Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
10:24 (GMT +7)

Đọc lại hai bài thơ về chiến thắng Điện Biên Phủ của Hồ Chí Minh và Tố Hữu

KỈ NIỆM 65 NĂM CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2019)

Bài thơ của Bác Hồ và của nhà thơ Tố Hữu đều ra đời vào tháng 5/1954, ngay sau khi quân Pháp bị tiêu diệt hoàn toàn ở Điện Biên Phủ (ĐBP). Tác giả Hồ Chí Minh ghi rõ thời điểm hoàn thành bài thơ là ngày 12 tháng 5 năm 1954, còn Tố Hữu chỉ ghi: 5/1954. Nhan đề và thời điểm ra đời của mỗi bài thơ đã phần nào toát lên nội dung và cảm xúc của tác giả, với tính thời sự nóng hổi của nó.

1. Bài thơ Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ

Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ là bài thơ được viết theo thể tự do, gồm 54 dòng, với 4 đoạn.

Đoạn một: tác giả nói rõ ngày quân Pháp nhảy dù xuống cứ điểm ĐBP là “20 tháng 11 năm cũ” (tức năm 1953), với quân số “Hăm mốt tiểu đoàn tinh nhuệ nhất”, kèm theo “Xe tăng, súng lớn đầy chồng chất”. Với lực lượng ấy, chúng khoe: “Kế hoạch Na-va - mạnh dạn và tài hoa”, khiến cho “Việt Minh phải biết tay” và cũng “Làm cho quan thầy Mỹ vui lòng thay!”.

 

Không chỉ “diễu võ dương oai” bằng sức mạnh quân sự, giặc Pháp còn rùm beng, “inh ỏi” tuyên truyền qua các báo phản động trên thế giới để “tâng bốc” tài thao lược của tướng Na-va, một “trò” chiến tranh tâm lý đối với quân, dân ta. Ở đây, tác giả đã bóc trần âm mưu và hành động điên cuồng, thâm độc của kẻ thù (cả Pháp và Mỹ) khi chúng lập cứ điểm ĐBP tại một vùng núi hiểm trở ở miền Tây Bắc nước ta.

Đoạn hai, khi đã biết rõ mưu đồ của kẻ địch:

“Bên ta thì: Bộ đội, dân công

quyết một lòng,

Xẻ non, đắp suối, vượt qua sông,

Khắc phục khó khăn và hiểm trở,

Đánh cho giặc tan mới hả dạ”...

Đoàn kết, quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn gian khổ để đánh thắng giặc, đó là sức mạnh, là vũ khí tiềm tàng, vô địch của quân dân ta. Nhưng bọn thực dân điên cuồng và hung bạo ấy chưa hiểu hết và không đánh giá đúng tinh thần và ý chí... của người Việt Nam, nên chúng đã chủ quan và tất bị bất ngờ:

Ngày 13 tháng 3 ta tấn công,

Giặc còn ở trong giấc mơ mòng;

“Mình có thầy Mỹ lo cung cấp,

Máy bay cao cao, xe tăng thấp;

Lại có Na-va cùng Cô-nhi,

Những tay tướng giỏi nắm chỉ huy,

Chúng mình chuyến này nhất định thắng,

Việt minh ắt thua chạy quýnh cẳng”.

Tác giả chỉ ra sự chủ quan, bị động, luôn ỷ vào khả năng vượt trội về sức mạnh vật chất của đội quân xâm lược nhà nghề, và đó chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại cay đắng của chúng.

Đoạn ba là những câu thơ sảng khoái kể về diễn biến trận đánh, về tinh thần chiến đấu anh dũng của quân ta, sự thất bại đến “méo mặt” của tướng giặc và sự “tan hoang” của binh lính Pháp khi bị bộ đội ta siết chặt vòng vây. Kết cục đối với chúng là những hình ảnh và con số thống kê ê chề, bi thảm:

Giặc kéo từng loạt ra hành ta

Quân ta vui hát khải hoàn ca.

Mười ba quan năm đều hàng nốt,

Tên tướng chỉ huy cũng bị nhốt.

Một vạn sáu ngàn tên giặc Tây,

Đều là tù binh hoặc bỏ thây.

“Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ” là như thế!

Đoạn bốn là mấy dòng thơ kết luận giản dị, ngọt ngào, toát lên tình cảm thân ái, pha chút dí dỏm của các chiến sĩ với Bác Hồ và của Bác Hồ với các chiến sĩ Điện Biên:

Thế là quân ta đã toàn thắng

Toàn thắng là vì rất cố gắng.

Chiến sĩ viết thư lên Bác Hồ:

“Xin Bác vui lòng mà nhận cho

Món quà chúc thọ sinh nhật Bác,

Chúng cháu cố gắng đã sắm được”.

2. Bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên

Nếu coi bài Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ như câu chuyện ngắn gọn bằng thơ về một chiến thắng lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp, qua suy nghĩ, cảm xúc, tầm nhìn của vị chỉ huy tối cao Hồ Chí Minh, thì bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu là tiếng reo vui, là lời ca hào sảng, là vòng nguyệt quế được kết dệt bằng ngôn từ của một nhà thơ lớn dâng tặng những người làm nên chiến công vĩ đại ấy.

Bài thơ của Tố Hữu dài 96 dòng, chia làm nhiều khổ thơ và có sự luân chuyển liên tiếp các thể thơ: Thơ tự do, khi thì bốn, năm, sáu, bảy, tám... chữ/ dòng; rồi sang lục bát; có lúc là ngũ ngôn; sau lại chuyển sang thất ngôn..., tất cả đều phù hợp với nội dung, cảm xúc của tác giả trong mạch cảm hứng của toàn bài là “hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Sau này, tác giả tâm sự: “Có lẽ đây là bài thơ tự do nhất, viết sảng khoái nhất”.

Tin thắng trận Điện Biên được loan báo vào lúc nửa đêm, qua giao liên đi bằng ngựa “hỏa tốc”, với:

Đuốc chạy sáng rừng

Chuông reo tin mừng

Loa kêu từng cửa

Làng bản đỏ đèn đỏ lửa...

Đây là mấy câu mở đầu, gợi không khí vui tươi, rộn ràng, rạng rỡ trong bài thơ. Tố Hữu cất tiếng “hoan hô” liên tiếp dành cho “chiến sĩ Điện Biên” cùng “Đồng chí Võ Nguyên Giáp”. Và sau đó là những câu cảm thán:

Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp! (nói về phía giặc);

***

Vinh quang Tổ quốc chúng ta

Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa!

Vinh quang Hồ Chí Minh,

cha của chúng ta ngàn năm sống mãi

Quyết chiến thắng, cờ đỏ sao vàng vĩ đại! (ca ngợi Việt Nam chiến thắng).

Niềm vui sướng, tự hào của nhà thơ, của dân tộc về chiến thắng ĐBP còn bởi vì, đây là kết quả của “Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ” và được kết tụ ở:

“Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi,

ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt

Máu trộn bùn non

Gan không núng

Chí không mòn!

Làm nên chiến thắng vĩ đại ĐBP, trước hết là do sự hy sinh quên mình của các chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trên các chiến hào, trong đó phải kể đến những tấm gương tiêu biểu:

Những đồng chí, thân chôn làm giá súng

Đầu bịt lỗ châu mai

Băng mình qua núi thép gai

Ào ào vũ bão

Những đồng chí chèn lưng cứu pháo

Nát thân, nhắm mắt, còn ôm.

Và còn rất nhiều tấm gương bộ đội, dân công... phục vụ chiến dịch, góp phần làm nên chiến thắng ấy, bằng nhiều công việc khác nhau:

Những bàn tay xẻ núi lăn bom

Nhất định mở đường cho xe ta

lên chiến trường tiếp viện

Và những chị, những anh

ngày đêm ra tiền tuyến

Mấy tầng mây, gió lớn mưa to

Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ

Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát

Dù bom đạn xương tan, thịt nát

Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh.

Tất cả đều xứng đáng được vinh danh, được tặng vòng nguyệt quế chiến công, vì “Máu của anh chị, của chúng ta không uổng: Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam/ Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng.”

Đứng ở vị thế của người chiến thắng, của một dân tộc chiến thắng, nhà thơ viết tiếp những câu thơ sảng khoái, tự hào và tự tin mạnh mẽ: “Lũ chúng nó phải hàng, phải chết/ Quyết trận này quét sạch Điện Biên!”.

Và đúng như vậy, với tài chỉ huy của vị Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và tinh thần “Quyết chiến quyết thắng” của bộ đội, dân công Điện Biên Phủ, tiêu biểu là sự chiến đấu hy sinh anh dũng của các đồng chí Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót... thì đội quân “Hăm mốt tiểu đoàn tinh nhuệ nhất” với “Xe tăng, súng lớn đầy chồng chất” của giặc Pháp cũng hết đường thoát thân trong cái lòng chảo “định mệnh” ấy:

Chúng bay chui xuống đất

Chúng bay chạy đằng trời!

Trời không của chúng bay

Đạn ta rào lưới sắt

Đất không của chúng bay

Đai thép ta thắt chặt!

Là nhà thơ có giác quan nhanh nhạy và giàu trí tưởng tượng, chỉ được “nghe” tin chiến thắng thôi, Tố Hữu đã mô tả một cách sinh động cảnh tượng quân Pháp bại trận ở ĐBP vào đúng “tháng năm mồng bảy” ấy, bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh:

Trông: bốn mặt lũy hầm sụp đổ

Tướng quân bay lố nhố cờ hàng

Trông: chúng ta cờ đỏ sao vàng

Rực trời đất Điện Biên toàn thắng!

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên!

Theo lời nhà thơ Tố Hữu, khi viết bài thơ này, ông đang ở một địa điểm trong chiến khu Việt Bắc mà 40 năm sau, ông chỉ còn nhớ là “khau khau gì đấy”, và lúc đó ông cũng đang giữ chức vụ Trưởng Ban tuyên truyền của Đảng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Trường Chinh. Công cụ tuyên truyền khi ấy chỉ có mỗi tờ báo Nhân Dân với cái đài 500 oát, còn thì phần lớn tuyên truyền “mồm” qua các đoàn dân công. Trong hoàn cảnh ấy, Tố Hữu băn khoăn suy nghĩ về nhiệm vụ của mình: nên tuyên truyền cho chiến thắng ĐBP bằng cách nào? Có thể bằng nhiều cách, nhưng theo chỉ đạo của trên, cơ bản phải làm sao cho dân vui là được. Sau một đêm không ngủ vì cứ nghĩ vẩn vơ về cách thức tuyên truyền, Tố Hữu quyết định: “tuyên truyền bằng thơ là tốt nhất”, vì “thơ dễ phổ biến, dễ nhớ, dễ thuộc”. Đoạn lục bát sau đây (gần cuối bài thơ rất dễ thuộc, dễ nhớ), là một trong những khổ thơ sát hợp với quyết định lựa chọn nói trên của tác giả:

Tiếng reo vang vọng sông rền

Đêm nay chắc cũng về bên Bác Hồ

Bác đang cúi xuống bản đồ

Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo

Từ khi vượt núi qua đèo

Ta đi, Bác vẫn nhìn theo từng ngày

Tin về mừng thọ đêm nay

Chắc vui lòng Bác, từng ngày đợi trông.

Cách tuyên truyền bằng thơ, không chỉ nhanh, nhạy, hiệu quả đối với người dân trong nước, mà còn có tác dụng đến cả nước ngoài:

Đồng chí Phạm Văn Đồng

Ở bên đó (tức Pa-ri, Pháp)....

Tin đây Anh, Điện Biên Phủ hoàn thành

Ngày mai vào cuộc đấu tranh

Nhìn xuống mặt bọn Bi-đôn, Smít

Anh sẽ nói: Thực dân, phát xít

Đã tàn rồi!

Tổ quốc chúng tôi

Muốn độc lập, hòa bình trở lại...

Mấy câu cuối của bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên vừa là lời kết, đồng thời là lời cảnh báo của tác giả - nhà tuyên truyền kiêm nhà thơ Tố Hữu, đối với bọn thực dân, phát xít mà đại diện là Bi-đôn, ngoại trưởng Pháp và Smít, ngoại trưởng Mỹ đang đàm phán với ta ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ):

Nước chúng tôi và nước các anh

Nếu còn say máu chiến tranh

Ở Việt Nam các anh nên nhớ

Tre đã thành chông, sông là sông lửa

Và trận thắng Điện Biên

Cũng chỉ là bài học đầu tiên!

***

Tóm lại, hai bài thơ Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ và Hoan hô chiến sĩ Điện Biên cùng ra đời vào một thời khắc lịch sử: 5/1954; Cùng nói về một chiến thắng vĩ đại của dân tộc: Chiến thắng ĐBP. Tuy nội dung và cảm xúc ở mỗi bài có nét khác nhau, bởi điểm nhìn, tư tưởng,... của mỗi tác giả không giống nhau. Song nét chung là niềm vui hào sảng và sự kiêu hãnh trước chiến thắng to lớn của dân tộc, trước sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ ĐBP. Hai bài thơ đều viết theo thể tự do và cái hay không phải ở những câu thơ cụ thể, mà là ở tinh thần chung của toàn bài.

Kỷ niệm 65 năm chiến thắng lịch sử ĐBP, đọc lại hai bài thơ này, ta như được chiêm ngưỡng lại hai bức tranh chiến thắng ĐBP bằng ngôn ngữ thơ ca. Và hy vọng rằng, nó sẽ không bị lãng quên trong lòng các thế hệ bạn đọc tương lai ở nước ta!.

Tài liệu tham khảo:

1. Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ -“Thơ Hồ Chí Minh”, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1997, tr. 225.

2. Hoan hô chiến sĩ Điện Biên -“Thơ Tố Hữu”, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr. 256

3. “Chân dung và Đối thoại” -Trần Đăng Khoa, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 1999, tr. 9 - 23.

Nguyễn Huy Quát

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy