Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
02:55 (GMT +7)

Đi tìm tiếng Tính cha ông

Cây đàn tính, lời hát then từ xưa đã là một phần của ký ức và tâm khảm của người Tày, Nùng Việt Bắc. Người Tày, Nùng sinh ra từ trong tiếng tính của bà, của mẹ.

Lớn lên trong tiếng hát then của những đêm giải hạn, cầu an và đến khi nhắm mắt xuôi tay lại theo tiếng tính, lời then để về với tiên tổ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người Tày, Nùng vẫn luôn nâng niu, trân trọng và gìn giữ điệu hát then, cây đàn tính như chính tâm hồn của mình.

Từ những giá trị đẹp đẽ đó nên năm 2017, thực hành then Tày, Nùng, Thái Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Điều đáng mừng là trong những năm gần đây, đã có những nghệ nhân trẻ tham gia vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị của diễn xướng then. Nghệ nhân trẻ Dương Doãn Quảng là một trong số đó.

Nghệ nhân trẻ Dương Doãn Quảng

Nghệ nhân Dương Doãn Quảng sinh năm 1997 tại thôn Đon Riệc, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Sinh ra ở cái nôi của nghệ thuật hát then đàn tính nên những âm thanh đẹp đẽ từ cây đàn tính không biết từ lúc nào đã trở thành một phần tâm hồn và đam mê của Quảng. Từ sự đam mê ấy, Quảng đã tìm đến những nghệ nhân then có tên tuổi của vùng Bắc Sơn như cố nghệ nhân Dương Thị Thót, nghệ nhân Dương Đình Danh,… để học hát then đàn tính và đặc biệt là học cách chế tác đàn tính. Quảng từng chia sẻ: Những năm em còn nhỏ, do các cơ sở làm đàn tính chưa nhiều như hiện nay nên tìm được một cây đàn tính vô cùng khó khăn và thậm chí là bất khả thi. Hồi đó em rất ao ước có một cây đàn tính nhưng lực bất tòng tâm. Lắm đêm nằm mơ thấy mình ôm cây đàn mà giật mình tỉnh dậy tiếc nuối vô cùng. Vậy là em quyết tâm học nghề làm đàn tính, trước là phục vụ cho mình và sau là phục vụ cho những ai có chung niềm đam mê.

Từ động lực đó, Quảng đã cật lực học tập, nghiên cứu và tự chế tác cho mình cây đàn tính đầu tiên vào năm lớp 11. Điều đặc biệt là cây đàn đầu tiên ấy có bầu cộng hưởng bằng gáo dừa chứ không phải là quả bầu khô. Những năm ấy, ở Bắc Sơn loại bầu nậm chuyên dùng để làm bộ phận cộng hưởng đàn tính đã bị thoái hoá giống nên đành phải dùng gáo dừa thay thế. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, Quảng lặn lội lên tận huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) và huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn) xin hạt giống bầu nậm về trồng tại vườn nhà để lấy nguồn bầu làm đàn.

Sau khi học xong THPT, với mong muốn có được kiến thức nền tảng cơ bản về âm nhạc chuyên nghiệp nên Quảng đã thi vào Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc. Tại môi trường mới này, Quảng đã được tiếp xúc với các thầy cô là những nghệ nhân, nghệ sỹ hát then có tiếng. Từ đây, hành trang nghệ thuật đã hoàn chỉnh và đủ chắp cánh cho Quảng tung bay trên bầu trời ước vọng của mình. Năm 2017 sau khi tốt nghiệp và trở về quê hương, Quảng vun xới lại mảnh vườn trồng bầu đã bỏ trống bấy lâu nay và tiếp tục lao động không ngừng để cho ra đời những cây đàn tính. Những năm đó khi mới quay lại nghề, những cây đàn tính do Quảng làm ra vẫn chưa thuyết phục được quần chúng nhân dân. Để khắc phục điều này, Quảng đã lên Cao Bằng thọ giáo các nghệ nhân chế tác đàn tính. Bằng sự miệt mài không ngừng, âm thanh do những cây đàn Quảng làm ra càng ngày càng đạt về chất lượng và bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường. Điều đặc biệt là Quảng rất đam mê những cây đàn tính cổ. Quảng luôn tâm niệm rằng: Âm thanh của những cây đàn tính cổ mới là tiếng tính thực sự của tâm hồn người Tày, Nùng.

Theo cố NNƯT Đường Thị Nhâm (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) thì tiếng tính cổ phải là tiếng đục và trầm (dân gian gọi là âm thổ) chứ không phải là tiếng thanh mảnh, cao vút như tiếng tính mới hiện nay. Những cây đàn tính cổ thường không cho âm lượng lớn mà chỉ vừa đủ nghe để khiến con người ta phải tập trung một cách thành kính, ngưỡng mộ. Tiếng tính là như vậy, không khoa trương, ồn ã mà cứ dìu dặt sâu lắng và từng bước đưa con người qua tất cả những cung bậc cảm xúc, trở về với Chân - Thiện - Mỹ. Để làm được cây đàn tính có âm thanh đục và trầm thì người chế tác vừa phải có tay nghề cao lại vừa phải có tâm và am hiểu âm nhạc của dân tộc. Được sự chỉ bảo nhiệt tình của các nghệ nhân và sự sáng tạo riêng của mình, Quảng đã chế tác thành công những cây đàn mang âm sắc cổ.

Một số mẫu đàn tính mô phỏng theo lối cổ trong xưởng chế tác

Ngoài phần âm thanh, Quảng cũng rất coi trọng việc chạm khắc những hoa văn, hoạ tiết trên đầu đàn theo những mẫu cổ. Ngoài ra, Dương Doãn Quảng còn có khả năng làm được những cây đàn tính có bầu cộng hưởng bằng đồng. Bầu cộng hưởng bằng đồng thực tế là những chiếc cơi đựng trầu. Nghệ nhân Dương Doãn Quảng có những cách xử lý riêng như gò lại và gắn thêm các lá đồng (lưỡi gà - chi tiết thường sử dụng trong chế tác sáo) vào bên trong để chiếc cơi trầu có thể thực hiện được chức năng âm nhạc. Việc Dương Doãn Quảng khôi phục lại đàn tính bầu đồng là một thành quả đáng ghi nhận cho sự kế thừa và nối tiếp những tinh hoa truyền thống của người Tày, Nùng. Theo các nghệ nhân thực hành then tâm linh thì cây đàn tính bầu đồng xưa là vật hiếm và sang trọng mà nghệ nhân nào cũng mong được sở hữu. Tuy nhiên, do nghề làm đàn tính bầu đồng đã bị thất truyền nên những cây đàn tính đặc biệt này đã vắng bóng trong các bản làng Tày, Nùng từ rất nhiều năm nay.

Vượt qua được những thử thách của nghề, những cây đàn tính do Dương Doãn Quảng chế tác hiện nay đã tạo được thế đứng vững chắc trong thị trường. Đàn tính của Quảng đã có mặt trên khắp mọi miền Tổ quốc từ Bắc đến Nam. Thậm chí, đàn tính thương hiệu Dương Doãn Quảng còn có mặt tại Quảng Đông, Quảng Tây, Bắc Kinh (Trung Quốc) và thủ đô Paris (Cộng hoà Pháp).

Các bộ phận để tạo nên một cây đàn tính

Nói về những chiếc đàn tính của Dương Doãn Quảng, NSND Triệu Thủy Tiên (Lạng Sơn) cho biết: “Tôi rất mừng vì thế hệ hậu sinh này lại có một người trẻ vừa có tri thức dân gian rất sâu sắc lại vừa có tay nghề chế tác tinh xảo. Những cây đàn do Dương Doãn Quảng làm ra vừa bảo đảm được âm sắc cổ truyền mà lại có cả những yếu tố cải tiến do chính bàn tay và khối óc của một người am hiểu nghệ thuật tạo nên. Tôi kỳ vọng vào những người trẻ đam mê và sẵn lòng nhận trách nhiệm lưu truyền, gìn giữ những nét đẹp truyền thống như vậy”.

Là một nghệ nhân thực hành then tâm linh lâu năm và cũng là người theo sát quá trình thực hành chế tác đàn tính của Quảng, NNƯT Nguyễn Văn Thọ (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) cũng chia sẻ: “Nhiều năm trong nghề, tôi đã sử dụng qua rất nhiều loại đàn tính của các cơ sở sản xuất đàn, trong đó không thể không kể đến đàn tính của anh Quảng ở huyện Bắc Sơn. Quảng rất khéo léo lựa chọn gỗ, bầu... tạo nên những cây đàn có tiếng rất hay, lúc trầm lúc bổng nghe mà say đắm lòng người. Đặc biệt đã khôi phục lại những cây đàn tính mang hình dáng và âm thanh cổ. Những đêm then do tôi thực hành, người dân đến nghe ai cũng khen tiếng đàn, ngón đàn của thầy rất hay. Đương nhiên ngoài kỹ thuật đánh đàn thì cái hay chính là chất lượng của những cây đàn. Những cây đàn của Quảng đã theo tiếng Then của tôi đi khắp mọi miền của Tổ quốc, ra cả nước ngoài”.

Niềm vui nhiều nhưng nỗi buồn và sự trăn trở cũng không kém, Quảng chia sẻ do khan hiếm về gỗ và bầu làm đàn nên số lượng đàn làm ra hàng tháng không được nhiều. Hơn nữa, một chiếc đàn làm ra không đem lại thu nhập bao nhiêu so với số tiền đầu tư vào nhà xưởng nên cũng gây khó khăn cho Quảng khi cần nâng cấp phương tiện phục vụ nghề. Đặc biệt, do đại dịch Covid mấy năm gần đây diễn biến căng thẳng nên số lượng đàn bán ra thị trường của Quảng đang chững lại. Tuy nhiều khó khăn là vậy nhưng nhắc tới hát then, đàn tính ánh mắt Quảng luôn sáng lên và luôn khẳng định: Em sẽ làm đàn cho đến khi không còn làm được nữa.

Bên cửa sổ nhà sàn, Quảng cầm đàn đắm say và mê mải cất lên điệu then Tò mạy của quê hương. Những thanh âm cứ dập dìu bay theo những cánh hoa lê trắng muốt cùng hương lúa đang thì con gái.

Người Tày mình khi nói yêu nhau

Sắt son như ánh trăng lung linh giữa rừng

Người Tày mình chan chứa yêu thương

Thuỷ chung như dòng suối trong lành.

Nguyễn Văn Bách

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy