Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024
13:20 (GMT +7)

Cuộc sống ở tâm dịch Paris

VNTN - Mỗi sáng mở máy tính, lại nhận được nhiều tin nhắn hỏi Paris có gì lạ không? Có chứ, Paris vào xuân, nắng vàng tươi đẹp, nền trời xanh thẳm, hoa nở khắp nơi, chim hót líu lo rộn ràng đây đó trên cành cây, trong vườn. Nhưng…

Sau chữ “nhưng” ngắn ngủi hẳn ai cũng biết Paris giờ đây là một cuộc sống hoàn toàn xáo trộn! Tất cả là do loại vi - rút nhỏ xíu vô hình được mang tên lúc đầu là vi - rút Vũ Hán, rồi chuyển thành Corona chủng mới, và cho đến nay là Covid-19. Chưa bao giờ ta thấy các nguyên thủ quốc gia, kể cả những nước hùng mạnh nhất dường như có lúc lại bất lực trước một con vi - rút nhỏ bé vô hình này!

 

Các cửa hàng và trung tâm mua sắm vắng tanh

Tính đến thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 đã xuất hiện ba tháng tại tỉnh Vũ Hán (Trung Quốc) và hiện nay nó đã chính thức có mặt ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Hàng chục ngàn người đã chết. Những cái chết tức tưởi và thương cảm! Nhân loại đang trải qua một thảm họa, như Tổng thống đương nhiệm Emmanuelle Macron của Pháp đã tuyên bố: “Đây là một cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng nhất mà nước Pháp trải quả kể từ một trăm năm nay”. Và đã hai tuần, toàn dân Pháp sống trong sự cách ly gần như tuyệt đối tại nhà.

Cuộc chiến đấu y tế

Quả là choáng thật! Lúc đầu, dân Pháp và chính phủ, thậm chí cả các nhà chuyên môn đã hơi coi thường dịch này, nên đã không đưa ra những biện pháp phòng chống kịp thời. Khi thấy sự bất thường, Tổng thống đương nhiệm Pháp trong vòng năm ngày đã phát biểu trực tiếp trên truyền hình hai lần. Ông thông báo sự nghiêm trọng của dịch bệnh, tuyên bố những biện pháp, những sắc lệnh triệt để và cụ thể để phòng chống và đối phó với nó. Ông tuyên bố: “Chúng ta đang trong một cuộc chiến, cuộc chiến đấu y tế. Cuộc chiến đấu không chống lại một quân đội, một quốc gia nào, nhưng kẻ thù rõ ràng đang có mặt, và chúng đang tấn công”. Những gì Tổng thống hứa về cơ bản đã được thực hiện. Như nhanh chóng tăng cường đầy đủ các trang thiết bị đồ dùng cho các bệnh viện, cơ sở địa phương và các nhân viên y tế. Tổng thống Macron đã cho thiết lập một bệnh viện quân đội dã chiến ở vùng Alsace, miền Đông Bắc nước Pháp, nơi đầu tiên đã bùng nổ dịch và cũng là nơi có số bệnh nhân nhiễm bệnh nhiều nhất và số tử vong cao do căn bệnh này. Bệnh viện dã chiến ấy được trang bị máy bay để có thể nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân đến các tuyến khác. Gần đây, một số tàu siêu tốc cũng được trang bị các thiết bị y tế để thực thi công việc vận chuyển này.

Hiện tại, nhiều nhà máy sản xuất đã tạm thời đóng cửa. Tuy vậy, Tổng thống hứa đảm bảo cho mọi doanh nghiệp “dù tầm cỡ dạng nào cũng không có nguy cơ bị phá sản” do đợt dịch này. Và để chi phí cho tất cả các công tác phòng chống, chữa trị bệnh Covid-19, sẽ trích một khoản ít nhất là ba trăm tỷ Euros từ ngân sách nhà nước.

Mọi cơ sở học đường Pháp, từ cấp mẫu giáo đến đại học đã đều đồng loạt đóng cửa từ ngày 16/3 cho đến khi có lệnh mới. Tất cả các cơ sở dịch vụ không thiết yếu cũng đóng cửa. Toàn lãnh thổ Pháp đã nhận lệnh, nhà nhà tự cách ly từ 12h ngày 17/3. Người dân ra ngoài phải kèm một tờ giấy mẫu có mấy mục được liệt kê, được tải trực tiếp trên trang mạng của chính phủ, rồi tự in, tự điền, tự ký tên trên danh dự “sẽ chỉ làm đúng việc này”, và không được đi quá xa nơi cư trú. Bắt đầu từ 12h ngày 17/3, ai vi phạm sẽ bị phạt tiền, lúc đầu là 38 đến 135, rồi nâng lên 375 Euro, tái phạm nhiều lần mức phạt sẽ tăng dần, và có nguy cơ bị phạt tù. Đến các điểm mua bán, người dân phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất là 1m, và lượng người trong cửa hàng cũng được giới hạn. Tổng thống Pháp khuyến cáo các cán bộ công nhân viên tận dụng tối đa khả năng làm việc trực tuyến tại nhà, thông qua mạng Internet, chỉ đến công sở khi công việc đòi hỏi sự có mặt. Ông cho tăng cường 100.000 binh lính để trợ giúp và giám sát dân chúng thực hiện các biện pháp đã được nêu. Ông cũng tuyên bố đóng cửa biên giới khối EU và Schengen trong 30 ngày kể từ 12h ngày 17/3, chỉ đón các công dân Pháp trở về từ nước ngoài. “Mọi sự dịch chuyển giữa các quốc gia ngoài châu Âu và ngoài khối EU sẽ bị đình chỉ”, Tổng thống giải thích: “chúng ta phải tự bảo vệ trong một khoảng thời gian”. Tính đến thời điểm này, Pháp đã đón 110 ngàn dân hồi hương và tiếp tục đón tiếp 20 ngàn trong những ngày tới.

Lúc đầu Tổng thống tuyên bố sự tự cách ly toàn lãnh thổ chỉ kéo dài hai tuần, tức đến hết tháng Ba, nhưng ngày 28/03, Thủ tướng đăng đàn tuyên bố lệnh này sẽ kéo dài ít nhất đến hết ngày 15/4.

Tự cách ly hoàn toàn trong nhà trong một thời gian khá dài là một khó khăn lớn, nhất là với những người dân sống tại các thành phố lớn, Thủ tướng bắt đầu nới rộng, cho phép người dân có thể ra ngoài thực hành một số môn thể thao, nhưng khuyến cáo chỉ nên đi một mình, và nhiều nhất là một giờ/lần/ngày, và không đi quá xa nơi cứ trú 1 km. Khi ra ngoài vẫn kèm giấy, ghi rõ giờ khởi hành và địa chỉ nhà ở. Các nhà ga cũng có nhiều binh lính kiểm soát, chỉ để những người có lí do thực sự chính đáng mới được lên tàu.

Nước Pháp đã có hơn ba ngàn bệnh nhân tử vong, trong đó có 418 người đã chết trong vòng 24 giờ, từ 29 đến 30/3. Những bệnh nhân tử vong do Covid-19 đa phần là cao tuổi, đại đa số trên 70 tuổi. Số người dương tính với Covid-19 là hơn bốn mươi lăm ngàn... Những con số chỉ là tương đối, bởi chúng tăng nhanh từng ngày, thậm chí từng giờ! Paris và vùng phụ cận vẫn chiếm tỷ lệ bệnh nhân dương tính nhiều nhất lãnh thổ Pháp, với gần bảy ngàn ca nhiễm bệnh.

Nhưng cũng có tin vui! Cho đến nay đã có gần tám ngàn ca nhiễm Covid-19 được khỏi bệnh, trong đó có một số được điều trị tại bệnh viện, số còn lại được điều trị tại nhà. Điển hình là một cụ ông người Paris đã trên 90 tuổi. Cụ bình thường ít bị ốm, nhưng đêm mùng 8/3 đã bị chuyển cấp cứu đến bệnh viện Bichat tại quận 18 Paris. Cụ được xét nghiệm dương tính với Corona vi-rút, sau hàng tuần điều trị tích cực và mới đây, cụ đã bình an trở về. Cụ là biểu tượng của con người đã chiến thắng vi rút Corona!

Paris hiu hắt

Nói chung, người dân Pháp và Paris đều đánh giá cao những biện pháp của chính phủ và nhanh chóng thích ứng. Lúc đầu cũng có người hơi lo lắng về thực phẩm, đã mua dự trữ khá nhiều, nhưng Tổng thống Pháp đã tuyên bố sẽ không để dân thiếu nhu yếu phẩm. Và quả đúng như thế, các cửa hàng và siêu thị vẫn đầy ắp, khách mua hàng trực tiếp vắng hơn nhưng lượng đặt mua trực tuyến lại gia tăng.

Những ngày sau đó và cho đến hôm nay, nhìn bề ngoài Paris như khoác lên mình một chiếc áo khác, một khuôn mặt khác. Chính những người dân vốn sinh sống lâu đời cũng ngỡ ngàng trước sự thay đổi của thành phố! Vốn ngày cũng như đêm, luôn đông đúc và náo nức nhường ấy, thì bỗng nhiên, chỉ qua một ngày, những đường phố trở nên vắng tanh, hệt như một thành phố chết! Tháp Ép-phen đứng đìu hiu ngả bóng xuống sông Seine. Nhà thờ Sacré-Coeur thường ngày đón hàng trăm ngàn khách tham quan, giờ đây cũng không một bóng người. Sông Seine lững lờ trôi khi vắng những con tàu trắng dập dềnh, Vườn Luxembourg chỉ còn lại những bức tượng trắng đứng trầm ngâm một mình… Khắp nơi đều đóng cửa, từ những cửa hàng sang trọng trên đại lộ Champs-Elysée đến các công viên lớn nhỏ. Tất cả đều im lìm hoang vắng! Những buổi chợ phiên ngoài trời bình thường đông đúc, vô cùng nhộn nhịp thì giờ đây cũng đìu hiu! Thi thoảng trên đường, xe buýt vẫn chạy nhưng vắng tanh. Dẫu trời rất đẹp nhưng vỉa hè chỉ loáng thoáng người đi bộ với khẩu trang che kín mặt. Đã hơn hai chục năm sống tại Paris, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh này.

Nhưng trên thực tế, Paris và toàn nước Pháp vẫn sống! Trong những bệnh viện, các chiến binh áo trắng vẫn ngày đêm vận dụng hết khả năng và nghị lực của mình để chiến đấu với thần chết, giành giật lại từng mạng sống. Tổng thống và Chính phủ Pháp vẫn làm việc hết mình để đưa ra những biện pháp hữu hiệu nhất nhằm trấn an và ổn định đời sống người dân. Thủ tướng, các Bộ trưởng và các nhà chức trách y tế xuất hiện trên truyền hình, các phóng viên tác nghiệp ở khắp nơi, đưa những thông tin mới nhất và cụ thể nhất đến dân chúng. Tại nhà, người dân Pháp luôn theo dõi sát sao bệnh dịch qua màn hình ti vi, tuân thủ các biện pháp của Chính phủ.

 

Đường phố Paris giữa mùa dịch

Đây đó tại tiền sảnh các khu chung cư đều có dán những tin nhắn, đại loại: “Trong thời điểm nóng bỏng này, chúng tôi là X. ở tầng Y. Chúng tôi ở độ tuổi Z. và khỏe mạnh. Nếu bạn cần mua đồ hay bất kỳ chuyện gì gấp, hãy gọi cho chúng tôi theo số…, chúng tôi sẵn sàng giúp miễn phí…” hoặc “Tôi là y tá ở tầng N., nếu bạn gặp bất trắc về sức khỏe, hãy gọi cho tôi…” và “Tôi tên S. giáo viên Trung học, môn T., nếu các bạn có con cần giảng bài, tôi sẽ trợ giúp…” Khi đọc những dòng chữ ấy, phải nói là rất xúc động! Tình tương thân tương ái phát huy hết tính tích cực. Từ tối ngày 17/3, do bị cấm ra ngoài, người dân Pháp đã có một ý tưởng rất nhân văn. Tức là cứ vào tầm 20h, khi đường phố im ắng, chỉ có những ngọn đèn đường và bóng cây, thi thoảng có bóng người đi dưới phố thì chắc chắn đến 95% đó là các y tá, bác sỹ hoặc các nhân viên trong tuyến đầu chống dịch. Khi đó người dân mở cửa sổ, ra ban công đứng vỗ tay và nói những lời “Cám ơn”. Điều này được lan rộng trên toàn lãnh thổ Pháp. Cũng vậy, vào lúc 19h30 tối thứ tư ngày 25/3/2020, tất cả các nhà thờ tại lãnh thổ Pháp đều đồng loạt gióng chuông, và kéo dài trong suốt 10 phút. Hội Giám mục phát biểu trong một thông cáo đăng ngày 18/3: "Đây không phải kêu gọi các con chiên đến nhà thờ, mà để biểu hiện tình đạo hữu/bè bạn và niềm hi vọng chung của tất cả chúng ta!". Với người Pháp, tiếng chuông không chỉ có ý nghĩa tôn giáo. Tiếng chuông cũng đã được gióng lên nhân các sự kiện lớn trong lịch sử nước Pháp. Tiếng chuông đặc biệt vang lên trong các trận chiến của Napoléon, khi Victor Hugo qua đời, và khi ký Hiệp định đình chiến năm 1918, sau đó là khi nước Pháp được giải phóng. Gần đây hơn, tiếng chuông nhà thờ vang lên vào tháng 1 năm 2015 sau cuộc khủng bố đẫm máu tại trụ sở Tuần báo châm biếm Charlie Hebdo. Và chính tiếng chuông báo tử (Glas) tại Nhà thờ Đức Bà Paris đã được vang lên sau các cuộc khủng bố kinh hoàng khiến hàng trăm người thiệt mạng tại Paris vào ngày 13 tháng 11 năm 2015. Có một số lần, tiếng chuông đồng loạt vang lên để thông báo niềm vui và hạnh phúc đối với đời sống của đất nước: năm 2018, khi đó là chúc mừng chiến thắng của đội tuyển quốc gia Pháp "Les Bleus" trong mùa World Cup bóng đá. Và giờ đây toàn dân Pháp đang hi vọng tiếng chuông sẽ lại nhanh chóng được gióng lên báo hiệu mùa dịch Covid-19 đã qua!

***

Dịch ngày càng diễn biến phức tạp, giờ đây mỗi gia đình tại Pháp đều tự sắp xếp lại cuộc sống trong khả năng của mình. Sinh viên và học sinh đều vẫn học trực tuyến. Những người có điều kiện làm việc qua mạng Internet tại nhà thì vẫn làm việc. Nhiều người lại có suy nghĩ tích cực rằng mùa cách ly này không tệ, bởi đó là dịp cả gia đình được đoàn tụ bên nhau nhiều hơn, ăn những bữa cơm nóng hổi và được gần gũi, chia sẻ với nhau những hoạt động gia đình, hoặc họ có thể thực hiện được những sở thích cá nhân như đọc sách, vẽ, chơi cờ… mà bình thường do công việc mưu sinh, họ đã không thể thực hiện. Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng Tư pháp Pháp ra sắc lệnh phóng thích năm ngàn tù nhân trước thời hạn, với những người đã thụ án được 2/3 thời gian, hoặc chỉ còn hai tháng thì mãn hạn. Bộ trưởng Nông nghiệp thì kêu gọi “Người Pháp dùng hàng Pháp”!

Có xáo trộn ít nhiều nhưng cuộc sống tại Pháp và nhất là Paris vẫn tiếp tục, chắc chắn bớt phần thú vị nhưng không đến nỗi ủ dột! Cuộc sống chỉ là hơi chậm lại, cho ta thời gian nghĩ về chính mình và nghĩ đến những người khác. Cảm nhận rõ hơn rằng cuộc sống cần nhiều thứ khác ngoài tiền bạc và vật chất. Hơi thương cảm khi nhìn sự nhốn nháo của một số người. Họ lo sợ, họ chạy cuống cuồng từ chỗ này sang chỗ kia, họ nghĩ nơi này an toàn hơn nơi kia, chính phủ nước này bảo vệ dân chúng tốt hơn nước kia, mà họ quên mất một điều quan trọng rằng nạn dịch đã lan khắp toàn cầu, và một mình chính phủ thì cũng chẳng làm được gì; trên hết, ta phải nêu cao ý thức, sự đoàn kết đồng lòng, tinh thần tự giác của mỗi người dân.

“Sau cơn mưa trời lại sáng”, chỉ có sự đồng lòng đoàn kết và nhân ái, chúng ta mới nhanh chóng thắng được nạn dịch!.

HIỆU CONSTANT

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Cột đá Trajan - kiệt tác điêu khắc La Mã

Nhìn ra thế giới 1 tuần trước

Tiếng trống trong văn hóa bản địa Mỹ

Nhìn ra thế giới 4 tháng trước

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước