2 bên gia đình đã bàn bạc, đi đến thống nhất từ trước và đương nhiên không thể thiếu 10 đồng bạc trắng…

Còn nhiều, nhiều nữa những trầm tích lịch sử - văn hóa mà do khuôn khổ một bài báo, chúng tôi không thể đề cập hết và đọc đến đây, hẳn có độc giả đặt câu hỏi: làm thế nào có thể mua được 1 (hay nhiều) đồng bạc Đông Dương để sưu tập, gìn giữ hoặc làm kỷ niệm?

Chung tay lưu giữ một phần ký ức Đông Dương

Do những biến động, thay đổi về chính trị; do chiến tranh, thiên tai, địch họa và cả thói quen của bà con vùng dân tộc thiểu số miền núi hay lấy đồng bạc Đông Dương chế tác đồ trang sức nên đồng bạc Đông Dương ngày càng vắng bóng trong xã hội hiện đại. Sự vắng bóng và giá trị của đồng bạc Đông Dương đã lý giải tại sao nó hay bị làm giả,... nhất là ở các khu du lịch vùng cao như Sapa (Lào Cai). Ở “nơi gặp gỡ đất trời” này, nếu bạn được báo giá 300 - 500 ngàn đồng cho một đồng bạc Đông Dương thì chắc chắn đấy là hàng giả, đồ fake (nhái). Bởi một đồng bạc Đông Dương nếu cân nặng 27gr đã tương đương với 7,20 chỉ bạc, trong khi mỗi chỉ bạc có giá trên 100 ngàn đồng. Chỉ tính giá trị bạc, một đồng Đông Dương đã gần 800 ngàn, thêm các yếu tố về niên đại, màu thời gian, sự may mắn của các con số…, giá trị của nó có thể cao hơn nhiều lần, nhất là các đồng được rập trong khoảng thời gian từ năm 1885 đến đầu năm 1895, rồi đồng 1910, 1928… Đừng quên một đồng bạc là sản phẩm của làng vàng bạc Châu Khê (Hải Dương), sản xuất ở thời điểm hiện tại, mô phỏng đồng bạc Đông Dương, được giảm tới 37% vẫn còn giá 760 ngàn đồng (giá gốc 1,2 triệu đồng).

 

Anh Hoàng Văn Hiền đang giám định, phân loại các đồng bạc

Trên một số sàn giao dịch điện tử, có một số trang mạng cũng rao bán đồng bạc Đông Dương nhưng mức độ rủi ro khá lớn: có đồng bạc “giả thấy rõ”, song cũng không ít đồng bạc nếu chỉ nhìn qua, rất khó phân biệt được thật - giả. Từ thực tiễn giao dịch và kinh nghiệm bản thân, người viết xin chia sẻ với bạn đọc một địa chỉ tin cậy có thể mua bán đồng bạc Đông Dương là anh Hoàng Văn Hiền - giáo viên Mỹ thuật trường THCS Trung Sơn, Yên Sơn, Tuyên Quang; hiện cư trú tại xóm 8, xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang. Anh Hiền vốn có niềm đam mê bạc, cũng từng “ăn quả đắng” khi mua phải bạc giả ở Sapa nên rất “bức xúc”, bỏ nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, tìm hiểu về loại tiền tệ này. Trên mạng xã hội Youtube, anh Hiền giới thiệu cụ thể, chi tiết cách phân biệt, giám định đồng bạc thật - đồng bạc giả, đồng bạc cũ - đồng bạc mới (như đồng bạc thật có trọng lượng từ 27 gr - 27,215 gr, còn bạc giả nhẹ hơn; với đồng bạc thật, khi đặt nó lên ngón tay để thăng bằng rồi dùng vật kim loại gõ nhẹ lên cạnh đồng bạc, sẽ có âm thanh leng keng vang dài, còn đồng bạc giả âm thanh rất khác; cũng có thể thử bằng cách khò lửa đồng bạc đỏ rực rồi thả vào nước cho nguội, nếu là bạc thật sẽ không bị đổi màu, sáng màu bạc, còn nếu là bạc giả sẽ xỉn màu; đồng bạc cổ cũng sắc sảo hơn về hoa văn, đường nét - đồng bạc giả thường thô vụng, kém thẩm mỹ), cách làm sáng bóng khi đồng bạc bị ngả màu (dùng tro bếp hoặc kem đánh răng)… Bàn chân anh Hiền đã đi khắp các miền Đông Bắc, Việt Bắc, Tây Bắc; thuê thợ lặn mò dưới đáy sông Lô, bến Bình Ca - nơi từng có nhiều con tàu Pháp bị bắn cháy, đánh đắm trong chiến dịch Việt Bắc Thu đông (1947); thậm chí, năm 2018 anh còn sang tận nước bạn Lào để nhập về những đồng bạc Đông Dương thật phục vụ người chơi, người mua. Anh Hiền thường đau đáu nỗi: có nhiều người thích, muốn mua đồng bạc Đông Dương thật như một di sản, kỷ vật thời thuộc Pháp nhưng họ chưa có kinh nghiệm phân biệt thật - giả, lại bị nhiều nơi bán hàng lưu niệm gạt nên mất niềm tin… trong khi đó, giới thương lái Trung Quốc vẫn ngày đêm lùng mua loại di sản, kỷ vật “một đi không trở lại” ấy.

Rõ ràng, với người Việt Nam, đồng bạc Đông Dương là di sản, là kỷ vật thấm trong đó bao công sức, mồ hôi, nước mắt và cả máu của các bậc tiền nhân nhưng với thương lái Trung Quốc thì đó chỉ là một món hàng mua đi bán lại để kiếm lời!

Anh Hiền không có mong ước gì hơn là ngày càng có nhiều người biết đến đồng bạc Đông Dương thật, cùng chung tay giữ lại di sản, kỷ vật này!.


Nhiều người gọi đồng bạc Đông Dương là “đồng bạc hoa xòe” hay “đồng bạc trắng hoa xòe” như tên tiểu thuyết của nhà văn Ma Văn Kháng nhưng thực ra “đồng bạc hoa xòe” là tên gọi dân gian của đồng bạc Mexicana của nước Republica Mexicana (Cộng hòa Mexico, người Việt gọi là Mễ Tây Cơ hay Mê Hi Cô), một trong những đồng bạc nước ngoài lưu hành ở Việt Nam trong thế kỷ XIX.

Ngày 10/4/1862, ngay sau khi chiếm được Nam Kỳ, Tổng chỉ huy liên quân Pháp - Tây Ban Nha là Thiếu tướng Bonard đã ký quyết định cho phép lưu hành đồng bạc Mexicana. Sau hơn 40 năm gia nhập nền văn minh vật chất của người Việt, đồng Mexicana mới hết vai trò lịch sử: Để củng cố chính quyền Pháp tại Đông Dương, ngày 3/10/1905, Chính phủ Pháp ra nghị định nêu rõ “kể từ 1/1/1906, đồng Mexicana không còn giá trị pháp định” trên toàn cõi Đông Dương.

Đồng bạc Mexicana hình tròn, chính giữa có hình một con đại bàng, mỏ ngoạm và móng vuốt quắp một con rắn đang đậu trên cành cây xương rồng mọc trên một tảng đá bên hồ nước. Người Việt trông giống con cò nên gọi là “đồng bạc con cò” (còn gọi điểu ngân - đồng tiền có hình chim) như câu ca xưa: “Cưới em phải bạc con cò/ Đâu phải hẹn hò nói chuyện đẩy đưa”...

Phổ biến hơn cái tên “đồng bạc con cò”, người Việt gọi đồng bạc Mexicana là “đồng bạc hoa xòe” vì mặt sau của có hình chiếc mũ Phrygian mang dòng chữ “LIBERTAD” (tự do) tỏa hào quang trông như bông hoa đang xòe ra: “Em tham đồng bạc hoa xòe/ Trốn cha trốn mẹ đi kề người Tây”; “Mùa đông lụa lụa the the/ Mùa hè bán bạc hoa xòe sắm khăn”…


 

Thanh Hà

Chú thích

(1): Trong khoảng thời gian từ năm 1885 đến năm 1931, cũng có những năm người Pháp không sản xuất đồng bạc Piastre: 1891, 1892, 1911, 1912, 1914 - 1920, 1923, 1929, 1930.

(2): Ngoài ký hiệu “A”, tức rập tại Paris, những năm 1921 - 1922 có các loại đồng Piastre mang ký hiệu “H” và không “H”. Trong đó “H” là Heaton, Birmingham - tức được rập ở Heaton thuộc Anh.

(3): Trong số các đồng Piastre được sản xuất và lưu hành thì “Piastre de Commerce 1890” được sản xuất ít nhất với chỉ 6.108 đồng cho toàn cõi Đông Dương nên quá hiếm, còn “1 Piastre” 1931 được rập tới 16.000.000 đồng. Tuy vậy, giới sưu tập và chơi tiền cổ ít gặp “1 Piastre” 1931 hơn các đồng có niên đại 1907, 1908, 1909…

(4): Xin xem tiểu thuyết Đồng bạc trắng hoa xòe (tái bản) của Ma Văn Kháng, Nxb Văn học, Hà Nội, 2016.

(5): Xin xem sách giáo khoa Văn học 12, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1986, tr. 21.

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy