Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
16:16 (GMT +7)

Công nghiệp điện ảnh: bao giờ?

Điện ảnh là một trong 12 nội dung phát triển công nghiệp văn hóa. Chính vì vậy, trong Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định “Phát triển điện ảnh Việt Nam theo hướng công nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế”. Từ chiến lược nói trên, công nghiệp điện ảnh được xác định như một ngành mũi nhọn để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu nói trên cần đồng bộ nhiều giải pháp.

Nỗ lực cho một nền công nghiệp điện ảnh

Sau Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Liên hoan phim Châu Á - Đà Nẵng và nay thêm Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (HIFF) sẽ được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2024, cho thấy điện ảnh Việt Nam đã hội nhập với điện ảnh thế giới và đang có những bước phát triển vượt bậc. Không chỉ là điểm đến của các kỳ liên hoan phim, Việt Nam còn là điểm đến của các nhà làm phim thế giới, khi lần lượt các địa danh, phong cảnh, món ăn của Việt Nam xuất hiện trên các tác phẩm điện ảnh đình đám. Sau khi phong cảnh hoang sơ ẩn chứa nhiều hang động đẹp như thể siêu thực của động Phong Nha (tỉnh Quảng Bình) chinh phục được đạo diễn Jordan Vogt-Roberts, để ông quyết định chọn Phong Nha (Quảng Bình) làm bối cảnh cho siêu phẩm “Kong: Skull Island”. Kết quả, thế giới biết đến một Phong Nha (Quảng Bình) kỳ bí mà không kém phần thơ mộng. Nhà sản xuất Alex Garcia đã phải thốt lên rằng: được quay phim tại đất nước Việt Nam với những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp là một đặc ân lớn lao đối với đoàn làm phim chúng tôi”. Và để đáp lại thịnh tình của Phong Nha, đoàn làm phim đã phô diễn một cách toàn diện những vẻ đẹp tiềm ẩn của địa danh nổi tiếng nói trên đến bạn bè thế giới. Một tour du lịch bằng hình ảnh như vậy đã “đốn tim” biết bao tín đồ mê du lịch, thích khám phá. Doanh thu từ Du lịch tỉnh Quảng Bình cho thấy có sự tăng trưởng vượt bậc so với thời điểm chưa có phim Kong.

Công nghiệp điện ảnh: bao giờ?
Cảnh sắc Quảng Bình nổi bật trong bộ phim “Kong: Skull Island” - ngôi làng Tân Hóa, Quảng Bình, Ảnh: Oxalis

Trước phim Kong, Việt Nam từng là điểm đến của nhiều bộ phim bom tấn như: Phim “Người tình” (L'amant) - 1991, được chuyển thể từ tiểu thuyết “Người tình” của nữ tác giả Marguerite Duras, viết về câu chuyện tình có thật của chính tác giả với đại điền chủ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc khi bà còn trẻ. Bộ phim được hãng Cinematic Hongkong tiến hành quay ở Việt Nam từ năm 1986 đến 1990.

Phim “Đông Dương” (Indochine) - 1992, của đạo diễn Régis Wargnier là câu chuyện về đất nước, con người Việt Nam thông qua con mắt của bà chủ đồn điền cao su Éliane Devries (Catherine Deneuve). Bối cảnh phim diễn ra hầu hết ở Việt Nam với những địa danh như Sài Gòn, Hạ Long, Lăng Tự Đức, Tam Cốc. Phim chiến thắng giải Oscar cho “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc” năm 1993. Phim “Pan” - 2015, được quay tại Hang Én - Ninh Bình. Tuy các diễn viên không đến Việt Nam mà chỉ dùng kỹ xảo ghép cảnh, song không thể phủ nhận khung cảnh hoành tráng của Ninh Bình, Hạ Long xuất hiện trong phim. Gần đây nhất là phim “Năm chiến hữu” (tiếng Anh: Da 5 Bloods) - 2019, của Mỹ do đạo diễn Spike Lee thực hiện, bộ phim được quay nhiều cảnh tại Việt Nam như miền Tây sông nước và cảnh đồng quê, rừng vúi miền trung, đặc biệt là có quay những cảnh phố xá Sài Gòn. Phim được phát hành vào ngày 12 tháng 6 năm 2020 trên nền tảng Netflix.

Công nghiệp điện ảnh: bao giờ?
Cảnh trong phim “ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”

Như vậy có thể thấy, với những tiềm năng về phong cảnh, văn hóa… dư địa để Việt Nam trở thành điểm đến của điện ảnh thế giới là rất lớn. Tận dụng những lợi thế này, điện ảnh Việt Nam sẽ có thêm cơ hội học hỏi và giao lưu với điện ảnh thế giới. Đồng thời góp phần quảng bá đất nước, con người Việt Nam qua các thước phim được quay trong các bộ phim bom tấn. Với sự ủng hộ của “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thị trường điện ảnh Việt Nam đã phát triển vượt ra ngoài sự mong đợi khi gặt hái nhiều giải thưởng danh giá tại các kỳ liên hoan quốc tế, khu vực. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận, giải thưởng có, nhưng xuất khẩu phim Việt ra nước ngoài, vẫn còn là ẩn số.

Ghi nhận, thời gian gần đây, nhiều bộ phim Việt Nam đã được xuất khẩu ra nước ngoài, trình chiếu tại nhiều quốc gia có nền điện ảnh hiện đại cho doanh thu nghìn tỷ như phim “Hai Phượng”, “Bố Già”, “Lật mặt”… nhưng con số này được cho là còn quá khiêm tốn và chưa đạt chỉ tiêu xuất khẩu phim Việt ra nước ngoài. Điện ảnh là ngành có tính quốc tế rất cao, doanh thu tác phẩm điện ảnh trên thị trường quốc tế lớn gấp nhiều lần thị trường nội địa. Tuy nhiên, để phát triển thị trường quốc tế cho điện ảnh Việt thì vẫn còn là bài toán khó.

Theo Cục Điện ảnh, để phim Việt xuất ngoại và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, Cục Điện ảnh cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, chiến lược quảng bá phim Việt ra thế giới có vai trò quan trọng và phải thực hiện cùng lúc ở cả 3 cấp độ: một là tham dự các Tuần phim Việt Nam, Ngày văn hóa Việt Nam, các sự kiện văn hóa nghệ thuật theo thỏa thuận, hiệp định, quan hệ ngoại giao… (chọn phim đáp ứng yêu cầu đối ngoại); hai là tham dự các liên hoan phim quốc tế (chọn phim có giá trị nghệ thuật và có tìm tòi mới mẻ); ba là thiết lập thị trường điện ảnh Việt Nam ở nước ngoài (đối với phim có giá trị thương mại, giá trị nhân văn). Đây hầu hết là những kênh chính thống có sự hậu thuẫn của Nhà nước để điện ảnh Việt bước ra biển lớn.

Cần một dòng phim “đối ngoại”?

Sử dụng nghệ thuật, văn hóa như một phương tiện mở rộng biên độ ngoại giao đang trở thành xu hướng mới trong xây dựng mối bang giao giữa các nước. Việc hiểu rõ văn hóa cũng như thị hiếu người dân của quốc gia đó qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong đó điện ảnh được xem là một kênh quan trọng là vô cùng cần thiết. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế nhiều quốc gia đã gắn điện ảnh vào mọi hoạt động hợp tác khác trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế, ngoại giao... Điều này vừa thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh vừa có thể đưa thế giới đến Việt Nam và ngược lại đưa Việt Nam đến với thế giới.

Thực ra, không phải đến thời điểm hiện tại, nhu cầu phát triển điện ảnh và khát vọng đưa điện ảnh Việt ra đấu trường quốc tế mới được chú trọng. Trước đó, nhiều đạo diễn, diễn viên, đã bằng nhiều con đường khác nhau (trong đó có cả việc hợp tác với đạo diễn, diễn viên nước ngoài) để sản xuất, đưa tác phẩm của mình tham dự các kỳ liên hoan quốc tế. Nhưng, những rào cản trong quan điểm làm phim, thẩm định tác phẩm điện ảnh đã vô hiệu hóa nhiều bộ phim dù đoạt giải thưởng danh giá thế giới. Có thể điểm qua số phận của các phim như “Ròm”, “Vợ ba”… sau khi chinh chiến ở đấu trường quốc tế thì đã nằm gọn trong ngăn kéo của nhà sản xuất, chỉ với lý do: trái thuần phong mỹ tục… Đây hầu hết là phim do tư nhân hợp tác sản xuất, và họ chịu trách nhiệm về nội dung, kinh phí, nên việc cấm chiếu, không công nhận giải thưởng… không ảnh hưởng nhiều đến số đông, nhưng cũng bộc lộ không ít bất cập, hay nói đúng hơn là giữa cơ quan quản lý, cấp phép, thẩm định tác phẩm đang có độ vênh với nhà sản xuất, nên cơ hội để quảng bá phim không nhiều. Chính vì vậy, để điện ảnh có thể trở thành ngành công nghiệp, hỗ trợ đắc lực cho du lịch… nhiều đạo diễn, nhà làm phim cho rằng cần xây dựng dòng phim “đối ngoại” với mục tiêu giới thiệu, quảng bá đất nước, con người, truyền thống văn hóa. Song song với đó là đẩy mạnh hợp tác sản xuất phim và cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho nước ngoài cũng cần được đẩy mạnh, nhằm tạo cú hích cho công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh và các ngành dịch vụ liên quan.

Theo Tiến sĩ Ngỗ Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA), Nhà nước cần tỏ rõ vai trò định hướng của mình. Mục đích của định hướng nhằm phát triển hài hòa các dòng phim: phim phục vụ nhiệm vụ chính trị do Nhà nước đặt hàng, phim có giá trị nghệ thuật do Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tài trợ (quỹ do Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Điện ảnh) và dòng phim giải trí thương mại từ nguồn xã hội hóa. Chỉ như vậy mới tạo được sự cân bằng giữa nhiệm vụ chính trị, nghệ thuật và giải trí, tạo diện mạo đa dạng cho điện ảnh Việt, xây dựng vững chắc nền công nghiệp điện ảnh.

Công nghiệp điện ảnh: bao giờ?
Cảnh trong phim “Hai Phượng”

Thị trường điện ảnh là yếu tố nền tảng để phát triển công nghiệp điện ảnh. Tuy nhiên, thị trường điện ảnh trong nước và thế giới chưa thể có điểm tương đồng. Như trên đã dẫn, sự khác biệt trong khâu thẩm định, quan điểm và quan niệm của nhà làm phim trong nước, quốc tế khác nhau, nên đa phần việc làm phim trong nước thường theo xu hướng an toàn. Không có nhiều đạo diễn đi vào những vấn đề gai góc của đời sống, mà thay vào đó, họ chỉ kể câu chuyện đèm đẹp về cuộc sống. Vì vậy, không những không tạo ra được những đột phá, mà còn làm thui chột tài năng của diễn viên, khiến diễn viên thiếu nhiệt huyết không mặn mà với nghề. Ghi nhận thời gian gần đây, nguồn nhân lực điện ảnh chất lượng cao đang có xu hướng cạn kiệt dần do diễn viên không được tiếp tục đào tạo ở nước ngoài, còn đào tạo trong nước, trên nhiều phương diện, chưa đạt yêu cầu về số lượng, chất lượng và cũng chưa bắt kịp thị trường.

Chính vì vậy, để điện ảnh Việt có thể hòa vào dòng chảy chung vẫn còn là một bài toán khó. Mặc dù, sự sôi động của đời sống điện ảnh Việt thời gian gần đây cho thấy những nỗ lực của đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực này là rất lớn. Tuy nhiên, chỉ nỗ lực thôi chưa đủ, cần có cơ chế, chính sách mang tính đột phá không chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mà còn là sự đầu tư vốn một cách toàn diện, để điện ảnh Việt Nam có những điều kiện cần và đủ, vươn ra biển lớn, thực sự trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa tầm nhìn 2030.

Việt Khanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy