Cuộc sống đơm hoa từ khát vọng và nghị lực
VNTN- Có những người mà chỉ cần nghe kể về hoàn cảnh của họ thôi, chúng ta đã cảm thấy rùng mình. Bất hạnh cứ đến dồn dập, cuộc sống chìm trong những chuỗi ngày đau khổ, tuyệt vọng. Nhưng rồi bằng khát vọng sống, nghị lực phi thường họ vẫn vượt qua để khẳng định giá trị bản thân.
Gặp gia đình cựu chiến binh Nguyễn Trọng Hợp (73 tuổi) ở xóm Tân Mỹ 1, xã Tân Quang - TP Sông Công, tôi không khỏi ngậm ngùi trước câu chuyện của họ. Mắt ông Hợp cứ nheo lại từng đợt khi nhắc lại chuyện xưa, ánh mắt như chất chứa bao nỗi niềm. Mất mát, hy sinh là quá lớn, tất cả là do chiến tranh…
Nhập ngũ năm 1965, đúng thời điểm cả nước sục sôi đánh giặc. Đến năm 1973, sau một trận đánh, ông bị lựu đạn của địch làm trọng thương phải khoét bỏ một bên mắt, nên phải rời quân ngũ. Vợ chồng ông bàn nhau dời quê Đan Phượng (Hà Nội) đất chật người đông, lên xóm 4 - xã Tân Quang, Sông Công lập nghiệp, mở mang ruộng đất làm nông nghiệp. Bốn người con bụ bẫm lần lượt chào đời và lớn lên trong niềm vui giản dị của gia đình. Cuộc sống tưởng chừng sẽ mãn nguyện, nhưng không ngờ bất hạnh đã tìm đến và đeo bám gia đình ông một cách dai dẳng.
Ông Hợp bị nhiễm chất độc màu da cam và đã ảnh hưởng đến những người con thân yêu nhất của họ. Người con cả Nguyễn Thị Hiền đang học cấp 3 thì bỗng có hiện tượng chân yếu dần và không còn chút sức lực nào nữa, rồi chúng bị co quắp lại. Sau đó, đứa thứ ba, thứ tư cũng bị như vậy. Họ ngồi một chỗ cũng là rất khó khăn chẳng may bị ngã sấp thì không thể tự ngồi dậy được, muốn di chuyển phải lê dịch từng tí một. Chỉ còn người con trai thứ hai bình thường nhưng lại mắc chứng đau dạ dày và viêm đại tràng mãn tính. Ông Hợp nghẹn lời: “Mọi chuyện không khác nào lưỡi dao sắc nhọn cứ khứa từng nhát vào tim tôi. Chiến tranh thật quá tàn khốc, một mình tôi hứng chịu đã là quá đủ, sao còn làm hại cả các con tôi!”.
Trong nỗi đau tột cùng, vợ chồng ông kiên trì đạp xe chở từng đứa con xuống Hà Nội chữa trị. Họ đi khắp các bệnh viện, cầu cứu những bác sĩ, giáo sư giỏi nhất, dùng đủ mọi loại thuốc nhưng đều không khả quan. Kinh tế gia đình kiệt quê, họ lại chạy vạy khắp nơi, mong sao có phép màu xảy ra… nhưng rồi tất cả chỉ là vô vọng. Ngày ngày, người cựu chiến binh cùng vợ phải đối mặt với nỗi đau đớn không dễ nguôi ngoai. Quá vất vả và bất an, cách đây 3 năm, vợ ông cũng bỏ ông ở lại mà ra đi sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh sỏi gan. Một mình ông Hợp gồng gánh với số phận. Ở độ tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, nhận sự báo hiếu của con cháu thì ông vẫn phải lao động cật lực.
Thương bố lắm nhưng những đứa con tàn tật đâu có làm nổi điều gì. Chị Hiền nghẹn ngào: “Ngày thì lao động vất vả, đêm đến bố tôi cũng không được tròn giấc. Đêm nào cũng phải thức đến 3 - 4 lần giúp con đi vệ sinh và trở mình. Nhìn đôi tay chai sạm, mái tóc bạc trắng, lúc trái gió trở trời vết thương cũ tái phát khiến bố đau đớn, chúng tôi đau xót lắm. Nhiều lúc mấy bố con chỉ biết nhìn nhau, nước mắt giàn giụa…”.
Cựu chiến binh Nguyễn Trọng Hợp cùng hai người con tàn tật do chất độc màu da cam
Tương tự nỗi khổ của ông Hợp, anh Vũ Thanh Đồng (32 tuổi) ở tổ dân phố Yên Trung, thị xã Phổ Yên. Lên 5 tuổi, bố anh đã ruồng bỏ bốn mẹ con anh... Với đồng lương ít ỏi không đủ nuôi con, để con không phải chịu đói, mẹ anh phải tranh thủ chạy ngược xuôi đi chợ bán mớ rau, con cá. Thương mẹ, khi trưởng thành, anh Đồng ra ngoài đời bươn chải để đỡ đần mẹ. Lăn lộn nhiều nghề, cuối cùng anh xin được việc làm thợ cơ khí tại một gara ô tô. Làm thợ vài năm, tay nghề phần nào được khẳng định. Đang tính hùn vốn với vài người bạn mở cửa hàng, thì trớ trêu thay, anh Đồng bị tai nạn ô tô: đứt tủy sống từ phần hông trở xuống khiến đôi chân bị liệt hoàn toàn. Sau vụ tai nạn ấy, gia đình anh đã phải mang một món nợ lớn. Anh chia sẻ: “Mong phụ giúp gia đình nhưng cuối cùng lại trở thành gánh nặng. Quả thật tôi rất hoang mang, mất niềm tin vào cuộc sống”…
Anh Vũ Thanh Đồng đang chế tạo bảng hiệu điện tử
Cũng giống anh Đồng, anh Đào Xuân Đạt (39 tuổi) ở xóm 4 thị trấn Sông Cầu - huyện Đồng Hỷ cũng bị tai nạn cướp đi ước mơ đang ấp ủ. “Nếu không có vụ tai nạn định mệnh đó thì có lẽ giờ tôi đã là đại úy quân đội”, anh Đạt tâm sự. Chàng trai này sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, nên từ nhỏ đã sớm được định hướng và gieo niềm đam mê. Anh mơ ước được đứng trong hàng quân nhạc phục vụ cho các hội nghị cấp cao hoặc đón tiếp các đoàn đại biểu, nguyên thủ nước ngoài. Năm 1999, khi đang theo học năm thứ 3 khoa kèn trômpét tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội, anh bị tai nạn rất nặng, còn sống được đã là một kì tích. Các vết thương bị hoại tử, nên ba năm liền anh Đạt phải sống tại các bệnh viện Việt Đức, 108… Nhớ lại những ngày đó, anh vẫn không khỏi rùng mình: “Toàn thân tôi là những vết thương chằng chịt, sợ hãi nhất đó là đôi chân bị liệt không còn chút cảm giác nào. Suốt ngày chỉ ngồi xe lăn, buộc chặt hai chân vào khung xe, bởi chúng run lẩy bẩy không tự chủ được, dễ bị ngã. Ngủ thì luôn phải nằm sấp. Cuộc sống thật giống như địa ngục”.
Anh Đào Xuân Đạt tìm niềm vui bằng tình yêu với âm nhạc
Biết khát khao để nhận về trái ngọt
Nếu không mang trong mình một ý chí thép của lính đặc công năm xưa có lẽ ông Hợp đã gục ngã, buông xuôi từ lâu. Chứng kiến các con chán chường, suốt ngày ngồi một góc trong căn nhà lạnh lẽo, lòng ông trĩu nặng: “Đáng lẽ chúng phải có một cuộc sống bình thường, lập gia đình rồi sinh con đẻ cái như bao người khác”. Vì thế ông quyết làm kinh tế để bù đắp ít nhất là vật chất cho con. Đồng thời, ông quan niệm lao động là nguồn vui và hạnh phúc, mỗi người một việc tùy theo khả năng thì nhất định không khí gia đình sẽ trở nên tươi vui hơn.
Nghĩ là làm, cả gia đình bắt tay ngay vào làm kinh tế: Ruộng cấy một mẫu, vườn diện tích 15.000m2 trồng gần 100 cây bưởi Diễn, 1 sào chè còn lại là trồng cây lấy gỗ xoan, keo và cỏ voi để nuôi trâu. Ngoài ra, còn đào ao thả cá, nuôi 2 trâu sinh sản, 3 lợn nái, 10 con lợn thịt, đàn gà thường trên 100 con…, không khác gì một trang trại. Hai lao động chính là ông Hợp và người con dâu, các anh chị tàn tật cũng mỗi người một tay giúp đỡ. Họ thường xuyên học tập, tìm hiểu kỹ thuật gieo cấy, nuôi trồng, phòng trừ sâu bệnh trên mạng internet và kênh truyền hình nông nghiệp nông thôn VTC 16.
Tất cả mọi thông tin liên quan đến việc làm kinh tế của gia đình đều được tìm hiểu kĩ lưỡng và ghi chép lại một cách tỉ mỉ. Từ đó, ông Hợp mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất vào sản xuất nên năng suất thu hoạch cao. Dù có thời điểm mất mùa, đàn gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh chết nhưng cả gia đình luôn đồng lòng chung sức khắc phục khó khăn để vượt qua. Kinh tế gia đình dần khá hơn, đời sống sinh hoạt được nâng lên.
Bươn chải từ nhỏ, anh Đồng đã tích lũy được sự cứng cỏi và bản lĩnh. Tìm hiểu về những người khuyết tật, anh thấy có người số phận còn trớ trêu hơn mình. Họ không có cả tay và chân nhưng không hề tuyệt vọng vẫn vượt lên lẽ nào: “Tôi chỉ biết ủ rũ mãi như vậy, vẫn còn nhiều điều tốt đẹp đang chờ đợi mình mà”. Anh quyết định một mình khăn gói lên thành phố thuê trọ, học nghề sửa chữa điện tử. Học xong anh lặn lội đi khắp thành phố để xin việc rồi may mắn được một người quen giới thiệu vào làm tại một trung tâm điện tử. Lúc này, anh cảm thấy thật yêu đời vì được làm việc, cống hiến như người bình thương.
Đều đặn hàng ngày, anh lăn xe hơn 700 mét đến chỗ làm. Hì hục làm việc, dành giụm một năm trời nơi đất khách quê người, anh trở về quê để mở một cửa hàng riêng. Đây là giai đoạn thật sự khó khăn bởi không có nhiều vốn để thuê cửa hàng đẹp và dài hạn nên anh thường xuyên phải đổi địa điểm. Được vài khách quen rồi cũng mất, khách đến cũng lèo tèo. Anh chia sẻ: “Làm nghề này rất nhạy cảm, phải thật tỉ mỉ, sai một li là hỏng hết ngay. Tâm lí của khách hàng hầu hết đều khó đặt niềm tin vào một người khuyết tật”.
Không có khách, anh Đồng lại leo lên chiếc xe tự chế của mình ra chợ bon chen để bán hoa quả hoặc nhận đi đến tận nhà để sửa chữa đồ điện tử. Khi trái gió trở trời, vết thương xưa lại đau đớn vô cùng, nhưng chúng không đánh gục được anh, ngược lại còn khiến anh quyết tâm gấp bội. Anh đọc sách hoặc lên mạng vừa để trau dồi kiến thức vừa để quên đi bất hạnh.
Và tự lúc nào, anh đã “bén duyên” với việc chế tạo bảng điện tử. Mất 6 tháng kiên trì mày mò, miệt mài khoan đục bảng nhựa và gắn những chiếc bóng nhỏ xíu lên đó, cuối cùng sản phẩm của anh đã được khá nhiều người ưa thích. Tất nhiên, cửa hàng của anh cũng ngày một đông, thu nhập đều đặn từ 5 đến 7 triệu một tháng. Anh Đồng còn dạy nghề miễn phí cho 2 người đến xin học việc và giúp đỡ phần nào vật chất hoặc động viên, hướng nghiệp cho những người khuyết tật khác…
Trở lại với anh Đạt, tâm hồn nghệ sĩ của anh tưởng chừng đã “vỡ tan” trước biến cố cuộc đời, thì may sao, chỉ nhờ một sự việc nhỏ, nó đã “lành” lại và tiếp tục cháy bỏng. Trong thời gian điều trị tại bệnh viện, nghĩ mãi cũng đâm bi quan, anh bèn tự tìm niềm vui bằng việc hát những ca khúc yêu thích. Một ngày, khi vừa hát xong bài “Vết chân tròn trên cát”, có hai người bệnh phòng bên đã mang hoa sang tặng anh. Họ đã nghe anh hát nhiều lần và rất mến mộ. Vậy là, ước mơ trở thành một quân nhạc đã bị dập tắt nhưng một ước mơ khác đã được nhen nhóm.
Trở về nhà, được chị gái tặng cho một cây đàn ghi ta, anh miệt mài tập chơi và coi nó như một người bạn thân thiết. Lắng lòng nghe anh thể hiện ca khúc “Giấc mơ Chapi” (tiết mục đã đoạt giải Bạc tại Liên hoan Tiếng hát người khuyết tật Toàn quốc - khu vực phía Bắc năm 2014), tôi cảm nhận được trong mỗi câu hát đó đều rất có hồn, tuy vẫn có chút gì đó buồn man mác. Có lẽ do những nỗi niềm, tâm sự đều được anh gửi gắm vào ca khúc.
Người có tài ắt sẽ được biết đến. Sau một số lần đóng góp tiết mục tại thôn xóm, có vài người biết đến anh. Họ mời và giới thiệu anh hát cho những cuộc vui như đám cưới, khai trương cửa hàng… và nhận thù lao. Dần dà, anh cũng đã có chút “tên tuổi”. Anh thật thà: “Thu nhập thường bấp bênh lúc nhiều, lúc không, nhưng không quá quan trọng. Chỉ cần có người chịu nghe tôi hát và cảm nhận thì đó đã là niềm vui lớn lắm rồi”.
Cả tỉnh Thái Nguyên hiện có 25.000 người khuyết tật, trong đó có 3.211 người đặc biệt nặng; 13.332 người nặng và 8.467 người khuyết tật nhẹ. Phần nhiều hoàn cảnh, kinh tế gia đình khó khăn, bản thân mang nhiều căn bệnh. Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến cộng đồng này, điểm nhấn là khi Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh được thành lập, đi vào hoạt động từ tháng 12/2013. Đây là một tổ chức hoạt động xã hội từ thiện hướng đến việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật, trẻ mồ côi, là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong các nhóm khó khăn. Hội vận động sự tự nguyện chia sẻ, thu hút mọi tiềm năng của xã hội, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước cùng tham gia.
Đạo lý “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” đã và đang được phát huy nhiều hơn trong đời sống hàng ngày ở khắp tỉnh. Những chính sách, hoạt động thiết thực được thực hiện: Trợ cấp thường xuyên, cấp phát thẻ BHYT và tổ chức các khóa đào tạo nghề miễn phí; tặng hàng trăm nhà tình nghĩa, hàng nghìn xe lăn… Đó chỉ là một phần nhỏ bé để động viên, tiếp sức mạnh cho người khuyết tật vượt qua tự ti, chán nản, hòa nhập cuộc sống, trên hết vẫn là nỗ lực “vượt qua giới hạn bản thân” từ họ.
Những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ cùng ông Hợp, anh Đồng, anh Đạt đã để lại cho tôi thật nhiều cung bậc cảm xúc. Bên cạnh nỗi xót xa về cảnh ngộ là sự nể phục tinh thần vượt khó, nghị lực vươn lên và sự dũng cảm đối diện với hiện tại và niềm lạc quan về một tương lai tươi sáng. Hình ảnh chàng ca sĩ Đào Xuân Đạt ngân nga ca khúc “Khúc giao mùa” với nhịp điệu tươi vui, mới mẻ. Hình ảnh anh Vũ Thanh Đồng cười hóm hỉnh, đỏ mặt khi tôi vu vơ nhắc đến “nửa kia” của anh. Hay cậu nhóc 6 tuổi, cháu nội ông Nguyễn Trọng Hợp lém lỉnh, lanh chanh giúp ông thu hoạch những trái bưởi Diễn trĩu nặng, khiến tôi chợt hiểu: đó là những trái ngọt của cuộc đời dành cho những người biết gieo khát khao cho niềm tin nảy lộc.
Anh Thắng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...