Cụ bà nhặt rác và những giọt nước mắt chảy xuôi
Sang - bần cùng rác
Miền Bắc đang trong đợt nắng nóng kỉ lục, 10 giờ sáng mà nhiệt độ ngoài trời lên đến trên 40 độ, khiến ta cảm thấy thật khó thở, mệt mỏi. Ở ngoài đường một lúc mà cảm giác như da thịt đang dần được nung chín. Đoạn đường quốc lộ 3 qua thị xã Phổ Yên vắng tanh, lác đác vài xe máy, ai cũng mặc đồ chống nắng kín mít phóng qua với tốc độ cao. Hôm ấy, tôi có việc phải đi qua khu vực này nên nghỉ chân tại một quán nước vỉa hè. Bỗng đâu, từ xa xuất hiện một bà cụ lưng khòng, khoác trên vai một túi bao cồng kềnh tiến về gần quán. Dưới cái nắng chang chang nhìn dáng cụ trông thật thảm thương và bé nhỏ. Vào gần tôi, cụ khẽ nói: “Cháu ơi, cho cụ xin vỏ lon nước nhé”.
Tôi chỉ kịp vâng một tiếng bởi lúc này tôi đang mải nhìn cụ - một bà cụ da nhăn nheo, tay chân gày gò, hàm răng đen xì xì do ăn trầu. Xin được vỏ lon, tôi thấy trên gương mặt già nua đang nhễ nhại mồ hôi ấy chợt lóe lên niềm vui. Tôi tò mò: “Trời đang nắng nóng lắm, cụ già rồi ra đường dễ bị ốm lắm, con cháu đâu hết rồi, sao lại để cụ vất vả như thế này?”. Cụ im lặng, khuôn mặt buồn rượi. “Trời nắng, cụ uống chút nước cho đỡ khát”. Tôi đưa cho cụ chai nước khoáng. Cụ cầm chai nước, khẽ cảm ơn rồi lại khoác chiếc bao lên vai bước vội đi. Bóng cụ khuất dần trên con đường dài hun hút.
Thấy tôi quan tâm, chị chủ quán bảo: “Đó là bà cụ Lét, nhà ở xóm Đông Sinh, xã Hồng Tiến gần đây. Cụ tốt tính lắm, ngày trước giàu có hay giúp đỡ mọi người, ai ngờ về già lại lâm vào hoàn cảnh éo le. Ngày nào cũng phải đi nhặt rác để sống qua ngày và nuôi đứa cháu gái. Rõ khổ! Con cháu đầy đủ cả nhưng có ai giúp được gì đâu, không phá thêm là may. Mà cũng còn gì để phá nữa đâu, nhà cửa sắp mất hết rồi”.
Hình ảnh cụ Lét và những lời chị chủ quán nước cứ ám ảnh tôi. Tôi quyết định lần theo địa chỉ tìm đến gặp cụ.
Găng tay cao su, quần áo rách, giấy vụn nhặt từ bãi rác là nguồn nuôi sống hai bà cháu mỗi ngày.
Căn nhà cụ Lét nằm lọt xuống dưới mặt đường và chỉ còn lại một góc nhà. Một nửa bên cạnh là đống đổ nát của nửa ngôi nhà đã bị đập đi. Đó là nửa mảnh đất những người con đem thế chấp vay ngân hàng nhưng không trả được nên bị thu hồi. Trước cổng nhà hoen rỉ là đủ mọi thứ rác từ giấy vụn, quần áo, găng tay rách, gạch vụn. Cụ Lét đang dỡ bao tải rác ra để phân loại và phơi nắng trước khi đem bán. Nhận ra tôi, cụ vui vẻ mời tôi vào nhà cho đỡ nắng.
Nói là trú nắng chứ thật ra cũng chẳng đỡ hơn là bao. Mái nhà thủng lỗ chỗ, cả căn phòng cũng ngập trong nắng. Kiểu này, trời mưa thì lấy chậu hứng nước cũng chả xuể. Ở dưới gầm ghế, có 2 bát tô còn vương sợi mì tôm, chắc vừa ăn xong, khách đến nên giấu vội đi. Phía sau là buồng ngủ và bếp, không có cửa chỉ có một tấm bạt che ở lối ra ngoài đường. Căn phòng nhỏ chứa la liệt toàn bao dứa, gạch đá và đâu đâu cũng bám bụi - bụi từ rác, bụi từ ngoài đường bay vào.
Hôm nay có vất vả không cụ? Chỗ rác ngoài kia bán được nhiều không? - tôi hỏi. Cụ uể oải: “Mệt lắm cháu ạ, nhưng không làm thì chẳng có gì ăn. Hai hôm nhặt được đống ngoài kia, bán đi chắc được khoảng ba chục ngàn, thế là sống được hai ngày rồi. Hôm kiếm được nhiều rác thì có cơm ăn không được thì đành nhịn. Sáng nay, mắt mũi tèm nhèm quá nên bị mảnh thủy tinh cứa vào chân, nhẹ thôi nhưng phải quay về bôi thuốc”.
Trò chuyện một lát, cuối cùng cụ Lét cũng mở lòng tâm sự về chuyện đời mình với tôi. Cụ tên đầy đủ là Nguyễn Thị Lét, năm nay 75 tuổi. Năm 15 tuổi, kết hôn với ông Dương Văn Chu tại quê nhà Hà Bắc (cũ). Năm 1973, chuyển lên Phổ Yên làm việc tại Hợp tác xã vận chuyển xe ngựa Bắc Thái. Làm việc chăm chỉ, họ được phân cho một mảnh đất gần 200 mét và tạo dựng được một mái ấm với 3 người con trai, 2 người con gái khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Đến những năm tám mươi của thế kỉ trước, vợ chồng họ chuyển sang làm kinh doanh thu mua phế liệu. Hình như có chút duyên với công việc này nên làm ăn rất thuận lợi, chỉ một thời gian ngắn họ đã trở thành ông bà chủ lớn ở khu vực xã Hồng Tiến này, có cả chục nhân công làm thuê.
Có của ăn của để, những tưởng cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhưng không ngờ chính lúc này mọi bi kịch bắt đầu ập đến với hai cụ. Những người con trai có điều kiện kinh tế thì bắt đầu thay đổi tính nết, giao lưu với bạn bè xấu dẫn đến người thì nghiện ngập, người thì lô đề cờ bạc. Các cô con dâu chán nản, li hôn rồi dẫn con đi. Hai người con gái cuộc sống cũng lay lắt, hôn nhân không trọn vẹn, người thì chồng mất sớm một mình vất vả nuôi con; người thì đi làm công nhân tít miền Nam rồi lập gia đình trong đó, cũng không khá hơn là bao. Một đời làm lụng vất vả tích cóp, những tưởng sẽ có một cuộc sống an nhàn, nhưng rồi về cuối đời họ lại phải cực nhọc mưu sinh từng ngày. Từ ông bà chủ thu mua phế liệu, hai cụ trở thành người đi nhặt rác sống qua ngày. Đã vậy, họ còn phải nuôi một đứa cháu nội 2 tuổi, con gái của thằng út bỏ lại cho ông bà. Tuy vất vả, nhưng đứa cháu nội Dương Thị Sang lại trở thành động lực để ông bà gắng gượng vượt qua khó khăn.
Hàng ngày, từ 5 giờ sáng hai cụ bắt đầu đi đến các bãi thải, nhà hàng, nghĩa địa để tìm bới trong đống rác hôi thối những thứ có thể bán được. Ở gần không có rác thì họ đi xa hơn lên những bãi thải Lam Sơn, khu công nghiệp ở thị xã… mỗi ngày phải đi bộ hàng chục cây số bất kể nắng mưa. Những gì người ta không cần đến nữa, đem vứt đi lại chính là nguồn nuôi sống ba miệng ăn mỗi ngày. Dù mệt mỏi, nhiều lúc thèm một cốc nước mát nhưng nghĩ đến cháu gái ở nhà đang tuổi ăn học nên lại thôi. Ba người nương tựa vào nhau, cuộc sống khi đó tuy lay lắt nhưng vẫn còn những niềm vui nhỏ nhoi.
Năm năm trước, sau một thời gian dài bệnh tật, chồng cụ Lét đã mất do căn bệnh ung thư gan. Chứng kiến chồng quằn quại trong cơn đau, cụ Lét đã bán hết những gì có thể và vay mượn tiền để chữa trị nhưng rồi người thì vẫn ra đi chỉ còn nợ ở lại. Không còn người bạn đời đồng hành, một mình cụ Lét đơn độc đi khắp nơi tìm rác để mưu sinh. Thỉnh thoảng, người ta thấy một bà cụ lưng khòng, gày còm khoác một bao dứa lên đi nhờ xe bus về bãi thải Lam Sơn (phố Nỷ). Đó là những lúc đôi chân cụ đã rã rời, không còn đủ sức đi bộ cả chục cây số nữa. Nhặt rác xong trở về nhà, cụ lại bị nỗi buồn, nỗi nhớ chồng con gặm nhấm. Cụ nghẹn lời: “Nhớ ông, nhớ con cháu lắm nhưng người thì mất, người còn thì mỗi đứa một nơi. May thì mùng 1 Tết được gặp qua một lát”.
Họ rồi sẽ ra sao?
Cháu Sang tuổi còn nhỏ nhưng không khác gì “bà cụ non”, cháu ngoan và rất hiểu những nỗi vất vả và tình thương của bà dành cho mình. Năm nay, Sang học lớp 8 trường THCS Hồng Tiến, cháu là lớp trưởng và nhiều năm liền là học sinh giỏi. Ngoài đi học cháu còn tranh thủ đan bao dứa để đỡ đần bà. Chỉ vào một đống bao dứa dính đầy bụi ở góc nhà cháu bảo: “Cháu cắt rồi may lại để bán. Cũng mất thời gian lắm ạ, tay cháu còn chai phồng lên cơ. Bán 10 bao thì lãi được 7 ngàn. Nhưng dạo này chẳng thấy ai đến mua nữa nên chất đống lên thế kia, chán lắm chú ạ”.
Cháu học khá môn gì nhất? Cô bé nhanh nhảu: “Cháu học toán và tiếng Anh khá nhất ạ. Từ nhỏ cháu đã muốn trở thành giáo viên”. Bất giác cháu thở dài: “Nhưng đó là ước mơ thôi chú ạ, học hết cấp 2 cháu sẽ xin đi làm may hoặc ô sin, kiếm tiền nuôi bà”. Cụ Lét đang ngồi têm trầu, nghe cháu nói chuyện tay cụ bỗng run run, hai khóe mắt đỏ hoe. Cụ nghẹn lời: “Muốn cho cháu đi học đầy đủ như bạn bè lắm nhưng chẳng biết tiếp tục được đến khi nào. Hôm nọ, có lịch lên trường nhưng thấy nó nằm im trên giường, gặng hỏi mãi mới biết là trường phát bộ sách giáo khoa, tất cả 320 ngàn nhưng nó biết bà chưa có tiền nên không đi nữa. Có cái xe đạp được Hội chữ thập đỏ xã hỗ trợ, mấy lần cháu bảo tôi đem bán để trang trải cuộc sống còn nó đi bộ đi học cũng được. Những lúc đau ốm, hết tiền thuốc men hai bà cháu chỉ còn biết ngồi ôm nhau khóc cho đỡ tủi”.
Cháu Sang bảo: “Có nhiều tối cháu thấy bà không ngủ mà ngồi thẫn thờ cạnh ban thờ, hình như bà khóc, chắc bà buồn lắm vì cháu và bà sắp bị đuổi khỏi đây rồi”.
Năm 2004, trước cảnh gia đình kiệt quệ, 2 cụ quyết định vay 30 triệu đồng từ một người hàng xóm để làm lại công việc thu mua phế liệu. Số tiền phải trả lãi hàng tháng là 2.7 triệu đồng. Nhưng do đã có tuổi, việc kinh doanh cũng không còn dễ dàng như thời trước nên số tiền làm ra không đủ để đóng lãi. Đến năm 2007, cộng cả tiền gốc và lãi đã lên đến 170 triệu đồng. Năm 2008, trước sức ép quá lớn từ chủ nợ, hai cụ đã phải chuyển nhượng một nửa đất cho họ và xin chuộc lại trong vòng ba năm bằng số tiền như trên. Đến năm 2010, gia đình cụ lên xin chuộc lại nhưng gặp một số vấn đề do giá đất đã tăng cao, chủ nợ đòi thêm tiền. Đúng lúc này, chồng cụ cũng bệnh nặng mất nên việc đó bị bẵng đi. Một nửa đất còn lại cụ Lét cho người con gái thế chấp ngân hàng lấy tiền làm ăn, nhưng cũng chẳng bao lâu số tiền này đã tiêu tan. Được ngân hàng trả thêm một ít để thu hồi đất, anh con trai út (bố cháu Sang) lấy mua ô tô tải để làm ăn. Chẳng biết làm gì, chỉ thấy một thời gian sau ô tô bán mất và anh ta bỏ đi trốn nợ. Vậy là cả hai nửa mảnh đất đã được cùng một người hàng xóm mua lại, bà cháu cụ Lét chỉ còn là người “ở nhờ” trong nửa ngôi nhà này.
Một nửa góc nhà còn lại để tạm che nắng, che mưa của hai bà cháu cũng sắp mất.
Trong cơn cùng cực, cụ Lét thầm mơ sẽ có một phép mầu có thể làm thay đổi tình cảnh của mình. Cụ tâm sự: “Nếu bây giờ được chuộc lại nửa mảnh đất này với số tiền như ngày trước đã cam kết thì cụ sẽ về quê ở Hà Bắc (nay là Bắc Ninh và Bắc Giang) tìm họ hàng cầu cạnh giúp đỡ. Ước muốn về cuối đời của bà già này là giữ được chỗ để ban thờ, bài vị của cha ông”.
3 giờ chiều, tôi dời nhà cụ Lét. Cụ cũng khoác chiếc bao dứa lên vai tiếp tục hành trình đi tìm rác. Cụ không quên gửi gắm với tôi “Cụ bây giờ chẳng còn trông cậy vào ai nữa, nếu có cách gì, cháu cố gắng giúp cụ với”. Câu nói và hình dáng của cụ Lét cứ ám ảnh tôi. Không biết sắp tới hai bà cháu cụ sẽ về đâu và sẽ sống ra sao…
Tôi cũng chả biết làm gì giúp cụ Lét ngoài việc kể lại câu chuyện này trong nỗi xa xót khôn nguôi về hai thân phận một già yếu một thơ dại, khốn khó, mong manh giữa đời, những mong nhận được sự chia sẻ của cộng đồng, nhằm giúp bà cháu cụ Lét có một cơ hội mới để tiếp tục cuộc mưu sinh này. Nhất là cháu Sang, cháu còn cả một cuộc đời rất dài phía trước.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Cụ Nguyễn Thị Lét, xóm Đông Sinh xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên; hoặc: báo Văn nghệ Thái Nguyên, phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. ĐT: 0280.3656514; 0280.3758130. Xin trân trọng cảm ơn! |
Anh Thắng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...