Đi tìm tiên nữ Soọng cô
Ký. Trần Bình Dưỡng
1. Dân tộc Sán Dìu định cư trải dài năm tỉnh từ Quảng Ninh đến Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang cùng với một số ít ở các tỉnh thành khắp cả nước. Trong nhiều năm qua các học giả và những nhà nghiên cứu văn hóa đã từng phân tích hai chữ Sán Dìu nghĩa là gì, thuộc hệ tộc nào… Nhưng cuối cùng thì Sán Dìu vẫn là Sán Dìu đó thôi.
Do đặc điểm sớm định canh, định cư ở các vùng rừng núi, dân tộc Sán Dìu đã giỏi về khai hoang làm rẫy từ lâu đời, biết giải phóng sức lao động bằng chiếc xe quệt do con trâu kéo đi được trên mọi loại đường rừng, biết nâng cao năng suất bằng chiếc hái gặt lúa uốn hình chữ S và người thanh niên đi cày không phải cuốc góc… Và sau cả ngàn năm tồn tại, người Sán Dìu còn sáng tạo được một kho tàng văn hóa dân gian của mình từ tiếng nói, chữ viết đến trang phục ẩm thực và các phong tục tập quán tốt đẹp như cưới xin, soọng cô, thờ cúng và các lễ hội khai triều đại phan, trong đấy Soọng cô đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2015.
Vậy Soọng cô đã có tự bao giờ? Nó có từ khi dân tộc Sán Dìu ra đời. Tương truyền rằng ngày xửa ngày xưa có một người con gái vô cùng xinh đẹp và dịu dàng không biết từ đâu tới, ngày ngày gắn bó với các bạn thanh niên của dân tộc, cô làm ra bài hát và dạy mọi người cùng hát. Tiếng hát của người con gái ấy thật mượt mà thắm thiết, nó bay cao bay xa từ làng này qua làng khác, từ núi này qua núi nọ, lời ca của cô cũng nặng nghĩa nặng tình, nó biết bộc bạch sự thổn thức của trái tim các lứa tuổi thanh xuân khi đến thì giao duyên kết bạn, biết khuyến khích lũ con trai con gái hay làm, hay hát và hát theo. Rồi không bao lâu tất cả các vùng dân tộc người Sán Dìu đều biết hát, thanh niên nam nữ dùng tiếng hát của mình để giao duyên tìm hiểu rồi họ nên vợ nên chồng, sinh con đẻ cái làm cho cộng đồng ngày một đông đúc. Khi các bài hát đã gắn bó với từng nhà, từng làng xóm gần xa thì người con gái nọ cũng biến mất không để lại tin tức gì. Người Sán Dìu chưa ai kịp hỏi tên cô gái, chỉ biết cô họ Lưu nên người người cùng gọi cô là Lưu Tiên Muội (Nàng tiên họ Lưu).
Khi tôi lên chín, lên mười thì đã biết các anh chị tôi vẫn thường xuyên đi hát và tập trung đâu đó học hát. Thủa ấy tôi chưa biết gì về ý nghĩa các lời ca điệu hát nhưng cũng vẫn thường ngồi nghe các anh chị và nghe người già truyền dạy. Một hôm sau buổi các anh chị học hát, tan cuộc tôi buột miệng hỏi mẹ ai làm ra bài hát thì mẹ bảo đó là Lưu Tiên Muội đấy. Tôi lại hỏi: Thế bây giờ Lưu Tiên Muội đã thành tiên thì có ai làm tiếp không? - Mẹ nhìn tôi trìu mến rồi bảo - Đời nào cũng có Lưu Tiên Muội nhưng muốn gặp được cô ấy phải học hết các bài hát của dân tộc và đi hát khắp các làng xóm người Sán Dìu. Qua lời mẹ tôi đã từng mơ có một ngày nào đó tôi cũng biết hát như các anh chị và sẽ đi hát khắp nơi để tìm gặp cô tiên nữ làm ra bài hát lay động lòng người như mọi người vẫn kể.
2. Ước mơ của tôi chưa kịp thực hiện thì đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tôi hòa mình vào với thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, mang theo bên mình những bài hát Soọng cô mới học đươc cùng với hình ảnh, tiếng hát của các bạn trai gái lên đường ra mặt trận. Thủa ấy tôi chưa biết yêu nên lúc lên đường chưa có đôi mắt nào bịn rịn đưa tiễn, chứ các bạn tôi thì nhiều người nhận được vật kỷ niệm đưa tiễn lắm, phần lớn là khăn mùi xoa và sổ tay ghi những dòng lưu niệm. Trong những dòng lưu niệm có cả những bài hát Soọng cô mang nặng tâm tư hẹn hò chờ đợi.
Sau ba tháng huấn luyện tân binh, chúng tôi hành quân vào chiến trường, những trận chiến cam go khốc liệt bắt đầu. Và từ đấy chúng tôi bắt tay vào những chiến dịch lớn nhỏ quần thảo với quân địch từ ngày này qua tháng nọ, năm này đến năm kia, họa hoằn lắm mới có được đôi ngày yên tĩnh sau một chiến dịch thắng lợi... Còn nhớ sau chiến dịch dài ngày trên đường 14 tôi đã có dịp gặp được hai chiến sĩ người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc. Hôm ấy chúng tôi được nghỉ cả ngày để lấy sức chuẩn bị chuyển hướng chiến trường, tôi đến bên hai chiến sĩ mới được bổ sung cho đơn vị hỏi chuyện thì các anh kể: Chúng em quê Vĩnh Phúc nhưng nhập ngũ rồi huấn luyện ở 304b đóng quân trên đất Thái Nguyên, chúng em đã có dịp vào làng của đồng bào Sán Dìu thuộc huyện Đồng Hỷ và quen nhiều người ở đấy cả người lớn tuổi và các bạn thanh niên. Một hôm mấy bạn nữ trong làng rủ chúng em Soọng cô, chúng em muốn lắm nhưng không dám hỏi chỉ huy, ba tháng trôi qua trong sự tiếc nuối có lẽ ngày chiến thắng có về lại các bạn ấy cũng đã chồng con rồi anh nhỉ.
Tôi không biết trả lời hai bạn như thế nào bởi chính tôi cũng có cùng tâm trạng, cũng ra đi từ một miền quê mà ở đấy tôi đã theo chân các anh các chị đi hát những buổi chập chững vào đời, tôi cũng mang theo mơ ước đi tìm tiên nữ hát Soọng cô và bao nhiêu hình ảnh làng quê qua từng câu hát. Trong buổi gặp gỡ hiếm hoi ấy, Minh - một trong hai bạn - còn kể với tôi rằng buổi hành quân dã ngoại cuối cùng cũng là ngày lên đường đi chiến trường, đơn vị đã đi qua làng Đồng Lâm, các bạn thanh niên có mang nước ra mời đơn vị và các em hát bài hát mời nước và hát các bài giao duyên hẹn hò, chúng em xúc động lắm vì biết đây có thể là lần cuối cùng chúng em được nghe hát nhưng không ai dám thổ lộ. Sau này vào chiến trường rồi em có gửi một lá thư cảm ơn về cho cô Tư họ Trương, cô ấy nhận thư và đã trả lời kèm theo một bài hát của dân tộc nữa, em vẫn giữ lá thư ấy trong ba lô và thầm hứa rằng nhất định sẽ trở về để đến thăm lại làng xóm người Sán Dìu ở Đồng Hỷ và các bạn nơi em đã đóng quân năm xưa. Nhưng rồi những trận chiến đấu lại diễn ra liên tiếp, em đã không có dịp gặp lại hai bạn ở nơi chiến trường. Thật không thể ngờ rằng hai anh bộ đội và cô Tư nọ lại là những lứa thanh niên cuối cùng biết hát và đã từng hát Soọng cô. Giặc Mỹ xâm lược đã bẻ gãy dòng chảy của một di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc vốn có từ ngàn năm dồn về.
Phải đến cuối thập niên đầu của thế kỷ 21 dưới ánh sáng đường lối của Đảng, nhiều chủ trương chính sách về văn hóa ra đời thì người Sán Dìu mới từng bước tìm lại, phục dựng các làn điệu ca hát và lề lối Soọng cô của mình. Việc ấy không ít khó khăn bởi phong tục ca hát của họ đã gián đoạn bốn mươi năm rồi, những thanh niên biết hát năm xưa đã lên tuổi ông bà, những lời ca làm say đắm lòng người đã đi vào dĩ vãng, nhớ lại đã khó, vực dậy được còn khó hơn nhiều. Nhưng họ đã làm được. Những người tiên phong trong công cuộc này có thể kể tên của họ trong từng vùng miền trên đất Thái Nguyên như ông Diệp Minh Tài ở Tam Thái (thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ), bà Miêu Thị Nguyệt, ông Trịnh Thông ở Na Quán (xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ), ông Đặng Thanh Bình ở Thanh Trà (xã Sơn Cẩm, thành phố Thái Nguyên), ông Ôn Đại Quý ông Hoàng Trọng Quý ở Phúc Thuận (thành phố Phổ Yên). Tất cả họ đã ở tuổi ngoài bảy mươi nhưng tuổi tác không ngăn được tình yêu và lòng đam mê của họ. Họ đã làm sống lại một di sản, thu hút hàng trăm người tham gia. Công lao của họ đã được đền đáp, ông Diệp Minh Tài rồi ông Hoàng Trọng Quý cũng đã được tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Tiếng hát Soọng cô của huyện Đồng Hỷ được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong tỉnh Thái Nguyên này đã có đến hai mươi Câu lạc bộ Soọng cô ra đời và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã cho phép thành lập Hội Bảo vệ và Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu của tỉnh.
3. Tôi lại được đi hát sau năm mươi năm đứt đoạn, lại bắt đầu từ cây bút và những trang giấy học trò để ghi lại những bài hát còn nhớ được hoặc được dịch ra từ những cuốn sách chữ nho cũ kỹ. Chúng tôi truyền cho nhau từng câu hát, giọng hát rồi tập lại trình tự lề lối của mỗi canh hát, chiếu hát. Chúng tôi khâm phục sự tài ba tinh túy của người xưa bởi mỗi bài hát chỉ có bốn câu mà nói được bao điều trong tâm tư tình cảm của người hát và cha ông chúng tôi đã để lại hàng trăm, hàng ngàn bài hát như thế để người hát có thể hát một đêm thậm chí hai, ba đêm mà không hết. Hiện tại người hát đều đã lớn tuổi, chúng tôi đi hát là để bảo tồn lại vốn văn hóa của dân tộc nhưng mỗi lần ngồi vào chiếu hát vẫn không khỏi hồi hộp rung cảm và mỗi buổi hát về dư âm của lời ca giọng hát của bạn hát còn theo đuổi lâu ngày mới nguôi ngoai, bởi Soọng cô là sự kết hợp giữa lời ca, giọng hát và sắc thái ánh mắt của người hát nó da diết lắm, cuốn hút lắm, nó đủ sức làm cho bao lứa gái trai nên vợ nên chồng, đủ sức làm cho cả một dân tộc gắn bó đoàn kết để sinh tồn và phát triển.
Ở câu lạc bộ nơi tôi sinh hoạt có một em gái tên Năm, em là người nhỏ tuổi nhất trong câu lạc bộ. Tuy em vào câu lạc bộ sau nhưng đam mê và hát giỏi lắm, em đã cùng chúng tôi đi giao lưu nhiều nơi từ Tuyên Quang đến Quảng Ninh. Nhưng vừa rồi do hoàn cảnh gia đình, em đã đi lao động ở nước ngoài. Ở tận nơi xa xôi thế nhưng hàng tháng em vẫn điện về cho tôi và lần nào cũng hỏi về hoạt động của câu lạc bộ rồi đề nghị tôi hát cho em nghe một bài cho đỡ nhớ quê hương. Có mấy bạn vào định cư trong miền Nam cũng đề nghị mỗi lần đi giao lưu nhớ phát lên sóng để các bạn cùng thưởng thức. Tôi đi hát với bạn dần dà rồi nhiều bài hát xưa được nhớ lại và ghi chép hoàn hảo. Những người biết nhiều bài hát có khả năng ứng tác rất nhanh nhưng những bài hát cổ được lưu truyền qua nhiều thế hệ vẫn hay hơn, chạm đến lòng người nhiều hơn. Một lần ngồi hát với hai bạn người ở làng Thanh Chử thuộc thành phố Thái Nguyên, hai bạn có giọng ca hay mà bài hát của các bạn cũng hay. Chúng tôi vào canh hát từ những bài chào hỏi, mời nước mời trà rồi mới đến các bài hát giao duyên. Khác với nhiều đôi hát khác, hai bạn không hát những bài duyên tình gắn kết mà hát nhiều về làng quê, về tình người. Mãi đến gần cuối canh hát như là để ướm hỏi, như là tự tình hai bạn mới cất lời bài hát có chút huê tình:
Em vào rừng đốn khúc tương tư
Mang về đan chiếc sọt đam mê
Em mang sọt vào rừng hái lá
Lá tương tư theo bước em về.
Bài ca có cái gì đó rất thơ. Tôi không vội nghĩ bài hát đáp lời mà dừng câu hát lại hỏi chuyện vì nghe bài hát tôi biết bạn hát là người đã từng trải trong các hoạt động ca hát của dân tộc. Tôi hỏi về quê quán và quá trình tham gia ca hát, bạn ý kể rằng: Quê em xóm Đồng Lâm xã Tân Lợi… Mới nghe thế trong ký ức của tôi vụt nhớ về câu chuyện ở chiến trường năm xưa nên tôi hỏi tiếp: Có phải em đã hát tiễn các anh bộ đội năm ấy và gửi thư có bài hát cho các anh ở chiến trường, em tên là Tư. Thế là canh hát tạm dừng, Tư kể với tôi rằng hai anh bộ đội nọ đã chiến thắng và trở về. Tư đã gặp lại hai anh trong lần đi giao lưu bên Vĩnh Phúc, các anh nói lời cảm ơn, lá thư có bài hát của em nó linh thiêng nên các anh đã chiến đấu và chiến thắng.
Sau lần hát với các bạn Thanh Chử thì ý nghĩ tìm gặp cô tiên nữ trong tôi lại trỗi dậy. Tôi tiếp tục đi hát và để tìm người hát. Một lần câu lạc bộ Vạn Phú, Thành Công, Phổ Yên đón khách và ngỏ ý mời tôi cùng hát, tôi nhận lời rồi cùng một bạn trai khác đến tham dự và cặp hát tiếp chúng tôi là cặp hát quen thuộc ở xóm Cầu Gai, Nam Hòa, Đồng Hỷ. Chúng tôi đã có dịp hát với các bạn này một lần ấn tượng còn lại rất tốt, lâu nay tôi vẫn mong gặp lại cặp hát vì các bạn ấy hát hay và lời ca cũng rất đẹp.
Vẫn như thường lệ, mở đầu canh hát là màn hát chào hỏi và chúc tụng làng xóm chủ nhà, mời trầu mời nước rồi mới hát giao duyên. Chúng tôi đã bị cuốn vào lối hát của khách bởi ngay những bài hát đầu của phần giao duyên, người hát thật khéo và giỏi sáng tác lời ca, họ biết sắp xếp bố cục cho canh hát từ mở đầu đến kết thúc một cách hoàn hảo. Vào cuộc hát những bài hát cứ thế kể chuyện và bộc bạch về tâm tư nỗi niềm, và rằng: Chúng mình có duyên gặp gỡ, rằng anh như Lương Sơn Bá em như Chúc Anh Đài, rằng anh là con chim con cá em là bến nước rừng cây, là hoa là cành… Còn nhớ khi nói về mình các bạn ấy hát:
Em là sen cấy dưới bùn sâu
Hoa sen nênh nổi làm đẹp cho nhau
Ai muốn tìm hoa để lòng gắng đợi
Đừng lo sen sớm chóng phai màu.
Và khi hát về quê hương làng xóm:
Ơi rừng xanh, cây cao, cành cong
Hoa mùa xuân trải rợp chốn đầu non
Khách đường xa ngắm nhìn xao xuyến quá
Giục trăm sông ngàn núi quây quần.
Cứ như thế, khách ra bài hát trước, chủ tìm câu đáp sau. Tôi đã lạc vào chốn mê cung của lời ca giọng hát cho đến khi người hát chuyển sang chủ đề bốn mùa bằng bài hát tháng Giêng.
Tháng Giêng ơi
Cổ thụ đâm chồi cỏ sinh sôi
Gốc cũ ve sầu chờ hóa nhộng
Người trâu cày ruộng hét tung trời.
Tôi chợt nghĩ có lẽ người tôi vẫn tìm đây rồi. Em là Hai ở xóm Cầu Gai xã Nam Hòa. Em đã kế thừa được tinh hoa ca hát của dân tộc. Năm nay Hai không còn trẻ, em đang đi tìm truyền nhân. Ai chưa từng một lần hát với em hãy tìm về nơi đây, tìm về cái nôi của người Sán Dìu ở tỉnh Thái Nguyên này.
Buổi hát kết thúc, tôi trở thành người mộng mị tương tư với những bài hát và giọng người hát. Tôi ước ao sẽ lại có ngày gặp lại bạn hát. Tôi ước ao có ngày những bóng dáng của các thiếu nữ dân tộc Sán Dìu váy áo chàm được hát múa trên các điểm đến của những tua du lịch trên đất Thái Nguyên này để các bài hát Soọng cô mãi mãi trường tồn và bay cao bay xa.
Tôi mơ ước…
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...