Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
16:02 (GMT +7)

Để đời vơi bớt những giọt nước mắt xót xa

VNTN - Khi đặt bút viết lên những dòng này tôi chợt hỏi: Cuộc sống có màu gì và tình yêu mang màu gì? Tôi muốn nói một điều gì đó về chị, về người phụ nữ khoác trên mình màu áo trắng blouse - bác sĩ Đặng Thị Mai Anh. Chị là một bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu nghị lực và có một tấm lòng vô cùng nhân hậu.


Giấc mơ khoác áo blouse

 

“Gần 30 năm làm nghề, tôi luôn tâm niệm, sức khỏe bệnh nhân là trên hết. Nhiều lần phải chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân, tôi thấy lòng mình đau đớn. Người thầy thuốc phải mang trong mình chữ “Tâm” thì mới có thể thấu hiểu và chia sẻ được với nỗi đau của người bệnh”. Đó là nỗi đau đáu của bác sĩ chuyên khoa I, Đặng Thị Mai Anh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện A, tỉnh Thái Nguyên.

Sinh năm 1964, lớn lên trên vùng quê miền núi Tĩnh Túc - Cao Bằng vô cùng khó khăn, song bác sĩ Mai Anh luôn có một nghị lực phi thường. Từ bé đi học thấy nhiều người bị ốm nặng, nghèo khổ nên cô gái dân tộc Tày Mai Anh đã ước mơ làm bác sĩ với bao hoài bão và lý tưởng cao đẹp.

Chăm chỉ học tập, năm 1981 chị thi đỗ vào trường Đại học Y Bắc Thái (nay là Đại học Y - Dược Thái Nguyên). Trong suốt những năm học đại học, dù cuộc sống thời đó vô vàn vất vả, nhưng chị luôn đạt kết quả học tập cao. Năm thứ tư đại học, chị lựa chọn chuyên khoa nhi và được nhà trường đưa về học tập 2 năm tại Đại học Y Hà Nội và thực tập tại Bệnh viện Nhi Thuỵ Điển (nay là Bệnh viện Nhi Trung ương).

Năm 1987, tốt nghiệp đại học chị về công tác tại Bệnh viện A, tỉnh Thái Nguyên và được cử đi học chuyên khoa I về chuyên ngành nhi khoa. 12 năm gắn bó với chuyên ngành nhi khoa, do khoa Hồi sức cấp cứu thiếu người nên chị được bệnh viện phân công đảm nhiệm trực cả khoa Nhi và khoa Hồi sức cấp cứu, sau đó chị được cử đi học nhiều khóa đào tạo về chuyên ngành hồi sức cấp cứu cả trong và ngoài nước.

Bác sĩ Đặng Thị Mai Anh (ngồi giữa) trong một cuộc giao ban

Ngoài công tác điều trị, chị cùng với các đồng nghiệp của mình không ngừng học hỏi, nâng cao chuyên môn. Những ứng dụng lâm sàng như viêm phổi thở máy và rút ra kinh nghiệm để phòng ngừa hay tình trạng thiếu máu ở bệnh nhân lọc máu do suy thận mạn, rút ra những liệu pháp, liệu trình điều trị phù hợp trên từng bệnh nhân để khoa triển khai rộng rãi. Khoa chị đang nghiên cứu và trong năm tới triển khai kỹ thuật mới như kỹ thuật lọc máu liên tục, điều trị tiêu sợi huyết cho bệnh nhân nhồi máu não; triển khai lọc máu hấp thụ bằng quả lọc resin cho bệnh nhân bị ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat... Chị cùng với tập thể khoa Hồi sức cấp cứu đã đạt được nhiều thành tích trong công tác khám, chữa bệnh. Bản thân chị cũng được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của bệnh viện, của ngành, của tỉnh... được bệnh nhân tin tưởng, đồng nghiệp quý mến.

Dược sĩ Nguyễn Thị Mến, Trưởng khoa Dược của bệnh viện, người về viện công tác cùng bác sĩ Mai Anh,nhận xét: bác sĩ Mai Anh có tay nghề giỏi, tận tụy với công việc, không ngại khó, ngại khổ, luôn luôn tiên phong trong các hoạt động chuyên môn, nhiệt tình với đồng nghiệp, bệnh nhân.

Bệnh nhân là trên hết

Khoa Hồi sức cấp cứu là khoa "đầu sóng ngọn gió" của bệnh viện, bệnh nhân đông và lao động ở đây là lao động đặc thù vì luôn phải giành giật sự sống cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Ngoài cường độ công việc lớn, áp lực cao các bác sĩ Hồi sức cấp cứu còn phải đối diện với nhiều nguy cơ lây nhiễm. Nhiều khi cấp cứu cho bệnh nhân còn bị dao cứa, kim đâm qua găng, có nguy cơ nhiễm HIV. Ngay cả việc chỉ khám bệnh cũng có khả năng lây nhiễm HIV, do phải tiếp xúc với dịch tiết.  Và còn nhiều bệnh nguy hiểm khác cũng khiến các nhân viên có nguy cơ lây nhiễm như viêm gan C, viêm gan B, bệnh lao...

Trong những năm tháng làm nghề, chị cùng với đồng nghiệp đã xử lý được rất nhiều ca bệnh khó, cứu sống được người bệnh qua cơn hiểm nghèo, khỏe mạnh trở lại với đời thường. Chị vẫn nhớ như in về một trường hợp cách đây đã 10 năm khi khoa chị tiếp nhận một bệnh nhân nữ vào cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch. Nửa đêm, trời mưa to tiếng chuông điện thoại nhà chị vang lên, đầu dây bên kia báo “Chị ơi, vào cứu bệnh nhân, chúng em sợ không qua khỏi…”. Chị bật dậy, quàng áo mưa, đi xe máy với tốc độ rất nhanh vào bệnh viện, thông thường chị đi từ nhà đến bệnh viện là 20 phút, nhưng đêm ấy chị đã đi với thời gian 7 phút. Dựng xe ở ngay cổng bệnh viện, chạy một mạch vào khoa. Bệnh nhân nữ cao tuổi đang bị đột quỵ, suy hô hấp nặng, nguy cơ tử vong rất cao. Dốc hết sức lực, chị cùng với kíp trực cho bệnh nhân làm các xét nghiệm cận lâm sàng và tiến hành hội chẩn, đưa ra chỉ định nhanh và kịp thời. Bệnh nhân được khai thông đường thở, đặt nội khí quản và kiểm soát thông khí. Đến khi người bệnh hồi tỉnh, tất cả mới thở phào nhẹ nhõm và khi đó cũng là một ngày làm việc mới. Lúc này, chị mới nhớ ra chiếc xe ở ngoài cổng bệnh viện. Rất may là xe đã được bảo vệ cất vào nhà xe giúp chị từ đêm, vì biết chị có ca cấp cứu. Bệnh nhân qua cơn nguy kịch, không phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên, sau ra viện hoàn toàn khoẻ mạnh và gửi lời cảm ơn tới chị cùng toàn thể y, bác sĩ bệnh viện.

 Có thời kỳ, chị phải phẫu thuật đốt sống, phải mang đai cố định cột sống, sau khi ra viện được nghỉ chế độ ở nhà để điều trị, nhưng chị vẫn đi làm, tham gia trực với đồng nghiệp. Chị bảo: “Ngày nào không được gặp và điều trị cho bệnh nhân, tôi cảm thấy cuộc sống rất thiếu ý nghĩa. Mình ốm nhưng chưa thấm vào đâu so với những bệnh nhân đang nằm ở đây. Họ bị nặng và đau đớn hơn mình rất nhiều. Điều trị và chia sẻ nỗi đau với bệnh nhân là cách giúp người bệnh lạc quan hơn và chính mình cũng quên đi nỗi đau bệnh tật”.

 

Làm bác sĩ, chị tận mắt chứng kiến nhiều hoàn cảnh éo le, bệnh nhân ở miền núi gia đình đã nghèo, lại xa xôi nên khi vào viện là bệnh đã rất nặng. Một số những bệnh nhân phải nằm viện dài ngày, bệnh nặng, biến chứng, chị cố gắng tìm mọi cách để xin miễn giảm viện phí cho họ. Có trường hợp như bệnh nhân bị uốn ván toàn thể, nặng độ 4, nằm viện trong tình trạng thở máy, co giật. Sau đợt điều trị, bệnh nhân ra viện khỏe mạnh. Chị vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm và động viên. Một trong những bệnh nhân có thời gian nằm viện lâu dài, bệnh nặng, được chị điều trị ổn định là bệnh nhân Long Thị Tú Quyên, 40 tuổi, trú tại phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên. Chị Quyên chạy thận nhân tạo tại bệnh viện đến nay đã 9 năm. Năm 2012, chị phát hiện bị u xơ tử cung, mất máu nhiều, không cầm được máu, chân tay phù nề. Gia đình đưa chị xuống bệnh viện Bạch Mai, nhưng tình trạng của chị quá nặng, bệnh viện khuyên gia đình đưa chị về nhà. Gia đình tuyệt vọng, cả nhà ôm nhau khóc và đưa chị Quyên về. Khi biết tình hình của chị Quyên, bác sĩ Mai Anh đã động viên gia đình hết sức bình tĩnh, đưa chị Quyên trở lại viện A. Chị xin ý kiến ban giám đốc, bệnh viện đã hội chẩn nhanh, mời các bác sĩ giỏi nhất của viện phẫu thuật cho chị Quyên. Ca mổ diễn ra trong sự hồi hộp, lo âu vì sơ suất sẽ nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Ca mổ thành công tốt đẹp, chị Quyên sau đó được đưa về nằm tại khoa Hồi sức cấp cứu. Trong suốt 7 tháng nằm một chỗ, đến khi vận động được trở lại, chị phải tập đi những bước đầu tiên giống như một đứa trẻ. Vì bệnh chị rất nặng nên thời gian điều trị dài, huy động các loại máy móc hiện đại nhất, sử dụng các loại thuốc tốt nhất nên chi phí điều trị lên cao, vượt trần bảo hiểm. Bác sĩ Mai Anh cùng các y, bác sĩ trong bệnh viện đã tạo những điều kiện tốt nhất, hỗ trợ miễn giảm các chi phí một cách tối đa, kêu gọi từ thiện giúp đỡ chị Quyên.

Kể lại chuyện này chị Quyên đã không khỏi xúc động: “Tôi và gia đình tôi mang ơn bác sĩ Mai Anh và các y, bác sĩ ở bệnh viện A suốt đời. Nếu không có họ, có lẽ tôi không sống được đến hôm nay. Họ thương tôi như người thân và thực sự là những người thầy thuốc đúng với câu thầy thuốc như mẹ hiền”.

Gia đình - điểm tựa vững vàng

 Là một người thầy thuốc, công việc bận rộn thường xuyên, nhưng chị luôn sắp xếp hợp lý để vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong bệnh viện, hoàn thành tốt việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Gia đình chị có hai cháu, một trai, một gái, cả hai cháu đều chăm ngoan, học giỏi. Một kỷ niệm chị cũng không thể quên khi nói đến con mình, chị kể, lúc con trai chị còn nhỏ, một buổi sáng trời mưa to, chị đang cấp cứu cho một bệnh nhi 5 tuổi bị đuối nước, trong tình trạng rất nặng. Sau ca cấp cứu, bệnh nhân qua được cơn nguy kịch, vừa tháo găng tay ra, thì chị nhận được điện thoại từ chồng: “Em bình tĩnh nhé! Con ngã xuống cống thoát nước, nhưng không sao đâu”. Chị biết anh nói vậy để chị không lo lắng. Chị bàn giao công việc cho đồng nghiệp, chạy xe nhanh về nhà, lúc này con chị đã được người dân vớt lên và đang sơ cứu. Sau đó chị và mọi người mới chở con vào viện. Giờ hai con chị đã lớn hơn, chồng chị và hai con luôn chia sẻ, cảm thông với chị về sự vất vả của công việc y tế, tạo mọi thuận lợi để chị yên tâm công tác.

Làm bác sĩ bận hơn con mọn, nhiều hôm lỡ hẹn về ăn cơm với gia đình hoặc đưa con đi chơi, mua sách vở… vì có bệnh nhân cấp cứu. Những lúc ấy, chị thấy có lỗi với gia đình. Chị nói: “Gia đình là bệ đỡ tinh thần tuyệt vời nhất của tôi, dù mệt mỏi đến đâu, nhưng mỗi khi về đến nhà, cả nhà quây quần vui vẻ thì bao sự mệt mỏi đều tan biến”.

Cuộc đời làm nghề y, 9 năm làm trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, thường xuyên phải giành giật từng giây sự sống cho bệnh nhân, chị thực sự là bác sĩ bản lĩnh có lòng yêu người, yêu nghề không nguôi. Ngoài kia người ta vẫn chỉ trích, lên án nghề y. Họ đâu hiểu rằng đằng sau những gương mặt tưởng như lạnh lùng là một tâm hồn rất mênh mông của tình người, tình đời. Họ dũng cảm hy sinh tình riêng, tuổi trẻ, thậm chí cả gia đình để tất cả vì bệnh nhân thân yêu.

Mong cho lý tưởng nghề nghiệp không bao giờ lụi tắt trong chị để có thể xoa dịu niềm đau cho các bệnh nhân, để đời vơi bớt những giọt nước mắt xót xa.

Trần Huệ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước