Đất Mẹ cho ta tất cả
VNTN - Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, một Việt Nam hòa bình, thống nhất, trên đường hội nhập, hòa hợp, phát triển luôn thuộc về trái tim của tất cả người dân Việt dù sống ở bất kỳ nơi nào trên trái đất này. Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi, lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là phát ngôn mang tính chân lý tư tưởng của người dân Việt Nam về một đất nước toàn vẹn và thống nhất.
Tháng 5 năm 2016, đúng lễ 50 ngày của cố nghệ sĩ Đào Thanh Tùng, đạo diễn Nguyễn Sỹ Bằng mời tôi đọc kịch bản “Một đất mẹ cho tất cả” và tham gia dự án làm phim. Qua trao đổi, đạo diễn chia sẻ: đây là tâm huyết anh Tùng để lại và anh muốn thực hiện những gì mà nghệ sĩ Đào Thanh Tùng còn dang dở để tri ân người đã một đời cống hiến cho sự nghiệp điện ảnh tài liệu Việt Nam.
Trong suốt mấy đêm, ngồi đọc từng dòng kịch bản, tôi nhận ra đau đáu trong trái tim nghệ sĩ là khát vọng dùng nghệ thuật điện ảnh để góp một phần vào sự nghiệp hòa hợp dân tộc - thu trọn về trong “Một đất mẹ cho tất cả”.
Tôi cũng hình dung ra những khó khăn của các bạn làm phim khi thực hiện nội dung mà nghệ sĩ Đào Thanh Tùng đã xây dựng. Đó là cả một câu chuyện của gần 50 năm được gói lại trong chừng 10 trang bản thảo - một thách thức lớn bởi giữa người sáng tác và chúng tôi là khoảng cách hai thế hệ, hơn nữa rất nhiều nhân vật trong kịch bản cũng không còn hoặc đang bệnh trọng. Nhưng chúng tôi đã xác định rõ; sẽ cố gắng làm sáng tỏ ý đồ nghệ thuật của người nghệ sĩ bằng tất cả khả năng đang có.
Điểm khởi đầu của bộ phim là mảnh đất Vĩnh Linh, chúng tôi đã đứng trên cầu Hiền Lương, giữa vạch phân chia thân cầu thành hai nửa trong quá khứ, lằn ranh nhỏ bé mà hai mươi năm chia cắt núi sông lòng người - cúi nhìn dòng sông Bến Hải thao thiết chảy ra biển cả. Tự hỏi những người xưa ca câu hò trên bến Hiền Lương giờ còn hay mất. Hơn bốn mươi năm, miền đất “trắng khăn tang tàn lụi cỏ cây” giờ đây hai bờ xanh một màu tre trúc và ngô lúa. Không còn sót chút nào về tang tóc đau thương. Con người Vĩnh Linh bình dị mà anh hùng đã làm thay đổi hoàn toàn “vùng đất lửa” này, biến nó thành một vùng trù phú xanh tươi bờ xôi ruộng mật và cuộc sống thanh bình trên khắp các thôn làng ngõ xóm.
Từ cây cầu huyền thoại, chúng tôi bắt đầu đi tìm nhân vật, trong hành trình này, thật may mắn, chúng tôi được gặp Đại tá Nguyễn Thanh Hà - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng - tỉnh Quảng Trị - người đã gắn gắn bó với cầu Hiền Lương, sông Bến Hải từ những năm 50 của thế kỉ trước, được nghe ông kể chuyện những ngày đấu tranh ở các đồn Liên hợp Cửa Tùng, Hiền Lương...
Toàn cảnh đôi bờ Hiền Lương
Những dòng ký ức về đồng đội, đồng chí, về những kỉ niệm một thời chiến tranh ào ạt tuôn trào qua lời kể của ông khiến cho chúng tôi không thể tin rằng những chuyện đó đã xảy ra cách nay gần tròn nửa thế kỉ. Đằng sau những câu chuyện của ông, chúng tôi cảm nhận sâu sắc về một con người đã vào sinh ra tử, hiểu được giá trị của hòa bình và thống nhất đã phải trả bằng máu và nước mắt của bao nhiêu con người Việt Nam trong chiến tranh.
Chúng tôi cũng đã gặp vợ chồng ông bà Lê Viết Trinh - Hoàng Thị Thiểm bên bờ Nam là bạn chiến đấu của Đại tá Nguyễn Thanh Hà họ là những người hoạt động bí mật trong lòng địch, là cửa ngõ liên lạc với bờ Bắc của bao nhiêu cơ sở cách mạng bờ Nam. Giờ đây ông bà vẫn sống bên bờ sông Bến Hải. Tôi đã cùng họ đi lại trên bờ sông, tìm lại vị trí hộp thư bí mật ngày xưa họ dùng liên lạc với bờ Bắc, nghe họ kể lại những chuyện đấu tranh trong lòng địch của bà con. Từ những câu chuyện của họ, tôi nhận ra, tình yêu mãnh liệt họ dành cho đất nước quê hương thật giản dị mà lớn lao cao cả. Đó là ước mong cho hòa bình trở lại, đất nước thống nhất, Nam Bắc một nhà. Nhưng phải gần hai chục năm sau, điều họ ước mong mới thành sự thật.
Một nhân vật đặc biệt mà chúng tôi đã gặp và phỏng vấn rất nhiều trường đoạn đó là nhà văn Xuân Đức - người đắm mình với bao sáng tạo nghệ thuật về khát vọng thống nhất - nghe ông kể chuyện Ngày hội non sông bên bờ Bến Hải, rồi câu chuyện về Cụm Tượng đài bên Bờ Nam... Những câu chuyện cho thấy tâm thế của cả một thời đoạn lịch sử và những mong ước của người làm văn hóa - hòa hợp tất cả trong một hình hài Đất Mẹ để hàn gắn mọi vết thương chiến tranh, thống nhất non sông, thống nhất triệu triệu tấm lòng.
Bà Tư Bê
Trong hành trình đó, chúng tôi được các cán bộ Bảo tàng Quảng Trị cung cấp địa chỉ một số nhân vật từng là cựu binh Việt Nam cộng hòa. Chúng tôi đã đi khắp Dốc Miếu, Triệu Phong, Sông Thạch Hãn... gặp rất nhiều binh sĩ thời Việt Nam cộng hòa, họ cùng con cháu đã và đang sống cuộc đời hạnh phúc bình yên trên chính mảnh đất năm xưa là tuyến lửa ngăn cách bao tấm tình ruột thịt và cắt chia thân tộc họ hàng. Lần theo manh mối, có những nhân vật đã khiến cho chúng tôi thật sự bất ngờ - đó là ông Trần Lập, ông Hoàng Phát..., những người đã từng là binh sĩ ở đồn Liên hợp bờ Nam cầu Hiền Lương. Chiến tranh qua đi, giờ họ sống yên bình ở Bà Rịa - Vũng Tàu, con cái đều học hành, trưởng thành, là cô giáo, luật sư... tất cả an nhiên tự tại, không còn ai nhắc họ về một thời đã cầm súng bên kia chiến tuyến.
Ấn tượng nhất trong số những binh sĩ là ông Trần Lập - đó là một ông già khỏe mạnh, minh mẫn dù đã ngoài 80, ông và những người bạn của mình đã kể lại những tháng ngày trong quá khứ khi còn ở bờ Nam sông Bến Hải. Ở bên này mỗi đêm, qua những trận đấu loa giữa bờ Nam và bờ Bắc, ông nghe và thuộc lòng hàng chục bài thơ, bài ca cách mạng.
Ông Trần Lập
Ông kể cho chúng tôi nghe về cảm xúc khi nghe nghệ sĩ Châu Loan ngâm thơ trong đêm khuya rồi ngâm cho chúng tôi bài Quê Mẹ của Tố Hữu bằng một giọng nằng nặng âm sắc miền Trung. Trong một chiều mưa tháng sáu ở Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu, tại ngôi nhà giữa rừng cao su, giọng thơ chất chứa nỗi niềm hoài vọng trong trái tim của một cựu binh từng là người phía bên kia chiến tuyến đã cho chúng tôi hiểu thêm về tình yêu đất Mẹ không thuộc về một cá nhân, nó là thuộc tính của người Việt và chỉ cần khơi gợi trúng mạch nguồn của nó, tự thân tình yêu ấy sẽ có sức mạnh để đổi thay số phận của cả dân tộc.
Chiến tranh gây ra biết bao bi kịch đau thương cho mỗi gia đình, mỗi số phận và lớn hơn là cho cả dân tộc. Những người mẹ, người chị tham gia chiến đấu ở trong lòng địch là những người phải chịu đựng hy sinh và mất mát lớn lao. Trong quá trình tìm kiếm nhân vật, ở thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã gặp Bà Tư Bê (Đặng Thị Tăng) - một chiến sỹ cộng sản kiên cường, một cựu tù Côn Đảo, và cũng là một trong số những bà mẹ miền Nam chịu cảnh bất hạnh chia ly. Tham gia kháng chiến, bị địch bắt năm 1969 khi đang làm nhiệm vụ. Kẻ thù đã tra tấn bà để tìm các cơ sở nội thành, quyết không khai nên bà bị kết án 9 năm khổ sai và 9 năm biệt xứ. Bà bị đưa đến nhà lao Thủ Đức, rồi chuyển qua nhà lao Tân Hiệp, Biên Hòa. Tháng 6/1972 bị đày ra Côn Đảo.
Câu chuyện cuộc đời được bà kể lại thật rõ nét. Lấy chồng được bảy năm, 1954 bà tiễn chồng tập kết ra Bắc với hy vọng hai năm đoàn tụ. Ba đứa con còn nhỏ và một đứa sắp ra đời. Là cán bộ hoạt động nội thành khu 9 và là cán bộ Tỉnh ủy Cần Thơ, nhiệm vụ cách mạng đã buộc bà phải lựa chọn đầy đau đớn. Chấp nhận xa con để tiếp tục tham gia công tác, chiến đấu. Các con lớn lên nhờ bàn tay nuôi dưỡng của cơ sở nội thành. Người con lớn tham gia quân giải phóng đã hy sinh trong một lần vận chuyển vũ khí trên sông Trẹm, tỉnh Cà Mau. Đau xót vô cùng, nhưng không muốn làm đồng đội nhụt chí, bà đã bơi xuồng ra sông, rúc vào bụi tràm và khóc cạn nước mắt vì thương con. Người con trai út của bà bị bắt quân dịch khi bà đang ở tù, không có cơ hội để kịp đưa con ra vùng giải phóng. Hai con ở hai chiến tuyến. Còn nỗi đau nào hơn thế. Và đau đớn hơn khi biết con mình tử trận, không biết xác ở đâu. Ngày 2- 9, ngày Quốc khánh của đất nước đã được bà Tư Bê chọn làm ngày giỗ những đứa con của mình. Do chiến tranh, mỗi người con của bà có một số phận khác nhau, đau thương và bất hạnh. Nhưng trên bàn thờ, con của mẹ không còn khoảng cách. Họ vẫn mãi chung một chỗ hương khói, chung một mái nhà, chung một tấm lòng người mẹ. Sau 40 năm, trên gương mặt người mẹ này giờ đây là sự bình yên. Với bà, mọi nỗi đau nào cũng cần khép lại, vì tương lai của những thế hệ sinh ra trong hòa bình.
Sức mạnh kết nối con người Việt Nam trong chiến tranh chính là lòng yêu nước kết tinh ở khát vọng thống nhất. Hòa bình lập lại, khát vọng xây dựng lại đất nước hòa hợp và phát triển chính là mục tiêu vươn tới của dân tộc Việt Nam. Sau năm 1975, Chính phủ và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã động viên sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức Sài Gòn cũ, đóng góp những ý tưởng, những sáng kiến và nhiều giải pháp để xây dựng lại thành phố vì mục đích một đất nước thống nhất, hòa hợp và phát triển. Nhóm Thứ Sáu chính là nơi quy tụ các trí thức giàu lòng yêu nước và có nhiều đóng góp xây dựng thành phố Hồ Chí Minh những ngày đầu tiên.
Chúng tôi cũng đã gặp ông Huỳnh Bửu Sơn, ông Trần Trọng Thức... và nhiều nhân vật là thành viên trong nhóm Thứ Sáu, họ là những trí thức gắn bó với Sài Gòn, am hiểu về đời sống kinh tế xã hội của thành phố, sau năm 1975, họ lựa chọn ở lại, trong khi có thể ra đi - bằng những việc làm tích cực, họ đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của thành phố này hơn 40 năm qua. Khiêm nhường và giản dị, họ tâm niệm rằng - chỉ có một Đất Mẹ duy nhất - Tổ quốc Việt Nam - nơi họ sinh ra, sống và chết cũng chỉ thuộc về duy nhất nơi này.
Hai người lính bên chiến tuyến gặp nhau trên cầu Hiền Lương
Chúng tôi gặp nghệ sĩ Phạm Văn Hạng, một nghệ sĩ phản chiến nổi tiếng trong lịch sử mỹ thuật đương đại Việt Nam với tác phẩm “Chứng tích” (Sài Gòn, 1970), ông đã chia sẻ về dự án sáng tạo nghệ thuật “Triệu trái tim trong một trái tim” được Thủ tướng Võ Văn Kiệt đánh giá rất cao về ý tưởng thống nhất và hòa hợp dân tộc. Với người nghệ sĩ này, khát vọng lớn nhất của ông là nghệ thuật hãy làm nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, gắn bó con người Việt Nam trong một khối thống nhất để xây dựng tương lai.
Cho đến hôm nay, với khoảng 3 triệu người hiện đang sinh sống và làm việc tại Mỹ, quan niệm sống và chính kiến khác nhau nhưng cộng đồng người Việt vẫn thuộc về dân tộc Việt Nam, chung một cội nguồn, cùng mong có những đóng góp với Tổ quốc, với đất mẹ Việt Nam.
Chúng tôi đã tiếp xúc với ông Trần Thắng - một trí thức Việt định cư ở Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình từ năm 1992, ông Thắng vẫn luôn hướng về Tổ quốc bằng những việc làm thiết thực - là Chủ tịch Viện trao đổi văn hóa giáo dục Việt - Mỹ, ông đã nghiên cứu về văn hóa Việt Nam để giới thiệu với bạn bè thế giới. Ông Trần Thắng đã đi nhiều nơi trên nước Mỹ, tìm và mua lại được gần 200 tấm bản đồ cổ cùng các tài liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhiều tấm bản đồ đặc biệt có giá trị, do chính các triều đại phong kiến Trung Quốc vẽ có ý nghĩa để làm bằng chứng pháp lý lịch sử khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Những tấm bản đồ này đã được trao lại cho những người có trách nhiệm, hành động của ông Thắng chính là tấm lòng của người con Việt với sự vẹn toàn của Đất Mẹ hôm nay.
Những câu chuyện về các nhân vật đã được đạo diễn Nguyễn Sỹ Bằng ghi lại trong những thước phim, đó là những lời kể chân thực nhất về khát vọng của con người Việt Nam trong chiến tranh và hòa bình. Anh đã kết nối được những tấm lòng người Việt trong câu chuyện cuộc đời của chính các nhân vật họ tưởng chừng như xa cách cả không gian và thời gian nhưng tất cả đã được chắp nối trong một mạch nguồn trong trẻo - tình yêu với đất Mẹ - Tổ quốc Việt Nam. Nhưng trên khắp đất nước còn bao nhân vật nữa, họ đã và đang âm thầm cống hiến xây dựng đất nước mà ta còn chưa thể biết. Chính cuộc sống hiện tại của họ là chất keo gắn kết, làm lành mọi vết thương, hướng đến tương lai. Câu chuyện cuộc đời của họ đang cần chúng ta kể lại - như những khúc nhạc vui đón chào lễ kỉ niệm ngày thống nhất non sông về một mối.
Chia tay các nhân vật, chia tay với đoàn làm phim, tôi hiểu sâu sắc rằng, chỉ có tình yêu cao cả về đất nước mới khiến cho con người xích lại gần nhau, yêu thương và gắn bó, cởi mở với mọi người và với chính mình. Và trên hết, chính tình yêu đất nước sẽ xóa tan mọi định kiến hẹp hòi, mở ra những giá trị mới để con người Việt Nam bước đến tương lai.
Cao Lan
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...