Cộng đồng Asean cơ hội và thách thức
VNTN - Ngày 31 tháng 12 năm 2015, Cộng đồng ASEAN đã chính thức được thành lập, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của ASEAN. Kể từ nay, các dân tộc ở Đông Nam Á sẽ chung sống, gắn kết, chia sẻ lợi ích dưới một mái nhà chung, đó là Cộng đồng ASEAN. Dù chặng đường phía trước còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta vẫn tin và tràn đầy hy vọng về tương lai tươi sáng của Cộng đồng.
Những bước trưởng thành
Tiền thân của ASEAN là tổ chức có tên gọi Hiệp hội Đông Nam á (ASA), thành lập năm 1961 gồm ba nước Philippines, Malaysia và Thái Lan. Ngày 8 tháng 8 năm 1967, khi các Bộ trưởng Ngoại giao của 5 nước (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, và Thái Lan) gặp gỡ tại Băng Cốc Thái Lan đã ra Tuyên bố ASEAN, thường được gọi là Tuyên bố Băng Cốc để sát nhập ASA cùng với Indonesia và Singapore thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á (ASEAN). Brunây tham gia ASEAN năm 1984 sau khi giành được độc lập từ tay người Anh. Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 và là thành viên thứ 7 của tổ chức này. Lào và Myanma gia nhập ASEAN năm 1997; Cămpuchia trở thành thành viên thứ 10 của ASEAN vào năm 1999.
Từ khi ra đời đến nay, ASEAN không chỉ thay đổi về tầm vóc địa lý và sức mạnh kinh tế mà tính chất của tổ chức này cũng dần dần thay đổi. Khi mới ra đời, mục tiêu công khai của tổ chức này là tăng cường hợp tác kinh tế, văn hoá - xã hội giữa các quốc gia thành viên, nhưng thực chất là đối phó với tác động của chiến tranh Việt Nam, ngăn chặn nguy cơ chủ nghĩa cộng sản (cả từ bên ngoài và bên trong). Hiện nay, ASEAN đã trở thành một trong những tổ chức hợp tác khu vực thành công nhất thế giới, có vai trò quan trọng đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Đông Nam á và trên toàn thế giới.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak (bên trái, đứng) trao tài liệu đã ký kết về việc thành lập Cộng đồng ASEAN cho Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh (phải, đứng)
tại Kuala Lumpur sáng 22/11/2015. Ảnh AP
Trong thời gian gần 50 năm kể từ khi thành lập, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đó là việc mở rộng quy mô tổ chức: Từ 5 nước ban đầu thành một Hiệp hội bao gồm 10 nước Đông Nam á, với dân số khoảng 600 triệu người, chiếm 8,8% dân số thế giới; diện tích 4,5 triệu km2, tổng thu nhập quốc nội (GDP) khoảng 2.000 tỉ USD. Nếu coi ASEAN là một thực thể duy nhất, ASEAN được xếp vào hàng 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới. ASEAN với 10 thành viên đã làm thay đổi căn bản về chất của Hiệp hội cũng như tình hình Đông Nam á; góp phần chấm dứt sự chia rẽ và đối đầu giữa các nước ở khu vực Đông Nam á, tạo dựng mối quan hệ mới giữa các quốc gia thành viên trên cơ sở các nguyên tắc của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN (TAC), hợp tác song phương và đa phương ngày càng chặt chẽ; thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực. ý tưởng ASEAN với 10 nước Đông Nam á đã được đề cập ngay từ khi tuyên bố thành lập ASEAN, nhưng mãi đến năm 1984 khi kết nạp Brunây, tiến trình này mới bắt đầu được khởi động. Năm 1992, khi Việt Nam và Lào tham gia TAC và trở thành quan sát viên của ASEAN thì quá trình này mới thực sự bắt đầu và được hoàn tất vào tháng 4 năm 1999 sau bốn lần mở rộng. ASEAN cũng từng bước mở rộng phạm vi hoạt động. Hợp tác nội khối ngày càng mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả chính trị - an ninh, kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật, môi trường... tạo khuôn khổ và nền tảng vững chắc cho việc gia tăng liên kết khu vực, hỗ trợ tích cực cho các quốc gia thành viên trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời thích ứng quá trình khu vực hóa và toàn cầu hóa. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 9 tại Bali, Indonesia (năm 2002) đã xác định việc thành lập một Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột: Cộng đồng An ninh (ASC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hoá - Xã hội (ASCC). Đáng chú ý, hợp tác về chính trị - an ninh được chính thức thừa nhận công khai tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần đầu tiên năm 1976, nhưng sau khi vấn đề Cămpuchia được giải quyết, ASEAN chú trọng hơn đến đẩy mạnh hợp tác về kinh tế. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-13 (Singapore, tháng 11/2007), các Lãnh đạo ASEAN đã ký thông qua Hiến chương, đồng thời ra Tuyên bố thể hiện quyết tâm hoàn tất phê chuẩn để Hiến chương có thể đi vào hiệu lực ngày 15/12/2008. Sau khi Hiến chương ra đời, Cộng đồng An ninh được đổi tên thành Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC). Cùng với đẩy mạnh hợp tác nội khối, ASEAN còn tăng cường và mở rộng quan hệ đối thoại với các đối tác bên ngoài. ASEAN khởi xướng và giữ vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế hợp tác khu vực; tranh thủ được sự ủng hộ, hợp tác và hỗ trợ từ bên ngoài, mang lại nhiều lợi ích thiết thực phục vụ mục tiêu duy trì hòa bình và phát triển của ASEAN. Các diễn đàn/cơ chế hợp tác khu vực đã được thành lập như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF); Diễn đàn đối thoại của ASEAN với các đối tác như Nhật Bản, Trung Quốc (ASEAN+1); Diễn đàn đối thoại ASEAN và ba nước là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc (ASEAN+3); Hội nghị Thượng đỉnh Đông á (EAS), Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Liên minh châu Âu (ASEM) ; Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)... Tuy ASEAN có nhiều điểm yếu như tiềm lực kinh tế còn hạn chế so với các cường quốc, cơ chế hợp tác lỏng lẻo, nhưng do có vị thế đặc biệt nên tất cả các nước đều thừa nhận vai trò trung tâm của ASEAN tại các diễn đàn này. ASEAN đã trở thành một đối tác của các cường quốc không chỉ về chính trị mà cả về kinh tế. ASEAN đã ký Hiệp định mậu dịch tự do (FTA) với Trung Quốc, Nhật Bản, ấn Độ và Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Vận hội và những thách thức
Bước sang một trang mới trong lịch sử, ASEAN đang đứng trước nhiều vận hội mới và có nhiều thuận lợi trong việc thực hiện các mục tiêu xây dựng Cộng đồng.
Thứ nhất, việc xây dựng Cộng đồng ASEAN nằm trong lợi ích của các quốc gia thành viên. Tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đều có quyền lợi gắn liền với việc xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN mạnh, đoàn kết và có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Thứ hai, các nước ASEAN có tiềm lực kinh tế nhất định, có các nền kinh tế phát triển vào loại năng động nhất thế giới, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực trẻ dồi dào và vị trí địa-chiến lược quan trọng trên thế giới.
Thứ ba, vị thế của ASEAN với các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng được nâng cao. Các nước trên thế giới đều ủng hộ việc xây dựng Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ và năng động. ASEAN có rất nhiều đối tác để hợp tác trong việc phát triển hội nhập khu vực.
Tuy nhiên, để xây dựng Cộng đồng ASEAN theo đúng nghĩa của nó, ASEAN còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới, đặc biệt là việc thực hiện các mục tiêu hội nhập.
Khi gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, lao động cần chuẩn bị tâm thế tốt
Nguồn: Internet.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng so với yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới vẫn còn nhiều hạn chế. Mức độ liên kết khu vực của ASEAN còn thấp, nên hiệu quả hợp tác còn hạn chế, chịu tác động và chi phối của nhiều nhân tố trong và ngoài khu vực. Đó là sự khác biệt về chế độ chính trị - xã hội, chênh lệch về trình độ phát triển, đa dạng về các lợi ích quốc gia, dân tộc…làm cho sự đoàn kết và hợp tác của ASEAN chỉ có thể đạt được mức độ nhất định và luôn bị thách thức. “Sự thống nhất trong đa dạng” chủ yếu dựa trên cơ sở có chung lợi ích quốc gia; trong nội khối thường xuất hiện xu hướng “ly tâm”, “đi đêm” với các nước ngoài Hiệp hội trên một số vấn đề, kể cả về chính trị, an ninh và kinh tế, nhất là trong bối cảnh các nước lớn đang ngày càng can dự sâu hơn vào khu vực. Việc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 (AMM-45), tổ chức tại Cămpuchia (2012) không ra được Tuyên bố chung và gần đây nhất, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng tại Malaysia cũng không ra được Tuyên bố chung là sự đáng tiếc và không phản ánh được nỗ lực của quá trình trao đổi và kết quả tích cực đã đạt được trong các Hội nghị của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.
Vũ Khanh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...