Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
05:19 (GMT +7)

Công nghiệp 4.0: “Cuộc chơi” không của riêng ai

VNTN - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - công nghiệp 4.0 (gọi tắt là CN4.0) nghe nói cứ tưởng như ở đâu xa lắm, tận trời Âu, trời Mỹ gì gì đó nhưng thực chất đã bắt đầu “gõ cửa” vào từng lĩnh vực cụ thể của chúng ta rồi. Một anh nông dân giờ đã biết sử dụng điện thoại để điều khiển cả một hệ thống tưới chè tự động; một chủ trang trại đã biết ứng dụng hệ thống nhà kính, trồng thủy canh và vận hành bằng phương tiện điện tử; một chủ doanh nghiệp đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng đầu tư dây chuyền sản xuất công nghiệp mà ở đó người lao động chỉ ngồi thao tác trên màn hình vi tính… Nhưng thế chưa thấm vào đâu, thách thức còn rất nhiều ở phía trước, nhất là đối với ngành công nghiệp - trụ cột của nền kinh tế địa phương.


1. Trong phần này, tác giả bài viết chỉ xin nêu một ví dụ nho nhỏ nhưng khá sinh động về trường hợp một anh nông dân biết ứng dụng công nghệ tiến bộ vào canh tác. Đó là nông dân Đinh Quốc Văn, ở xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương. Gia đình anh Văn là một trong ít hộ làm chè ở Thái Nguyên biết ứng dụng phương pháp trồng chè trong nhà khung bóng kính và sử dụng thiết bị điện tử viễn thông để điều khiển hệ thống phun tưới chè tự động.

Người làm chè thông thường khi muốn tưới mát đồi chè nhà mình phải thao tác qua nhiều công đoạn rất mất thời gian, từ cắm máy bơm, dòng dây và cần ít nhất 1 người đứng tưới. Hoặc nếu có hệ thống tưới đồng bộ thì cũng phải tự tay bật máy và thường trực ở vườn để kịp điều chỉnh và tắt bơm khi đã hoàn tất công việc. Nhưng đối với gia đình anh Văn, việc tưới chè trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều. Ông chủ chỉ cần một thao tác đơn giản là bấm phím điện thoại di động cá nhân, lập tức toàn bộ diện tích chè của gia đình được tưới đồng loạt. “Đây là hệ thống điều khiển máy bơm nước từ xa bằng sóng điện thoại di động. Trong đó, có sử dụng 2 sim điện thoại, 1 chiếc lắp trong bộ điều khiển, chiếc còn lại sử dụng ở điện thoại cá nhân. Trong bộ điều khiển, ngoài sim điện thoại được lắp sẵn còn có một bộ mạch, hệ thống động lực. Bộ điều khiển được cắm với nguồn điện 220V, đầu ra của bộ điều khiển nối với máy bơm nước. Khi muốn máy bơm hoạt động, chỉ cần sử dụng điện thoại cá nhân gọi đến số của sim đã lắp trong bộ điều khiển lập tức nó sẽ tự động kích hoạt công tắc khởi động máy bơm, nước sẽ theo đường ống đã lắp đặt sẵn ở các vườn chè qua pép để phun tưới”. Anh Đinh Quốc Văn giải thích.

Gia đình anh Văn có gần 1 ha chè cành, nhưng lao động chính chỉ có 2 vợ chồng. Anh tính, nếu thuê người làm thì lợi nhuận thấp đi, trong khi không phải dễ tìm được nhân công vừa ý lại cam kết làm việc lâu dài. Qua tìm hiểu sách báo, truy cập mạng internet, tình cờ anh biết được công nghệ điều khiển hệ thống tưới chè bằng điện thoại di động. Ngay sau đó, anh quyết định liên lạc với nhà cung cấp và đặt hàng chuyển về từ thành phố Hồ Chí Minh với kinh phí gần 100 triệu đồng. Ngoài bộ điều khiển mua sẵn, anh đã tự thiết kế và lắp đặt hệ thống ống dẫn tưới tại từng điểm thích hợp trong vườn chè. Cứ khoảng 4m dài đặt 1 pép tưới và ở mỗi vườn chè có nhiều van khóa, mở nguồn nước để chủ động bơm tưới. So sánh thực tế cho thấy, để bơm tưới khoảng 1 ha chè theo cách truyền thống thì phải mất 3 ngày kèm thêm 3 công lao động, nhưng với cách làm của anh Văn chỉ mất một buổi sáng và không tốn công lao động nào. Điều đáng nói là dù ở bất kỳ đâu, kể cả đang đi xa nhiều ngày, anh Văn vẫn có thể tưới vườn chè nhà mình bất cứ lúc nào.

Anh nông dân Đinh Quốc Văn, ở xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương bên vườn chè ứng dụng công nghệ tiến bộ trong canh tác

2. Điều mà anh nông dân nói trên làm được tuy khá mới so với phương pháp sản xuất nông nghiệp truyền thống, nhưng nó không thể đại diện cho một ngành công nghiệp đang đứng trước cơ hội và thách thức đổi mới theo hướng tiến bộ hiện nay. Các nhà chuyên môn cho rằng, tiếng là CN4.0 đã “gõ cửa” từng ngành, lĩnh vực, thậm chí từng nhà, nhưng cũng chưa tác động mạnh mẽ đến mức làm thay đổi ngay tư duy toàn xã hội. Đối tượng chịu tác động mạnh nhất của cuộc cách mạng này chính là cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhưng không phải DN nào cũng quan tâm và thay đổi ngay được.

Ở Thái Nguyên, các ngành công nghiệp như may mặc, điện tử, cơ khí chế tạo, luyện kim đang là đối tượng chịu tác động mạnh. Nỗi lo về tụt hậu công nghệ, suy giảm sản xuất, dư thừa lao động trình độ thấp làm phá vỡ thị trường lao động truyền thống, thiếu hụt nhân lực trình độ cao là điều hiển nhiên. Một DN chuyên sản xuất gang thỏi của tỉnh lo lắng cho rằng, đang không biết làm thế nào nếu bây giờ phải thay đổi hoặc điều chỉnh thiết bị, máy móc để ứng dụng theo công nghệ 4.0. Bởi vì, đơn vị này vừa đầu tư một dây chuyền sản xuất mới của Trung Quốc giá trị lên tới cả trăm tỷ đồng. Nếu thay đổi để thích ứng ngay với công nghệ tiên tiến nhất của châu Âu thì coi như đầu tư ban đầu không hiệu quả, lãng phí, còn nếu không điều chỉnh thì lại lo bị đào thải. Bởi thế, theo suy nghĩ của chủ DN trên, lúc này chưa thể thay đổi ngay theo 4.0 vì thực lực chưa có. Từ đó, chủ DN này cho rằng, DN nào đầu tư dây chuyền sản xuất mới hãy nghĩ ngay đến việc ứng dụng 4.0 nếu không muốn bị tụt hậu trong nay mai.

Một số chuyên gia nhận định, ngay cả công nghệ sản xuất gang thép thuộc Dự án giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đang đầu tư dang dở, đắp chiếu mấy năm nay tiếng là sử dụng công nghệ tiên tiến nhưng ứng với 4.0 thì đều bị coi là quá lạc hậu. Do đó, nếu có bơm thêm tiền cho Dự án này thì cũng không tránh được lãng phí và bất cập.

Qua đây cho thấy, phải hiểu thật rõ những tác động của cuộc cách mạng CN4.0, biết đánh giá, nhận định nó trên cơ sở phù hợp với điều kiện, khả năng của từng DN. Từ đó mới đưa ra quyết định đầu tư thế nào và áp dụng công nghệ mới ra sao. Và nếu chỉ kỳ vọng thôi là chưa đủ mà phải biết phân tích thời cơ, thách thức để đi đến hành động cụ thể.

3. Một số đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang rất tự hào vì có ưu thế về nhân lực với số lượng lao động trẻ dồi dào, trong đó có các công ty may mặc, cơ khí chế tạo, điện tử. Tuy nhiên, khi cuộc cách mạng CN4.0 thực sự thâm nhập sâu vào địa phương thì những ưu thế đó sẽ không còn nữa mà trở thành thách thức đối với DN. Tại sao lại nói vậy? Đơn giản vì đây là những lĩnh vực có thể sử dụng robot hay các dây chuyền tự động hóa để thay thế cho lao động chân tay.

Vấn đề của ngành dệt may là một ví dụ. Có thể thấy, trước đây vì thiếu lao động nên các nước có ngành dệt may phát triển như Mỹ, Anh đã đầu tư các dây chuyền sản xuất lớn tại châu Á, trong đó có Việt Nam (nơi dồi dào nhân công giá rẻ). Nhưng hiện nay, Mỹ, Anh đang tính đến chuyện đưa các nhà máy dệt may công nghệ tự động hóa cao quay về đặt tại nước mình. Do đó, mới đây Tổ chức Lao động quốc tế đã cảnh báo, sẽ có khoảng 86% lao động trong ngành may mặc, da giày của nước ta có khả năng bị thất nghiệp do các DN nước ngoài ứng dụng công nghệ 4.0. Với Thái Nguyên, DN may mặc có số lao động lớn nhất với cả chục nghìn công nhân như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cũng đang đứng trước những thách thức đó. Hiện nay, dù đầu tư các dây chuyền tương đối hiện đại, song đa phần các bộ phận sản xuất của TNG (từ cắt, may, đơm khuy, là, hấp cho đến đóng gói, vận chuyển… các sản phẩm may mặc) dù có máy móc hỗ trợ nhưng chủ yếu vẫn do công nhân thao tác trực tiếp. Trong nhiều diễn đàn về phát triển ngành may mặc, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đều khẳng định, sẽ có chiến lược để thay đổi công nghệ dần thích ứng với điều kiện sản xuất hiện đại của thế giới. Tuy nhiên, vấn đề giải quyết một lượng lớn lao động sau khi mất việc là bài toán không đơn giản.

Tương tự, Thái Nguyên đang có một số DN chuyên gia công, chế tạo chi tiết máy, thiết bị sử dụng nhiều nhân lực như: Công ty CP Phụ tùng máy số 1, Công ty TNHH Nhà nước MTV Diesel Sông Công, Công ty CP Cơ khí mỏ Việt Bắc, Công ty CP Cơ khí Phổ Yên… Những DN này đang sở hữu các dây chuyền công nghệ tương đối tiên tiến, nhưng vẫn chủ yếu sử dụng lao động đứng máy. Các công đoạn tiện, phay, mài dũa các chi tiết máy cũng vẫn phải có bàn tay công nhân mà chưa có robot thay thế. Hay ngay như các dây chuyền hiện đại của Tập đoàn Samsung lắp đặt tại Nhà máy điện tử Samsung Thái Nguyên cũng vẫn phải cần tới cả chục vạn lao động thủ công. Theo chiến lược phát triển lâu dài của Tập đoàn này, lộ trình thay thế dây chuyền cũ bằng công nghệ robot để thích ứng với CN4.0 chỉ trong nay mai. Và khi đó, chưa chắc Tâp đoàn này đã đầu tư tại các nước có nhân công dồi dào nữa mà quay về Hàn Quốc hoặc các nước phát triển khác.

Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG và cả Tập đoàn điện tử Samsung có tiếng là hiện đại nhưng cũng đang đứng trước nhiều thách thức của cuộc cách mạng CN4.0 vì sử dụng quá nhiều lao động thủ công

Do vậy, ngay từ bây giờ khi cuộc cách mạng CN4.0 mới chớm đến chúng ta, rất cần sự quan tâm, chuẩn bị tâm thế và các điều kiện tốt nhất của cộng đồng DN và toàn xã hội. Không nên để “nước đến chân mới nhảy” vì trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt của DN nước ngoài có công nghệ tiên tiến nếu không chủ động, DN địa phương sẽ dễ dàng bị thua ngay trên sân nhà.

Cách mạng CN4.0 được hiểu là thông qua các công nghệ như: Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, tương tác thực tại ảo, mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Đó là những ưu việt, nhưng bên cạnh đó là rất nhiều thách thức, nhất là đối với DN hoạt động ở một số ngành công nghiệp đòi hỏi nguồn nhân lực lớn như may mặc, điện tử, cơ khí chế tạo, lắp ráp ô tô, xe máy, chế biến thủy sản…

 

Nguyễn Nguyễn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước